Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh khảo sát di tích lịch sử văn hóa căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vùng đất thép Tây Ninh đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam Việt Nam, trong đó có căn cứ Trung ương Cục miền Nam (thường gọi tắt là R). Đây là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được đầu tư, phục dựng lại như nguyên bản. Hiện nay, căn cứ đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về nguồn của du khách.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có diện tích khoảng 70ha, nằm trong rừng Rùm Đuôn, thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Từ Tx. Tây Ninh, theo quốc lộ 22B khoảng 60km, du khách sẽ tới di tích.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình du lịch về nguồn của du khách là nhà trưng bày di tích lịch sử với khoảng 1.000 hình ảnh, hiện vật về đời sống sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại chiến khu xưa, tiêu biểu là: mô hình căn nhà lá của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chiếc bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, xe đạp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, súng tự tạo mang tên “Ngựa trời” … Tại đây còn có sa bàn về toàn bộ khu căn cứ giúp người xem có thể hình dung khái quát chiến khu xưa.

Rời nhà trưng bày, theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn, du khách sẽ tới thăm khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những lùm cây rậm rạp, bao gồm: nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành. Đây là nơi mà 3 đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc. Tất cả những căn nhà này đều có đặc điểm nổi bật là không có kèo, không lót đòn tay và được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân (một loại lá rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và không bắt lửa). Trong nhà, các vật dụng mà các đồng chí đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn … đều được để đúng vị trí như trước đây. Bên cạnh mỗi căn nhà là một hầm chữ A nửa chìm, nửa nổi. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện.

Đến với căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du khách còn có dịp thăm hệ thống bếp lửa Hoàng Cầm. Gọi là bếp lửa Hoàng Cầm là bởi, trong thời gian Hoàng Cầm tham gia chiến đấu tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, với vai trò là anh nuôi, ông đã nghĩ ra một loại bếp lửa theo kiểu hang chuột mà khi đun nấu không có khói nhằm tránh sự phát hiện của địch. Bếp được đào sâu xuống lòng đất, có các ống dẫn khói, hầm phụ chứa khói và nhiều rãnh nhỏ để thoát khói. Trên các đường rãnh có phủ nhiều lá cây. Khi đốt lửa, áp suất không khí sẽ đẩy khói bay theo đường dẫn vào hầm chứa khói, sau đó khói tiếp tục tỏa ra theo các đường rãnh, gặp lá cây chỉ bay nhẹ như những làn sương mỏng. Bếp lửa Hoàng Cầm đáp ứng được một trong 3 yêu cầu bí mật đặt ra trong căn cứ cách mạng, đó là: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã quyết định công nhận căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến thăm căn cứ chính là cơ hội để du khách có thể tìm hiểu thêm về “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam, hệ sinh thái rừng nơi đây và thưởng thức các món ăn dân dã như: canh chua cá khô lá bứa, gà rừng xào lá giang, thịt heo kho măng...
                                                                                          Thanh Hải (TTTTDL) biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến