Long Sơn là xã đảo thuộc thành phố Vũng Tàu. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn của công cuộc khai hoang, lập ấp, lập chợ... Hàng năm, du khách đến Long Sơn rất đông vừa để tìm hiểu nét văn hóa trên đảo vừa trải nghiệm chuyến đi khám phá đảo xanh...
Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu và nằm cách thành phố biển không xa nhưng muốn đến đây, từ Vũng Tàu du khách phải đi dọc theo quốc lộ 51, qua thị xã Bà Rịa, xã Tân Hải (huyện Tân Thành).
Xã đảo Long Sơn gồm 1 đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa, là đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng. Long Sơn với rừng nứa xanh biếc được ví như “con rồng xanh” của Vũng Tàu.
Di tích Nhà Lớn là một điểm nhấn trên đảo. Từ năm 1991, nơi này đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Long Sơn còn nhiều công trình kiến trúc cổ và lưu giữ những phong tục tập quán xưa cũ khá độc đáo.
Nhà Lớn Long Sơn, còn gọi là Đền Ông Trần, là một quần thể kiến trúc cổ bề thế, uy nghi. Nhà Lớn là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhiều người dân. Khu nhà là một tập hợp nhiều công trình như: dãy nhà phố, chợ, lầu dài, nhà máy đèn... “Đạo Ông Trần” ở Long Sơn mang biểu trưng của nhiều tôn giáo khác nhau: đạo Phật, đạo Nho, đạo thờ ông bà tổ tiên... Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu - người có công khai phá vùng đất hoang này. Lúc sinh thời, ông thường hay ở trần và đi chân đất nên người dân địa phương gọi thân mật là ông Trần. Đặc biệt, tín ngưỡng “Đạo Ông Trần” không có kinh kệ, chuông mõ, cũng không ăn chay hay kiêng kị, chỉ có lời dạy của ông Trần được truyền khẩu trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một chuyện khá thú vị của “Đạo Ông Trần”đó là tục lệ tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ lạt đơn giản và tiết kiệm. Xưa kia, việc cưới xin cho người trên đảo thường được tổ chức vào ngày 30 mồng 1 và 15, 16 hàng tháng, không tính ngày giờ, không đặt ra những lễ nghi tục lệ phiền phức, khi tổ chức chỉ nấu xôi chè cúng ông bà, không cỗ bàn linh đình. Đám tang cũng đơn giản, người chết bó chiếu đặt trong một quan chung bằng tre, gỗ sơn đỏ và khiêng đi chôn ngay trong ngày, có kéo dài lắm cũng không quá 24 giờ; không chôn theo hàng lối, không bia mộ nhân thân và xả tang ngay tại huyệt.
Khám phá thiên nhiên trên đảo là điều lý thú của du khách. Đảo Long Sơn có hệ sinh thái ở đây rất đa dạng. Nhiều du khách thích leo núi khi đi chơi Long Sơn. Đường lên núi là những lối mòn, khách phải tự định hướng, băng rừng để lên đỉnh. Đỉnh núi là một kiệt tác thiên nhiên kỳ thú. Chỗ rộng nhất trên đỉnh núi đến 2km, có nhiều cột đá vươn lên trời cao và nhiều hòn đá hình thù kỳ lạ. Núi có 3 đỉnh: Đỉnh Bà Trao cao 138m, đỉnh Hố Rồng cao 120m và đỉnh Hố Vông cao 100m. Từ các đỉnh, du khách có thể phóng tầm mắt thấy biển rộng mênh mông và thành phố Vũng Tàu. Dưới chân núi là khu rừng sác đặc trưng của vùng đất ngập mặn với nhiều loài hải sản phong phú. Nhiều khách thích thú khi được cùng dân địa phương nơi đây bẫy cá thòi lòi dưới chân những cây đước rễ chân nôm. Chiến lợi phẩm là những con cá tròn, dài đem nướng mọi ăn... hết sẩy! Trên đảo, còn có một hồ nước ngọt rộng lớn. Những tay câu chuyên nghiệp đến đây đều dành nhiều thời gian buông câu để bắt những con cá nước ngọt thịt ngon ngọt. Khu vực này vẫn còn tồn tại những cây to, có tuổi thọ trên 100 năm.
Cư dân trên đảo, từ già đến trẻ đều hiểu rõ lịch sử vùng đất này cũng như những chi tiết văn hóa đặc trưng của đảo từ thời khai khẩn đất đai. Vì thế không cần có hướng dẫn viên, du khách vẫn có thể tìm hiểu tường tận về đất và người Long Sơn bởi sự hào phóng, hiếu khách của người dân địa phương vẫn duy trì suốt hơn một thế kỷ qua. Rất nhiều người ở TP Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận rảnh rỗi thì đến đảo này để xả stress.
Du khách có thể tự thiết kế chương trình tham quan Vũng Tàu-Long Sơn trong 2 ngày. Ngoài những địa danh quen thuộc của thành phố biển Vũng Tàu, khách đến Long Sơn và đi chơi các điểm: Vịnh Ghềnh Rái, làng cá Bến Đá-Bến Đình, rừng sác, làng bè Gò Găng, Nhà Lớn...
World.VietnamMLS.net - Theo Dulichvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét