Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Hình ảnh con voi ở chùa chiền Việt Nam

Từ xa xưa, dân tộc ta đã biết sử dụng voi phục vụ cho đời sống, đặc biệt là trong việc quân sự. Từ người Việt, Chăm, Khơme cho đến các tộc người ở Tây Nguyên đều có nhiều huyền thoại, truyện cổ lý thú, hấp dẫn về loài voi. Con voi cũng là loài vật gắn bó với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia...
Tượng voi ở chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Các chùa chiền ở Việt Nam và Đông Nam Á đều có tượng voi trang trí làm đẹp cho cảnh quan của mỗi ngôi chùa. Tham quan, vãn cảnh hay đi lễ chùa, ta thường thấy voi chầu ở sân, tiền sảnh, hay cổng chùa, voi đặt ở chính điện để thờ một cách tôn kính. Tranh màu trên tượng còn được vẽ với qui mô lớn miêu tả cảnh Đức Phật thuyết pháp, cảnh niết bàn hay thể hiện cảnh sinh hoạt của con người, phật tử với hình ảnh nổi bật của con voi. Voi xuất hiện nhiều không những vì mục đích làm đẹp, trang trí cảnh quan mà còn vì con voi gắn với Phật tích. Phổ Hiền bồ tát (Samantabhadra) cưỡi voi trắng sáu ngà tượng trưng cho trí tuệ chiến thắng sáu giác quan. Vì voi là con vật khôn nhất trong các loài thú nên theo truyền thuyết, Phật Thích Ca khi nhập vào trong bụng mẫu hậu Sirimahamaya qua hình dáng một con bạch tượng, ám chỉ ngài là một bậc hiền giả giáng sinh.

                                                       Tượng voi ở chùa Hai Voi (Thanh Hóa).


Tượng voi và phù điêu voi có mặt hầu hết ở các ngôi chùa của người Khơme ở Nam Bộ. Chùa của người Việt từ Bắc, Trung, Nam đều có hình ảnh của con voi. Có những ngôi chùa nổi tiếng nhờ vào bóng dáng, tầm vóc của các chú voi. Cá biệt có chùa lấy tên voi để đặt tên cho ngôi chùa như chùa Hai Voi ở Thanh Hóa. Chùa có 2 bức tượng voi đá khổng lồ được nghệ nhân điêu khắc đá xứ Thanh tạo tác dâng cho chùa từ đời vua Cảnh Hưng. Hai tượng voi đá này trở thành hiện vật quí, được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh này. Chùa Phổ Giác phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) nổi tiếng với bức tượng voi uy nghiêm trước sân chùa và đây chính là nơi lưu giữ bức Bi ký Dương Võ ghi lại lịch sử ngành tượng binh của Việt Nam, nơi từng thờ phụng các vị thầy huấn luyện, thuần dưỡng voi trong quá khứ. Chùa Mía ở Hà Nội có bức tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng, đây là bức tượng linh thiêng của chùa. Chùa Đất Sét ở Sóc Trăng có tượng Bạch Tượng được thờ trong điện.

Chùa Dương Long (Nhơn An, An Nhơn, Bình Định) đưa tượng Ganesa vào thờ cúng trong chùa. Bức tượng này được nhân dân phát hiện từ rất lâu, cao 0,57m; ngang vai 0,42m, thể hiện thần Ganesa trong tư thế ngồi. Hình tượng thể hiện đầu voi mình người được trang trí khá hoàn chỉnh với những họa tiết đẹp: cổ đeo vòng hạt chuỗi tròn kết dải, cổ và bắp tay đeo vòng tròn bán khuyên, quanh thân quấn tấm vải mỏng bó sát người. Tượng Ganesa ở chùa Linh Tượng (Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định) khi được phát hiện, người dân địa phương cho đây là điềm lành nên lập chùa thờ thần Ganesa, và chùa có tên là chùa Linh Tượng. Tượng này có kích thước khá lớn, cao 0,8m, ngang vai 0,46m. Tượng đầu voi mình người, với cái đầu to tròn, trán nở, mắt nhỏ dài, mi hai lớp, vòi to vươn về phía trước hơi uốn cong; ngực nở, bụng to, hai tay đưa ra phía trước, một tay để vào chiếc đĩa tròn đặt trên gối; hai chân xếp bằng, dáng ngồi vững chãi.

Hình ảnh của con voi làm cho ngôi chùa thêm đẹp, thiêng liêng, tạo nét độc đáo cho cảnh quan. Con vật thông minh, hiền lành này gắn bó với văn hóa dân gian các dân tộc và là nét nhấn trong đời sống nghệ thuật và tâm linh của các dân tộc Việt Nam.
 
Tấn Vịnh (báo điện tử Daklak)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến