Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

VẠN NINH

Vạn Ninh là một quận lỵ cách Nha Trang khoảng 60 cây số, nằm phía cực bắc của Tỉnh Khánh Hòa. Phía tây và bắc giáp Tỉnh Phú Yên (Tuy Hoà); phía nam giáp Quận Ninh Hòa, phía đông hướng ra biển. Vạn giã là thị trấn chính của quận.

Từ Ninh Hoà ra khỏi Lạc an là tới Xuân Vinh, Hà Già thuộc thôn Xuân Tự nằm trong phần đất Vạn Ninh. Phía dưới mé biển thôn Xuân Tự có ngôi chùa có Tượng Đức Bà Quan Âm rất nổi tiếng và nhìn ra biển Thái Bình Dương. Nơi đây du khách bốn phương kéo nhau vế trẩy hội rất đông mỗi khi lễ lộc hoặc Tết đến. 

Theo nhà thơ Quách Tấn, người xưa hay gọi Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương. Nhất là ở xứ Vạn, bởi nơi đây trên núi có nhiều Trầm và Kỳ Nam nhưng Trầm có tiếng, có giá trị là Trầm ở quận Vạn Ninh như các vùng Tu Bông, Vạn giã. Rất nhiều dân làng đã đi kiếm Trầm và giàu có cũng là nhờ Trầm. Thế nên ca dao đã ca rằng:

“Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá,
Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm…”

Quận Vạn Ninh còn là vùng đất du lịch như Bãi biển Đại Lãnh chẳng hạn. Bãi biển này dài chừng hai cây số, tuy nhỏ hẹp chỉ chạy một mạch là hết nhưng chính cái nhỏ nhoi ấy lại làm nên một bãi biển xinh xắn nên thơ. Bãi biển nằm giữa hai ngọn Đèo, phía nam sát với Đèo Cố Mã (thuộc Tu Bông), phía bắc giáp với Đèo Cả và Vũng Rô. Phía Tây là rừng núi âm u cao vút với rừng lá bạt ngàn, với nhà ga xe lửa Đại Lãnh nho nhỏ nằm chờ du khách trước khi con tàu xe lửa chun qua đường hầm thật dài cả mười cây số để ra Phú Yên (Tuy Hoà). Nếu ai đi xe thì theo quốc lộ 1 để vượt qua đèo Cả tiến về hướng bắc, ngoằn ngoèo trên 10 km chạy sát biển trông rất đẹp nhưng cũng nguy hiểm như Đèo Hải Vân.

Đèo Cả một bên là núi rừng trùng điệp và một bên là Vũng Rô sâu thẳm nằm phía dưới che khuất bởi các ngọn núi ở ngoài hải đảo vây quanh, mặt nước lặng như tờ, nơi đây có dãy núi Vọng Phu, có người Mẹ ôm con chờ chồng đi chinh chiến miền xa chưa thấy về. Từ trên Đèo Cả nhìn xuống lúc gần tới chân đèo, du khách sẽ thấy một thắng cảnh đẹp tuyệt vời. Đó chính là Đại Lãnh, nằm cách thành phố Nha Trang chừng 80 km về phía Bắc. Đại lãnh bao bọc bởi núi, chỉ có hướng đông là trông ra biển Thái bình. Bãi biển Đại Lãnh dáng cong cong hình lưỡi liềm, cát trắng phau và mịn được viền kín bằng những hàng dương liễu. Phong cảnh ở đây thật nên thơ hữu tình, khí hậu mát mẻ. Trong những tháng hè oi bức, khách bốn phương có thể về đây nghỉ ngơi, cắm trại, leo núi vui   đùa với sóng nước hoặc ngâm mình trong làn nước trong xanh ấm áp. Bãi biển Đại Lãnh chẳng những lý tưởng và đẹp nhất ở nước ta mà còn được Tổ chức du lịch thế giới (OWT) đánh giá là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Theo truyền khẩu dân gian, ông Phạm Ngũ Lão (người đan sọt vì nghĩ đến việc nước bị giáo đâm mà không hay) quê Thừa Thiên vào đây thấy phong cảnh hữu tình bèn chiêu mộ bà con lập nên làng Đại Lãnh. Kể từ ngày quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt được xây dựng và chạy ngang qua đây thì làng Đại Lãnh trở nên đông vui và trù phú vì ai đi đâu giữa hai trục Nam Bắc cũng đều phải qua làng này chớ không còn con đường nào khác trừ khi họ đi con đường xuyên sơn ở phía miền cao nguyên xuống Phú Yên. Ngày nay, Đại Lãnh trở thành một thị trấn xinh đẹp hàng ngày đón tiếp biết bao lượt khách ra Bắc, vào Nam dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Hiện nay nhiều du khách ngoại quốc (gọi là "backpacker" hay khách ba-lô) vẫn thường hay dùng xe đạp đạp xuyên qua đèo này và nghỉ ngơi ở xóm Đại lãnh. Biển Ðại Lãnh một thời được vua Minh Mạng chọn như một trong chín biểu tượng khắc trên vạc đồng trước điện Thế Miếu (năm 1836).

Tỉnh Khánh Hoà xưa nay nổi tiếng với câu ''Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” mà Vạn Ninh là một trong những nơi có rất nhiều cọp. Từ vùng rừng núi Phổ Đà ở thôn Xuân Tự trở lên hòn Chảo ở hướng Tây thuộc rừng Trường sơn (phía trên làng Mỹ Đồng) là nơi có rất nhiều cọp. Thời chúng tôi còn nhỏ vẫn thường được xem các thợ săn cọp địa phương hay bắn cọp kéo về để tại trụ sở xã cho bà con đến xem. Có lần họ bắt được cả những con cọp con đem về bán nữa.

Cũng từ vụ bắt cọp con, người ta kể lại một câu chuyện thật khá kỳ bí về cái khôn của loài cọp như sau: Một hôm nọ tại làng Xuân Tự có ba người thợ săn cọp (chúng tôi quên mất tên) đã lên rừng săn cọp trong lúc cọp mẹ và cọp cha đi kiếm thức ăn cho con. Cả ba đã len vào hang cọp bắt được mấy chú cọp con và mang về dưới làng cho người ta xem hoặc đem bán cho các sở thú. Một đêm nọ trời oi bức, cả ba người ra ngoài sân nhà nằm ngủ cho mát và cả ba đều ngủ say. Quá nửa đêm, cọp mẹ (hay cọp cha gì đó) bắt mùi trở về dưới làng và ngoặm lấy người nằm giữa mang đi mà không ai hay biết gì. Sáng ra người ta mới hay là người thợ săn đã bị con cọp phát giác được và bắt cóc đem đi mất chính là người đã xông vào hang bắt mấy con cọp con của nó. Từ đó thôn Xuân Tự rất nổi tiếng về vụ cọp mẹ tìm về nên ai cũng đề phòng và không dám ra ngủ ở ngoài sân nữa.

Quận Vạn Ninh (diện tích 550 km2; dân số khoảng 150,000 người) với đất đai rộng bằng nước Tân Gia Ba, ba phần tư quận toàn là rừng hoang. Dân Vạn Ninh đa số sống bằng một trong ba nghề chính: trồng trọt hay canh nông, làm gỗ, và chài lưới. Phố chính của quận Vạn Ninh là Vạn Giã, có một con đường phố độc nhất, buồn hiu và ngắn củn. Từ hướng ngả ba tẻ đi Tu Bông dọc theo quốc lộ 1 - nơi đây truông Tu Bông có nhiều gió và hầu hết sống nghề nông, phía dưới là biển.

Quận Vạn Ninh có rất nhiều khung cảnh đẹp và nổi tiếng như Vịnh Vân Phong (phía nam biển Đại lãnh), một vùng vịnh xinh xắn đã được tổ chức Du Lịch Thế Giới đánh giá như là một trong những trung tâm du lịch và bãi biển đẹp nhất miền Viễn Ðông. Vịnh Vân Phong nằm trong dãy Hòn Gấm, độ sâu trung bình từ 20 đến 27 thước, đây sẽ là đường giao lưu cho tàu bè lớn nhất trong nước Việt Nam. Hiện tại, ngoài Bãi Giếng có Ðầm Môn, bến tàu với cửa biển sâu nhất miền Trung, có thể chịu đựng tàu buôn xuất cảng với trọng tãi 30 ngàn tấn cát trắng. Vạn Ninh có nhiều khoáng sản, kaolin ở Xuân Tự, cát trắng ở Ðầm Môn, đá hoa cương ở Tân Dân…

Tại thôn Hiền Lương quê tôi có một Tổ đình Linh Sơn rất trang trọng và uy nghiêm nằm dọc theo bờ sông Hiền Lương (từ mạn trên đường xe lửa đổ ra biển). Theo tài liệu của Tổ Đình thì Thủy Tổ khai cơ Hòa Thượng Ðại Bửu (1740-1765), Pháp hiệu là Kim Cang Ðại Lão Tổ Sư, Ngài quán Quảng Nam băng ngàn vào Hiền Lương hoằng pháp năm Cảnh Hưng thứ 22 (tức năm 1761 Dương Lịch) mới lập Chùa đúc chuông, gây cơ sở vững chắc.
Một cảnh nhìn về phố Vạn Giã
Thoạt đầu chùa gọi là Sa Long Tự. Triều Tự Ðức, năm thứ 21 (1867) Chùa bị thất hỏa. Sau khi xây cất lại, cải tên là Linh Sơn Tự. Từ ấy đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Kiểu thức cổ pháp, và hoàn toàn Việt Nam. Mái ngói tường gạch. Chánh điện ba gian, phía đông phía tây có tăng phòng, tịnh thất. Cách thờ phụng đơn giản nhưng trang nghiêm, như các Chùa cổ ở Trung Việt. Vườn Chùa rộng rãi và có nhiều cây cối tươi mát. Phía trước có tường vôi và cửa Tam quan cổ kính. Trước mặt Chùa là đồng lúa bát ngát, có hồ sen sâu rộng, có sông Hiền Lương quanh co. Và xa xa núi cao chập chờn. Phong cảnh đăng quang nhưng thanh tịnh.

Trong vườn Chùa có hai cây cổ thụ: Một cây xoài. Một cây kén và nhiều cây thị. Cây xoài ở trước Chùa, cạnh ngỏ bước vô. Thuộc giống xoài mủ, sống trên trăm năm. Thân cây cao vút và nhánh mọc tua tủa như những cánh tay gân guốc giơ lên trời. Sắc lá xanh láng, màu da cây lại trăng trắng mông mốc. Ðứng xa trông như một cây long trượng nửa chừng. Vừa kỳ vừa cổ!

Cây kén đứng phía sau chùa. Thân cây cao vút và tuồi chắc là 300 niên trở lên. Chính Ngài Ðại Bửu ngồi tu nơi gốc cây kén này, trước khi Chùa thành lập. Vùng Hiền Lương trước kia là một cánh rừng rậm, có nhiều dã thú. Lúc Ngài Ðại Bửu đến tu thì cây kén đã là một đại thọ. Khi phá rừng dựng Chùa các đệ tử giữ cây kén lại làm kỷ niệm. Truyền rằng khi Hòa Thượng ngồi tu dưới gốc cây, thì có một con hổ đến sanh nở bên cạnh. Hòa Thượng vẫn ngồi tu một cách tự nhiên. Không có gì là lạ.

Bác sĩ Yersin, khi đì tìm Ðà Lạt, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ, Bác sĩ đứng yên. Hồi lâu rắn bỏ chạy. Người ta ngỡ rằng Bác sĩ có thuật thôi miên nhưng ông cho biết: Thú dữ cắn người, trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không cố ý làm hại chúng, thì chúng có cần làm hại mình làm chi.

Trong trường hợp của Ngài Ðại Bửu cũng thế. Từ thiện căn lực của Ngài tỏa ra khi thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình. Các vị chân tu sống bình yên trên núi cao đếu nhờ sức mạnh của đức từ bi, chớ không phải nhờ phép thần thông chế ngự thú dữ. Nhưng người đời không rõ, tưởng Ngài Ðại Bửu có phép lạ, nên đến xin quy y mỗi ngày một đông.

Quả hồng chung trong chùa cũng là một vật duy trì đức tin của bổn đạo. Nguyên thời nhà Nguyễn gia Miêu cùng nhà Tây Sơn tranh hùng, các chuông Chùa đều bị tịch thu để đúc súng đạn. Ðem chuông ra đúc súng đạn thật chẳng khác bắt các vị tu hành tòng chinh. Ðể cho chuông khỏi 'phạm giới sát sanh', nhiều Chùa ở Khánh Hòa đem giấu nơi vực sâu hố thẳm. Nhưng đến khi yên giặc giã, thì phần nhiều không tìm lại được, bởi lớp bị kẻ gian lấy trộm, lớp bị nước lụt trôi. Quả hồng chung chùa Linh Sơn tìm lại được cho do một sự tình cờ đượm vẻ huyền bí:

- Một bà lão đi mò ốc phát kiến tại cửa sông Hiền Lương, sợ quá tri hô lên.

Cửa sông Hiền Lương vốn nằm giữa sông Hiền Lương (phía trên đường Quốc lộ 1) và thôn Tân Ðức (phía dưới đường Quốc lộ 1). Biết hồng chung là vật xưa quý giá, làng Hiền Lương và làng Tân Ðức tranh nhau chiếm hữu, việc phải đưa cửa quan. Quan xử:

- Làng nào có chùa, chuông về làng ấy.

Hiền Lương có Chùa Linh Sơn, Tân Ðức không có Chùa, nên Hiền Lương được kiện. Làng khiêng chuông về đem đến cúng chùa Linh Sơn. Việc giấu chuông của Chùa Linh Sơn, nhiều vị phụ lão thường nghe nói đến. Lại thêm nơi thành hồng chung có ghi rõ năm tháng chú tạo: 'Cảnh Hưng Nhị Thập Nhị Niên, Tân Tỵ, Bát Nguyệt' đúng vào năm Tổ Ðại Bửu khai sơn. Nên ai nấy đều mừng 'Châu về hợp phố'. Quả chuông tìm lại được đó là quả chuông thuộc hạng 'Tiểu hồng chung'. Chùa còn một đại hồng chung không biết còn vùi lấp nơi đâu hay đã hóa kiếp. Những đêm trời trong gió lặng người quanh vùng thỉnh thoảng nghe tiếng chuông ngân nơi hồ sen trước Chùa. Nhiều người tin chắc rằng quả đại hồng chung còn ẩn náu trong hồ, và sẽ trở về Chùa một ngày nào đó.

Chùa Linh Sơn có tiếng linh thiêng. Việc quả hồng chung trở về Chùa làm cho các tín đồ thêm vững lòng tin mộ đạo. Lại một sự kiện nữa xảy ra thời Tiền Chiến, khiến người kém đức tin cũng phải tin rằng Chùa linh thiêng thật sự. Lúc bấy giờ Nhật đóng quân khắp lãnh thổ Việt Nam. Tàu bay Mỹ ngày nào cũng đến oanh tạc. Khánh Hòa cũng không thoát khỏi nạn bom rơi. Năm 1944, một quả bom hạng nặng rơi ngay trên nóc Chùa. Nhưng không nổ và cũng không lăn xuống đất. Ai cũng thấy làm lạ. Vì quả bom này nếu nổ thì Chùa bị tan tành, không nổ thì sức nặng cũng đủ chọc thủng nóc Chùa hoặc lăn theo mái Chùa để xuống đất bằng cho hợp lý. Cớ chi lại nằm chình ình trên nóc, mà tứ bề không có vật gì cản ngăn? Người Nhật nghe tin bom nằm trên nóc Chùa thì đến mang đi, chớ không một lời giải thích. Các ông già bà cả bảo rằng: Các vị thần giữ Chùa làm cho quả bom tắt ngòi. Rồi để cho người đời tin sự linh thiêng, các Ngài đem bom đặt trên nóc Chùa và giữ không cho rơi xuống đất. Người đã tin thêm tin, người không tin không biết sao mà cãi. Chùa Linh Sơn là Tổ đình của hầu hết các chùa quận Vạn Ninh.

Cũng chuyện hy hữu, khi chúng tôi còn nhỏ và thường hay tắm ở dưới chân cầu Hiền Lương thì một bữa nọ có một con cá to bằng cái bàn, màu trắng (hình dáng dẹp dẹp thuộc loại cá mú, cá hồng) đã từ ngoài biển lạc vào và bơi lên gần phía trên cầu Hiền Lương một chút. Sau đó thì dân làng phát hiện được và họ lùa con cá này xuôi ra biển vì họ nghĩ con cá này chắc có sự linh thiêng. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy một con cá thật to ở trên giòng sông Hiền Lương này.

Quận Vạn Ninh có rất nhiều thôn xã, từ thôn Xuân Tự cho đến thôn Mỹ Đồng (gần Hòn Chảo), rồi tới thôn Hiền Lương (Hiền Lương ấp trên, và Hiền Lương ấp dưới - còn gọi là Cát ném), rồi ra Tân Mỹ, Tân Dân, Quảng Hội, Phú Hội, Vạn Thắng, Tu Bông, Đại lãnh v.v... Đời sống người dân ở đây vừa có ruộng vừa có biển nên nói chung khá sung túc. Ngày xưa các đoàn Cải lương miền Nam với các gánh hát nổi tiếng như Kim Chung, Út Bạch Lan/Thành Được, Thanh Minh/Thanh Nga v.v... với các nghệ sĩ gạo cội Cải lương như Út trà Ôn, Hoàng Giang, Hề Minh, Văn Hường, Minh Cảnh, Hữu Phước, Thanh Nga, Kim Chung, Út bạch Lan, Thành Được v.v... mỗi lần ra miền Trung lưu diễn vẫn thường ghé ngang rạp hát Vạn giả để trình diễn cho bà con nghe. 

Phía dưới làng Tân Mỹ là bến đò Vạn giã buổi sáng tràn đầy nhựa sống. Mặt trời vừa nhú ánh sáng là ghe tàu đã lên hàng cho đi ra đào. Những chiếc ghe cá đi đêm về đã mang những đặc sản vào bờ cung cấp cho thị dân Vạn giã và nhiều nơi khác. Khoảng đất trống trước văn phòng bến đò này người ta tập Dưỡng sinh theo lối sống mới.

5 giờ sáng mặt trời vừa ló dạng, người xứ Vạn đã dũng mãnh xuống biển đùa với nước. Có chiếc đò chở khách và hàng hóa ra các đảo ngoài khơi. Ghe mang cá đánh bắt đem vào bến. Có những ghe cá đánh bắt xa bờ. Từ khi kỹ nghệ Tôm sú gãy gánh, hàng ngàn đìa tôm đã bị bỏ hoang, hàng ngàn tiểu thương dở khóc dở cười nên nền kinh tế Vạn giã cũng xuống dốc thê thảm. Buổi sáng, những nhóm phụ nữ tập dưỡng sinh xong thì kéo vào quán trà hoặc café để giải khát và nói chuyện. Các ông thì ngồi ở các bạn nhỏ hơn ở giữa lề đường kể lại những mẩu chuyện bí mật của hơn 30 năm qua. Có rất nhiều người đã vượt biển trước đây ra hải ngoại hoặc được con cái bảo lãnh nhưng không sống được vì khí hậu khác biệt nên đã trở về lại quê cha đất tổ. Rất nhiều con cái của họ hiện đang sống tại hải ngoại vì nơi đây ngày trước đã xuất phát các chuyến tàu vượt biển và nhờ đó mà cha mẹ thân nhân họ cũng được hưởng sự sung túc do các con cái thân nhân từ hải ngoại gửi tiền về giúp đỡ.

Quận Vạn Ninh tuy nhỏ nhưng là nơi mà các nhân vật tiếng tăm ngày xưa đã có lần đến. Như lần cựu Tổng thống NDDiệm và cố vấn NDNhu đã đến thăm dân tại sân vận động Vạn Ninh. Hoà thượng Thích Tâm Châu cũng thường viếng thăm Chùa Vạn Ninh và Đại đức Thích Tuệ sĩ cũng đã có lần cất chòi sinh sống và tu hành ở miền đồi núi Vạn giã.

Để kết thúc bài viết này, người viết xin có mấy vần thơ để nhớ thương về xứ Vạn của mình như sau:

"Núi rừng Vạn giã trông u tịch
Tỏa ngát trầm hương xứ Vạn thơm
Xa quê chất ngất niềm u uất
Hẹn ngày về lại đất cô thôn"


                                      
Nguyễn VăSanh

(* Người Xứ Vạn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến