Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

BÌNH ĐỊNH - DANH THẮNG & DI TÍCH

Không có những ngọn núi cao hùng vĩ, những con sông dài rộng mênh mông, nhưng cảnh trí Bình Định thật hữu tình. Núi, sông, trời, biển nơi đây như hoà quyện vào nhau, làm thành một dáng vẻ riêng không lẫn với bất cứ dáng vẻ nơi nào. Ai đã có dịp ghé thăm đều không khỏi thấy bồi hồi xúc động với những kí ức khó quên. Nét duyên dáng, chất nên thơ của thiên nhiên Bình Định khiến cho bất cứ nới đâu trên mảnh đất này đều có dáng vẻ một danh lam thắng cảnh. Thật khó mà tả hết bằng lời vẻ đẹp của Bình Định.

Vượt qua đèo Bình Đê, khi khỏi dãy Thạch Tân trùng điệp ta không tránh khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh ngút ngàn của rừng dừa Tam Quan. Dọc theo bờ biển về phía nam, đến địa phận Phù Mĩ, chưa hết cảm giác ngất ngây được đắm mình trong không gian hoành tráng với biển, núi giao hoà thì cảnh tượng kì thú của một đầm nước mênh mang, giống như một tấm gương khổng lồ phản chiếu lên trời xanh, chợt hiện ra. Đó là:

1. Đầm Trà Ổ

Một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định là hệ thống các bàu, đầm nằm dọc vùng đồng bằng ven biển. Trong số đó, xếp vào hàng danh thắng phải kể đến ba đầm lớn: Trà Ổ, Đạm Thuỷ và Thị Nại. Đầm Trà Ổ nằm trong khu vực của các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ.

Với chu vi ước chừng 20km, đầm Trà Ổ nằm giữa một vùng bằng phẳng ở về phía Đông- Bắc huyện Phù Mỹ. Cánh đồng rộng lớn nằm gọn trong vòng tay của các dãy núi thấp bao bọc ba phía Bắc, Tây và Nam.
Không hiểu vì sao mà đầm có tên là Trà Ổ và trong dân gian còn được gọi là Bàu Bàng. Chỉ biết rằng Bàu Bàng xưa kia vốn là một vịnh nước mặn, ăn thông với biển bằng một dòng chảy đưa nước ra cửa Hà Ra, nơi đã từng có tàu bè qua lại, buôn bán tấp nập. Đến nửa cuối thế kỉ 19, nhà Nguyễn vẫn coi nơi đây là một hải tấn (cửa cảng biển) có đặt trạm thu thuế. Năm tháng qua đi, dòng chảy bị bồi lấp để lại dấu vết trên mặt đất một con lạch nhỏ chỉ có nước vào màu mưa lũ. Đầm không còn chung nhịp thở thuỷ triều với biển nhưng vẫn nhận đều nước nguồn từ núi qua vô số những con suối lớn nhỏ. Nước trong hồ vì thế luôn đầy và ngày tiếp ngày cũng nhạt dần vị muối.
Thứ nước chưa ngọt như sông những cũng không còn mặn như biển của đẩm Trà Ổ đã sinh tạo nên những loại thuỷ sản đặc sắc mà hương vị của chúng không thấy ở bất cứ nơi đâu. Đó là loại cá Chình Mun và Chình Bông, thịt thơm ngon, đậm đà và rất bổ. Tép ở đây rất nhiều. ăn không hết người ta phơi khô để dùng dần và đem đi nơi khác bán. Cho đến nay dân gian vẫn còn truyền lại một câu ca dao dung dị, mộc mạc:


Rủ nhau mua tép Trà Ổ

Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về.

Giữa mặt nước phẳng lặng như tờ, đột ngột nổi lên một cù lao nhỏ, chu vi chưa đầy 80m nhưng cây cối mọc sum suê, um tùm với những tán lá xanh mướt. Theo sử cũ thì nới đây vốn có những “đền miếu nguy nga, cũng là một nơi linh địa” (5)
Đứng trên cao nhìn xuống Trà Ổ và phóng tầm mắt chút nữa ra ngoài khơi xa, cảnh trí thật ngoạn mục. Bên bờ phía đông Trà Ổ là một trảng cát trắng phau, bằng phẳng, mịn màng nằm trải dài trên diềm xanh biếc của nước biển. Trên đó điểm xuyết hai đầm nước nhỏ xinh xắn , một ở mạn Bắc có tên gọi Bình Hồ Hải Đông và đầm nhỏ kia xế về phía Nam có tên là Thuỷ Ki. Ngoài khơi đối diện với cửa Hà Ra có một hòn đảo nhỏ tục gọi là Hòn Khô. Đảo có hình dáng tựa như một con rùa biển khổng lồ đang dập dờn bơi lặn trên sóng nên còn được mệnh danh là Hòn Quy.

Nằm giữa một vùng thiên nhiên có cánh đồng rộng lớn, núi non nhấp nhô trùng điệp, từ đó những dòng suối lớn nhỏ uốn lượn trườn ra, Trà Ổ dịu dàng như một cô gái e lệ. Nhưng những trảng cát trắng trải dài, toả rộng không gian bờ phía Đông ra biển cả bao la với Hòn Quy thấp thoáng ngoài khơi lại cho ta một cảm giác hoành tráng không bến bờ . Thật tiếc cho ai chưa đến được Trà Ổ khi đã một lần đặt chân tới Bình Định.

Phía tây Phù Mỹ, trên sườn dốc núi Chùa, có một ngôi chùa tên gọi chùa Hang từ lâu đã nổi tiếng là một danh thắng.

2. Chùa Hang.

Trong một nhánh núi thuộc dải Trường Sơn ăn ra biển, ở địa phận thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hoà, huyện Phù Mỹ có một khối núi đá mang tên Lí Thạch, giữa lưng chừng núi là danh thắng tên gọi Thạch Cốc tự (chùa hang Đá), sau này còn có một tên khác là Thiên Sanh Thạch tự (Chùa đá trời sinh), nhưng trong dân gian tên gọi phổ biến là Chùa Hang.
Gọi là chùa vì nơi đây có sư trụ trì và đặt bàn thờ Phật chứ thật ra Chủa Hang là một danh thắng thiên tạo.
Núi Lí Thạch nằm giữa một vùng đồng lúa bao la, vườn cây xanh mướt. Đi theo con đường quanh co, Khúc khuỷu, tạo bởi các bặc đá nhấp nhô tự nhiên đã được tu chỉnh bởi bàn tay con người, lên tới lưng chừng núi có một khoảng sân nhỏ không mấy bằng phẳng. Đó chính là cửa hang. Hang quay về phía đông. Ngay trên vòm cửa có một tảng đá cong cong hình mu rùa ở mặt trên và tương đối bằng phẳng ở mặt dưới, dày tới gần 2m chạy dài đến hơn 10m , nhô ra phía trước 5-6m, tạo thành một mái che tự nhiên. Không biết tự bao giờ chùa có những phiến đá tự nhiên ghép lại hình thù giống như cái bàn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa có tới 15 cái bàn vuông, phía trong 3, phía hữu 5, phía tả 5 và tả hữu ngoài cửa mỗi bên một cái, đều có bậc đá. Phía trên chùa có một lỗ thông ra sườn núi, phía dưới chùa có lối đi đến chùa Bắc Hộ.

Đi vào trong, lòng hang rộng chừng 5m, sâu khoảng 20m. Bàn thờ Phật được đặt trang trọng ở phần giữa hang. Trong cảnh tĩnh mịch, âm u, hang biến thành một Phật đường thâm nghiêm, huyền bí. Phía trước bàn thờ Phật có một nhánh hang nhỏ thông xuống phía dưới. Dân gian truyền rằng nhánh hang này thông ra tận biển. Dân địa phương kể lại rằng: đã có người thử lấy một quả dừa khô đem khắc vào làm dấu rồi thả vào hang, ít lâu sau người ta tìm lại được đúng quả dừa ấy ở ngoài mép nước ven biển (!). Hang có đường thông ra tới biển thì thật là khó tin vì từ chùa Hang tới bãi biển gần nhất cũng tới gần 20km, nhưng quả dừa khô lăn xuống mép nước hồ Khánh Hội ở phía Tây núi Chùa là chuyện hoàn toàn có khả năng. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng những câu chuyện đầy vẻ kì bí ấy đã tôn thêm vẻ linh thiêng của chùa.
Phía sau bàn thờ, đường vào hang càng đi càng hẹp lại, đến chỗ chỉ vừa một người lách qua là đường thông lên núi. muốn ngắm nhìn cảnh sắc ngoạn mục có thể trèo lên mái hiên ở cửa hang. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra cả bốn phía, vừa thấy cảnh đá núi nhấp nhô, hiểm trở, vừa thấy được ruộng đồng bát ngát lại bao quát được cả cảnh biển, trời bao la, xa thẳm đến tận chân trời.

3. Suối khoáng Hội Vân

Đi về phái nam, đến địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát có một suối nước nóng đã nổi tiếng từ lâu. Vào nửa sau thế kỉ 18, khi ghi chép về xứ sở Đàng Trong, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng viết: “Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (vào năm Minh Mệnh 13 tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát – TG) có một cái đầm tròn. đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống cũng như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ”. Là hiện tượng thiên nhiên đặc biệt nên các sách địa lí chí đều nhắc đến suối nước nóng này. Sách Đại nam nhất thống chí, 9 quyển nói về Bình Định, ở mục khe nước nóng, chép rằng: “Khe nước nóng ở trong rừng về phía nam huyện Phù Cát, bề dọc 2 trượng (khoảng 8m-TG), bề ngang chừng một trượng, lởm chởm nhiều đá, nước thường bốc hơi như nước sôi, chảy ra hơn 10 trượng khí nóng mới bớt dần. Đến thôn Tân Hoà thì hợp với chằm nước đục mà cùng chảy vào sông Nha Đoài”. Đấy là mô tả của sử cũ. Hiện trạng có thể thấy suối phát nguyên từ vùng núi thấp phía Bắc, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói toả nghi ngút giống như một chảo nước nóng đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc. Chếch xa xa về phái Đông -Bắc là dãy núi Bà hùng vĩ, vào những ngày lạnh trời, nhất là vào những lúc sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mây mờ mờ làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi trời nắng nóng, sương mù tan biến trả lại cho mặt nước một khoản không trong vắt, có thể nhìn thấu những vòi nước phun lên từ đáy, giống như những con rồng đang giỡn đùa giữa dòng nước. Quanh miệng hồ là những dải cát dài trắng mịn làm thành một bãi phơi nắng lí tưởng.

Là một danh thắng du khách có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ ngơi giải trí, Hội Vân còn nổi tiếng và hấp dẫn khách đến từ mọi miền nhờ nguồn nước khoáng thiên nhiên giàu khả năng trị liệu đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Linh thiêng hoá khả năng chữa bệnh của nước suối, dân địa phương đã lưu truyền một sự tích kể rằng, xưa kia, khi Bình Định còn là quốc đô của Champa, trong hoàng tộc có một công nương sắc đẹp mê hồn nhưng bỗng mắc một chứng bệnh kì quái, không một danh y nào có thể chữa nổi. Da dẻ nàng tự dưng nổi mụn xù xì, khiến nàng trở nên xấu xí và vô cùng khổ sở vì ngứa ngáy. Nàng xấu hổ phải suốt ngày dấu mình trong cung cấm, suốt ngày rầu rĩ. Buồn chán vì bệnh tình, công nương héo hon gầy mòn. Phụ hoàng dẫu đầy kho vàng bạc châu báu mà vẫn vô phương cứu giúp.

Rồi đến một ngày, nhân tổ chức một cuộc đi săn trong rừng, vị Quốc vương nọ đã cho con gái đi cùng những mong giúp nàng khuây khoả. Khi đến vùng này thấy trước mặt có một áng mây trắng tụ lại khác thường, quốc vương cho quân lính đi trước dò đường thì thấy một suối nước nóng. Công nương đã xuống tắm ở đây. Và kì lạ thay nàng tự nhiên thấy hết ngứa ngáy, trong người cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nàng xịn với vua cha cho hạ trại, nán lại bên suối một thời gian để được ngày ngày ngâm mình trong dòng nước nóng. Thế rồi, ngày qua ngày bệnh tình của công nương qua khỏi lúc nào không biết. Mọi người cho rằng đó là suối nước mà thần tiên đã ban cho. Chính vì vậy con suối này có tên gọi là suối Tiên.

Đó là truyền thuyết. Còn trên thực tế, chẳng biết tự bao giờ, tiếng đồn về sự linh nghiệm trong chữa trị bệnh tậi của suối nước Hội Vân đã lan truyền đi khắp cả nước. Người ta kéo nhau đến Hội Vân như đi trẩy hội, không chỉ những người có bệnh mà ngay cả những người khoẻ mạnh cũng muốn đến tận nới để mục kích cảnh thần tiên và tắm thử nước suối Tiên. Họ còn múc nước đem về làm quà cho bà con, thân hữu.

Khả năng chữa trị một số bệnh của suối khoáng Hội Vân, thực ra cũng không phải là điều gì huyền bí. Từ thời Pháp thuộc, các nhà chuyên môn đã tới đây nghiên cứu, khảo sát. Trong vòng mấy chục năm qua, ácc nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc khảo nghiệm và đi tới những kết luận khoa học về khả năng trị liệu của nước suối Hội Vận. 

Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1957 đã xuất hiện nhiều bài báo của các tác giả Madrole, D.Sallet, Flendel và H. Fontaine công bố các kết quả nghiên cứu về thành phần của nước khoáng. Năm 1965 công việc này lại đựoc tiếp tục bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ. Từ sau năm 1975 các chuyên gia Bộ y tế cùng với chuyên gia quốc tế đã tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và đưa ra những đánh giá khoa học về nguồn nước tự nhiên này. Đó là loại nước khoáng có nhiệt độ dao động từ 70-800C, vô trùng, chứa khoảng 20 chất khoáng có ích với những nồng độ thích hợp có tác dụng tốt cho việc chữa bệnh. Từ năm 1978 một nhà điều dưỡng đã được xây dựng và trong tương lai không xa tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp nhà điều dưỡng này thành một trung tâm điều dưỡng có tầm cỡ quốc gia với quy mô 300 giường bệnh nội trú. Chắc chắn với cảnh trí thiên nhiên kì thú và nguồn “thuốc tiên” thiên nhiên vô tận này, thắng cảnh Hội Vân sẽ hấp dẫn thêm vô vàn du khách tới thăm.

4. Đầm Đạm Thuỷ - Cửa Đề Gi

Từ Hà Ra suôi về phía Nam, theo một động cát trắng phau chạy dài gần 30km thì gặp cửa biển Đề Gi. nằm trên địa phận xã Cát Khánh, ở về phía Đông Bắc huyện Phù Cát, Đề Gi vốn là một hải tấn quan trọng. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cửa Đề Gi “rộng 11 trượng, thuỷ triều lên sâu 6 thước, thuỷ triều xuống sâu 4 thước. Phía tây có đầm Đạm Thuỷ, thuyền buôn thường đổ ở đây. Theo đơn vị đo lường thời Nguyễn, một trượng bằng 10 thước, tương đương với 4,21m. Như vậy, vào cuỗi thế kỉ 19, cửa Đề Gi rộng chừng gần 50m, lúc nước triều lên cao nước sâu chừng 2,5m và khi triều xuống thấp chỉ sâu chừng 1,7m

Tuy không phải là một cửa cảng rộng và sâu nhưng Đề Gi có hòn Lâm Sơn án ngữ như một tấm bình phong chắn gió từ hướng Bắc tạo thành một nơi trú đậu lí tưởng cho thuyền bè. Nơi đây đã từng có một thời phồn thịnh, buôn bán sầm uất mà dấu tích còn lại là chợ Gành nằm ở phía Tây với những khu vực dân cư tập trung, mang dáng dấp một đô thị cổ. Cách Đề Gi không xa về phía Đông còn mấy hòn đảo nhỏ nằm chơi với giữa biển, trong chẳng khác gì những chú trâu đang lặn ngụp, đùa giỡn cùng sóng biển nên tục gọi là Hòn Trâu.

Cửa Đề Gi nối thông với một đầm nước ở phía Bắc có hình dạng gần giống như một hình chữ nhật với chiều dài xấp xỉ 7km chạy xuôi theo hướng Bắc-Nam và chiều rộng ước chừng non 4km. Đó là đầm Đạm Thuỷ. Vì nối thông với cửa Đề Gi nên đầm Đạm Thuỷ còn có tên trong dân gian là vũng Đề Gi. Đạm Thuỷ là tên Hán-Việt thường thấy trong các thư tịch cổ dùng để dịch nghĩa nôm na cái tên đầm Nước Ngọt mà dân địa phương quen dùng. Không hiểu vì sao và từ bao giờ đầm có tên như vậy, chứ thực ra nước trong đầm rất mặn, mặn đến mức dân trong vuìng có thể lấy nước đầm làm muối. Có lẽ do biến đổi của tạo hoá, cảnh vật đã xoay vần nhưng địa danh đã ngưng chứa những gì đã qua. Không chỉ có đầm nước Ngọt, Bình Định còn có những địa danh khác mà tên không hợp với thực. Ở địa phận huyện Hoài Nhơn có con suối nhỏ chảy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan, nước ngọt như nước nguồn vậy mà cây cầu bắc qua lại có tên Nước Mặn. Dân Bình Định vốn ưa hài hước, trào lộng mới đem những cái tên này gắn cho một tích dân gian, kể rằng, có một người con gái thông minh hay chữ, hát đố thử tài người bạn trai:

Tiếng đồn chàng hay chữ

Tài ngang tú cử

Lại đây em hỏi thử đôi câu:

Ngọt ngay nước chảy dưới cầu

Gọi cầu ‘Nước Mặn” bởi đâu hỡi chàng?

Chàng trai nọ cũng chẳng vừa, không hổ danh là ngwoif hay chữ, bèn đáp:

Thật thà là thói hồng nhan,

Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì,

Mặn chàng nước vũng Đề Gi,

Gọi đầm “Nước Ngọt” lẽ gì hỡi em?

Những câu đối đáp thật thông minh và dí dỏm. Đó là chuyện văn học dân gian. Trong thực tế đã không có ít người cố gắng đi tìm lời giải thích duyên cớ của hiện tượng danh thực “bất trùng phùng” này. Theo cách lí giải của những người này, nước dưới cầu Nước Mặn trước đây vốn mặn thật. Đó thời kì mà sông Tam Quan đáy còn sâu, cửa còn rộng, mỗi khi có triều lớn, nước biển dâng lên tới tận Phụng Du. Theo thời gian, cửa sông hẹp lại và lòng sông bị bồi lấp, đầy dần lên, nước mặn không lên cao được nữa. Nước nguồn chảy ra qua năm tháng đã làm ngọt dòng suối, nhưng tên xưa thì vẫn chẳng đổi thay. Nghe đâu dấu tích nước biển vẫn còn nằm dưới những tần đất sâu. Nếu đào ở vùng quanh cầu chừng vài sải tay thì thấy ngay nước mặn 

Đối với tên Nước Ngọt của đầm Đạm Thuỷ, dân gian lại có cách giải thích khác. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy Tây Sơn, có lần lương ăn, nước uống hết sạch, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Bốn bề toàn cát trắng. Có đầm nước thì lại mặn chằng. Nguyễn Ánh mới ngửa mặt lên trời mà khấn: ‘Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì ban cho nước ngọt”. Dứt lời khấn, Nguyễn Ánh truyền cho quân sĩ đào sấu xuống động cát thì thấy Nước Ngọt. Không biết đó có phải là nguồn gốc đích thực của tên gọi này hay không, nhưng câu chuyện đượm màu sắc huyền thoại ấy có lõi cốt sự thật. Dưới lớp cát dày quanh đầm có nhiều mạch nước ngầm. Cho đến nay dân chúng vẫn có thể đào giếng lấy nước ngọt. Nếu vậy thì Nguyễn Ánh gặp may chứ đâu phải do cầu trời!

Đầm Đạm Thuỷ nổi tiếng vì cảnh đẹp, vì là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, cửa Đề Gi còn được biết đến nhờ một món đặc sản là gỏi cá. Cá ở đây có hương vị ngon đặc biệt. Người ta thường ví gỏi cá Đề Gi với nem Thủ Đức, hải sâm vây cá Nha Trang…những đặc sản được cả nước biết đến.

5. Núi Bà – Đá Vọng Phu

Ở vào phía Nam đầm Đạm Thuỷ, nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát, chóan một diện tích ước chừng trên bốn chục cây số vuông, sừng sững một quần thể núi non mà từ bao đời nay được coi là danh sơn của Bình Định. Đó là núi Bà (Bà sơn). Trong các sách cổ núi Bà còn có tên chữ là Phô Chinh đại sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Núi Bà ở phía đông nam huyện Phù Cát, có tên nữa là Phô Chinh, thế núi cao hùng vĩ, đỉnh núi có phiến đá lớn, bằng phẳng như caí mâm, chân núi có khối đá sừng sững như hình người, dân địa phương lập đền thờ, đảo vũ thường nghiệm”. Quần thể núi Bà có tới trên sáu chục ngọn cao, thấp khác nhau, trong đó nổi bật lên là hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía Đông- Nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900m, là hòn Chuông (Chung sơn) ở phía Tây. Nhìn từ xa, hòn Chuông có hình tròn trặn, trội vượt hẳn lên trông như hình một quả chuông úp. Nếu nhìn toàn cảnh núi Bà thì thấy vùng quanh hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bởi dáng núi như vậy mà người ta đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phô Chinh đại sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng).

Quần thể núi Bà trùng trùng, điệp điệp trông xa như liền mạch, kết khối, nhưng tới gần thì xen giữa các sơn khối nhấp nhô là những thung lũng cây cối tốt tươi, bốn mùa đựơc tưới mát bởi hàng chục khe, suối từ trong nguồn chảy ra. Dân trong vùng cư ngụ, làm ăn sinh sống trong các thung lũng này. Do vị thế hiểm trở, đường đi tới các thung lũng và qua lại giữa các thôn ấp phải vượt qua những đèo lởm chởm đá tai mèo với những cái tên đèo Nhở ở phía Bắc, đèo Lớn (hay còn gọi là đèo Tố Mộ) ở phía Nam, đèo Mũi Đá Giăng ở phía Đông…Núi cao án ngữ gió biển khiến cho những động cát phía Đông dồn lại, lâu ngày nổi lên thành truông, vun lên thành gò. Địa hình đèo núi, cát đống mà thiên nhiên tạo ra như những khó khăn, thử thách với con người sinh sống ở đó, nhưng với tính tình lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, người Bình Định đã thể hiện chúng trong ca dao một cách trữ tình, nên thơ. Một trong những áng ca dao như thế còn lưu lại đến ngày nay là lời đối đáp của một đôi trai gái. Người con gái hát:

Anh về em cũng muốn theo,

Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.

Chàng trai an ủi, vỗ về người yêu.

Đá dăm anh đã lượm rồi, 

Còn truông cát nóng em bồi bùn non.

Núi Bà uy nghi, huyền diệu với bao điều kì bí mà mỗi nơi chốn, mỗi cái tên đều có một sự tích. Ở địa phận thôn Chánh Oai, ttrên một ngọn núi cao, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống như một người đàn bà tay dắt đưa con đang ngóng nhìn ra phía khơi xa. Dân địa phương gọi đó là hòn Vọng Phu. Tác phẩm như có hồn của tạo hoá đã khiến con người phải động lòng. Khối đá xanh đứng hoài dưới nắng mưa, thi gan cùng năm tháng đã biểu tượng cho lòng chung thuỷ của nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian. Nó cũng giống như hòn Tô Thị gần Tam Thanh xứ Lạng. Có điều sự tích vợ ngóng chờ chồng thì mỗi nơi một khác. Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn phải chia lìa với chồng do loạn lạc, chiến tranh. Chồng nàng chẳng biết đang phải trấn thủ, lưu đồn nơi nào mà biệt âm vô tín, khiến cho nàng phải bồng con ngóng đợi cho đến ngày hoá đá. Hòn Vọng Phu ở Bình Định lại là hoá thân của một phụ nữ gặp cảnh đời éo le. Sự tích kể lại rằng, từ thuở xa xưa có một gia đình chỉ sinh được hai ngươì con, một trai, một gái. Lúc còn nhỏ tuổi, người anh lỡ tay làm người em bị vỡ đầu, máu ra lênh láng. Sợ quá, người con trai bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Thế rồi năm tháng qua đi, sự đời trớ trêu lại se kết họ nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc giản dị và êm đềm đã đến với họ, nhất là sau khi hai người sinh hạ được một đừa con. Nào ngờ đến một ngày nọ, người chồng tình cờ phát hiện ra rằng người vợ chính là em gái ruột của mình. Đau đớn và ân hận đến khôn cùng, người chồng đành lặng lẽ bỏ đi không một lời giã biệt. Không mảy may hay biết về duyên cớ ra đi của chồng, người phụ nữ thương nhớ khôn nguôi mới dắt con lên ngọn núi ngóng trông cho đến khi hoá thành đá. Có lẽ chẳng mấy ai tin vào tính xác thực của sự tích huyền thoại này, nhưng nó cứ được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nhắc nhở và gửi gắm vào đó sự cảm phục đức thuỷ chung, một phẩm hạnh có thực của người phụ nữ Việt Nam.

Núi Bà được biết đến nhờ thắng cảnh thiên nhiên kì thú và những nơi linh địa, nhưng sự nổi tiếng của quần thể núi này phần nhiều lại do những gì con người làm ra. Núi Bà đã chứng kiến tất cả những bước thăng trầm của lịch sử quê hương, còn mang trong mình biết bao di tích lịch sử. Nơi đây còn giữ lại những phế tích cổ kính từ thuở Bình Định còn là Chiêm đô, những dấu ấn đậm nét của phong trào Tây Sơn quật khởi và đặc biệt là chứng tích một căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong lòng người dân Bình Định, núi Bà dường như đã trở thành một trong những biều tượng của quê hương, của niềm tin và lòng tự hào.

6. Hầm Hô.

Ở vào địa phận thôn Phú Mỹ trước đây thuộc xã Bình Phú, nay thuộc, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có một danh thắng tên gọi Hầm Hô. Không rõ cái tên dân dã và lạ tai này có tự bao giờ mà ý nghĩa của nó mỗi người giải thích một khác. Có người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô báo cho người chèo bè mảng trên dòng biết sắp tới chỗ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là Hầm Hô. Lại có người giải thích rằng ở miệng Hầm Hô đá mọc lởm chởm, chìa ra giống như hàm răng hô nên có tên ấy (!)

Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần ba kilômét, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nới thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng.. Làm dịu đi vẻ hiểm trở của những vách đa nhấp nhô là những lùm cây xanh mướt. Nhưng bụi sim, mua lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây. Điểm xuyết vào đó là những cây cổ thụ im lìm như đang trầm mặc suy tư. Xa xa là những rừng hoa ngâu đốm vàng với lác đác những khóm Mai trắng ẩn hiện. Cây cối mọc lâu ngày, rễ rủ như tóc xoã, xoi bóng xuống mặt nước lung linh, nới từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước. Các lội ngwocj dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hàng năm Long vương tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô. Con nào vượt qua được sẽ hoá thành rồng, nên cá từ sông Côn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian gọi là thác Cá Bay. Vậy mới có thơ rằng:

Hầm Hô nước chảy trong xanh

Dưới sông cá lội, trên cành chim reo.

Thế nhưng, cảnh đẹp đích thực của Hầm Hô khiến du khách viếng thăm phải sửng sốt về sự tạo hoá của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới ba mươi mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cướng ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Hình dáng thật kì dị của những trụ đá đã chấp cánh cho trí tưởng tượng của bao thế hệ của cư dân nơi đây. Hòn lớn, hòn nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bầy ngựa đang phi. Lại có tảng chẳng khác gì một con cá sấu khổng lồ đang há miệng săn người và rồi biết bao hình dạng giống như người, như thú, như vật dụng thường ngày…Tất cả bày la liệt, ngổn ngang mà hài hoà, mà ngoạn mục đến mức không một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc tài danh nào có thể tạo dựng nổi.

Nếu có dịp du ngoạn bằng thuyền đi dọc sông, đắm mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên, du khách sẽ có được cảm giác như đi vào thế giới thần thoại. Vượt qua bờ đập, đi ngược dòng sông một đoạn sẽ gặp một vách đá dựng đứng như tường thành với cái tên dân gian Hòn Đá Thành. Trên vách đá rêu phủ xanh rì, từng chùm rễ cây leo lòng thòng rủ xuống trong hệt như một bức tường thành cổ kính. Bên trái thành có một bãi đá chồng chất lên nhau. Liên tưởng như có một người khổng lồ đổ cả một thúng đá xuống lòng sông, dân trong vùng gọi đây là khúc sông Trời Lấp. Qua khúc sông nay, ngược tiếp dòng sông sẽ trông thấy hai bên nhiều khối đá lô nhô, hòn cao, hoà thấp với muôn vàn hình dáng khác nhau. Bên những hòn đá vây tụ vào nhau là một vũng nước sâu có tê vũng cá Rói. Vào mùa cạn nước, trong vũng vẫn đầy, từng đàn cá Rói từ khắp nơi đổ dồn về đây. Khi có mồi ăn, chúng xông vào tranh giành xâu xé, ngồi trên bờ xem không chán mắt. Tiếp một đoạn nữa, có một khối đá giống như một cá Sấu lớn nằm ngang giữa lòng sông, chắn dòng nước chảy xiết làm bọt bắn tung trắng xoá, nên có tục danh là hòn Trào. từ đây không thể đi thuyền được nữa. Muốn đi tiếp vào trong, phải lên bộ đi men theo bờ. Càng đi lại càng thấy lòng sông hẹp lại nhưng cảnh vật lại càng kì thú. Bất chợt từ trên bờ nhìn xuống, ta có cảm giác như không phải dòng sông mà trước mắt có cả một đàn cừu trắng đang nô giỡn trên thảo nguyên. Ngược về phía thượng nguồn, độ dốc càng lớn, nước chảy càng mạnh. Từng đoạn,, từng đoạn chia khúc thành những thác nhỏ, nước chảy ầm ầm dội vào vách núi, cảnh vật càng thêm huyền ảo. Đây đó vang lên tiếng gù của chim Cu Gáy, tiếng hót véo von của chim Khướu, chim Vành Khuyên, tiếng kêu tích tích của những chú chim Sâu đang nhảy nhót trên cành. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng Tắc Kè vọng lại từ những hốc đá, lùm cây. Hương rừng ngào ngạt, diệu thơm hoà lẫn tiếng chim kêu ríu rít khiến cho du khách có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên.

Năm tháng qua đi, nước chảy mài mòn những tản đá tạo thành vô số những khối hình lô nhô trông xa hệt như một cành san hô khổng lồ mà mỗi nhánh lại có một hình dáng riêng. Ba khối đá nhẵn thín chụm đầu vào nhau như cỗ đầu rau được đặt tên là Hòn Ông Táo. Xa xa nhìn những khối đá lúp xúp khiến ta liên tưởng đến cái nồi nấu cơm, bát, chén, một cái ấm pha trà…Truyền khẩu dân gian kể lại rằng đây là nới mà thần tiên trên trời thường xuống du ngoạn, vui chơi vào nhưũng lúc đêm khuya tĩnh mịch. Còn đó dấu chân trên đá của một ông khổng lồ ngồi câu cá. Nằm giữa lòng sông có một phiến đá với những nét ngang dọc, rêu phủ lờ mờ, tương truyền là nơi các vị tiên chơi cờ nên gọi là Bàn Cờ Tiên. Cạnh bàn cờ có hòn đá nước chảy xuyên qua, rồi ùn lên trông như sôi ùng ục. Người đời gọi đó là Hòn Vò Rượu.

Hầm Hô có đá khổng lồ,

Có hang Bảy Cử , có vò rượu sôi

Đúng vào nơi kì thú nhất thiên nhiên lại trải rộng cho du khách một khoảng trống đến hàng nghìn mét vuông có thể dừng chân hạ trại. Nước dưới suối nơi này cũng như hiền dịu hơn tạo thành một nơi tắm lí tưởng. từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng về cả hai phía Đông, Tây. Con người dường như nhỏ bé lại trước một không gian mênh mông. Thắng cảnh Hầm Hô thật đồ sộ. Đá chất chồn, xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp mà ngắm nhìn thì như đứng trước một tác phẩm điêu khắc hoành tráng và hoàn mĩ đến độ cho người xem một cảm giác choáng ngợp và trong lòng trào dâng những cảm xúc nghệ thuật. Những khối đá vô tri như sống động, như có hồn được bao phủ bởi rêu phong của thời gian, bởi huyền tíhc do con người thêu dệt. Những dáng vẻ vừa như tả thực, vừa như cách điệu siêu thoát đưa ta đi hết sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác mà sự linh diệu của thắng cảnh chỉ có thể cảm nhận phần nào khi được tận mắt nhìn thấy, được đắm mình trong đó.

Dường như mọi sự miêu tả bằng giấy mực đều không thể lột tả hết được vẻ đẹp của Hầm Hô. Hơn thế, đến đây du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên mà còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùnh của lích sử. Chính tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Cũng tại nơi đây, anh hùng Mai Xuân Thưởng đã xây dựng căn cứ kháng Pháp. Danh tháng này vì thế, còn có ý nghĩ thiêng liêng của một chứng tích lịch sử.

7. Gành Ráng – Tiên Sa.

Quy Nhơn, thủ phủ của Bình Định, có hình dáng thon thả như một con tàu hướng mũi ra phía biển Đông. Từ lâu, bãi biển Quy Nhơn được coi là một thắng cảnh đẹp với bãi cát mịn vàng óng cùng với những cảnh vật hữu tình do thiên nhiên bài trí và con người tu tạo. Gành Ráng là một trong những tác phẩm thiên tạo. Đó là một quần thể sơn thạch chạy sát tới biển, dấu vết tận cùng về phía đông của dãy núi Xuân Vân trùng điệp nằm cách trung tâm thành phố chừng hai cây số về phái Nam. Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành gành, quanh năm giỡn đùa cùng sóng biển. Bãi đá này có tên chữ là Nhạn Châu (Bãi Nhạn). Có lẽ vì đây là nới chim nhạn thường kéo đến tìm mồi, từng đàn, từng đàn đông đúc nên có tên như thế. Còn tên Gành Ráng thì chưa ai hiểu rõ được nghĩa đích thực. Theo lời dân địa phương thì tên này do những người đi biển đặt ra. Qua những nới nhiều gành, lắm rạn, người ta phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra biển cho thuyền đi chậm lại. Thao tác ấy trong nghề đi biển gọi là ráng. Đia ngang qua Nhạn Châu, người ta cũng thường phải làm như thế. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Gành Ráng.

Từ đỉnh Gành Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía Nam như một bức tranh sơn thuỷ hữ tình với những dải núi xanh dựng thành từng lớp, nơi cao, nơi thấp chạy dọc theo ven biển đến tận Quy Hoà. Hướng về phía Bắc, lướt mắt qua dải cát vàng mịn óng, thành phố Quy Nhơn hiện lên với đường phố dọc ngang, nhà cửa san sat, suốt ngày người đi, kẻ lại. Xoay lưng vào động cát phía Tây, quay mặt ra hướng Đông là biển cả bao la một màu xanh biếc. Chếch về phía Đông Bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ. Xa xa về phía Đông Nam, cách Quy Nhơn chừng năm kilômét có một đảo lớn , tên chứ là Thanh Châu, tục gọi là Cù Lao Xanh. Từ xa xưa những người dân biển đã coi hòn đảo này như một tiêu mốc để định hướng đi. Sau này một ngọn hải đăng đã được xây dựng trên đó. Đi dọc theo con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kì dị mà tạo hoá đã tạc ra. TRên một phiến đá lớn có một bức phù điêu hình mặt người. Lại có khối sơn thạch được mưa gió và thời gian trông tựa đầu một con sư tử lớn đang chồm ra biển Đông, có trụ đá tựa dáng như người vợ ngóng chồng được mệnh danh là đá Vọng Phu. Đặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau trông rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Thoạt nhìn, khối đá lớn như thể muốn rơi, vậy mà trải bao năm tháng dãi dầu nó vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” , đứng vững hàng nghìn đời nay bất chấp phong ba bão tố. Từ Hòn Chồng đi dọc về hướng Bắc dọc theo bờ đá ven biển sẽ gặp những hang động hùng hiểm, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành. Đi thêm chút nữa chợt thấy một cảnh kì lạ. Cả một bãi rộng chừng hơn bốn chục mét vuông la liệt đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng. Vì vậy bãi đá này có tên gọi là Bãi Đá Trứng. Phía trên bãi có một mạch nước ngầm từ khe núi chảy ra, tạo thành hai giếng nước ngọt hình lòng chảo nằm kề nhau, miệng rộng hơn một mét, sâu chừng năm mươi xăng ti mét. Phía ngoài giếng chừng 5mét có một tảng đá lớn đột ngột nhô cao trên mặt nước chừng 4mét, án ngữ những con sóng lớn từ ngoài khơi đổ vào bờ. Đi hết bờ đá ven mép biển là một bãi cát vàng mịn màng hình lười liềm mà đầu mút là Cầu Tấn. Cảnh đẹp nên thơ luôn là nguồn cảm hứng của thi ca. Ca ngợi vẻ đẹp đó, dân địa phương truyền tụng một bài thơ:

Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát, 

Bãi Quy NHơn mịn cát dễ đi

Phương Mai Gành Ráng tương tri,

Ngâm câu thuỷ tú sơn kì thảnh thơi…

Trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng của thần tiên. Cũng bởi lẽ đó mà Gành Ráng là nơi có truyền thuyết Tiên xuất hiện. Bên cạnh cái tên dân giã thân quen, vùng này còn được gắn với một sự tích li kì. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình nông dân nghèo, sinh được một cô con gái nết na, xinh đẹp. Khi lớn lên cô gái đã có một mối tình trong trắng và mê say với một chàng trai cùng làng. Nhưng trớ trêu thay tiếng đồn về nhan sắc “chim sa, cá lặn” của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Y rắp tâm ép nàng làm vợ. Bằng thủ đoạn gian xảo và ỷ thế quyền lực, y bắt người con trai đi lính rồi đưa chàng tới tận nơibiến ải xa xôi đồng thời ra lệnh buộc nàng phải nộp đủ mười cân yến sào trong vòng một tháng, nếu không đúng hạn sẽ phải lấy y. Giữ trọn mối tình chung thuỷ với người yêu, người con gái không quản hiểm nguy, quyết chí vượt biển ra đảo tìm tổ yến.

Không chịu khuất phục trước âm mưu của tên quan hiếu sắc, người con trai đã trốn về tìm lại đượ người yêu. Vì hạnh phúc lứa đôi và thương người yêu thân gái liễu yếu đào tơ, chàng không quản khó khăn nguy hiểm, quyết tâm thay nàng ra đảo. Người con gái trở về sống trong mong đợi và lo âu. Đến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Sợ quá nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Bị truy đuổi gắt gao, ngwoif con gái chạy đến Gành Ráng, ẩn vào núi Vũng Chùa. Quân lính đuổi tới đây bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Bỗng nhiên núi nứt ra một khe lớn, nàng chạy vào vụt đó rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người đời gọi đó là Suối Tiên.

Chàng trai khi tìm được đủ số yến cũng hối hả trở về những mong chuộc lại được người yêu. Nào ngờ trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, yến bị sóng biển cuốn trôi hết. Chành đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Gành Ráng. Khi tỉnh lại chành còn đang ngơ ngác chưa hiểu mình bị dạt vào nơi đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Gành Ráng trở thành nơi đoàn tụ của đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã gán cho Gành Ráng hai chữ Tiên Sa, nên trong dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Gành Ráng-Tiên Sa.

Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đã chọn Gành Ráng để lập một hành cung. Năm 1927, ông đã cho xây dựng một toà biệt thự ba tầng cùng những công trình phục vụ cho cuộc sống đế vương trong những khi đi kinh lí và nghì ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp ở Bình Định. Toà biệt thự này đã được nhân dân đập phá vào năm 1949, nay chỉ còn lại phế tích. Cũng vì sự hiện diện của hành cung này mà khu vực có hai giếng nước ngọt thiên tạo gần Bãi Đá Trứng còn có tên là bãi tắm Hoàng Hậu.

Gành Ráng còn nổi tiếng thêm nhờ tài danh của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Do mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hoà. Tâm trạng đầy đau thương và giông bão lại được tiếp thêm cảm hứng từ cảnh thiên nhiên siêu thực ông đã viết nên những áng thơ bất hủ để lại cho đời. Hàn Mặc Tử qua đời khi còn quá trẻ, lúc nhà thơ mới vừa 28 tuổi. Để thoả nguyện mong ước của thi sĩ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài Hàn mặc Tử về táng ở Gành Ráng. Ngôi mộ trang nhã được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Gành Ráng cũng đều ghé thăm. Đó không chỉ đơn thuần là một kiến trúc xinh đẹp ở vào vị trí đắc địa của một danh thắng mà hơn thế là nơi tưởng niệm một danh nhân.

8. Đầm Thị Nại - Bán đảo Phương Mai

Phía Đông Bắc Quy Nhơn là đầm lớn chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần 4 cây số. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắc của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng hán thànhThị-lị-bì-nại. Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhãnh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên đầm Biển Cạn. Trong đầm ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậyvì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên miếu này vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.

Lại có thuyết cho rằng từ xưa đến nay ở đây chẳng có tháp nào cả. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuông như cái tháp mà thôi. Còn Thầy Bói ở đây là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá, có ngươì Bình Định gọi là chim Thầy Bói. Đầm nước cạn , dễ bắt cá nên loài chim này kéo về đây kiếm ăn rất nhiều. Lúc mỏi cách chim thường tụ tập trên các khối đá nên có tên như vậy. Không rõ thực hư ra sao, cách giải thích nào là đúng , nhưng tháp Thầy Bói nhô lên trên đầm đã làm cho cảnh quan thêm sinh động, duyên dáng. Mỗi buổi ban mai, trước khi mặt trời nhô lên khỏi dãy Triều Châu, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên. Đầm Thị Nại nổi tiếng là nhiều cá và cá ngon, nhất là cá Nục. Có hai loại cá Nục: Nục Vọng và Nục Gai. Cá nhiều ăn không hết, người ta phơi khô, làm mắm. làm muối, nấu mắm là những nghề truyền thống có từ lâu đời của cư dân sống quanh đầm. Ai đã vào Bình Định hẳn không quên hương vị nước mắm Gò Bồi, thứ mắm làm từ cá Nục Thị Nại.

Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã. Trong tiếng Việt cổ, giã là Biển. Sau này ở một số vùng giã trở thành từ chỉ nghề đánh cá biển. Có lẽ trước đây cửa biển này là nơi thường xuyên ra vào của thuyền bè đánh cá nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển cả đã ngược theo sông Côn lên đến tận miền thượng để đổi lấy sản phẩm.

Ai về cửa Giã chiều hôm,

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Thông thường cửa này vẫn thường được gọi là cửa Thị Nại. Cửa được tạo bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bên bờ Đông, trong thế “thuỷ khẩu giao nha”. Theo quan niệm phong thuỷ, đó là một hình thể đẹp. Nằm về phía Đông đầm Thị Nại, như một tâm sbình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai là đoạn cuối cùng của dải núi Triều Châu. Đây là một vùng núi thấp có nhiều đoạn nhấp nhô. Cao hơn cả là hòn Chớp Vung, hòn Mai, hòn Diệp Chử…Nhìn từ xa, Phương Mai như đầu một con Rồng thân nằm dài về phía Bắc, đến tận cửa Đề Gi. Tận cùng phía Nam của bán đảo là một lưỡi nhọn hình mũi mác với nhiều hốc đá hiêm trở, chim yến thường kéo về làm tổ. Dân trong vùng thường gọi nơi đây bằng hai cái tên Mũi Mác và Mũi Yến. Dãy núi phía Tây Bắc Mũi Mác có một nhánh nhỏ, nhọn sắc như nanh cọp, chĩa về phía Tây, tục gọi Gành Hổ, trong các sách cổ gọi là Hổ KI. Nằm kẹp giừa hai dải núi này là một động cát, trên có bàu nước ngọt khá lớn . Bán đảo Phương Mai được nối với dãy TRiều Châu bằng một dải núi dài chừng hai cây số, bề ngang chỉ hẹp độ nửa cây có tên Eo Vượt. Giải thích tên gọi và hình dạnh của eo núi, truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa nước đầm Thị Nại không ăn sâu vào bán đảo như hiện nay. Một hôm có ông khổng lồ đến đây be bờ tát cá trong đầm. Thình lình có một con cá Vược rất lớn tung mình qua núi nhảy vọt qua biển. Ông khổng lồ chạy theo nhưng chụp không được. Tức quá ông mới dậm chân, khiến đất núi sụp xuống. Vết chân giận dữ của ông chính là vùng biển ăn sát phía Tây dải núi. Không hiểu vì truyền thuyết khổng lồ tát cá hay vì hình dáng giống cái gầu mà vũng nước có tên gọi Sòng Tát Khổng lồ, còn dải núi sau đó có tên là Eo Vượt. Bán đảo Phương Mai núi dăng hiểm trở, nhưng xen vào các vách đá ở dìa chân núi có những thung lũng và khoảng trống để hình thành nên các điểm dân cư, tụ tập chủ yếu thành 3 xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải và một phần phường Hải Cảng. Dân ở đây sống bằng nghề biển và nghề nông, quanh năm chài lưới và làm ruộng.

Do địa thế hùng hiểm, bán đảo Phương Mai còn dấu trong mình những di tích kì bí. Hiện còn những ngôi chùa, tên dân gian gọi là chùa Phật Lồi. Chùa ở Hải Giang, xã Nhơn Hải. Trong chùa hiện có thờ một pho tượng bằng đá sa thạch, cao bằng hình người, sau lưng có bốn hàng chữ Phạn, dân quen gọi là chữ bùa. Theo lời kể của dân địa phương thì người ta đã tìm thấy pho tượng này ở mé bàu nước ngọt, dưới chân núi Phương Mai, rồi đem về thờ ở đây. Có không ít những giai thoại huyền bí xung quanh pho tượng này. Người ta truyền lại rằng xưa kia pho tượng này vốn ở tận Cù Lao Xanh. Bỗng một hôm tượng biến mất. Dân đảo đi tìm khắp nới mà không thấy. Mãi về sau, nghe tin dân ở Phương Mai tìm được tượng , dân cù lao mới xem thì thấy đúng là pho tượng họ đã mất, mới xin được rước về. Hàng trăm trai tráng khoẻ mạnh xúm vào mà không làm sao khiêng nổi. Họ cho là pho tượng muốn ở lại nơi đây nên đành cúng cho chùa Phật Lồi ở Hải Giang. Lại có chuyện kể rằng, vào những năm dịch bệnh hoành hành, tượng thường đổ mồ hôi. Dân địa phương bôi son vào lưng tượng, lấy giấy màu vàng in hàng chữ bùa rồi đem về dán ở cửa nhà, sau đó đốt đi thành tro, hoà vào nước lã uống thì khỏi bệnh. Người khoẻ mạnh uống thứ nước đó cũng tránh được bệnh dịch. Những câu chuyện mang màu sắc mê tín như vậy đã làm tôn thêm vẻ kì bí của ngôi chùa cùng pho tượng. Ngày nay chẳng còn mấy ai tin vào những câu chuyện ấy, nhưng đến Phương Mai, chẳng ai lại không muốn đến thăm quan ngôi chùa và chiêm ngưỡng pho tượng đá , một tác phẩm nghệ thuật đã sống cùng thời gian nhiều thế kỉ.

9. Đảo Yến Quy Nhơn

Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yếu nằm trên bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen…và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía Nam mang tên Hòn Yến. Cứ mối mùa xuân đến tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông ngịt đến đây làm tổ. Chính vì vậy mà mũi đất tận cùng của bán đảo cũng được gọi là Mũi Yến. Bán đảo Phương Mai như một con khủng long khổng lồ nằm che chắn sóng to gió lớn cho thành phố Quy Nhơn. Thiên nhiên nơi đây vừa tạo nên một bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp, vừa ban tặng cho con người một kho báu mà không phải nơi nào cũng có. Đó là yến sào (tổ chim yến)-một đặc sản cao cấp được cả thế giới ưa chuộng.

Đảo yến trước đây thuộc địa phận hai thôn Xương Lý và Hương Mai. Phía Nam thôn Xương Lý là đầm Nha Phiên, phía Bắc là thôn Hưng Lương (cả hai thôn này đều nằm trong xã Nhơn Lý). Những người sinh cơ lập nghiệp đầu tiên tại Xương Lý thuộc dòng họ Nguyễn quê gốc ở Nghệ An, cho đến nay đã được 10 đời. Thôn Hương Mai chính là 4 thôn Hải Giang, Hải Đông, Hải Nam và Hải Minh, nay thuộc xã Nhơn Hải. Trước năm 1955, Nhơn Lý và Nhơn Hải thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, sau năm 1955 cắt về huyện Tuy Phước, hiện nay thuộc thành phố Quy Nhơn

Đảo yến là một cảnh quan thiên nhiên kì thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm với những hòn đá có nới cao tới cả trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nới thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Trên đảo yến có tất cả 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Trong mỗi hang nhỏ như hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn, hang Hẹp, hang Hầm Xe, hang Phanh…hàng năm cũng có thể thu được từ 100 đến 300 tổ yến. Còn những hang lớn như hang Cả, hang Đôi Trong, hang Đôi Ngoài, hang Hích, hang Sức Khoẻ, hang Nghìm, hang Luông, hang Khô, hang Cân, hang Cỏ…, đặc biệt là những hang có cửa quay về hướng đông hoặc Đông- Nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước ngọt rịn nhỏ qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh, hàng năm có thể thu được 14 đến 15 ngàn tổ.

Nếu có dịp đến đảo yến vào mùa Xuân, ta sẽ thấy từng đàn chim yến bay rợp trời, gọi nhau ríu rít. Mặc dù sống theo bầy đàn như vậy nhưng chim yến lại là loài sống thành từng đôi với nhau không hề nhầm lẫn. Các tài liệu của các nhà nghiên cứu, trên đảo yến Quy Nhơn chủ yếu có hai loài: Yến cỏ và Yến sào. Yến cỏ thân hình lớn hơn yến sào, làm tổ bằng cỏ, rác lấy từ các mỏm núi. Yến sào mới là loài chim quý. Loài yến này có thân hình nhỏ như chim sẻ nhưng bay rất khoẻ. Chúng kiếm ăn bằng cách vừa bay vừa đớp mồi trên biển. Ngwoif ta nói loài yến sào có thể bay 10 giờ liên tục không nghỉ. Chúng làm tổ không phải bằng cây cỏ mà bằng chính nước dãi của mình. Mỗi ngày một ít, chim yến tự tiết ra nước dải, kéo thành sợi, quây lại làm tổ. Sau một thời gian, tổ yến khô đi trông giống như những chiếc vành tai gắn chặt vào trần hang vách đá. Khi hoàn thành tổ vừa đủ để nằm lọt thân mình, yến bắt đầu sinh sản.

Tổ yến là một nguồn lợi từ xưa đã được nhân dân địa phwong biết đến. Theo các tài liệu lịch sử, nghề khai thác yến sào ở Bình Định có từ lâu đời. Đến thế kỉ 19, trong mục nói về sản vật Bình Định, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Yến sào sản ở các đảo ngoài biển, có thuế, hàng năm mỗi người phải nộp 10 cân” . Tổ yến cũng có nhiều loại. yến sào màu đỏ hoặc hồng rất quý và đắt giá nhất, yến quan tai to có màu trắng ngà, yến thiên tai mỏng và nhỏ và yến bãi là loại chất lượng kém nhất.

Lấy tổ yến là một nghề nguy hiểm. Trước đây, ngoài lòng dũng cảm, nghề này còn có những bí quyết mang tính cha truyền con nối. Ngày nay nghề này đã được quản lí và để hạn chế tai nạn trong quá trình khai thác, người làm nghề được huấn luyện kĩ thuật cẩn thận. Tuy nhiên, muốn trở thành người khai thác giỏi, ngoài kiến thức và kinh nghiệm còn phải có tinh thần vững vàng, sự bình tĩnh gan dạ và động tác khéo léo. Để có thể lấy tổ yến trên vách và trần hang, người ta bắt các dàn giáo bằng tre liên kết lại với nhau. Người khai thác có thể đi lại trên dàn giáo như những chiếc cầu bắt vắt vẻo dọc ngang. Có những hang cao, dàn giáo phải dùng đến 300 cây tre. Những cột dọc phải nối từ 4 đến 5 cây tre mới lên tới đỉnh. Cách lấy tổ yến cũng hết sức công phu. Tai nào xa không với tay được, người ta dùng gậy đầu đóng đinh gim vào tổ để lấy ra. Vào những khi khí hậu khô hanh, trước khi lấy còn phải dùng nước phun vào tổ yến cho mềm để tránh bị vụn nát.

Trước kia, nghề khai thác yến hoàn toàn tự phát và người làm nghề phải đóng thuế cao nên khi vào vụ, người ta ra sức tận thu, nguồn lợi thiên nhiên này đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Ngày nay, do ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển nguồn lợi, công việc khai thác phải tuân thủ theo một lịch trình nghiêm ngặt. Tháng Giêng, tháng Hai là mùa yến làm tổ sinh sản, sau đó một tháng mới được thu hoạch vụ đầu. Vụ thứ hai phải chờ đến khi chim con cứng cáp biết bay đi kiếm mồi mới thu hoạch. Vụ thứ ba khai thác ít, chủ yếu chỉ dưỡng cho đàn yến có điều kiện tăng trưởng bầy, đàn. Đến nay sản lượng yến thu hoặch hàng năm của Bình Định ước khoảng hơn 700kg. Đây là một mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho tỉnh.

Đến với đảo yến, du khách không những được chiêm ngưỡng cảnh quang ngoạn mục bên ngoài, nếu có dịp vào sâu trong hang, khách còn có dịp đắm mình trong khung cảnh hoành tráng, kì vĩ do thiên nhiên tạo nên. Trên các vách đá, xen lẫn những giọt nước tí tách rơi là những chấm trắng li ti tựa như một bầu trời đầy sao của những đêm hè, các tổ yến đan khít vào nhau thành một chuỗi dài, đâu đó các chú yếu đang xoè cách hà hơi ấm cho con, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim con chíp chiu đòi mẹ mớm mồi. Tiếng sóng, tiếng nước rơi, tiếng vỗ cách, tiếng chim yến kêu…tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên một âm hưởng kì lạ khiến cho ta cảm giác như đang lạc bước vào chốn thiên cung.

Đảo yến không chỉ có yến và phong cảnh đẹp mà nơi đay còn có những di tích lịc sử văn hoá từ thời vương quốc Chăm Pa qua triều Tây Sơn đến nhà Nguyễn sau này. Đến đảo yến du khách sẽ có dịp được ghé thăm Chùa Phật Lồi, nới có pho tượng Chàm huyền bí , được chiêm ngưỡng núi Tam Toà với những di tích liên quan đến Uy Minh vương Lý Nhật Quang thời Lý và các chiến binh Tây Sơn thế kỉ XVIII, thấy tận mắt pháo đài HỔ Ky với nhưũng lỗ đặt súng thần công, dấu tích còn sót lại của những công trình phòng thủ bờ biển được các bậc tiền nhân dựng lên.

Như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với những dáng vẻ thiên nhiên vừa hư vừa thực, đảo yến là nơi du khách không thể bỏ qua nếu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn.

(Theo tư liệu Bình Định)
Bright Hay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến