Sở dĩ đất Thăng Long được vinh danh là mảnh đất ngàn năm văn hiến bởi nơi đây không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử hào sảng mà còn ẩn giấu những giá trị văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ tinh hoa của khắp các vùng miền. Cùng với các giá trị nghệ thuật khác, những câu hát, những điệu múa cổ đã trở thành một nét văn hóa mang đậm cốt cách tâm hồn của những con người đất Kinh kỳ. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn được duy trì và bảo tồn để ngày hôm nay, trước sự kiện lớn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng ta lại có dịp giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế với tình yêu và niềm tự hào dân tộc sâu sắc.
Theo thống kê, Hà Nội có tới hơn 100 điệu múa cổ tồn tại rải rác khắp các làng quê trong và ngoại thành, thuộc ba hình thái là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo. Múa cổ phát triển mạnh trong cung đình, trong các nghi lễ tôn giáo hay trong hội làng… Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì những điệu múa cổ tiếp tục được người dân sử dụng trong các sinh hoạt cộng đồng, trong những ngày lễ lớn của kinh thành. Cho tới nay, chưa có tài liệu nào xác định chính xác thời điểm ra đời của những điệu múa cổ nhưng có thể xác định các điệu múa cổ ra đời và tồn tại từ lâu đời qua hình thức lưu truyền trong sinh hoạt dân gian, sinh hoạt tâm linh. Dấu ấn của loại hình nghệ thuật này là những hoa văn, họa tiết trên trống đồng, trên các thư tịch cổ và ngay cả trong những câu hát dân gian của dân tộc.
Múa cổ là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa, có khi đó là sự pha trộn các loại hình nghệ thuật truyền thống, có khi lại là sự kết hợp giữa những điệu múa bình dân và quý tộc. Nội dung của múa cổ cũng rất phong phú. Những điệu múa dân gian thường có nội dung ca ngợi, mừng cuộc sống yên bình của muôn dân. Múa cung đình với biểu tượng quyền quý, long- ly-quy-phượng với ý nghĩa cầu chúc an lành, thịnh vượng, xua đuổi tà ma. Múa tín ngưỡng tôn giáo lại mang tính nhân văn cao đẹp, cầu siêu cho các vong hồn đã mất…
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, các điệu múa cổ ít nhiều đã vắng bóng, tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn lưu giữ được những điệu múa cổ rất lâu đời, được trình diễn trong các lễ hội truyền thống như: múa rồng, múa bồng, múa cờ ở Triều Khúc; múa đèn trong lễ hội Đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân; múa rắn ở Lệ Mật; múa rồng lửa ở Khương Thượng; múa cởi yếm mo ở Đường Yên; múa chén ở làng Mọc; múa roi ở làng Cót... Các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội đã trở thành tinh hoa văn hoá của dân tộc, thể hiện nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng cần được lưu giữ và phát triển trong cuộc sống hiện đại.
Một số điệu múa cổ đặc sắc Múa Rồng: trong tín ngưỡng tâm linh người Việt, con Rồng đã trở thành linh vật của người dân, gắn liền với tâm thức về “Con Rồng Cháu Tiên”. Con Rồng cũng là biểu tượng gần gũi với cư dân của nền văn minh lúa nước ở vùng Đông Á và biểu thị cho cả quyền uy của tự nhiên cũng như trong xã hội. Múa Rồng không chỉ để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an mà còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống uống nước nhớ nguồn, cầu mong phồn vinh, thịnh vượng. Múa Rồng có hai hình thức là múa đơn và múa đôi. Nghệ nhân múa Rồng sử dụng cán để điều khiển con rồng bay, nhảy, đảo lộn... tạo nên những bài diễn theo chủ đề nào đó. Trang phục vũ công đơn giản, gọn gàng và luôn đòi hỏi mầu sắc phải thống nhất. Múa Rồng có nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc... Cùng với âm thanh vang dội, tưng bừng, tiết tấu sinh động, linh hoạt của dàn trống cái, chũm chọe, tù và, điệu múa rồng luôn hấp dẫn, cuốn hút người xem. Điệu múa Rồng biểu trưng cho sức mạnh hào khí của Thăng Long xưa được các chàng trai làng Phù Đổng, quê hương của vị anh hùng Thánh Gióng, khơi dậy niềm tự hào về sức mạnh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Múa Trống bồng, còn có tên gọi dân gian là “con đĩ đánh bồng”, là điệu múa cổ của làng Triều Khúc (Thanh Trì). Tương truyền, khi đại quân của Phùng Hưng đánh thành Tống Bình, ông giấu quân tại làng Triều Khúc, dân sở tại đã dùng múa Bồng để động viên tướng sĩ trước khi vào trận. Từ đó trở đi, điệu múa này chỉ được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.
Múa trống bồng thường có bốn nam, chia thành hai cặp và diễn ra trong buổi lễ tế nhập tịch vào sáng sớm mùng 9 tháng giêng, khi lá cờ đại được kéo lên trước cửa đình. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa là thanh la, trống và chiêng. Khi múa, 2 đôi múa phải thể hiện phong thái vừa phóng khoáng, vừa dứt khoát, mạnh mẽ, mềm mại; khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đảo người linh hoạt.
Múa trống bồng ở mỗi địa phương lại có nét khác nhau, mang đậm nét truyền thống văn hóa và đặc trưng từng làng, vùng đất... Nếu như múa Trống bồng làng Triều Khúc là hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai giả trang nữ, trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ với động tác phóng khoáng, mạnh mẽ thì trong múa Trống bồng ở làng hoa Nhật Tân, các cô gái kinh kỳ khoan thai, duyên dáng và yểu điệu với nhịp tay vỗ trống, linh hoạt trong chuyển biến đội hình, đưa người xem đến với không khí rộn ràng, vui tươi trong sắc xuân, đào thắm...
Múa Chạy cờ cũng là một điệu múa cổ của làng Triều Khúc (Thanh Trì), khởi nguồn từ khi Hào trưởng Phùng Hưng khởi nghĩa năm 791 sau Công nguyên chống quân xâm lược nhà Đường. Điệu múa được diễn lại trong lễ hội của làng, diễn ra trong tiếng hò, trống phách với từng tốp cờ, vừa múa vừa chạy, tạo khí thế sức mạnh như những cánh quân rồi tụ họp với nhau thành sức mạnh đoàn kết, có thể chiến thắng mọi kẻ thù.
Múa Thiên Long Bát Bộ, còn gọi là múa đàn trấn, động tác múa là những phép ấn, kết hợp với múa dân gian pha lẫn võ thuật biểu hiện quyền uy và sức mạnh phi thường của 8 vị hộ pháp trong Phật giáo: Thiên – Long – Dạ Xoa – Kiến Thát Bà – A Lu La – Ca Câu La – Khẩn Na La – Ma Hầu La Già. Đây là những thiên thần có công năng bảo hộ mạnh mẽ chánh pháp của đạo Phật, trừ tà, chống tai ương để bảo vệ sự sống an lành cho chúng sinh khắp mười phương. Điệu múa có thể dùng 4 người, 6 người hoặc 8 người. Vũ đạo của Thiên Long Bát Bộ rất đa dạng, từ những miếng võ cổ truyền đơn giản đến những động tác uyển chuyển như lên đồng hoặc dứt khoát, đường nét của nghệ thuật tuồng. Tùy vào từng cung bậc của đàn (điệu múa còn gọi là Đàn Trấn – chạy đàn để cúng) mà người biểu diễn trổ những ngón võ khác nhau. Múa Thiên Long Bát Bộ được trình diễn trong những dịp lễ hội Phật giáo, lễ khánh thành chùa, tổ đường, thiền đường, lễ cầu siêu, mong dân làng bình yên an lạc, quốc thái dân an.
Múa Lục cúng là một điệu múa cổ xưa của Phật giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Điệu múa Lục cúng là điệu múa theo sáu lần dâng cúng. Tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc để cúng dường lên đức Phật. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ an vị Phật, lễ lạc thành chùa hay lễ hội, vía Phật. Ngoài ra còn được sử dụng vào những dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan bồn, lễ khánh thành chùa, lễ hô thần nhập tượng. Điệu múa này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên... trong các trai đàn chẩn tế, giải oan… Lục cúng mang nhiều yếu tố tạo hình. Tất cả người múa, hai tay cầm đèn hoa sen múa, tạo hình đẹp, hấp dẫn.
Múa Bài bông của làng Phú Nhiêu, (xã Quang Trung, Phú Xuyên, Hà Nội), trong dân gian còn có một tên gọi khác là “bắt bài bông”. Múa Bài bông nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù, thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường hoặc nơi cửa đình khi hát thờ, phục vụ lễ hội và mang nặng tính lễ nghi. Múa Bài bông được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật diễn xướng dân gian làng Phú Nhiêu. Nội dung của hát múa Bài bông thường là ca ngợi đất nước, phản ánh cuộc sống lao động của người nông dân, tình yêu đôi lứa... Âm điệu là tổng hợp các làn điệu dân ca, còn vũ điệu là các điệu múa dân gian và cung đình.
Múa Lễ chữ ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm lại mang đậm tính nghi lễ của cư dân nông nghiệp, mong ước cuộc sống yên bình, thân ái, ấm no thịnh vượng. Múa lễ chữ do 22 trai làng thực hiện, mang tính nghi lễ của cư dân nông nghiệp, với ước mong được sống yên bình, ấm no, thịnh vượng. Những người múa xếp thành chữ “Thiên hạ thái bình” (bằng tiếng Hán), mỗi chữ múa hai lần.
Múa Giảo Long của làng Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên) gắn liền với truyền thuyết thành hoàng làng. Đó là chàng trai họ Hoàng, người anh hùng diệt thuỷ quái cứu công chúa, không nhận quyền cao chức trọng, chỉ xin vua cho khai hoang và đã lập lên 13 trại ấp trù phú nổi tiếng khắp thành Thăng Long... Múa Giảo Long là hình ảnh về một vị anh hùng, về cuộc chiến giữa con người với thế lực xấu xa, giữa cái thiện và cái ác. Ở liên khúc múa Giảo Long, ngoài việc đề cao lòng dũng cảm của con người trước thảm họa thiên nhiên, còn ngợi ca tinh thần yêu cuộc sống, yêu lao động của người Hà Nội xưa...
Để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tối 4/10/2010, tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra chương trinh biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long – Hà Nội. Chương trình này là một điểm nhấn trong 10 ngày Đại lễ, được dàn dựng rất công phu và hoành tráng. Các điệu múa được dàn dựng thành đại cảnh trên các đường phố, sân vận động, là dịp để con cháu Việt hướng về cội nguồn, góp phần gìn giữ, lưu truyền vốn văn hoá quý giá của dân tộc. Bài: Phạm Phương; Ảnh: Huy Hoàng (Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét