Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tàu sân bay lớn nhất châu Âu tham chiến Libya

Charles De Gaulle, tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Pháp và là lớn nhất châu Âu, đang trên đường tới tham gia chiến dịch tấn công Libya.


Charles De Gaulle là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được khởi đóng vào 3/2/1986 tại nhà máy đóng tàu của Tập đoàn DCNS, tàu được hạ thủy vào ngày 7/5/1994, trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài hơn 6 năm, tàu chính thức phục vụ trong biên chế của hải quân Pháp vào ngày 18/5/2001. Đầu tiên tàu được đặt tên là Richelieu, đến năm 1987 tàu được đổi tên thành Charles De Gaulle. Ảnh: FAS

Thiết kế

Tàu sân bay Charles De Gaulle có thiết kế khí động học tương tự tàu sân bay lớp Nimitz của hải quân Mỹ nhưng ngắn hơn và tải trọng thấp hơn. Đây là tàu sân bay hạt nhân lớn nhất đang hoạt động tại châu Âu không tính các tàu sân bay của Mỹ. Tàu có chiều dài 261m, rộng 64,36m, mớn nước 9,34m, lượng giãn nước 37.085 tấn tiêu chuẩn, 42.000 tấn đầy tải, diện tích boong tàu 12.000 m2.
Trong ảnh, tàu sân bay Charles de Gaulle (phải) sóng đôi cùng tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ. Ảnh: Bassin.
Tàu có được trang bị hệ thống phóng máy bay Type C13 của Mỹ, đường băng dài 195 m, tần suất thực hiện việc phóng máy bay là một chiếc mỗi phút, phần đường băng được kéo dài thêm khoảng 4,4m để các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2C Hawkeye có thể cất và hạ cánh.
Nhà chứa máy bay được trang bị hai thang máy kích thước 19x13m, tải trọng 36 tấn, nhà chứa có kích thước sàn 140x30m, chiều cao 6,1m, có khả năng chứa 25 máy bay.
Tàu được trang bị hệ thống ổn định SATRAP được điều khiển bằng máy tính, giúp các máy bay có thể cất, hạ cánh dễ dàng hơn trong điều kiện biển động.
Trong ảnh, tàu sân bay Charles de Gaulle rời cảng nhà Toulon đến Địa Trung Hải ngày 20/3, tham gia chiến dịch tấn công Libya. Ảnh: AFP.

Khả năng chuyên chở

Mặc dù là tàu sân bay lớn nhất đang hoạt động của Châu Âu, song khả năng mang máy bay của tàu sân bay Charles De Gaulle vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với các tàu sân bay của Mỹ.
Trong ảnh, hàng hóa và thiết bị đang được chuyển lên tàu trước khi nó rời cảng đi tham chiến Libya. Ảnh: AFP.
Tàu sân bay có khả năng chở 40 máy bay bao gồm các tiêm kích Rafale M, Super Etendard, 3 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye, cùng một số trực thăng AS 565 Panther hoặc trực thăng NH 90.
Trong ảnh, máy bay tiêm kích Rafale M cất cánh trên tàu sân bay Charles de Gaulle. Ảnh: Naval-technology.

Điện tử và vũ khí

Tàu sân bay được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu Senit, hệ thống có khả năng quản lý đến 2000 mục tiêu. Radar tìm kiếm mục tiêu DRBV 26D, DRBV 15C, DRBJ 11 B, hệ thống chiến tranh điện tử ARBR 21 Detector, ARBB 33, hệ thống phóng mồi bẫy ARBG2 MAIGRET.
Tàu được vũ trang với 4x8 khối phóng tên lửa đối không Aster-15 tầm bắn 30km, tầm cao 13km, 2x6 khối phóng tên lửa đối không tầm thấp Mistral, tầm bắn 5,3km, 8 pháo bắn nhanh Giat 20F2-20mm.
Trong ảnh, trực thăng Super Frelon cất cánh từ boong tàu sau khi đã nhận hành khách. Ảnh: Aviation News

Động lực

Tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân PWR Type K15, công suất 150MV mỗi chiếc, các thanh nhiên liệu của lò phản ứng có khả năng hoạt động liên tục trong 5 năm trước khi cần phải tiếp nhiên liệu, 4 máy phát điện diesle, chân vịt hai trục, tốc độ tối đa 27 hải lý/ giờ.
Thủy đoàn của tàu sân bay khoảng 1.150 người trong đó có khoảng 550 phi công thường trực làm nhiệm vụ, 50 nhân viên hỗ trợ không lưu, ngoài ra tàu có thể cung cấp chổ ở tạm thời cho khoảng 800 binh lính thủy quân lục chiến. Tàu có khả năng hoạt động liên tục 45 ngày trên biển trước khi cần phải tiếp tế nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.
Trong ảnh, một trực thăng thuộc biên đội của Charles de Gaulle thực hành hạ cánh trên một tàu chiến Mỹ. Ảnh: AFP.
.

Lịch sử

Tàu sân bay Charles De Gaulle đã có lịch sử tham gia khá nhiều các hoạt động cùng với hải quân Mỹ và các đồng minh khối Nato, ngày 21/11/2001, tham gia các hoạt động hỗ trợ chống Taliban tại Afghanistan, tham gia các hoạt động tuần tra với hải quân Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan năm 2002, tham gia các hoạt động của chiến dịch Tự do Bền vững năm 2005 tại Afghanistan.
Trong ảnh, thủy thủ đoàn kéo quốc kỳ trước khi tàu rời cảng Toulon. Ảnh: AFP.

Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến