Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

COFFEE TOUR - MỪNG QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6 - NỤ CƯỜI ĐẠI NGÀN

                       
THƯ NGỎ

Kính gửi Quý Công ty,
Lời đầu tiên, thay mặt CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ DU LỊCH ĐẶNG LÊ cho phép chúng tôi gửi lời chúc sức khỏe và thành công đến Quý Công ty.

Du lịch ngày càng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người, đặc biệt là du lịch khám phá và trải nghiệm. Nhằm tạo sân chơi cho các em trong ngày Quốc tế thiếu nhi 01.06.2011, CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ DU LỊCH ĐẶNG LÊ xin giới thiệu đến Quý Công ty chương trình Coffee Tour đặc biệt học hỏi, khám phá và trải nghiệm về cà phê; đồng thời kết hợp tham gia chương trình “Nụ Cười Đại Ngàn” với nhiều nội dung phong phú, nhiều hoạt động thú vị tại KDL Thác Draynur. Đến với chương trình, con em thiếu nhi của quý khách sẽ được tham gia nhiều trò chơi vận động, trí tuệ bổ ích, thưởng thức chương trình múa rối, giao lưu với các bạn nhỏ cùng trang lứa, tham quan và khám phá thiên nhiên, thưởng thức Khu ẩm thực chợ quê với hơn 30 món ăn đặc sắc 3 miền,… (Và đặc biệt các em sẽ nhận được rất nhiều phần quà hấp dẫn từ ban tổ chức)
-         Thời gian: ngày 01.06.2011
-         Địa điểm : KDL Thác Draynur, xã Draysap, huyện Krông Ana, Đăk Lăk.
-         Nội dung chương trình:
o   08h00 – 09h30      : diễn ra các trò chơi vận động, trí tuệ vui nhộn như: Mắt thần tìm bóng; Tập làm cầu thủ; Thiên tài bóng rổ; Nhảy bao bố; Tô tượng; Ghép hình trí tuệ…
o   09h30 – 10h00      : trao quà cho thiếu nhi chăm ngoan, học giỏi
o   10h00 – 11h00      : chương trình múa rối do Trung tâm VH tỉnh biểu diễn
o   Sau 11h00             : khai trương Khu ẩm thực chợ quê với hơn 30 món ăn đặc sắc 3 miền, chương trình tự do
-         Đặc biệt: có xe đưa đón miễn phí từ Ngã 6 trung tâm đối với đoàn trên 20 em.

Hành trình cùng Coffee Tour - hành trình của cảm nhận và thức tỉnh.

Chúng tôi tin rằng Coffee Tour sẽ mang đến cho khách hàng của Quý Công ty những chuyến đi thú vị với dịch vụ tốt nhất.
Rất mong được chào đón và hợp tác với Quý công ty!
Trân trọng kính chào!


Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Các Lễ Hội Ở Tây Nguyên


Lễ hội Cúng Đất làng của người Ba Na ở Kon Tum 
Con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người - Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên - Giàng.
Trong khi điều kiện sinh tồn của các dận tộc còn gặp rất nhiều khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật, đói nghèo, chết chóc... Mà trình độ nhận thức khoa học của con người hạn chế. Do đó, vòng đời người cũng gắn liền với hệ thống Lễ - Hội tương ứng trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể. Có Lễ Bỏ Mả (Pơ Thi), Lễ Ăn Trâu, Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Đất làng...Lễ Cúng Đất Làng là Lễ hội của người Ba Na sống ở Kon Tum và Gia Lai. Dân làng Ba Na làm lễ cúng đất làng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch khi chuẩn bị vào vụ sản xuất hoặc khi dọn đến vùng đất mới.Trước hôm dựng làng đồng bào Ba Na làm lễ kéo dài 2 ngày. Họ khấn các thần linh phù hộ cho công việc làm ăn thuận lợi, và thông báo cho thần linh biết công việc làm ăn trong năm mới.

Ada, lễ hội tạ ơn mùa của người Pakô
Ada là lễ hội ăn mừng mùa vụ của người Pakô.Sự kiện thường được tổ chức vào tháng 10, tháng 11 năm âm lịch.Là lễ hội của cộng đồng làng, để làm ada, già làng cùng các vị gia trưởng phải họp để định ngày cùng đưa ra "chỉ tiêu" đóng góp tùy theo mức được mùa cúng như năng lực kinh tế của dân làng.
Người Pakô trước đây thường sống trong những nhà dài, trong đó gồm nhiều bếp, nghĩa là nhiều hộ gia đình, thường quây quanh một sân lớn được dùng cho các sinh hoạt chung (của làng).Lễ cúng được tổ chức trước hết ở từng nhà.Mỗi bếp (hộ) mang lễ vật của mình đến trưng dọn ở moong - gian (buồng) ở chính giữa mỗi ngôi nhà dài dùng làm nơi cúng tế, tiếp khách và là chỗ ngủ (bắt buộc) cho những thanh niên chưa cưới vợ - để cúng. Như để tượng trưng cho linh hồn của những loài được cúng vọng, mỗi bếp trưng ra ở đây đủ các loại giống lúa và các loại cốc được trồng khác như kê, bắp, đậu, mè... cũng như các loại hoa màu khác như sắn, lang, đu đủ chuối... để vái mời dự hưởng những lễ vật được dâng cúng.
Nhưng người Pakô không chỉ tri ân mùa màng với những gì họ gieo trồng trên đất.Và lễ tạ ơn mùa màng của họ phần chính là để tạ ơn đất trời, nắng mưa, dông gió, sông suối, núi rừng, cây cối và cả ma quỷ.
Điều cầu mong chính ở cúng ada ấy là mỗi nhà mỗi bếp cũng như cả làng được bình yên, con người được mạnh khỏe, mùa vụ năm tới được bội thu. Và để làm tin, họ đã xin thần linh làm chứng trong cách cầu xin tựa như cách khấn âm dương của người miền xuôi: dùng hai nửa miếng trúc ngắn (khoảng 30cm) nắm thảy xuống, nếu cả hai cùng nằm ngửa là việc cầu xin đã được như ý, nếu không họ sẽ làm cho đến kỳ được nhưng không được quá 5 lần! Người Pakô không có nhà làng nên sân làng được dành cho các sinh hoạt của cộng đồng, trong đó có việc bày biện lễ cúng cũng như đặt trụ đâm trâu.Với ada xong lễ cúng ở mỗi nhà, chủ nhà cũng như mỗi chủ bếp lại mang lễ vật đến sân làng để cùng già làng cúng lễ.Ngoài cồng chiêng (như lễ cúng ở nhà), lễ cúng ở sân làng còn dùng các loại nhạc cụ khác như kèn ống, kèn sừng trâu, đàn, phách gõ hòa tấu vang lên để lễ cúng thêm phần long trọng. Người nhà này đến thăm nhà kia được các chai, avó tiếp ở moong. Vừa uống rượu vừa ăn và vừa chuyện trò rôm rả. Trong cái tiệc vui đó nói như lời cư dân, nồng ấm hơn cả khi họ chia nhau miếng thịt con thú rừng săn bẫy được, họ thấy yêu thương nhau hơn và mối kết đoàn càng được thắt chặt hơn, chốn quê với cái rừng cái núi như càng đẹp hơn với họ.Nhưng ada sẽ đông vui náo nhiệt hơn nếu có khách mời đến từ các làng lân cận, trong đó có khách riêng của từng bếp từng nhà và khách của làng. Cái "chỉ tiêu" mà làng định ra trong lần họp tổ chức ada chính là mức đóng góp vật thực (cơm-xôi-rượu-thịt) của mỗi bếp cho mỗi nhà cũng như của mỗi nhà cho làng để đãi khách đến chung vui. Tạo nên sự rộn ràng, sôi nổi và hấp dẫn chính là những hình thức vui chơi, hát múa suốt trong lễ hội, nhiều khi kéo dài đến hai ngày đêm.
Cha-chấp, ba-bói, câr-lơi, các thể hát với giọng cao, giọng thấp, với các tư thế ngồi, đứng hay vừa mời rượu nhau vừa hát, với các ca từ tự ứng tác, hoặc trữ tình hay đối lý nhặt khoan, trầm bổng cùng với tiếng đệm của các loại nhạc cụ, với các điệu mút điệu nhảy lả lơi, cuồng nhiệt đã làm ada níu bước người trong - ngoài làng cùng đến chung vui.Làng nào cũng có ada, làng làm trước, làng làm sau, cùng đến với nhau, ada như một mùa vui kéo dài, thật tuyệt vời, như chính cư dân đã nói.
Ada, linh hồn của niềm vui, biểu trưng của tình yêu cuộc sống, nền móng của giao hòa để tồn tại với thiên nhiên, người Pakô gìn giữ ada như lưu giữ hạt giống để gieo trồng mùa vụ. Ngay đến ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, người Pakô vẫn duy trì lễ hội ada.

Lễ hội giỗ tổ ngành thêu ở Đà Lạt

Hàng năm cứ vào ngày 12/6 AL (nhằm vào tháng 7), tất cả các nghệ nhân, nghệ sĩ ngành thêu cả nước và trên thế giới đều đổ về Đà Lạt (XQ - Sử quán) để tham gia lễ giỗ tổ của ngành thêu. Năm nay lễ hội giỗ tổ ngành thêu được thực hiện qui mô hơn. UBND thành phố Đà Lạt coi chương trình này như một trong những chương trình khởi đầu cho lễ hội Festival Hoa sẽ được khai mạc vào tháng 12. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất là những nghi thức về “Hội hành hương” diễn ra ở XQ –Sử quán.
Trong đó có các lễ rước như “Buộc chỉ ước nguyện nghề thêu”; “Làm nguôi giận các vị thần linh” và các chương trình khác như “Thời trang của người thợ thêu”; “Đêm nhạc Guitar tưởng nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”…
Lễ “Buộc chỉ ước nguyện ngành thêu” được tổ chức tại đền Ước nguyện XQ – Sử quán với ý nghĩa nói lên tâm nguyện của người thợ thêu ước muốn xóa bỏ những điều ác độc, mong những điều hạnh phúc phồn vinh sẽ đến với cuộc sống
Tham gia những lễ hội này, mọi người sẽ được nghe về câu chuyện của những người thợ thêu ngày xưa ở Đà Lạt. Ngày xưa trên một bình nguyên, chim muông và các loài vật có thể trò chuyện với nhau và cùng được quản lý bởi hai vị thần linh, đó là thần sống và thần chết.
Hai vị cho con người lên sinh sống và xây dựng vùng đất này. Ban đầu họ yêu thương, đoàn kết và chung tay xây dựng cuộc sống. Nhưng theo thời gian, những tính cách kiêu ngạo, ganh tỵ đã khiến họ trở nên độc ác. Hai vị thần liền xuống trần và đem theo những sợi dây để buộc vào tay con người và muốn họ phải cam kết xóa bỏ những tật xấu, sống là phải yêu thương nhau…Mỗi một lễ rước là một truyền thuyết xưa, đưa con người trở về cõi tĩnh lặng và huyền ảo.
Tối thứ bảy (ngày thứ 2 của lễ hội) là hội thi “Người đẹp ngành thêu”; “Đêm ẩm thực” và chương trình thời trang qua các bộ sưu tập “Hành trình chiếc lá rơi”; “Nắng thủy tinh”…Tất cả chương trình này đều được 150 nghệ sĩ của XQ trình diễn trên phố đi bộ tại Tp. Đà Lạt, qua các con đường Phan Bội Châu, Lê Đại Hành và Nguyễn Thị Minh Khai. “ Du khách có thể tham gia các chương trình ảo thuật đường phố vào đêm 16/7/2005”.
“Ta cúi xuống nhặt dấu chân trên cỏ; Thấy tiền thân sương ướt áo chưa khô” những lời dẫn dắt bắt đầu cho chương trình “Vũ khúc dâng trà”. Các nghệ nhân pha trà sẽ thuyết minh về các loại trà: từ trà Hành Thâm, Tâm Vọng đến U Hương .v.v trong tất cả những tên gọi ấy đều chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về tình tri kỷ tri âm, về hành trình tìm kiếm quê hương trong hoài niệm. “Nghi thức pha trà” giới thiệu bàn trà “Tri kỷ không về, ta với ta” chắc chắn sẽ là điểm nhấn thu hút nhiều người tham gia.
Lâu nay, Tp. Đà Lạt vẫn luôn được coi là điểm du lịch hấp dẫn khách thập phương bởi những thắng cảnh tham quan lãng mạn như thác Damb’ri, Thung lũng tình yêu, thác Prenn, Pongour cũng như vườn hoa thành phố nhưng chắn rằng trong những ngày kết hợp lễ hội giỗ tổ ngành thêu, được hòa mình vào những lễ rước trên đường phố Đà Lạt, có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy thật tuyệt vời.

Lễ rước hồn lúa của người M'nông
Lễ rước hồn lúa của tộc người M’nông là nghi thức rất trang trọng. Mùa gặt, sau khi thu hoạch xong, mỗi gia đình thường để chừa ra một vạt lúa nhỏ.Khi tổ chức rước hồn lúa, người trong gia đình mới ra cắt nốt vạt lúa này, bó thành từng bó lúa. Các bó lúa được các cô gái bỏ vào gùi đeo trên lưng và cầm trên tay một bó nhỏ.
Lễ rước hồn lúa diễn ra không gian rất rộng, từ sườn đồi về đến tận nơi ở của người M'nông.Những người phụ nữ trong gia đình tổ chức rước hồn lúa (hoặc là những người phụ nữ trong một buôn) sẽ se những sợi dây rừng hoặc dây mây lại rồi sau đó nối với nhau từ rẫy về đến buôn làng (dài khoảng 5-8 km) đến tận chân cầu thang của kho thóc. Trên vài cây số, những người phụ nữ gùi lúa tay nối sợi dây rừng để hồn của nàng tiên lúa biết đường về kho thóc.Nhiều khi đường xa không kiếm đủ sợi dây rừng thì họ tước bẹ lá chuối khô se lại thành dây (người M’nông gọi đó là Răng- ba (tức là thần lúa).Rước thần lúa về kho lúa trong nhà mình, đây mới chỉ là nghi lễ.
Theo quan niệm của người M'nông, thần lúa, hồn lúa là một cô gái rất xinh đẹp, hiền dịu, nhưng ham chơi. Lúa chín rồi, gặt rồi, cắt rồi nhưng nàng tiên lúa đang còn mải đi chơi không về.Nếu để nàng tiên lúa rong ruổi mãi như thế năm nay sẽ mất mùa. Cho nên người ta phải dẫn đường để cho hồn lúa về và cột ở chân cầu thang kho lúa của gia chủ. Kho lúa phải có một trái bầu to, làm thật sạch sẽ treo ở cửa. Đây là nơi để hồn lúa, nàng tiên lúa trú ngụ ở kho lúa. Người M'nông quan niệm, mình có chứa bao nhiêu lúa đi chăng nữa mà hồn lúa không ở với mình thì cũng coi như không có kết quả gì.Lễ rước hồn lúa của người M’nông mang ý nghĩa tâm linh rất riêng. Khi rước hồn lúa về đến nơi rồi thì lúc đó họ mới tổ chức cúng. Tất cả những ước nguyện, cầu mong của gia đình, buôn làng mới được thể hiện trong lễ cúng đó".Một nét nữa trong lễ rước hồn lúa là người ta không dùng chiêng đồng, mặc dù người M’nông có hai đội chiêng đồng. Chiêng không có núm gọi là chiêng churgbor. Bộ chiêng có núm có thể là 3 chiếc hoặc 4 chiếc gọi là gondbeh. Nếu đánh bằng chiêng đồng tiếng to, ồn, nàng tiên lúa hoảng sợ bỏ đi thì sang năm lại mất mùa. Cho nên, họ dùng đàn đá, hoặc nhạc cụ thổi bằng tre, nứa để tiếng êm dịu. Vì tre, nứa đều là chị em nhà lúa nên nàng tiên lúa không hoảng sợ, không cảm thấy lạ.

Tục mừng lúa mới của đồng bào Ba na
Khi những hạt lúa trên nương bắt đầu ngậm sữa, cũng là lúc đồng bào Ba na tại các buôn làng cùng nhau chuẩn bị cúng mừng lúa mới tạ ơn "Giàng".
Ngày trước, bà con làm lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, lúa được trỉa vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 10 Âm lịch hằng năm, khi thấy màu vàng của lúa được phơi giữa lưng đồi, mỗi nhà chuẩn bị 1 con gà, giã một khay cốm, có người đi rừng kiếm thêm con sóc, con nhím… chuẩn bị sẵn vài ghè rượu. Luộc con gà xong đặt lên đĩa, bên cạnh là ghè rượu và khay cốm, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà bắt đầu khấn cầu được những gié lúa trĩu bông, con cháu khỏe mạnh, gia đình vui vẻ, mời linh hồn của những người đã khuất về cùng dự. Cúng xong người lớn tuổi được ăn phép và uống rượu đầu tiên, sau đó cả nhà cùng vui, họ chuyền nhau mỗi người một nắm cốm để tận hưởng hương vị thơm ngon của những hạt thóc đầu mùa, cứ thế mọi người cùng ăn, cùng uống, cùng say…
Hôm sau, khi ông mặt trời vừa nhô khỏi núi, mọi người lũ lượt kéo nhau lên rẫy, họ mang theo gùi để tuốt lúa. Khi lúa đã về nhà, cả làng bắt đầu cúng tập thể tại nhà rông, mỗi gia đình góp 1 con gà, 1 ghè rượu và 1 khay cốm. Tất cả được bày dọc theo 2 hàng của nhà rông. Chuẩn bị xong, mỗi nhà cử một đại diện ngồi vào mâm lễ của mình, đám trai làng đi chung quanh nổi cồng chiêng, già làng cầu mong cho sự bình yên, ấm no chung của cả làng, từng gia đình có điều ước riêng cho mình. Già làng được ăn phép và uống rượu trước tiên. Tiếng cười nói, đùa vui của người già, lũ trẻ hòa vào nhau, một không khí đầm ấm, nhộn nhịp. Cuộc vui thường kéo dài thâu đêm, đến khi con gà rừng gáy báo sáng vẫn còn nghe tiếng cồng chiêng.
Ngày nay cây lúa nước đã được thay thế dần cho cây lúa nương, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, song tục mừng lúa mới bà con vẫn tiếp tục lưu giữ sau mỗi mùa lúa bội thu.

Lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê (Đắk Lắk)
Một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Êđê là Lễ cúng bến nước được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.Đây cũng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê.Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nên phong tục này đã được bảo tồn và tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng lòng tin của đồng bào dân tộc và thể hiện chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.Buổi Lễ cúng bến nước thường diễn ra như một ngày hội của buôn làng Êđê.Sau hồi chiêng ngân dài như đưa ta vào thế giới tâm linh sâu thẳm và trang nghiêm, Lễ cúng bến nước được bắt đầu bằng việc lễ cúng ông bà tổ tiên để thông báo cho ông bà về sự có mặt đông đủ con cháu trong buôn làng.Khi lễ cúng cho ông bà tổ tiên kết thúc, một hồi chiêng nữa ngân lên và đó cũng là khi thầy cúng bắt đầu làm lễ cúng Yàng (Trời) cầu mưa. Kết thúc lễ cúng Yàng, những hồi chuông dài tiếp tục ngân vang, những cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi, cùng mọi người theo bước chân thầy cúng về bến nước đầu buôn.Lễ cúng bến nước diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng.Thầy cúng đọc lời khấn cầu mong Thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng. Sau lễ cúng những bầu nước mát ngọt được những người con của buôn làng gùi về trong niềm vui hân hoan. Mọi người lại quây quần bên nhau uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên – một di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia.
Bên cạnh Lễ cúng bến nước còn nhiều Lễ khác như Lễ trưởng thành, Lễ ăn trâu, Lễ ăn cơm mới… của đồng bào dân tộc Êđê là dịp để tất cả đồng bào trong buôn quây quần tụ họp bên nhau. Bà con thêm tình đoàn kết, cùng chung nhau niềm vui để tiếp tục phấn đấu xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc, buôn làng ngày một giàu đẹp hơn.

Hội đua voi
Sau mấy tháng hạn hán kéo dài, một cơn mưa như trút nước bất ngờ đổ xuống TP Buôn Ma Thuột một đêm cuối tháng ba vừa qua; nhưng ở buôn Đôn cách đó 30km lại chẳng được giọt nước nào!
Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt ở sân vận động Buôn Đôn giữa rừng thưa để theo dõi một cuộc đua của 12 chú voi. Những “cỗ chiến xa” biết cử động ấy giáng những cái chân to như cột nhà lao nhanh về đích sau khi có lệnh xuất phát.Dân địa phương và du khách hào hứng tột độ khi tận mắt chứng kiến cuộc đua voi cực kỳ ngoạn mục.Sau cuộc đua là những màn biểu diễn khác của voi cũng rất hấp dẫn.
Có điều thật đáng tiếc: tại sao một hội đua voi... quá đã như thế lại không hề được quảng bá, “tiếp thị” trước để kéo du khách đến với Tây nguyên: chỉ có chừng hơn chục khách Tây, Nhật cùng khoảng trên 50 khách nội địa đến với buôn Đôn nhân sự kiện này. Trong khi đó những màn trình diễn voi tại Thái Lan thu hút hàng nghìn du khách khắp nơi.

Hội đua voi Tây Nguyên
Hội đua voi diễn ra vào mùa xuân (khoảng tháng 3 âm lịch).Hội đua voi thường diễn ra ở Buôn Ðôn hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêvepốc (Ðak Lak). Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng ít cây to) đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1-2 km. Một hồi tù và rúc lên, theo lệnh điều khiển, từng tốp voi đứng vào vị trí xuất phát. Khi có lệnh xuất phát thì những chu voi bật lên như chiếc lò xo, phóng về phía trước, tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ ầm vang cả núi rừng.
Cuộc đua kết thúc, những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy, mắt lim dim đón nhận những ống đường hoặc khúc mía của những người dự hội.Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M'Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng.

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Bài đăng Phổ biến