Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Núi Cấm – điểm du lịch kỳ thú

Vùng Bảy Núi (An Giang), từ lâu đã được nhiều du khách biết đến vì có 7 ngọn núi trập trùng, đẹp nổi tiếng, đó là: Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước và Núi Dài Năm Giếng, trong đó, núi Cấm là ngọn núi mà du khách thường ghé thăm mỗi khi đến với vùng Bảy Núi.

Thị trấn An Châu cách thành phố Long Xuyên khoảng 7km. Từ thị trấn An Châu, theo tỉnh lộ 941 khoảng 45km về phía tây, du khách sẽ tới thị trấn Tri Tôn. Rẽ phải và đi tiếp khoảng 7km nữa, du khách sẽ tới núi Cấm.

Đường lên núi Cấm
Núi Cấm hay còn gọi là núi Ông Cấm có tên chữ là Thiên Cấm Sơn (nghĩa là một ngọn núi đẹp), nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngọn núi cao nhất (cao 716m) và hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn.

Theo truyền thuyết, trước kia, nơi đây rất âm u, hiểm trở và có nhiều thú dữ ăn thịt, do vậy mà người dân trong vùng không dám lên núi săn bắn, hái lượm. Một truyền thuyết khác cho rằng, Nguyễn Ánh đã từng trú ẩn ở đây và truyền lệnh cấm dân chúng không được đi lại trong khu vực này. Hai lý do này lý giải tại sao ngọn núi này lại có tên là núi Cấm.

Ngày nay, núi Cấm đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng nhờ có địa thế và các điểm du lịch đẹp.

Theo sách của các nhà phong thủy, do vùng Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ - nơi mà có khí âm dương hội tụ nên núi Cấm là một Long huyệt; thêm vào đó, nơi đây bao giờ cũng được che phủ bởi một lượng lớn cây rừng (theo số liệu thống kê, rừng ở Bảy Núi có khoảng 815 loài thực vật, điển hình như: thạch tùng, tuế, dương xỉ, thông, ngọc lan…), cho nên khí hậu ở núi Cấm mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm trong khoảng từ 18 đến 24ºC.

Ngoài môi trường thiên nhiên lý tưởng, núi Cấm còn nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp như: vồ (ngọn đồi nhỏ) Bồ Hong, vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm, Vồ Bạch Tượng, suối Thanh Long và một số công trình kiến trúc nổi tiếng như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, tượng Phật Di Lặc, khu du lịch Lâm Viên…

Vồ Bồ Hong: Đây là một ngọn đồi nhỏ cao 716m, cao nhất trong các ngọn đồi ở núi Cấm. Nhờ độ cao này mà núi Cấm được xem là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long. Tương truyền, trước đây có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống nên gọi là Vồ Bồ Hong. Trên Vồ này có tượng thờ Ngọc Hoàng, hàng năm, rất đông người đến tham quan và chiêm bái.

Ngay bên dưới Vồ Bồ Hong là hang Ông Hổ. Theo người dân nơi đây cho biết, cái hang này trước kia có hổ trú ngụ nên có tên như vậy. Hiện nay rất ít người xuống hang vì đường đi khá hiểm trở.

Vồ Thiên Tuế: Đây là một ngọn đồi nhỏ cao 541m. Trước kia, khu vực này có rất nhiều cây thiên tuế sinh sống, chúng mọc thành rừng. Tương truyền, Nguyễn Ánh, niên hiệu Gia Long (1802 -1819) đã từng đặt doanh trại ở đây để trốn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn, vì để đảm bảo an toàn cho nhà vua, lúc đó người ta gọi “trại” là Vồ, tức Vồ Thiên Tuế.

Hiện nay, ở Vồ Thiên Tuế còn lưu lại một hiện vật chứng minh nơi đây đã có sự hiện diện của vua Gia Long như: ghế vua ngồi.

Vồ Đầu: Ngọn đồi nhỏ này cao 584m và là đỉnh cao đầu tiên ở núi Cấm tính từ phía bắc.

Vồ Bà: Ngọn đồi này cao 579m, có điện thờ Bà Chúa Xứ.

Vồ Ông Bướm: Ngọn đồi này cao 480m. Tương truyền trước kia có hai người Khmer tên Ông Bướm và Ông Vôi lưu lạc đến đây nên mới có tên là Vồ Ông Bướm. Vồ Bạch Tượng: Đây là một tảng đá lớn có hình giống con voi đứng uy nghi bên sườn núi.

Suối Thanh Long: Đây là con suối nước khoáng bắt nguồn từ lưng chừng núi. 
Chánh điện chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh: Chùa tọa lạc trên một sườn núi, ở độ cao 550m, phía trước là hồ Thủy Liêm rộng lớn có sức chứa 60.000m3 nước, bao quanh cả khu vực này là rừng cây trái.

Ngôi chùa này là do Hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang - đệ tử của tổ Phi Lai thuộc dòng Lâm Tế, khai sơn năm 1929. Lúc đầu chùa chỉ là một am nhỏ được làm toàn bằng cây lá đơn sơ, bởi vậy mà nó có tên là chùa Lá. Năm 1940, chùa Lá được đổi tên thành chùa Vạn Linh. Năm 1995, chùa được Đại đức Thích Hoàng Xuân thiết kế, xây mới theo lối kiến trúc cổ truyền phương Đông, nổi bật nhất là ba ngọn tháp uy nghi, trầm mặc, được đặt tại ba vị trí khác nhau ở phía trước tiền đường, đó là: tháp Quan Âm 9 tầng, cao hơn 35m (ở chính giữa), tháp Hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang 3 tầng (ở bên phải) và tháp chuông 9 tầng với quả đại Hồng chung nặng 1,2 tấn (ở bên trái).

Ngoài kiến trúc của ba ngọn tháp, phần chánh điện cũng làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của ngôi chùa. Đây là một nhà cao và khá rộng với Điện Phật được bày trí tôn nghiêm, chính giữa có đặt tượng đức Phật Thích Ca được tạc bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do điêu khắc gia Hoàng Hữu thực hiện vào năm 1997. Hai bên tượng đức Phật Thích Ca có đặt hai phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng cũng được tạc bằng đá do Phật tử Diệu Nghĩa (Việt kiều Úc) cúng dường năm 1996.

Chùa Phật Lớn: Ngôi chùa này được ông Bảy Do (Cao Văn Long) tạo dựng vào năm 1912 trên một khoảng đất nằm gần đỉnh núi Cấm, sau này người ta có tu sửa lại. Được gọi là chùa Phật Lớn là vì trong chùa có thờ một tượng Phật rất lớn, cao gần 2m và cái tên này để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở núi Cấm.

Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm
Tượng Phật Di Lặc: Bức tượng này được xây dựng trên đỉnh núi Cấm, có chiều cao hơn 33,6m, nặng khoảng 600 tấn, trong tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách. Đây là bức tượng đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) công nhận là bức tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam.


Khu du lịch Lâm Viên - Núi Cấm: Khu du lịch này nằm dưới chân núi về phía đông, có diện tích khoảng 100ha. Nơi đây có các dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí đa dạng như: nhà hàng Kaolin - phục vụ các món ăn đặc sản vùng Tây Nam Bộ, đờn ca tài tử, sân chơi cho trẻ em...

Du khách đến với núi Cấm, nhất là vào mùa xuân, sẽ thấy cảnh đẹp ở đây thật tuyệt vời: cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xum xuê... Trên các vồ núi cao, buổi sáng sớm sương trắng giăng đầy, buổi trưa nắng vàng dịu dàng xuyên qua từng kẽ lá, buổi chiều tối mây bay là đà vương đầu núi và đêm về trời se se lạnh…, pha lẫn trong khung cảnh nên thơ đó là bản hòa ca đan xen giữa tiếng thác đổ, tiếng suối reo và tiếng chim gọi bạn tìm nhau… Đây đúng là một vùng thủy tú sơn kỳ mà đã được giới báo chí và nhiều du khách ví như Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam.

Từ trên đỉnh núi Cấm, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp xung quanh, phía xa xa là vùng Hà Tiên Thập Cảnh và biên giới Tây Nam.

                                                                                                      Thanh Hải biên tập
                                                                                                                                       (Nguồn: TITC)

Khu di tích lăng Mạc Cửu


Nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, khu di tích lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là ông Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên.

Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước Đông Nam Á. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8/1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.


Khu di tích gồm phần đền thờ dòng họ Mạc và phần lăng mộ. Đền thờ nằm ở chân núi Bình San, được nhà Nguyễn cho xây dựng để tưởng nhớ công ơn khai phá mảnh đất Hà Tiên của dòng họ Mạc. Trước đền thờ là 2 ao lớn nở đầy hoa sen mà trước kia Mạc Cửu đã cho đào để lấy nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Ở hai bên cổng đền thờ là 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng:

Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh
Tạm dịch:


Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ
Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu
Bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Bên trong  chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông do những người dòng họ Mạc được coi như những tiểu vương tại Hà Tiên. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ.
Đi theo một con đường bậc thang lên núi Bình San, du khách sẽ tới phần lăng mộ với hơn 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt: khu 1 là lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, khu 2 là lăng mộ các phu nhân, khu 3 là lăng mộ các quan và khu 4 là lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc. Lăng mộ ông Mạc Cửu nằm ở vị trí cao nhất trong khu 1, có hình bán nguyệt và được khoét sâu vào núi. Mộ được xây theo thuật phong thủy, lưng tựa vào núi, mặt quay ra biển và ở 2 bên mộ có 2 vị tướng bằng đá đứng canh giữ. Khi xây lăng mộ cho cha, con trai trưởng của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích đã mang đá ở bên Malaixia về để lát.
Nằm trên đỉnh núi Bình San là đàn xã tắc, nơi hành lễ cúng tế trời đất của Hà Tiên xưa và nay. Nền đàn xã tắc có hình bát quái lớn màu đỏ, ở giữa màu đen, tâm vàng, trên đặt 1 lư hương lớn bằng đồng. Vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm, các đàn cúng sẽ được lập nhưng mỗi năm lại khác nhau về giờ cúng.


Núi Bình San đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia vào 21/1/1989. Và để ghi nhận công lao của ông Mạc Cửu trong việc khai phá Hà Tiên cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10m vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu - thị xã Hà Tiên.


                                                                                                   Bài: Thúy Hằng, Ảnh: Đạo Dũng
                                                                                               (Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch)

Áo dài – trang phục truyền thống Việt Nam

Chiếc áo dài Việt Nam mang nét đẹp truyền thống, chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, làm tôn vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt Namvà được nhiều người nước ngoài ưa thích. Áo dài đã đi sâu vào trong lòng con người Việt Nam. Áo dài là một biểu tượng văn hóa dân tộc của người ViệtNam.


Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu,
dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa,
thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi
”.

Áo dài, chiếc áo cổ truyền thướt tha mang đậm nét dân tộc của con người Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, chiếc áo dài truyền thống luôn là niềm tự hào của người Việt Nam.

Áo dài Việt Nam có từ rất lâu. Vào thế kỷ 18, phụ nữ Việt Nam vẫn mặc váy. Nhưng vào năm 1744 dưới triều đại nhà Nguyễn, Vũ Vương, một viên quan cai trị phía Bắc miền Trung Việt Nam đã có ý yêu cầu thay đổi trang phục cho đàn ông lẫn đàn bà theo kiểu áo buộc giây hoặc cài nút xẻ phía trước với quần dài phủ giầy. Những năm sau đó vào thời Pháp thuộc, từ chiếc áo tứ thân buộc giây đã được cải biến thành chiếc áo dài hai tà và được mặc với quần ống rộng dài.

Hình ảnh chiếc áo dài, khăn đóng đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ nông thôn cho đến thành thị. Theo lệ thường, mỗi khi làng nước có việc hệ trọng, gái trai ra đình đều vận khăn đóng áo dài. Gái thì áo dài hoa, đầu đội khăn gấm; trai thì áo dài nhiễu đen, đầu quấn khăn đóng đen (có nơi gọi là khăn xếp), bậc cao niên trưởng thượng thì áo và khăn đỏ có in hình chữ “Thọ”, còn lũ trẻ nhỏ thì áo dài xanh, đỏ, vàng trông rất ngộ nghĩnh và đẹp mắt… Nói chung, áo dài không phân biệt hèn sang, già trẻ, ai ai cũng đều có thể mặc được, đặc biệt là trong các dịp lễ tiết quan trọng, nhất là dịp Tết đến xuân về. Bộ áo dài khăn đóng, gái mặc thì thướt tha, thùy mị; trai mặc thì nền nã, trang nghiêm. Chính vì vậy mà trong các việc lớn như giỗ chạp, ma chay, cưới xin, hội làng, ngày Tết… người ta đều dùng đến nó.


Có lẽ vì sự phổ biến này nên áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam. Bộ trang phục này càng thú vị hơn khi đó là trang phục cho cả nam và nữ. Áo dài may cho nữ thường bó sát người, có tà xẻ cao; còn cho nam giới bao giờ cũng rộng rãi.

Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, áo dài vẫn mang nét riêng của mình để không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác. Chiếc áo dài ngày càng được cải tiến theo nhiều kiểu lạ và đẹp với nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà.

Trải qua thời gian và năm tháng, bộ trang phục truyền thống áo dài vẫn tồn tại và phát huy được thế mạnh của mình trong đời sống văn hóa và được coi như là “quốc phục” của Việt Nam.

Không chỉ trong các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp Việt Nam không thể thiếu áo dài, chiếc áo dài Việt Nam đã có mặt ở các sự kiện lớn, cuộc thi sắc đẹp quốc tế và nó được đón nhận với sự trân trọng và ưa thích. Áo dài đã được chọn làm bộ trang phục cho các nguyên thủ mặc khi đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội. Năm 2007, Hoa hậu Trái đất đến từ các nước đã bị hấp dẫn bởi trang phục dân tộc đặc sắc này và các Hoa hậu đã có dịp rạng rỡ khoe sắc với tà áo dài và nón lá tại TP.Hồ Chí Minh.


Trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà 2009 (Mrs. World Peagant 2009) tại Việt Nam khác biệt duy nhất so với những cuộc thi đã diễn ra từ nhiều năm nay chính là ở phần thi trình diễn áo dài Việt Nam, trong phần mở đầu của đêm chung kết tất cả các thí sinh xuất hiện trong trang phục áo dài của nước chủ nhà. Theo ông David Z.Marmel, Chủ tịch Tổ chức Mrs. World Peagant, tà áo dài Việt Nam từ lâu đã nhận được sự mến mộ của nhiều du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp tha thướt, dịu dàng và tôn vinh vóc dáng đẹp của người phụ nữ. Không chỉ Hoa hậu của các nước mà ngay cả bản thân ông cũng đã rất háo hức chờ đợi màn trình diễn áo dài của các thí sinh.

Vừa qua trong "Ngày Việt Nam tại Tây Ban Nha" vào trung tuần tháng 12/2009, 30 mẫu thiết kế của nhà thiết kế David Minh Đức đã được khoe sắc tại châu Âu. Áo dài Việt Nam đã được biểu diễn tại kinh đô thời trang Milan (Italy) vàMadrid (Tây Ban Nha). Bộ sưu tập đã cung cấp cho bạn bè quốc tế cái nhìn bao quát về quá trình hình thành, phát triển của trang phục dân tộc Việt, từ áo dài cổ xưa cho đến hiện nay, từ hình ảnh cô thôn nữ đến các nữ sinh đến trường, hay những buổi dạ tiệc và đặc biệt, hình ảnh chiếc áo dài cách tân để mặc trong các nghi lễ cưới hỏi. 30 bộ áo dài được chọn giới thiệu lần này nằm trong dự án 1.000 mẫu áo chuẩn bị cho đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Hình ảnh những sinh viên duyên dáng thướt tha trong bộ áo dài đồng phục đang đạp xe hoặc bước bộ trên đường đến trường, trông thật quyến rũ. Và đây cũng là điều gây ấn tượng đặc sắc cho du khách đến Việt Nam. Người nước ngoài đến Việt Namkhông chỉ thích ngắm mà còn rất thích mặc áo dài. Ở các lễ hội, nhiều du khách và các nghệ sĩ nước ngoài khi đến dự và biểu diễn cũng đã chọn mặc áo dài và thấy rất thích thú. Áo dài là món quà kỉ niệm mà nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là các thiếu nữ, đã chọn khi ở Việt Nam. Tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là phố cổ Hội An (Quảng Nam) nổi tiếng với những hiệu chuyên may áo dài phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch. Khách hàng còn có thể chỉ cần tìm hiểu qua website, gửi thư điện tử cho một hiệu may bất kỳ sẽ có được một bộ áo dài ưng ý.

Ngày nay ở Việt Nam, chiếc áo dài truyền thống không chỉ xuất hiện trong những dịp trọng đại như Tết cổ truyền dân tộc, các lễ hội, các hội nghị, tiếp khách nước ngoài, trình diễn nghệ thuật, sinh nhật, đám cưới, lên chùa… mà cả trong ngày thường, nhất là ở các cơ quan ngoại giao, giáo dục, hàng không, bưu điện, du lịch, dịch vụ…

Phương Anh (tổng hợp)

Cao Sơn - Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc

Cách thị trấn huyện lỵ Mường Khương, Lào Cai 25km, Cao Sơn nằm trong cao nguyên cổ, địa hình chủ yếu là đồi núi với khí hậu trung bình từ 15-18ºC, quanh năm sương mù bao phủ. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Tu Dí, Bố Y...

Cùng có đặc điểm khí hậu như SaPa, nhưng Cao Sơn lại mang vẻ hoang sơ, mộc mạc, chưa có nét ồn ào của du lịch chuyên nghiệp như SaPa. Đến với Cao Sơn là đến với một không gian khoáng đạt của núi rừng, những bạt ngàn sa mộc và những nương ngô mọc chen đá núi, cảm giác ngột ngạt của mùa hè biến mất, nhường chỗ cho sự bình yên, mát dịu.


Hơn 100 năm về trước, người Pháp đã đặt chân đến Cao Sơn và họ định chọn nơi đây làm khu du lịch nghỉ dưỡng cùng với Sa Pa, dấu tích còn để lại là đồi người Pháp ở La Pán Tẩn cách Cao Sơn 8 cây số. Dải đất cao nguyên này còn bảo tồn được khu rừng già với các loại cây gỗ, cây thuốc quý. Sự đa dạng sinh học cùng với sự phân bố phong phú hệ thống hang động sông suối đã tạo cho Cao Sơn một vẻ đẹp thiên nhiên say đắm.

Du khách có thể khám phá Cao Sơn bằng hai cách. Một là đi theo đường bộ từ thành phố Lào Cai đến Mường Khương rồi đi Cao Sơn. Hai là đi theo tuyến du lịch đường sông Bảo Nhai - Cốc Ly, khám phá đôi bờ sông Chảy. 

Vị trí Cao Sơn được một số công ty du lịch chọn làm điểm đến khi khai thác các tua đi Bắc Hà và Sa Pa. Nó độc đáo ở cảnh sắc vùng cao, chợ phiên và sắc màu văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây. 
 Chợ phiên ở Mường Khương
Trong hành trình đến Cao Sơn, các tua du lịch thường được tổ chức vào đầu tuần vì ở thời điểm này có nhiều chợ phiên vùng cao. Nếu đi theo tuyến Bảo Nhai – Cốc Ly, tham gia chợ phiên Cốc Ly (vào thứ 3 hàng tuần). Nếu đi SaPa rồi qua Lào Cai đi Cao Sơn sẽ qua 2 phiên chợ Lùng Khấu Nhin (vào thứ 5), và chợ Cao Sơn (vào thứ 4). Phiên chợ ở Cao Sơn vẫn còn giữ nguyên bản sắc văn hoá của chợ phiên vùng cao. Đến đây, du khách được biết đến nhiều sản vật địa phương như vải rừng, đậu cô ve, rau cải mèo… Rau ở đây được gọi là “siêu sạch” bởi người vùng cao chỉ trồng rau không có thâm canh, không phun thuốc trừ sâu hay thuốc bảo quản. Ngoài ra, du khách có thể mua những đặc sản mang thương hiệu “Mường Khương” về làm quà như: lạp xường, thịt treo, đậu xị, tương ớt hay gạo Séng Cù...

  Du khách quốc tế tham quan chợ phiên ở Mường Khương

Đến Cao Sơn ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, thăm thú cảnh sắc, du khách sẽ được tham gia khám phá làng bản văn hoá. Với “tracking tour” khách du lịch sẽ được tản bộ thăm thú những bản định cư của người Mông với những nếp nhà độc đáo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt thường ngày và những nét văn hoá riêng có của những tộc người vùng cao Mường Khương. 

 Ecolodge ở Cao Sơn
Các du khách, đặc biệt là người nước ngoài thường rất thích thú và bị cuốn hút trước những trang phục của dân tộc Mông, Nùng, Dao… Họ hứng thú ghi vào kỷ niệm những bức ảnh, những thước phim để mang về quê hương. Du khách có thể đi bộ vào bản Ngải Phóng Chồ thăm kiến trúc độc đáo của những nếp nhà trình tường đất, những chiếc sào phơi váy Mông sặc sỡ, xoè ô, những chiếc cối xay ngô đơn sơ đậm vẻ hoang sơ... Tất cả như tô thêm vẻ đẹp riêng có của Cao Sơn.

Trang phục của dân tộc Mông (bản Ngải Phóng Chồ)

Mỹ Hạnh (TTTTDL) biên tập

Giang Mỗ - nét đẹp bản Mường


Bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) được biết đến như một điểm du lịch văn hoá cộng đồng hấp dẫn. Không gian yên bình ở Giang Mỗ khiến nơi đây trở thành chốn dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tạm lánh không khí ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị.

Từ TP. Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 86km, du khách sẽ tới địa phận xã Bình Thanh. Con đường Tây Tiến chạy dọc xã sẽ dẫn du khách tới bản Giang Mỗ nằm nép mình dưới bạt ngàn núi rừng, ruộng nương.

Bản Giang Mỗ có hơn 100 hộ dân đều là người dân tộc Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản chính là những nếp nhà sàn cổ kiểu con rùa (nhà rùa). Theo truyền thuyết, thủa xưa, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van xin vị Lang đừng giết, đổi lại rùa sẽ mách bảo cách làm nhà sàn để ở. Rùa nói: “Bốn chân tôi là bốn cột, hai mai tôi là hai mái nhà, xương sống tôi là đòn nóc, chặt cây lim làm cột, lạt buộc bằng cây giang, cỏ gianh dùng để lợp mái”. Câu chuyện này được coi là nguồn gốc sự ra đời của nhà sàn người Mường.

Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản Mường, được dựng ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà gồm 3 tầng, trong đó tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng (gầm nhà sàn) thường để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Kiến trúc nhà sàn có thể lớn, nhỏ khác nhau nhưng cửa chính, cầu thang, máng nước sinh hoạt và cối đuống thì phải đặt đúng vị trí. Cửa chính được dựng ở phía trước của ngôi nhà. Cầu thang phải có số bậc lẻ và không được đặt thẳng với cửa chính mà phải dựng vào một cái sảnh gỗ và vuông góc với đòn nóc của nhà. Máng nước sinh hoạt được đặt ở bên trái sàn nhà và cối đuống đặt ở đầu hồi nhà.

Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, người Mường ở đây vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ được làm từ gỗ, tre hoặc nứa như: khung dệt vải, cung, nỏ, dụng cụ làm nương rẫy... hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.


Đến với Giang Mỗ, du khách có thể dạo bước trên con đường nhỏ chạy dọc bản để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, xanh ngát một màu của cảnh vật nơi đây; dừng chân tại bất kỳ ngôi nhà sàn nào để tìm hiểu về văn hóa bản Mường, nghe gia chủ thổi sáo ôi, chơi đàn bầu bên vò rượu cần thơm nức; trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày cùng dân bản như: chăm sóc gia súc, gia cầm, làm rẫy, săn bắn, hái lượm…; xem dân bản biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc Mường cổ trong âm thanh của tiếng chiêng, trống, sáo ôi, đàn bầu...; nghe các thiếu nữ Mường giới thiệu về nghề dệt và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: quần, áo, túi xách, khăn…; thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như: xôi nếp nương, xôi cẩm, thịt lợn luộc bày trên lá chuối, cá suối đồ cùng rượu cần...

Người Mường ở Giang Mỗ với bản sắc văn hóa riêng biệt, lòng hiếu khách và nụ cười thân thiện sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Phát triển du lịch cộng đồng ở Giang Mỗ ngoài việc tạo việc làm, nâng cao đời sống cho dân bản còn góp phần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình, thu hút một lượng lớn khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến tham quan mỗi năm.

                                                                                           Thanh Hải (TTTTDL) biên tập

Tờ Nùng - nét đẹp vùng núi rừng Tây Nguyên


Nếu có dịp đến với Gia Lai, du khách sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn có thể tham gia nhiều tour du lịch homestay ở các bản làng dân tộc để tìm hiểu về tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây. Trong đó, làng Tờ Nùng của người Gia Rai ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro là một trong những điểm du lịch homestay đang thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước.

Từ Tp. Pleiku, đi theo quốc lộ 19 khoảng 69km về phía đông, du khách sẽ tới thị trấn Đắk Pơ. Từ đây rẽ phải vào tỉnh lộ 662 khoảng hơn 30km sẽ tới làng Tờ Nùng. Ấn tượng đầu tiên du khách cảm nhận được khi đến làng là khung cảnh bình dị mang đậm nét văn hóa của một buôn làng dân tộc vùng núi rừng Tây Nguyên với kiến trúc nhà rông, nhà sàn (nhà ở) truyền thống.

Nhà rông là linh hồn của làng và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: hội họp; lễ hội, xử kiện, đón khách…Bởi vậy nhà rông phải được dựng trên khu đất rộng ở trung tâm làng. Kiến trúc nhà rông thường đồ sộ, bề thế với chiều dài 10m, rộng 4m, cao khoảng 16m. Mái nhà hình lưỡi rìu cao vút. Trên các vì kèo có nhiều hoa văn trang trí cách điệu miêu tả các truyền thuyết, đời sống sinh hoạt ở buôn làng, các con vật.., trong đó nổi bật là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Trong nhà rông có một nơi để thờ vật thiêng như: con dao, hòn đá, sừng trâu… và khu trưng bày hiện vật mô phỏng đời sống văn hóa của dân làng như: cồng, chiêng, hình tượng người, voi… Nhà rông chính là nơi thể hiện trình độ hội họa, điêu khắc cũng như sự thịnh vượng của buôn làng.

Cùng với nhà rông, nhà sàn của người Gia Rai cũng mang những nét văn hóa đặc sắc, gồm hai kiểu: nhà dài và nhà ngắn.

Nhà dài thường có chiều dài từ 13 đến 15m, chiều rộng từ 3,5 đến 3,8m và được phân thành 2 gian. Gian mang dành cho các sinh hoạt chung như: đón khách, uống rượu cần, đánh cồng chiêng; còn gian óc dành cho các sinh hoạt riêng của chủ nhà. Ngăn giữa hai gian là một hàng cột, kế bên là bếp để cúng Yàng. Khách đến chơi nhà chỉ được vào gian mang, không được vào gian óc nên kiến trúc nhà dài bao gồm hai cầu thang, một dành cho khách ở gian mang và một dành cho chủ nhà ở gian óc.

Nhà ngắn thường có chiều dài không quá 9m, chiều rộng không quá 3m, cao khoảng 4,5m. Phía trước nhà có cầu thang lên cửa chính. Giữa nhà là nơi tiếp khách. Nơi sinh hoạt của gia đình chủ nhà được bố trí ở phía bên trái nhà. Trong nhà có thể đặt những bộ chiêng, ché để thể hiện sự sung túc của gia chủ.

Đến với Tờ Nùng, du khách có thể tìm hiểu về phong tục, tập quán địa phương; trải nghiệm các sinh hoạt thường ngày cùng cư dân bản địa như: chăm sóc gia súc, gia cầm; làm rẫy; săn bắn; hái lượm; nấu rượu cần; dệt vải. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội xem người dân địa phương biểu diễn những vũ điệu dân gian, các bản trường ca nổi tiếng như: Đăm San, Xinh Nhã, Đăm Di… dưới hình thức hát thơ, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên…

Cùng với bản sắc văn hóa độc đáo và con người Gia Rai hiền hòa, mến khách, Tờ Nùng sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Tham gia du lịch cộng đồng ở Tờ Nùng là dịp để du khách trải nghiệm những nét văn hóa riêng có nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
                                                                                               
Thanh Hải (TTTTDL) biên tập

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

NHỮNG DẶN DÒ CHO NGÀY PHỎNG VẤN VISA MỸ

Để chuẩn bị tốt nhất cho ngày phỏng vấn và trách những sơ xuất không đáng có ảnh hưởng đến tâm lý khi tham dự phỏng vấn, cũng như tránh mất thời gian của Quý khách và Viên chức Lãnh sự. Quý khách vui lòng đọc kỹ những dặn dò dưới đây cho ngày tham dự phỏng vấn:
A. Trước khi qua cửa bảo vệ:
  • Quý khách có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn giờ hẹn nhiều nhất  20 phút.
  • Toàn bộ cuộc phỏng vấn, bao gồm các bước nộp hồ sơ, lấy vân tay, phỏng vấn, có thể kéo dài vài giờ đồng hồ hoặc có thể kéo dài sang buổi chiều cùng ngày nếu giờ hẹn của quý khách rơi vào khoảng 10h - 11h sáng. Quý khách vui lòng chuẩn bị về mặt thời gian.
  • Quý khách không được phép mang những thiết bị điện tử (như điện thoại di động, radio, máy ghi âm, máy tính, PDA, máy quay phim, máy ảnh, máy casstte, v.v.) vào bên trong Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Để tiết kiệm thời gian, Quý khách nên để các thiết bị này ở nhà hoặc trong ô tô/xe máy. Quý khách cũng có thể gửi các thiết bị này ở phòng bảo vệ trong thời gian phỏng vấn.
  • Quý khách cũng không được phép mang những vật dụng có thể gây cháy, nổ hoặc có tính sát thương như dao, kéo, vật nhọn bằng kim loại...
  • Đại sứ quán/Lãnh sự quán không có điều kiện cung cấp chỗ đỗ ô tô/xe máy cho Quý khách nên Quý khách phải tự thu xếp sao cho tiện lợi nhất.
  • Quý khách có thể được yêu cầu trình phiếu hẹn phỏng vấn tại cổng bảo vệ, vì thế Quý khách nên chuẩn bị sẵn sàng để tránh mất thời gian
B. Trong phòng chờ Lãnh sự:
  • Tại Lãnh sự quán Mỹ ở Tp.Hồ Chí Minh: Nộp "những giấy tờ bắt buộc phải có" và lấy số thứ tự. Quý khách nhớ giữ phiếu số thứ tự này kể cả sau khi phỏng vấn xong để đối chiếu sau này trong trường hợp cần thiết. Trình tự này sẽ ngược lại tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội: tức là Quý khách sẽ lấy số thứ tự từ máy tự động trước rồi sau đó mới nộp hồ sơ khi được gọi.
  • Khi nộp hồ sơ: Nếu đi cùng gia đình, cả gia đình cùng lên nộp hồ sơ khi số đầu tiên được gọi.
  • Sau khi có số thứ tự và đã nộp hồ sơ. Quý khách ngồi chờ được gọi để lấy dấu vân tay.
  • Xem hướng dẫn lấy vân tay chiếu trên TV hoặc treo trên tường.
  • Sau khi lấy dấu vân tay Quý khách sẽ quay lại ghế ngồi chờ gọi số thứ tự để phỏng vấn. Người Mỹ sẽ phỏng vấn (thông thường sẽ có phiên dịch, nhưng đa số viên chức Lãnh sự đều có thể hỏi và nghe trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt).
  • Viên chức lãnh sự sẽ gọi số theo mức độ phức tạp của từng trường hợp chứ không nhất thiết theo thứ tự.
  • Nếu đơn xin visa được chấp thuận, Quý khách sẽ được cấp một phiếu EMS và đến quầy EMS trong phòng chờ để làm thủ tục nhận lại hộ chiếu cùng visa qua đường bưu điện. Phí EMS là 30.000 đồng/hộ chiếu (Hà Nội) hoặc 50.000 đồng/hộ chiếu (ngoại tỉnh).
  • Khi điền địa chỉ để EMS gửi visa qua đường bưu điện, Quý khách lưu ý ghi địa chỉ nào mà Quý khách có mặt thường xuyên nhất để nhận visa chứ không nhất thiết phải ghi địa chỉ theo như trong đơn xin cấp visa.
  • Nếu bị từ chối cấp visa, Quý khách sẽ được trả lại hộ chiếu cùng những giấy tờ cần thiết khác ngay sau cuộc phỏng vấn.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam.


Tượng đài “Bến Tàu không số” ở thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong – Đồ Sơn, Hải Phòng

Trước tình hình địch đẩy mạnh chiến tranh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết về “nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.


Gọi là "tàu không số" nhưng thật ra các tàu đều có số hiệu tại đơn vị, chỉ khi tiến hành thâm nhập vào miền Nam để tiếp tế vũ khí, đến hải phận nào thì sẽ thay biển số của nơi đó.

Ngày 8/4/1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 chở vũ khí dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), đến ngày 16/10 tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam-Bắc.

 Di tích lịch sử quốc gia - Tàu không số Vũng Rô – Phú Yên


Khai thông con đường đã khó, việc giữ bí mật con đường càng khó khăn hơn, bởi phải trải qua chặng hành trình trong khu vực biển địch kiểm soát, tàu địch lùng sục gắt gao. Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho đồng bào miền Nam, các chiến sĩ hải quân đã phải dày công nghiên cứu, đấu trí, đấu sức tìm ra phương thức vận chuyển độc đáo. Từ ngày đầu bằng những phương tiện thô sơ thuyền gỗ gắn máy, trọng tải nhỏ, đi dọc theo ven biển, đã phát triển lên các đội tàu sắt, có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra biển. Địch phong tỏa gần bờ, các chiến sĩ hải quân đi trên vùng biển xa; địch phong tỏa đường biển dài, ta đi phân đoạn, đồng thời khéo léo ngụy trang, nghi binh, bí mật thọc sâu vào bến nhanh chóng và bất ngờ, khi thời cơ đến thì tập trung toàn lực, dốc sức cho nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. 



Công trình Khu di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô - dự án phục vụ kỷ niệm Phú Yên 400 năm gắn với Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011
Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu  đưa từ miền Nam ra và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, lực lượng vận tải biển của hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường khu 5 khốc liệt, đến tận cửa ngõ Sài Gòn vận chuyển vũ khí chi viện cho tiền tuyến đánh giặc.

14 năm ấy, những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, vây ráp, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách, ra đi là xác định cảm tử. Từ năm 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, huy động được gần 2000 lượt chiếc tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được. Hành trình của những “con tàu không số" trên biển đã đến bao nhiêu bến, bãi dọc bờ biển Việt Nam, có sự đóng góp công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh ven biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre...

Đài kỷ niệm những con tàu không số tại ngã ba Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre
Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam với nhân dân các địa phương ven biển. Chiến công anh hùng của các chiến sĩ hải quân là thể hiện trình độ tác chiến chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và các cơ quan tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần theo một hệ thống đảm bảo, hệ thống thông tin vô tuyến điện và tín hiệu thông suốt từ Sở chỉ huy đến từng con tàu hành trình trên biển và lực lượng ở các bến bãi.


Nhà trưng bày Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển – Bến Vàm Lũng (Cà Mau)


Đoàn 125 Hải quân với tên gọi "Đoàn tàu không số" là lực lượng trực tiếp vận chuyển trên con đường biển mang tên Bác đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân", xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Mưu trí dũng cảm, khắc phục khó khăn, vận tải đường biển, chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng". Ngày 23/10 hằng năm trở thành ngày truyền thống mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân.
Ngày nay những ai có dịp đến Đồ Sơn (Hải Phòng) đều có thể thăm di tích cảng quân sự bí mật K15 đánh dấu cột mốc Hải lý đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển, với tượng đài “Bến Tàu không số” ở thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong. Giữa màu xanh của núi đồi Đồ Sơn trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích K 15 là biểu tượng anh hùng ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng  chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa.
Tượng đài tưởng niệm Đoàn tàu không số ở Ngọc Hiển, Cà Mau
Tại Cà Mau – đích đến của các đoàn tàu không số, tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được xây dựng tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Tượng đài chính cao hơn 10m, khắc họa lại hình ảnh con tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ chiến trường miền Nam, với những chiến sĩ bộ đội vững chắc tay lái cập bến Vàm Lũng (Ngọc Hiển - Cà Mau). Hai bức phù điêu hai bên tượng đài chính mô phỏng hình dáng hai con tàu đang vượt sóng, với những họa tiết minh họa các hoạt động bốc xếp vũ khí xuống xuồng ba lá, chuyển đến chiến trường, có sự hỗ trợ, tiếp sức của đồng bào và tái hiện lại những trận đánh tàu giặc oanh liệt của Đoàn 125, những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Nam bộ. Ngoài ra, khu tượng đài còn có nhà trưng bày truyền thống lịch sử để du khách tìm hiểu về con đường huyền thoại này.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử, những bến tàu trên tuyến đường này như bến tàu không số K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), bến tàu không số Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu), bến tàu không số Vũng Rô (Phú Yên), bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã trở thành những khu di tích lịch sử thu hút nhiều du khách và một số nơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

Phương Anh (Tổng hợp)

Sóc Sơn – vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh

Vào mỗi dịp cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ tết, không ít du khách đã tìm về những làng quê yên bình, những đền chùa, miếu mạo để tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng đãng và tìm kiếm những phút giây thư thái, thanh tịnh trong tâm hồn. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía bắc, Sóc Sơn là một địa điểm thú vị cho những chuyến dã ngoại cuối tuần khi du khách muốn tìm về với du lịch văn hóa, tâm linh.
Cảnh đẹp non nước hữu tình của Sóc Sơn

Thuộc địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, quần thể di tích đền Sóc nằm trải dài từ chân núi lên đến đỉnh núi Vệ Linh, bao gồm các công trình: đền Trình, chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng, tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Quần thể di tích này gắn liền với với huyền thoại Thánh Gióng từ thuở hồng hoang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp vừa cổ kính, thâm nghiêm, vừa thơ mộng, hữu tình của một vùng núi đồi bao la, thoáng đãng, bốn mùa cây cối xanh tươi.
                   

Nằm ngay dưới chân núi Vệ Linh, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm, đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng, huyền bí. Bên trong đền còn lưu giữ những pho tượng cổ rất đẹp. Đặc biệt, trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những hoạ tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Bên cạnh đền Trình là chùa Đại Bi . Ngôi chùa nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo, từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong đền treo nhiều hoành phi, câu đối lộng lẫy và uy nghiêm. Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu - nơi thờ mẹ Thánh Gióng – gồm 3 gian, 2 nếp xây tường hồi bít đốc. Cảnh đền thanh tịnh, nghi ngút khói hương.
Đền Sóc
Nằm ở lưng chừng núi Vệ Linh là đền Sóc (còn gọi là đền Thượng), nơi thờ Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tương truyền, sau khi đánh thắng giặc Ân, tới chân núi Vệ Linh, ngài đã để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi và cưỡi ngựa sắt bay về trời. Được xây dựng từ năm 980, đền Sóc mang đậm phong cách cổ của Phật giáo với kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Ngôi đền gồm 5 gian hai chái; phía trong là hậu cung - nơi đặt tượng thờ Phù Đổng Thiên Vương, đôi ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Đức Thánh cưỡi để dẹp giặc Ân cùng tượng bốn vị quan đã từng phò giúp ngài.
                                 
Từ đền Sóc, tiếp tục leo lên đỉnh núi Vệ Linh ở độ cao 302m, du khách sẽ thấy tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, nặng 85 tấn, được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tượng khắc hoạ hình ảnh Thánh Gióng tay cầm gậy tre, cưỡi trên lưng tuấn mã trong tư thế chuẩn bị bay vút lên trời xanh. Đứng ở vị trí này, Đức Thánh có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần "hộ quốc an dân" trường tồn cùng mảnh đất thiêng Thăng Long - Hà Nội.
Lên đỉnh núi Vệ Linh, du khách còn có dịp ghé thăm nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến. Phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông tựa như chiếc mũ sắt của Đức Thánh Gióng năm xưa. Đặc biệt, tại đây còn có bia đá ghi lại lịch sử hình thành đền Sóc và lễ hội đền Sóc, giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của quần thể di tích này.   
Đền Sóc không chỉ là quần thể di tích linh thiêng thờ vị thánh của dân tộc, mà còn là một khu du lịch văn hóa, tâm linh đặc biệt của thủ đô. Năm 1962, quần thể di tích đền Sóc đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử  - văn hóa cấp quốc gia.  
Chùa Non Nước
Cùng nằm trên núi Vệ Linh, ở độ cao 110m so với mực nước biển, chùa Non Nước(có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) là một trong những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi. Được xây dựng từ thời Tiền Lê, ngôi chùa gắn liền với vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam - Khuông Việt Đại Sư. Theo thuyết phong thủy, chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục, nằm ở chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai nhìn xuống phong cảnh làng quê bên dưới. Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền chùa cũ, theo kiến trúc chùa cổ gồm 7 gian 2 chái; hoạ tiết, hoa văn được trang trí cũng theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê. Khuôn viên chùa rộng rãi, tôn nghiêm với phong cảnh hữu tình, thanh tịnh. Đặc biệt, chùa có pho tượng Phật bằng đồng đúc liền khối, nặng 30 tấn, cao 6,5m. Bức tượng được đánh giá là một công trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam.
Dời quần thể đền chùa ở khu vực núi Vệ Linh, đi khoảng 2km đến xã Hiền Ninh, du khách sẽ được tham quan một “bảo tàng” ngoài trời độc đáo, mang đậm phong cách dân dã của người Việt, đó là Việt Phủ Thành Chương. Đây là một trong những công trình kiến trúc, nghệ thuật lưu giữ những giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt.
Việt Phủ Thành Chương
Được xây dựng từ tháng 8/2001 và hoàn thành vào năm 2009, Việt Phủ có diện tích hơn 10.000m², lưng dựa vào núi Sóc, kề bên là hồ Kẻo Cả quanh năm nước trong xanh. Từ cổng chính, đi qua con đường lát gạch Bát Tràng, du khách sẽ vào bên trong Việt Phủ với hàng chục ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà truyền thống ở nhiều vùng miền khác nhau: nhà Thanh Tĩnh bằng gỗ lim của người Công giáo vùng Nam Định; nhà sàn cổ của người Mường ở Hòa Bình; nhà Tường Vân tiêu biểu cho phong cách của tầng lớp quan lại dưới thời nhà Nguyễn tại kinh đô Huế; nhà Đại Khoa được làm bằng gỗ xoan, đặc trưng cho kiến trúc của vùng đất Kinh Bắc xưa; nhà Long Đình được thiết kế mang dáng dấp của một ngôi đình, nơi khách tham quan có thể ngồi thưởng trà, ngắm sen và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian cổ truyền như: ca trù, quan họ, chèo, chầu văn, múa rối nước...; nhà nghỉ chân dành cho du khách được làm bằng gỗ, lợp cói khô… Ở trung tâm của Phủ còn có một tháp nước cao 25m được xây dựng theo kiến trúc chùa Dâu.
Trong Việt Phủ trưng bày nhiều hiện vật cổ bằng đồng, gốm, sứ có từ các thời kỳ: Đinh, Lý, Trần, Lê. Ngoài sân trưng bày rất nhiều vật dụng đặc trưng của người nông dân Việt Nam  như: chum nước, vại sành, cối giã gạo, cối xay thóc, cày, cuốc, nơm lờ, thúng, mủng, dần, sàng… Ngoài ra, đến đây, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn dân dã của người Việt tại khu nhà ẩm thực, như: nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc...
Với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành, cùng những di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc sắc, Sóc Sơn đã trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của thủ đô.
                                                                                     
Phạm Phương (TTTTDL)

QUAN HỌ BẮC NINH (DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ)




Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội … với một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những "liền anh", "liền chị" hát quan họ và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.


Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Muốn hát quan họ phải có "bọn": "bọn nam" hoặc "bọn nữ". Vì vậy trong một làng quan họ thường có nhiều "bọn nam" và "bọn nữ". Mỗi "bọn" thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên theo thứ tự: chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu hoặc anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Nếu số người đông tới 7, 8 người thì đặt tên là chị Ba, chị Tư (bé) hoặc anh Ba, anh Tư (bé)… mà không đặt chị Bảy, Tám hay anh Bảy, Tám. Trong các sinh hoạt quan họ, các thành viên của "bọn" quan họ không gọi nhau bằng tên thật mà gọi theo tên đặt trong "bọn".

Hát quan họ là hình thức hát đối đáp giữa "bọn nam" và "bọn nữ". Một "bọn nữ" của làng này hát với một "bọn nam" của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. "Bọn hát" phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp thành một giọng để tạo ra một âm thanh thống nhất. Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là thể thơ và ca dao của Việt Nam, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp với từ ngữ giàu tính ẩn dụ, trong sáng, mẫu mực. Đây là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca là thể hiện tình yêu lứa đôi. Lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha v.v…

Quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội riêng. Đầu tiên là tập quán "kết chạ" giữa các làng quan họ. Từ tục "kết chạ", trong các "bọn" quan họ xuất hiện một tập quán xã hội đặc biệt là tục kết bạn quan họ. Mỗi "bọn" quan họ của một làng đều kết bạn với một "bọn" quan họ ở làng khác theo nguyên tắc quan họ nam kết bạn với quan họ nữ và ngược lại. Với các làng đã "kết chạ", trai gái trong các "bọn" quan họ đã kết bạn không được cưới nhau.

Một điểm khác biệt của quan họ Bắc Ninh so với các loại hình dân ca khác ở Việt Nam trong việc truyền dạy là tục "ngủ bọn". Sau một ngày lao động, "bọn" quan họ, nhất là thiếu niên nam, nữ từ 9 đến 17 tuổi thường rủ nhau "ngủ bọn" ở nhà ông/bà Trùm để tập nói năng, ứng xử, giao tiếp, học câu, luyện giọng, và nhất là phải biết bẻ giọng, ứng đối kịp thời. Yêu cầu đặt ra với tục "ngủ bọn" là "liền anh" và "liền chị" phải ghép đôi và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau để đi hát.

Nói đến quan họ Bắc Ninh là nói đến ẩm thực quan họ. Đã là trầu quan họ thì phải là trầu têm cánh phượng hoặc trầu têm cánh quế, chè phải là chè Thái Nguyên. Cơm quan họ dùng mâm đan nghĩa là mâm gỗ tròn sơn đỏ, còn gọi là "mâm son", vừa trang trọng vừa thể hiện tình cảm thắm thiết của chủ nhà đối với khách. Các món ăn trong bữa cơm phụ thuộc vào tập quán của từng làng nhưng phải có một đĩa thịt gà, hai đĩa giò lụa, thịt lợn nạc, đặc biệt không dùng thức ăn nhiều mỡ để tránh hỏng giọng.

Trong quan họ, trang phục của "liền anh" và "liền chị" có sự khác biệt. Trang phục của "liền chị" gồm nón ba tầm hoặc nón thúng quai thao, khăn vấn và khăn mỏ quạ, yếm, áo, váy, thắt lưng, dép. Trang phục của "liền anh" gồm khăn xếp, ô lục soạn, áo cánh bên trong và áo dài 5 thân bên ngoài, quần, dép.

Vào lúc 16h55 ngày 30/9/2009 tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ủy ban UNESCO đã công nhận quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại dựa trên các giá trị văn hóa, giá trị lưu giữ tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, phong cách ứng xử văn hóa, ca từ và trang phục. Phạm vi công nhận chính thức gồm có 49 làng quan họ phân bố như sau: tỉnh Bắc Giang có 5 làng là Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ; tỉnh Bắc Ninh có 44 làng là: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài Trung, Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám, Tam Sơn, Tiêu, Đông Mai, Đông Yên, Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ổ, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khả Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An, Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ổ, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn.

ĐỊA CHỈ THƯỞNG THỨC QUAN HỌ:

Hội Lim
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được mở từ ngày 12 đến 14 tháng giêng Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 13 là chính hội, thường được kéo dài trong khoảng thời gian 3-5 ngày (11/1 - 15/1 Âm lịch).

Hội Lim bao giờ cũng gồm 2 phần tách bạch: Lễ và Hội. Các làng Duệ Khánh, Đình Cả, Lộ Bao, Lũng Giang hội tụ thành một đoàn rước từ từ tiến vào trung tâm hội thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của đông hội. Đây là tâm điểm của phần Lễ, hoạt động tế lễ của các đoàn rước chính là chương trình khai hội.

Ngày 13 mới là chính hội. Nhưng từ sớm ngày 12, đồi Lim – trung tâm lễ hội đã tưng bừng với các lán hát Quan họ và các trò chơi dân gian  như: Thi tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, thi cờ người, dệt cửi hội, trò bịt mắt bắt dê và kéo co.

Đến hội Lim, du khách được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HÁT QUAN HỌ BẮC NINH TẠI HỘI LIM:

Hát mời trầu

Hát mừng bạn đến chơi nhà

Hát giao duyên

Hát trên thuyền
Theo vienamtourism.com

Bài đăng Phổ biến