Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Câu chuyện về lông đuôi voi

Voi là động vật tuy có thân hình to lớn nhưng nó vẫn duyên dáng, đáng yêu nhờ những bộ phận đặc biệt trên cơ thể như cặp ngà, cái vòi, đôi tai hay là cái đuôi. Nếu cái ngà, cái vòi là vũ khí để đánh nhau, để voi lấy thức ăn nuôi cơ thể thì cái đuôi nhỏ nhoi là bộ phận giúp voi trong đấu tranh sinh tồn.
Cái đuôi cũng góp phần cho con voi chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường để tồn tại. Cái đuôi phe phẩy ở phía sau để giúp voi xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi và giúp quạt mát trong lúc nóng nực. Mỗi con voi thường có chiếc đuôi rất đẹp với sợi lông to dày, bóng mượt. Càng về phía đuôi thì bộ lông càng dày rậm. Lông đuôi mọc ra theo kiểu đối xứng hai bên, giống như rẻ quạt. Trong tự nhiên, hiếm khi voi bị cụt đuôi. Tuy nhiên, cánh thợ săn cũng đôi lần cũng bắt được những chú voi cụt đuôi. Năm 1995, thợ săn voi ở xã Ea Wel (Buôn Đôn) bắt được một chú voi cụt đuôi và đặt tên là Na Cut sau khi làm lễ cúng voi nhập buôn cho nó. Chú voi lớn lên với chiếc đuôi cụt ngủn nhưng khỏe mạnh, ngoan hiền.
Lông đuôi voi.

Ngày nay, trong đàn voi nhà ở Dak Lak xuất hiện nhiều chú voi cụt đuôi không phải vì lý do tự nhiên như Na Cut mà bị kẻ xấu chặt trộm lấy lông đuôi. Người ta cần lông đuôi voi để làm gì? Xưa kia, theo quan niệm của một số người, lông đuôi voi không những giúp tránh được tà ma chướng khí, thú dữ mà còn giúp chủ nhân của nó có khả năng biết trước những khó khăn, trở ngại trên đường đi để có cách đề phòng. Nghe nói mỗi lần các quan trong triều đình khi đi công cán xa, đến những vùng đất lạ đầy chướng khí, phải vượt núi xuyên rừng thường mang lông đuôi voi bên mình như một thứ bùa hộ mệnh. Thời đó, từ chốn triều đình đến phủ, lỵ, voi không thiếu nên việc tìm chiếc lông đuôi voi không phải là chuyện khó. Sách sử còn ghi rõ voi của dân, của các bộ tộc miền núi liên tục tiến cống cho triều đình rồi từ triều đình phân bổ về cho các địa phương làm nhiệm vụ quốc phòng.
Đối với người M’nông, lông đuôi voi không những đem lại sự may mắn mà còn tượng trưng cho sự chung thủy. Chuyện xưa kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái làng yêu thương nhau đắm say nhưng bị ngăn cản bởi mâu thuẫn giữa hai làng nên họ không lấy nhau được. Chàng trai liền nhờ đến vị thần to lớn nhất ở Tây Nguyên là thần Nguăch ngual (Thần Voi) giúp đỡ để hai người nên nghĩa vợ chồng bởi đồng bào thấy loài voi rất thuỷ chung với nhau. Khi một đôi voi nào đó đã “kết duyên” với nhau thì chúng không muốn xa rời và luôn quấn quít bên nhau. Chuyện lông đuôi voi nối kết tình duyên thực ra chỉ là cách mà đồng bào đưa ra để động viên tinh thần, để những người yêu nhau cùng tin vào hạnh phúc, may mắn. Khi con người cùng tin và có một niềm tin lớn lao (rằng họ được Thần Voi bảo vệ) thì họ có thể dũng cảm vượt qua được những khó khăn bằng chính nghị lực của mình. Đó là niềm tin mang tính tâm linh mà chỉ còn nghe trong các câu chuyện quá khứ.
Voi Na Cut cụt đuôi đang được thuần dưỡng.
Với tình thương yêu dành cho con vật mang lại lợi ích cho mình nhiều nhất, người M’nông luôn chăm sóc, bảo vệ con voi hết mực, hiếm khi họ nhổ lông đuôi voi để bán chác, trao đổi kiếm tiền. Luật tục M’nông quy định: ai nhổ trộm lông đuôi voi phải đền một con heo, mấy ché rượu; ngoài ra phải đền tiền tùy theo mức chủ voi đưa ra có thể từ vài trăm đến cả triệu đồng. Sợi lông đuôi voi bị nhổ trộm sẽ bị đốt trong lễ cúng tạ lỗi với thần Nguăch Ngual. Mặc dù luật tục của đồng bào khắt khe đến vậy nhưng kẻ xấu vẫn bất chấp, chúng không thèm nhổ trộm vài chiếc lông mà liều lĩnh chặt cả cái đuôi của con voi để bán lấy được nhiều tiền hơn. Người ta tin rằng dùng lông voi để xỉa răng hoặc đốt lên lấy muội nhét vào chỗ răng sâu sẽ hết đau nhức. Đặc biệt, lông đuôi voi như là thứ nguyên liệu tinh túy để sản xuất hàng lưu niệm độc nhất vô nhị, chỉ có ở các khu du lịch được mệnh danh là “xứ sở của loài voi, quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng” như nhẫn, còng bằng vàng, bằng bạc với lời đồn thổi rằng chúng có linh nghiệm trong việc trừ tà và mang lại may mắn cho ai đeo nó. Khi đến các quầy hàng lưu niệm ở Tây Nguyên, không khó để tìm những mặt hàng gắn lông đuôi voi, có nơi bày bán nguyên cả chiếc đuôi voi. Một sợi lông ngắn như cái tăm cũng có giá vài trăm nghìn đồng. Sợi càng dài giá càng cao, có khi lên đến cả nửa triệu đồng. Những sợi lông đuôi có màu trắng giá cao gấp đôi so với lông màu đen. Do nhu cầu tiêu thụ lông đuôi voi ngày càng cao, người ta phải sang tận Campuchia, Lào để lùng mua. Lúc khan hiếm thứ nguyên liệu này, kẻ săn lông đuôi voi rình lúc voi nhà được thả rông thì xông ra vặt hoặc chặt trộm. Những con voi ở Buôn Đôn, Ea Súp chính là nạn nhân của vụ chặt trộm đuôi lấy lông. Chúng bị bắn, bị giết, đốt cháy gây trọng thương, tiêu biểu là vụ tàn sát voi Pak Cú tại khu vực thác Bảy Nhánh, huyện Buôn Đôn vào năm 2010 và gần đây nhất là voi Pak Khăm tại Đà Lạt, làm tổn hại cho đàn voi nhà và gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ voi.
Việc chặt trộm đuôi đã làm tổn thương đến sức khỏe và làm ảnh hưởng đến số lượng đàn voi nhà. Chiếc đuôi không còn nữa khiến cho vẻ đẹp và sự hùng dũng của voi cũng mất đi. Mặc dù tình hình nguy hại như vậy nhưng việc tiêu thụ, tàng trữ lông đuôi voi, nhẫn gắn đuôi voi vẫn cứ tiếp diễn ở một số điểm tham quan du lịch tại Buôn Đôn. Du khách đến tham quan nơi đây vẫn hỏi tìm mua lông đuôi voi, nhẫn gắn lông đuôi voi vì hiếu kỳ hoặc vì niềm tin hoang đường vào thần may mắn. Điều này chẳng khác nào họ tiếp tay cho kẻ xấu làm những điều phi pháp, bất chấp sự lên án của dư luận và cộng đồng.
Những con voi bị giết hại ở một số tỉnh, thành trong thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông về ý thức, về chiến lược bảo tồn voi, kêu gọi những người có trách nhiệm đề cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ để không bị mất thêm một con voi nào nữa.
Tấn Vịnh - Annie Eagle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến