Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Cầu Sông Hàn có thể quay sớm hơn?

Đó là ý tưởng do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đà Nẵng đưa ra, nhằm tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Đà Nẵng và có một không hai ở Việt Nam để thu hút du khách.
Kết hợp với phố Bạch Đằng, cầu Sông Hàn được xem là điểm nhấn cho các chương trình du lịch Đà Nẵng.

Đề xuất quay cầu lúc 12 giờ đêm

Hiện tại, thời điểm cầu bắt đầu quay là từ 1 giờ sáng cho tàu lớn qua lại. Tuy nhiên, để du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng cầu quay Sông Hàn, Sở VH-TT-DL dự kiến đề xuất UBND thành phố cho phép cầu quay vào khoảng 12 giờ đêm hoặc sớm hơn. Khảo sát của Sở này cho thấy, từ khoảng 11 giờ 30 đến 12 giờ đêm lưu lượng người qua cầu không cao.

Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cũng cho hay, hiện nay lưu lượng tàu ra vào ít, mỗi ngày chỉ có khoảng 1 - 2 tàu lớn qua lại, có ngày không có tàu nào.

“Ngoài ra đến tháng 5-2012, khi cầu Rồng đóng luồng sẽ không tàu nào vào được cảng Sông Thu. Bên cạnh đó theo chủ trương của UBND thành phố, sắp đến cảng Sông Thu sẽ di dời về địa điểm mới gần cầu Thuận Phước. Các trường hợp đi lại cần thiết có thể đi qua cầu Thuận Phước hoặc cầu Nguyễn Văn Trỗi, hoặc có thể qua cầu Rồng khi dự án thi công xong sau này. Như vậy, cầu Sông Hàn sẽ ít bị ảnh hưởng và bảo đảm vấn đề giao thông phía trên cầu cũng như dưới cầu”, ông Huỳnh Đức Trung, Phó phòng Quản lý lữ hành của Sở đánh giá.

Cũng theo ông Trung, bản thân cầu Sông Hàn đã là điểm nhấn cho phố đi bộ đường Bạch Đằng do thiết kế đẹp, có đèn trang trí rực rỡ. Vì vậy, việc ngồi ngắm cầu quay vào thời điểm không quá khuya sẽ đáp ứng nhu cầu của rất nhiều du khách muốn tìm hiểu khám phá Đà Nẵng. Trong lúc chờ đợi xem cầu quay, khách có thể sử dụng các dịch vụ bổ sung khác như uống cà-phê, nước mía, trái cây, ăn đêm, mua sắm, chụp ảnh…, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch nhộn nhịp về đêm. Ngoài ra, có thể tổ chức các dịch vụ bổ sung trên cầu để vừa ngắm cầu quay vừa thưởng thức dịch vụ thêm.

Phác thảo tour ngắm cầu quay

Kết hợp với một số địa điểm vui chơi giải trí về đêm được phép hoạt động đến 2 giờ sáng và phố Bạch Đằng, Sở VH-TT-DL cho rằng cầu quay sẽ là yếu tố làm tăng thêm tính hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong các chương trình xúc tiến quảng bá về thành phố Đà Nẵng ở các nơi, hình ảnh cây cầu Sông Hàn luôn hiện diện, nên rất nhiều du khách muốn ngắm cây cầu quay. Ông Trần Văn Tạo, chủ tàu du lịch Mỹ Xuân trên sông Hàn cho biết, hầu hết các đoàn khách đi tàu ông đều hỏi về cầu quay, nhưng ông không thể chở khách đi xem do thời gian đóng-mở quá khuya. “Nhiều khi đi về nhà ở Sơn Trà, tôi thấy khách du lịch ngồi, nằm chờ cầu quay rất đông, nhất là vào những dịp lễ, Tết”, ông nói.

Theo nhiều công ty du lịch như Vitours, Danatours, tàu du lịch Mỹ Xuân, Sông Hàn, Hàn Giang…, việc đề nghị cầu quay sớm hơn là cần thiết để phục vụ nhu cầu của du khách. Tour ngắm cầu quay trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã có những phác thảo như lên tàu đi dạo sông Hàn từ khu Bạch Đằng đến cầu Thuận Phước lúc 10 giờ đêm, sau đó quay về neo đậu, ăn uống, thưởng thức cầu quay lúc 12 giờ đêm.

Bài và ảnh: TRIÊU NHAN
Theo báo Đà Nẵng

Cần bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào Tây Nguyên

Các dân tộc Tây Nguyên có những loại kiến trúc nhà ở độc đáo, phù hợp với tập quán và điều kiện thiên nhiên, môi trường nơi họ sinh sống. Nếu người M’nông ở phía Nam Tây Nguyên có ngôi nhà trệt mái vòm thì các dân tộc còn lại như Êđê, J’rai, Xê Đăng vùng Bắc Tây Nguyên sinh sống trong ngôi nhà sàn dài. Trong quá trình phát triển nông thôn mới, kiến trúc nhà ở của đồng bào Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi dẫn đến giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Ta có thể thấy điều đó khi đến thăm các ngôi làng của người Êđê, M’nông ở Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Nói đến người Êđê người ta phải nói đến nhà dài. Nó là công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng nhất của tộc người này. Trong xã hội Êđê cổ truyền, nhà dài là nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ. Dưới mái nhà dài gồm những gia đình nhỏ của các con gái, cháu gái sinh thành từ một bà tổ. Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước, nhà dài thường là nơi chung sống của hàng chục gia đình nhỏ nên nó “dài như một hơi ngựa phi”, “dài như tiếng ngân của một cái chiêng tốt” (sử thi Đam San). Nhà dài Êđê chứa đựng những tinh hoa điêu khắc, tạo hình, trang trí, phát huy tối đa các công năng kiến trúc. Những mô típ quen thuộc biểu hiện chế độ mẫu hệ và sự phồn thực được phô bày như bầu vú mẹ, nồi đồng; những hình ảnh biểu thị sự giàu có như sừng trâu, chiêng, ché, voi...; những tác phẩm khác nói về sự đa dạng của sản vật như hình rau dớn, rùa, ba ba, kỳ đà, cua, cá...Bên cạnh đó còn có khá nhiều mẫu hoa văn khắc họa kỳ công để làm đẹp cho ngôi nhà. Trong phòng chính còn bố trí ghế kpan ngồi đánh chiêng, ghế chủ nhà ngồi tiếp khách, bếp lửa...
Nhà trệt dài mái vòm của người M’nông cũng khá đặc trưng, bảo lưu nhiều nét cổ xưa. Nhà thấp, trong nhà rất tối vì ít chừa cửa, mái sau dài đến sát đất, cửa ra vào chừa phía bên hông (đầu hồi) và phía trước. Chiếc cửa nhỏ, thấp, người ra vào phải khom lưng xuống giống như chui vào hang động. Cửa ra vào đều có mái nhô ra và theo mô típ cửa vòm, nhìn xa giống như lỗ tò vò. Mỗi nhà chứa từ năm mười hộ cho đến hàng chục hộ, mỗi hộ đều có kho lúa và bếp nấu ăn riêng, của cải tài sản cũng phải quản lý riêng biệt từng hộ. Bố trí trong ngôi nhà dài theo một trật tự được qui định: Kho lúa đều trổ cửa phía ngoài, mỗi kho lúa đều có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn. Cột nhà làm bằng cây tốt không bị mối ăn, cột nhà chôn dưới đất đến vài chục năm vẫn không hư.
Nhà dài Êđê
Xã hội cổ truyền Tây Nguyên đang biến đổi hết sức nhanh chóng cho nên điều kiện ăn ở, cư trú của đồng bào cũng phải thay đổi theo. Chẳng những các thôn buôn nằm trên trục giao thông lớn bị biến dạng, “lạ hóa” mà các bon làng vùng sâu vùng xa cũng đã và đang mất dần những yếu tố truyền thống. Kiến trúc là một trong những yếu tố văn hóa truyền thống có sự thay đổi rõ rệt nhất. Những ngôi nhà sàn Êđê, J’rai, Xê Đăng đã bị “trệt hóa”, mái tranh mái nứa cũng bị “tôn hóa”. Sau thời gian vận động tách hộ, buôn làng Tây Nguyên cơ bản đã xóa bỏ nhà dài, chỉ cư trú theo kiểu nhà ngắn của từng hộ. Thực hiện chủ trương kiên cố hóa, xóa bỏ nhà tạm, tranh tre nứa lá, thay thế bằng vật liệu mới, nhà ở của đồng bào càng bị mất hết yếu tố truyền thống. Chẳng những kiểu kiến trúc nhà sàn của người Êđê, J’rai và những ngôi nhà trệt mái vòm của người M’nông cũng dần dần vắng bóng ở nhiều buôn làng. Có thể thấy ngay nhiều bon làng của người M’nông ở Dak Nông không khác với làng người Kinh. Thậm chí, ở tận các bon làng vùng sâu vùng xa như Dăk Rlấp, Tuy Đức, Krông Knô (Dak Nông), Buôn Đôn, Krông Bông (Dak Lak) cũng không tồn tại mấy ngôi nhà giữ nguyên kiến trúc truyền thống. Một số nơi có điều kiện tổ chức tham quan du lịch khá thuận lợi nhưng những ngôi nhà xưa của đồng bào không còn nữa nên sức hấp dẫn không mạnh mẽ. Buôn Yun trước đây là điểm tham quan lý tưởng sau khi du khách cưỡi voi, đi thuyền độc mộc trên hồ Lak. Ngày nay, tại ngôi làng ấy, những nếp nhà sàn dài với mái tranh, vách nứa không còn nữa, thay vào đó là các ngôi nhà sàn bê tông khô cứng. Nó không còn nét thơ mộng và phù hợp với cảnh sơn thuỷ hữu tình của một thắng cảnh nổi tiếng Tây Nguyên như trước đây.
Nếp nhà, trang phục, lễ hội là những yếu tố văn hóa truyền thống tộc người  nhưng đáng tiếc là chúng đang dần dần bị mai một. Việc bảo tồn kiến trúc cổ, nhất là nhà ở của các dân tộc Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2000, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiến hành phục dựng một ngôi nhà dài tại khu trưng bày ngoài trời, lấy nguyên mẫu từ ngôi nhà dài ở buôn Ky, huyện Buôn Đôn (Dak Lak). Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Hà Tây, Hà Nội) cũng phục dựng được một số loại hình kiến trúc nhà ở, nhà làng Tây Nguyên. Trong khi đó, việc bảo tồn, phục dựng tại chỗ theo mô hình kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc thì không được triển khai. Người dân tự xây cất nhà của mình theo hướng “Kinh hóa”, “bê tông hóa”, “ngói hóa” và không theo kiểu quy hoạch, định hướng nào. Chỉ có một vài khu du lịch ở Buôn Đôn còn giữ được nét kiến trúc nhà dài Êđê như Khu du lịch thác Bảy Nhánh, Khu du lịch sinh thái… Nhà dài Êđê tại Khu du lịch thác Bảy Nhánh còn giữ được tính nguyên gốc về kiến trúc, chất liệu, qui mô (dài đến vài chục mét) và đặc biệt, trong nhà trưng bày nhiều hiện vật dân tộc học như ghế kpan, cây nêu, ché rượu cần, không gian sinh hoạt cộng đồng và cá nhân theo cách vừa giữ lại nét xưa trong trang trí nội thất của chủ nhân ngôi nhà vừa giới thiệu, quảng bá hoạt động du lịch.
Với xu hướng thay đổi trong tập quán cư trú, sản xuất như hiện nay, những giá trị kiến trúc truyền thống bị mai một là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc gìn giữ, bảo tồn một số loại hình kiến trúc cổ truyền là một đòi hỏi, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, của các nhà chuyên môn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, khi qui hoạch, tái định cư, xây dựng làng buôn của các dân tộc Tây Nguyên, cần giữ gìn, bảo tồn những ngôi nhà cổ với nét đặc trưng văn hóa tộc người. Các bảo tàng địa phương như Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông… cần chú ý đến việc phục dựng những ngôi nhà ở tại khu trưng bày ngoài trời để giới thiệu nét kiến trúc độc đáo của các dân tộc, các khu du lịch cần đầu tư xây dựng thêm những ngôi nhà sàn trong quần thể kiến trúc dân tộc như mô hình Khu du lịch thác Bảy Nhánh. Đặc biệt, cần khảo sát, qui hoạch, định hướng giúp dân tái dựng, phục hồi những ngôi nhà xưa bên cạnh những ngôi nhà hiện đại với vật liệu mới, giống như mô hình làng tái định cư của người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam. Điều này vừa giúp cải thiện điều kiện sinh sống của người dân, cải tạo cảnh quan, môi trường, làm cho buôn làng ngày càng đẹp hơn vừa phát huy, tận dụng các sản phẩm du lịch độc đáo của Tây Nguyên.
Tấn Vịnh
Nguồn: Báo điện tử Đắk Lắk

Tục “ăn trâu” ở Tây Nguyên

Con trâu ở Tây Nguyên không phải là vật nuôi để cày kéo (khác với con bò) mà là con vật gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa. Theo thần thoại của một số tộc người Tây Nguyên, con trâu còn là “Vật tổ” (một số tộc người có tục cưa răng cho giống tổ).
Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ vật hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng, hoặc để trao đổi những vật dụng quý như ching (chiêng), ché, voi... chứ hoàn toàn không sử dụng để cày bừa hay kéo xe như ở miền xuôi. Đối với những lễ thức chung của cộng đồng hoặc lễ lớn của những gia đình giàu có như: ăn cơm mới, cúng bến nước, bỏ mả, ăn mừng thắng lợi, mừng năm mới...., nếu không có “ăn trâu” thì chưa được coi là một lễ trọng. Tùy theo mức độ non già của trâu (căn cứ vào độ dài và cong của sừng), đồng bào gọi “trâu một em” hoặc “hai em”, tức đã sinh đẻ một, hai lần mà đánh giá lễ lớn hay nhỏ. Trâu càng già, sừng càng dài, lễ càng được coi là lớn.
“Ăn trâu” là tên gọi chính thức của tục hiến sinh này (“đâm trâu” là cách gọi của người miền xuôi) trong các lễ thức cúng Yang. Tuy nhiên, không phải tộc người nào cũng có nghi lễ đâm trâu. Có nơi, như trong các lễ của người Êđê, người ta chỉ giết trâu, cắt lấy đầu, đuôi bày lên mâm cúng chứ không có nghi lễ đâm trang trọng. Đa số các tộc người khi ăn trâu đều có nghi lễ cụ thể, kết hợp với múa hát.
“Khóc trâu” là một trong những bài ca có giá trị nghệ thuật và mang tính  nhân văn sâu sắc. Nội dung là lời tạm biệt, cám ơn con vật đã vì sự tồn tại sống còn của cả cộng đồng mà chịu làm vật hiến sinh. Nghi lễ này hầu như tộc người nào cũng có. Nghệ nhân A Tung Vẻh, người dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam đã từng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc “Sơn ca 91” tại Đà Lạt và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Buôn Ma Thuột 1993 cũng với bài ca “khóc trâu”. Trong những “lễ đâm trâu” dành cho khách du lịch tháng ba hằng năm ở Buôn Đôn “tiết mục” khóc trâu này vẫn được các thầy cúng thực hiện.
Nói về nghi thức đâm trâu. Để chuẩn bị đâm trâu, dù là lễ của cả plei (làng) hay của một gia đình, người Jrai đều phân công một số trai làng vào rừng tìm chặt một cây Blang (bông gòn, cây gạo) lớn, một số loại cây khác nhỏ hơn và 8 cây tre, cao khoảng 5-6m. Họ cũng đem về nhiều dây rừng hoặc mây để chuẩn bị dựng cột và bện dây buộc trâu. Cột này tương tự như cây nêu của người Kinh, người Chu Ru gọi là K’nơng, người Êđê gọi cột gâng, người Jrai gọi Gâng blang...
Địa điểm dựng cột buộc trâu, nếu làm riêng của gia đình thì ngay giữa sân nhà, nếu là lễ của buôn, bon, kon, plei thì cột gâng sẽ dựng trước sân nhà Rông (nhà làng). Đối với các gia đình làm lễ cầu bình an, ăn mừng lúa mới, bỏ mả..., địa điểm trồng gâng sẽ do thầy cúng chọn và quyết định. Trước hôm làm lễ một ngày, phải hoàn thành việc dựng cột cúng. Gâng của người Jrai được trang trí như sau :
Cây Blang cao 5-6m, trên ngọn có một đàn thờ nhỏ. Đây là nơi hồn của tổ tiên, ông bà hay những người đã mất (Yang Atâo) và các vị thần linh tạm trú ngụ trong thời gian được mời về tham dự lễ hội. Chung quanh đàn thờ có cắm nhiều lưỡi dao và một hình trăng lưỡi liềm, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của các Yang. 8 cột tre ngắn trồng xung quanh cây cột chính, trên ngọn có 8 sợi dây rừng buông lòng thòng dài xuống tận sát mặt đất. Mỗi sợi dây buộc nhiều những miếng gỗ nhỏ, vẽ màu sắc rực rỡ, như một cách bày tỏ niềm vui mừng chào đón tổ tiên và các thần linh về dự lễ. Chung quanh cột nêu chính còn có thêm 4 cột nhỏ cao chừng 2m để buộc trâu cúng. Thân cột này có vẽ hoa văn, hình chim, hoa lá...Nếu cúng một trâu thì trồng một cột, nếu cúng nhiều trâu, mỗi con phải một cột riêng.
Cột gâng sau khi cúng thường để vậy cho đến khi nào tự hỏng. Những cột gâng bằng cây blang tươi, nếu mọc lại xanh tốt sẽ là điềm lành cho cộng đồng. Người Sê Đăng, M’nông, Jẻ Triêng…thường làm cột gâng bằng nguyên một cây tre dài.
Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên. Ảnh: T.L 
Các công việc chuẩn bị đã xong, thầy cúng đầu buộc khăn đen, mặc áo choàng hoa đỏ, hoặc choàng tấm mền thổ cẩm mới bắt đầu khấn vái thỉnh mời các Yang và linh hồn của những người đã mất. Sau đó đến bài “khóc trâu”. Nội dung đại ý như sau: “Lâu nay trâu làm bạn với người trong nhà, trong buôn như anh em. Nay vì sự no đủ của buôn sang (hay gia đình), xin dâng trâu lên các thần linh làm đồ tế lễ. Trâu vui lòng nhé, ơ trâu, ơ trâu”...
Dứt lời, chiêng trống nổi lên rộn rã, trai đánh chiêng, gái móc ngón tay út vào nhau thành vòng xoang, theo ngược chiều kim đồng hồ quanh cột nêu buộc trâu. Những người đến tham dự đứng thành vòng ngoài quanh đoàn chiêng, đoàn múa.
Thầy cúng ra hiệu, đội múa tản dần, nhập vào với vòng người phía ngoài. Một số chàng thanh niên khỏe mạnh, giỏi giang săn bắn trong buôn đã được lựa chọn trước cầm theo lao, đao, hoặc kiếm, xà gạc... tiến vào. Nhóm này dẫn đầu đội chiêng trống, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn quanh cột để lừa dịp đâm trâu. Nếu người được cắt cử đâm trâu chính khéo léo, giỏi giang, đâm một nhát dao hoặc kiếm vào trúng tận tim trâu, con vật quỵ xuống chết liền, đó được coi là một trong những điềm báo may mắn cho cả cộng đồng, buôn làng (hay gia đình) sẽ được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi. Trường hợp đâm chưa trúng, nhóm người kế tiếp sẽ vung dao, xà gạc chặt vào khuỷu chân trái sau của con vật, tiếp đó là khuỷu sau của chân phải để con vật không chạy được nữa, chỉ lết quanh cột nêu mà thôi. Nhóm đao kiếm vẫn tiếp tục nhảy múa vòng tròn, đâm chém cho đến khi con vật ngừng thở. Ở một số vùng, sau khi chém khuỷu chân sau để con vật quỵ xuống, người ta sẽ mang nó ra phía sau để hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho con vật chết hẳn.
Khi con trâu tắt thở, thầy cúng mang một chiếc nồi đồng nhỏ đến hứng lấy huyết trâu, hòa với rượu cần để thành một thứ coi như “nước phép” đặt lên bàn thờ cùng đầu, đuôi, tai, mũi... để thần linh ban phép. Rượu hòa huyết sau đó sẽ được bôi lên lá trầu âm dương để xem bói. Những người trung niên trong buôn có nhiệm vụ xẻ thịt trâu để cả làng (hoặc gia đình) ăn uống.
Sau khi hoàn tất các lễ thức, tất cả hòa vào vòng múa xoang. Chán chê lại cùng nhau ăn uống, có khi kéo dài tới 6-7 ngày mới dứt. Có vùng đâm một trâu, nhưng cũng có vùng ăn một lúc nhiều trâu. Năm 1964, người Jẻ ở xã Đăk Sút đã đâm 12 con trâu trong một lễ cúng. Người Chu Ru ở Lâm Đồng còn có thêm lễ tiễn đưa ông bà ở trên đỉnh gâng nữa, rồi mới kết thúc lễ hội.
Người Stiêng dựng cột đâm trâu bằng cây lồng mứt gỗ mềm, dễ đẽo gọt, thớ gỗ trắng dễ vẽ hoa văn. Trong lúc một người đâm trâu thì nam nữ vẫn múa vòng quanh theo nhịp giã cối. Có hai đôi nam nữ chưa vợ chồng đứng giã giữ nhịp cho múa.
H'linh Nga Niê Kdăm
Nguồn: báo điện tử Daklak

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Câu chuyện về lông đuôi voi

Voi là động vật tuy có thân hình to lớn nhưng nó vẫn duyên dáng, đáng yêu nhờ những bộ phận đặc biệt trên cơ thể như cặp ngà, cái vòi, đôi tai hay là cái đuôi. Nếu cái ngà, cái vòi là vũ khí để đánh nhau, để voi lấy thức ăn nuôi cơ thể thì cái đuôi nhỏ nhoi là bộ phận giúp voi trong đấu tranh sinh tồn.
Cái đuôi cũng góp phần cho con voi chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường để tồn tại. Cái đuôi phe phẩy ở phía sau để giúp voi xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi và giúp quạt mát trong lúc nóng nực. Mỗi con voi thường có chiếc đuôi rất đẹp với sợi lông to dày, bóng mượt. Càng về phía đuôi thì bộ lông càng dày rậm. Lông đuôi mọc ra theo kiểu đối xứng hai bên, giống như rẻ quạt. Trong tự nhiên, hiếm khi voi bị cụt đuôi. Tuy nhiên, cánh thợ săn cũng đôi lần cũng bắt được những chú voi cụt đuôi. Năm 1995, thợ săn voi ở xã Ea Wel (Buôn Đôn) bắt được một chú voi cụt đuôi và đặt tên là Na Cut sau khi làm lễ cúng voi nhập buôn cho nó. Chú voi lớn lên với chiếc đuôi cụt ngủn nhưng khỏe mạnh, ngoan hiền.
Lông đuôi voi.

Ngày nay, trong đàn voi nhà ở Dak Lak xuất hiện nhiều chú voi cụt đuôi không phải vì lý do tự nhiên như Na Cut mà bị kẻ xấu chặt trộm lấy lông đuôi. Người ta cần lông đuôi voi để làm gì? Xưa kia, theo quan niệm của một số người, lông đuôi voi không những giúp tránh được tà ma chướng khí, thú dữ mà còn giúp chủ nhân của nó có khả năng biết trước những khó khăn, trở ngại trên đường đi để có cách đề phòng. Nghe nói mỗi lần các quan trong triều đình khi đi công cán xa, đến những vùng đất lạ đầy chướng khí, phải vượt núi xuyên rừng thường mang lông đuôi voi bên mình như một thứ bùa hộ mệnh. Thời đó, từ chốn triều đình đến phủ, lỵ, voi không thiếu nên việc tìm chiếc lông đuôi voi không phải là chuyện khó. Sách sử còn ghi rõ voi của dân, của các bộ tộc miền núi liên tục tiến cống cho triều đình rồi từ triều đình phân bổ về cho các địa phương làm nhiệm vụ quốc phòng.
Đối với người M’nông, lông đuôi voi không những đem lại sự may mắn mà còn tượng trưng cho sự chung thủy. Chuyện xưa kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái làng yêu thương nhau đắm say nhưng bị ngăn cản bởi mâu thuẫn giữa hai làng nên họ không lấy nhau được. Chàng trai liền nhờ đến vị thần to lớn nhất ở Tây Nguyên là thần Nguăch ngual (Thần Voi) giúp đỡ để hai người nên nghĩa vợ chồng bởi đồng bào thấy loài voi rất thuỷ chung với nhau. Khi một đôi voi nào đó đã “kết duyên” với nhau thì chúng không muốn xa rời và luôn quấn quít bên nhau. Chuyện lông đuôi voi nối kết tình duyên thực ra chỉ là cách mà đồng bào đưa ra để động viên tinh thần, để những người yêu nhau cùng tin vào hạnh phúc, may mắn. Khi con người cùng tin và có một niềm tin lớn lao (rằng họ được Thần Voi bảo vệ) thì họ có thể dũng cảm vượt qua được những khó khăn bằng chính nghị lực của mình. Đó là niềm tin mang tính tâm linh mà chỉ còn nghe trong các câu chuyện quá khứ.
Voi Na Cut cụt đuôi đang được thuần dưỡng.
Với tình thương yêu dành cho con vật mang lại lợi ích cho mình nhiều nhất, người M’nông luôn chăm sóc, bảo vệ con voi hết mực, hiếm khi họ nhổ lông đuôi voi để bán chác, trao đổi kiếm tiền. Luật tục M’nông quy định: ai nhổ trộm lông đuôi voi phải đền một con heo, mấy ché rượu; ngoài ra phải đền tiền tùy theo mức chủ voi đưa ra có thể từ vài trăm đến cả triệu đồng. Sợi lông đuôi voi bị nhổ trộm sẽ bị đốt trong lễ cúng tạ lỗi với thần Nguăch Ngual. Mặc dù luật tục của đồng bào khắt khe đến vậy nhưng kẻ xấu vẫn bất chấp, chúng không thèm nhổ trộm vài chiếc lông mà liều lĩnh chặt cả cái đuôi của con voi để bán lấy được nhiều tiền hơn. Người ta tin rằng dùng lông voi để xỉa răng hoặc đốt lên lấy muội nhét vào chỗ răng sâu sẽ hết đau nhức. Đặc biệt, lông đuôi voi như là thứ nguyên liệu tinh túy để sản xuất hàng lưu niệm độc nhất vô nhị, chỉ có ở các khu du lịch được mệnh danh là “xứ sở của loài voi, quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng” như nhẫn, còng bằng vàng, bằng bạc với lời đồn thổi rằng chúng có linh nghiệm trong việc trừ tà và mang lại may mắn cho ai đeo nó. Khi đến các quầy hàng lưu niệm ở Tây Nguyên, không khó để tìm những mặt hàng gắn lông đuôi voi, có nơi bày bán nguyên cả chiếc đuôi voi. Một sợi lông ngắn như cái tăm cũng có giá vài trăm nghìn đồng. Sợi càng dài giá càng cao, có khi lên đến cả nửa triệu đồng. Những sợi lông đuôi có màu trắng giá cao gấp đôi so với lông màu đen. Do nhu cầu tiêu thụ lông đuôi voi ngày càng cao, người ta phải sang tận Campuchia, Lào để lùng mua. Lúc khan hiếm thứ nguyên liệu này, kẻ săn lông đuôi voi rình lúc voi nhà được thả rông thì xông ra vặt hoặc chặt trộm. Những con voi ở Buôn Đôn, Ea Súp chính là nạn nhân của vụ chặt trộm đuôi lấy lông. Chúng bị bắn, bị giết, đốt cháy gây trọng thương, tiêu biểu là vụ tàn sát voi Pak Cú tại khu vực thác Bảy Nhánh, huyện Buôn Đôn vào năm 2010 và gần đây nhất là voi Pak Khăm tại Đà Lạt, làm tổn hại cho đàn voi nhà và gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ voi.
Việc chặt trộm đuôi đã làm tổn thương đến sức khỏe và làm ảnh hưởng đến số lượng đàn voi nhà. Chiếc đuôi không còn nữa khiến cho vẻ đẹp và sự hùng dũng của voi cũng mất đi. Mặc dù tình hình nguy hại như vậy nhưng việc tiêu thụ, tàng trữ lông đuôi voi, nhẫn gắn đuôi voi vẫn cứ tiếp diễn ở một số điểm tham quan du lịch tại Buôn Đôn. Du khách đến tham quan nơi đây vẫn hỏi tìm mua lông đuôi voi, nhẫn gắn lông đuôi voi vì hiếu kỳ hoặc vì niềm tin hoang đường vào thần may mắn. Điều này chẳng khác nào họ tiếp tay cho kẻ xấu làm những điều phi pháp, bất chấp sự lên án của dư luận và cộng đồng.
Những con voi bị giết hại ở một số tỉnh, thành trong thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông về ý thức, về chiến lược bảo tồn voi, kêu gọi những người có trách nhiệm đề cao cảnh giác, tăng cường bảo vệ để không bị mất thêm một con voi nào nữa.
Tấn Vịnh - Annie Eagle

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

THỰC HƯ VỀ NHỮNG ÔNG VUA KHÔNG NGAI Ở TÂY NGUYÊN


Ở Tây nguyên thực ra có đến 3 ông vua không ngai là vua gió, vua nước và vua lửa. Ông vua gió và vua nước nghe đồn là ở huyện Chư Sê, Gia Lai nhưng đã chết từ đời nảo đời nào, chỉ nghe nói chứ chả gặp bao giờ. Còn Hoả xá chính là Vua lửa Siu Luynh đời thứ 14 vừa băng hà tại quê nhà, làng Ơi, xã Chư A Thai, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai cách đây 6 năm. Tức là trước ông Siu Luynh này đã có 13 đời Hoả xá (Vua lửa) cùng trong dòng họ Siu, và cũng chỉ ở Chư A Thai, A Yun pa.
             Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn ghi: “Nước ấy có chừng hơn 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thuỷ Vương ở phía Đông núi, Hoả Vương ở phía Tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng lửa, tháng giêng reo, tháng năm lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không biết ngày tháng. Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn mười người. Đến một thôn Man nào đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra, làm nhà tranh cho vua ở”...  Còn trong “Đại nam liệt truyện” sơ tập 931 thì viết: “Nước Thuỷ xá và nước Hoả xá, hai nước này ở trên đất Nam Bàn, có độ hơn 50 thôn. Cứ 5 năm một lần, chúa Nguyễn sai người đến nước ấy, mang cho các đồ vật như áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và bát đĩa, các thứ đồ gốm... Hai nước nhận được các thứ cho ấy, tức khắc sắm sửa các thứ sản vật địa phương như kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực... để dâng hiến lại”... Sách này chép tiếp: “Hai nước tuy nay có vua mà không có binh lính và thành quách; cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc... chỉ nên ra là nhờ dựa vào thần quyền mà dân chúng suy tôn. Mán dân thờ phụng như thần thiêng vậy. Còn như cái quyền sinh sát, việc tranh đấu đều do sách trưởng (có thể là tù trưởng hoặc tương đương thế- TG) nắm cả, vua thực không dự đến”.
            Ở Tây nguyên thực ra có đến 3 ông vua không ngai là vua gió, vua nước và vua lửa. Ông vua gió và vua nước nghe đồn là ở huyện Chư Sê, Gia Lai nhưng đã chết từ đời nảo đời nào, chỉ nghe nói chứ chả gặp bao giờ. Còn Hoả xá chính là Vua lửa Siu Luynh đời thứ 14 vừa băng hà tại quê nhà, làng Ơi, xã Chư A Thai, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai cách đây 6 năm. Tức là trước ông Siu Luynh này đã có 13 đời Hoả xá (Vua lửa) cùng trong dòng họ Siu, và cũng chỉ ở Chư A Thai, A Yun pa.
            Chúng ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jơrai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jơ Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa. Ở đây, ta cũng cứ gọi là “vua’ theo truyền thống cho nó... oách và quen miệng.Trong hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây nguyên gồm vua lửa, vua nước, vua gió... thì vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người tây nguyên, đặc biệt là người Gia Rai. Ông vua này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây nguyên. Gọi là vua nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa? và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng? Vua có một thanh gươm nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội, hiện được cất rất kỹ tại một hang đá ngay bên cạnh làng Ơi, giữa cánh đồng Ayun hạ bây giờ. Đây là một thanh gươm có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã hai bốn năm, nhiều lần ngồi... uống rượu với “vua”, nhiều lần lờn vờn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm với vua. Theo suy đoán của người viết thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền còn thì ít nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông (các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn đá suối hoặc xương thú...). Nguồn gốc thanh gươm của Pơtao Puih theo truyền thuyết như sau: nó do anh em T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ? và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với thần linh? Từ năm 1904, một viên sĩ quan Pháp (có tài liệu nói là cố đạo, là nhà khoa học) tên là Odend’hal cùng 4 tuỳ tùng chỉ vì lý do cứ đòi xem gươm cho bằng được, đã bị dân làng giết chết. Sau đó tỉnh Gia Lai đã có một kế hoạch xem gươm do hai ông người Gia Rai đương chức thời ấy là ông Ksor Krơn nguyên bí thư tỉnh uỷ và ông Nay Quách nguyên phó giám đốc sở Văn Hoá thông tin chủ trì. Kế hoạch là phải làm một lễ rất lớn, có giết trâu cúng... rồi sau đấy mới được xem, được quay phim chụp ảnh... trong thời gian rất ngắn. Nhưng sau đấy hình như vì lý do kinh phí và cả một vài ý kiến rằng làm như thế là mê tín, là... công nhận vua... nên cuối cùng chưa ai thấy gươm cả. Tôi đã khá nhiều lần được tiếp xúc với... vua và thấy đấy là một người đàn ông Gia Rai hiền lành, có vợ con đàng hoàng, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy, cách nhà hàng 5, 7 cây số tìm, vì ông suốt ngày làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là... làm kinh tế từ... danh hiệu vua khi ai muốn chụp ảnh ông đều phải... cho tiền.
            Như thế, Pơ tao Puih là người luôn phải gắn chặt với gươm thần. Nếu không có gươm thì... không có vua. Nhưng điều lý thú rằng, người Jrai, người Bơnah, người Lào, người Mơ Nông... đều có chung truyền thuyết về thanh gươm này. Ấy là khi thanh gươm cứ đỏ mãi không chịu nguội, sau khi đã ăn máu người (có truyền thuyết kể ăn máu nô lệ, có truyền thuyết cho rằng máu của chính một người giúp việc tên là Pang) nó vừa nguội thì anh em TDia, TDiêng vứt xuống sông. Hay tin, người Chàm, người Lào, người Khơ Me... đều lặn tìm thanh gươm. Một dân chài người Kinh lặn được thanh gươm. Từ dưới nước ông nhô người và giơ thanh gươm lên thì người Jrai giật được lưỡi gươm, người Lào giật được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khai thác truyền thuyết này thành chi tiết khá đắt nói về tình đoàn kết Kinh Thượng trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đang công tác ở sở Văn hoá Thông tin Gia Lai cho rằng: Yếu tố bản địa của “thanh gươm thần” được nhiều tộc người khác nhau công nhận. Bóc đi các yếu tố thần thoại, đối chiếu với các tài liệu và suy luận khoa học, có thể thấy khi việc trồng lúa trở thành phương thức canh tác chính nuôi sống con người trên cao nguyên, nó đòi hỏi kèm theo những yếu tố khí hậu thời tiết nhất định. Nhưng khí hậu Tây Nguyên bấy giờ với 6 tháng nắng liên tục rất khốc liệt và cũng đầy bất thường. Trong đó, nguy cơ thường trực nhất là hạn hán (Các truyện cổ, truyền thuyết, trường ca... của người Tây Nguyên đều nhắc đến hạn hán như một nguyên nhân gây ra bi kịch và là dịp để các dũng sĩ ra tay nghĩa hiệp cứu dân làng, cứu người yêu, mà truyền thuyết nàng Ly (Thác Ia Ly) là một ví dụ). Trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn nhất của người Jrai là có thể cầu xin, “hô phong hoán vũ”, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Ngay ở làng của vua Lửa, làng Ơi, bây giờ là giữa cánh đồng Ayun hạ mênh mông nước, có một hòn đá sừng sững. Truyền thuyết kể rằng đấy chính là chàng trai người Jrai đi tìm nước cứu dân làng. Khi chỉ còn cách nước mấy chục mét nữa thì chàng chết khát và đứng luôn ở đấy từ bấy đến giờ. Dưới góc độ lịch sử thì trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, những tộc người ở Tây Nguyên là nạn nhân của những cuộc xung đột triền miên giữa Lâm Ấp và Phù Nam, tiếp theo là Chiêm Thành và Chân Lạp nên họ phải lùi sâu vào những vùng núi cao, hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Và vì thế mà họ biết đến nghề rèn khá muộn màng. Và khi những công cụ rèn đầu tiên xuất hiện với tất cả những tính năng ưu việt của nó so với trình độ săn bắt hái lượm và phát đốt chọc tỉa lúc bấy giờ, nó được gán cho yếu tố thần linh (Người Tây Nguyên theo tín ngưỡng nguyên thuỷ “vạn vật hữu linh” nên việc này cũng là điều dễ hiểu). Và khi gươm đã được “phong thần” thì việc tìm một người để giữ gươm như giữ vật linh là đương nhiên. Pơtao Puih có thể đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế.
             Như đã nói, đến nay đã có 14 đời Pơtao Puih. Nếu tính trung bình sáu chục năm một đời thì Pơtao Puih cũng mới xuất hiện trên dưới bảy tám trăm năm. Thứ tự tên các Pơtao Puih như sau; 1/ Ksor Chlỡi. Ông này là người đầu tiên được giao nhiệm vụ giữ gươm nhưng ông cương quyết từ chối vì Pơtao phải thực hiện một chế độ kiêng khem rất nghiêm ngặt (không được ăn thịt bò, ếch nhái, lòng của những động vật nuôi trong nhà...). Vì từ chối mà ông đã bị cộng đồng giết rất dã man, chặt 2 chân, 2 tay rồi chặt đầu. 2/ Rơ Chăm Trũl. 3/ Rơ Chăm ANur. Đây là người đầu tiên thực hiện các nghi lễ cúng thần gươm và có bài cúng cầu mưa hẳn hoi. 4/ Siu Bôm. Khi Anur chết, ông không trao việc giữ gìn thanh gươm cho dòng họ Rơ Chăm nữa mà trao cho con trai mình, một thanh niên thông minh và tài giỏi. Vì là con của Anur nên anh này mang họ mẹ. Từ đây vĩnh viễn thanh gươm do dòng họ Siu nắm giữ. 5/ Siu Djua. 6/ Siu Nhong. Đây là người đặt nền móng cho sự manh nha hình thành vùng lãnh thổ của Pơtao Puih. Đầu tiên ông này cũng từ chối không nhận nhiệm vụ giữ gươm vì nhà nghèo không ăn kiêng được. Dân làng thuyết phục ông 7 ngày 7 đêm, hứa sẽ cấp thức ăn cho ông ăn kiêng. Dân làng nói “ Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm, chắc là cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi. Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng và cử ông làm Pơtao”. Nhong đã đánh 7 lần vào nước, và 7 ngày sau thì mây mưa ào ào kéo đến như thác. Và ông chính thức phải nhận là Pơtao Puih. 7/ Siu Blông. 8/  Siu Blet. Đây là Pơtao có công rất lớn trong việc thiết lập quan hệ với người Việt. Hàng năm ông đều cử người mang quà đi tiến cống vua nước Việt và nhận quà của vua Kinh. Sử cũ có nhắc đến việc này. 9/ Siu Ji. 10/ Siu Y. Đây là Pơtao đã rời làng về địa điểm Plei Ơi ngày nay. Đây là thời kỳ trong xã hội Jrai xuất hiện nô lệ, thường là những người bị tội và không có tiền nộp phạt cho làng và bị những người giàu “mua” về, lấy tiền đó trả cho làng. 11/  Siu Ăt. Đây là vị thủ lĩnh Jrai chống pháp. Và người Pháp đầu tiên bị người Jrai giết Odend’hal chính là ở thời kỳ này. 12/ Siu Tũ. Ông này cũng quyết liệt chống Pháp và bị Pháp bắt giam ở Kon Tum. Ông mất năm 1947. 13/ Siu Nhót. Ông được cả người Pháp rồi người Mỹ sau này tìm cách thu phục. Năm 1973 ông bị ốm liệt cả tứ chi, nhưng đến 1986 ông mới mất. Mộ của ông vẫn còn ở Plei Ơi. Và người thứ 14 là Siu Luynh kế vị từ 1986. Thực ra ông này chưa được làm lễ nhận gươm và đã mất năm 1999. Ở đây có một điều lưu ý là vì người giữ gươm, tức được làm Pơtao Puih chỉ là người mang họ Siu nên con của các Pơtao không bao giờ được... nối ngôi, bởi người Jrai theo chế độ mẫu hệ, mang họ mẹ, mà theo nguyên tắc, vợ của Pơtao phải là người mang họ Rơmah. Quy định cụ thể về người nối ngôi như sau: Nếu một người mẹ họ Siu có con làm Pơtao, thì ở thế hệ tiếp theo, người kế vị sẽ là con trai của những người chị hoặc em gái của Pơtao cũ. Và cứ thế, bảo đảm người nối ngôi luôn mang dòng họ Siu. Nếu người nối ngôi khi lên nhận chức Pơtao Puih mà đã có vợ không phải họ Rơmah thì ông ta phải... bỏ bà vợ này và các phụ tế, gọi là kơeng, sẽ chọn cho ông một... hoàng hậu họ Rơmah.
             Theo chúng tôi, vua lửa Pơtao Puih là một nhu cầu tâm linh thiết yếu của người tây nguyên nói riêng, loài người nói chung, bởi ai cũng biết lửa quan trọng đối với đời sống con người như thế nào? Prômêtê chẳng đã từng được ca ngợi là "kẻ đầu tiên tuẫn tiết trên tấm lịch triết học" đó sao? Và vai trò chính của Pơtao là cầu mưa, cũng là một thứ thiết yếu với loài người. Các đời Pơtao trước có thể vai trò và thế lực của các ông lớn hơn, còn đến Siu Luynh, thực chất ông chỉ còn cái tiếng, vì sống giữa rốn của công trình thuỷ lợi Ayun hạ mênh mông 13.500 ha, chả ai cần phải đợi mưa nữa cả, nước mênh mông như giữa đồng bằng lúa nước. Nhưng dẫu sao thì ông cũng đã là một nhân vật được chú ý. Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai hồi đó đã tổ chức cho ông tham gia đoàn già làng trưởng bản ra thăm Hà Nội, viếng lăng bác Hồ, khi về ông say sưa hào hứng kể chuyện cả tháng trời cho dân làng nghe mà vẫn "chưa hết cái Hà Nội", chưa hết “con đường ra Hà Nội”. Làng vua lửa ở là Plei Ơi (Plei = làng) đã được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ cách đây hơn mười năm (1993). Khi ông mất, cả  Plei và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng và 2 ngày mới đi chôn. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn?
              Theo quy định như đã dẫn thì con của Siu Luynh không được "nối ngôi". Vậy chỉ có em ruột hoặc một người nào đó mang họ Siu mới được quyền này (một thứ quyền chẳng có... quyền gì). Theo chỗ tôi được biết thì có một vị phó vương là em Siu Luynh, người thường xuyên phụ giúp Siu Luynh khi hành lễ cúng Yàng khả năng sẽ được dân làng suy tôn, tuy thế, đã mấy năm rồi, ngôi vị Pơtao Puih vẫn để trống. Sở Văn hoá Thông Tin Gia Lai, bằng nỗ lực và nhiệt tình của mình, đã vừa in và phát hành một tập sách về Vua Lửa Pơtao Puih dày gần 400 trang với nhiều thông tin rất thú vị về một hiện tượng thần quyền, vua không ngai, một hiện tượng văn hoá tín ngưỡng... của người Jơrai nói riêng và Tây nguyên nói chung...
                                       Văn Công Hùng

MỘC CHÂU - MÙ CANG CHẢI - MAI CHÂU

HÀ NỘI – MỘC CHÂU- MÙ CĂNG CHẢI -  HÀ NỘI
( 03Ngày - 02 Đêm bằng ô tô )

NGÀY 01: HÀ NỘI – MỘC CHÂU
06h00: Xe và hướng dẫn viên công ty du lịch đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành đi Mộc Châu, tới Mộc Châu , Quý khách  làm thủ tục nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi, ăn trưa
14h00: Quý khách lên xe tham quan khu DL sinh thái bản Áng, rừng Thông. Bản Áng với những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện bên những tán cây xanh tươi, bên dòng suối, hồ nước, dường như là một phần không thể thiếu của cảnh núi rừng Tây Bắc.Bên cạnh đó Bản Áng với những bàn tay khéo léo của các cô gái người Thái xinh đẹp đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế và đa dạng. Cùng với tiếng đàn, tiếng trống, tiếng khèn, vũ điệu truyền thống và những bài ca dân dã trữ tình, các món ăn, đồ uống mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc
16h00: Quý khách lên xe khởi hành đi thăm hang Dơi ( Động Sơn Mộc Hương ) – Một hang động đẹp, kỳ vỹ gắn với những truyền thuyết ly kỳ…Được mệnh danh là “ Tây Thiên đệ nhất động”.
19h00: Quý khách ăn tối tại khách sạn.

NGÀY 02: CAO NGUYÊN MỘC CHÂU – MÙ CĂNG CHẢI 
07h00: Ăn sáng. Tham quan vườn chè, thưởng thức chè Mộc Châu. Vô bản dân tộc.
09h30: Khởi hành đi Mù Căng Chải, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển cùng những ruộng bậc thang xanh biếc hòa cùng xanh núi rừng bao quanh. Ăn trưa ở Phù Yên.
13h00: Tiếp tục hành trình. Đến Mù Căng Chải, nhận phòng, ăn tối, nghỉ ngơi

NGÀY 03: MỘC CHÂU - MAI CHÂU - HÀ NỘI
07h00: ăn sáng tại khách sạn.
Tham quan Mù Căng Chải, ngắm ruộng bậc thang nằm trên thung lũng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình. Ngút ngàn, mênh mông. Cùng đời sống của dân tộc Mường. Xe tiếp tục đưa khách đi chợ đá quý Lục Yên - một trong 3 địa danh có đá quý nổi tiếng khắp đất Việt buôn bán đá quý. Ăn trưa ở Nghĩa Lộ.
13h00: Khởi hành về Hà Nội.
19h00: Về đến Hà Nội, kết thúc chương trình tham quan, tạm biệt Quý khách.


GIÁ TOUR TRỌN GÓI CHO 1 KHÁCH: 4.200.000 VNĐ
( Giá trên áp dụng cho nhóm từ 02 khách, giá tour sẽ giảm khi số lượng khách tăng)
Bao gồm:

Ø  Khách sạn đẹp 2*(2  người /phòng).
Ø  Xe máy đi tour trọn gói
Ø  Các bữa ăn theo chương trình( 150.000 vnđ / bữa / khách)
Ø  Ăn sáng theo tiêu chuẩn 30,000 / khách / bữa
Ø  Vé thắng cảnh nếu có
Ø  Hướng dẫn viên thành thạo nhiệt tình
Ø  Bảo hiểm mức đền bù tối đa là 10.000.000 / vụ
Ø  Tiêu chuẩn mỗi khách được 01 chai 500ml / khách / ngày.

Không bao gồm:
Ø  VAT 10%
Ø  Đồ uống trong các bữa ăn
Ø  Ngủ phòng đơn
Ø  Chi tiêu cá nhân… 

Giá áp dụng đối với trẻ em.
-Dưới  5 tuổi miễn phí,  ăn và nghỉ cùng bố mẹ, chi phí phát sinh bố mẹ phải trả cho em bé.
          -Trẻ  từ 5-11 tuổi thu 1/2 chi phí ngủ chung phòng cùng bố mẹ, ăn được tính như suất người lớn.
          -Trẻ em trên 11 tuổi thu như người lớn.



Mọi chi tiết xin liên hệ:
NGUYỄN QUỐC TOÀN (Quách Tuấn Kha)
Cell : 0909 937 492 – 0906 942 665
Y/M: quachtuankha / Skype: quoctoantourist
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI – DU LỊCH GIANG NAM
Địa chỉ: 406/80 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM
Điện thoại: 08 3110 636 – Fax: 08. 3110 635
VPĐD tại Thị Xã Ninh Hòa: Quốc lộ 1A – Ngã 3 Ngoài – T.X Ninh Hòa – Khánh Hòa
Điện thoại: 058 3845 408 – Fax: 058. 3845 437

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Hà Nội – Hà Giang – Đồng Văn – Lũng Cú Ba Bể - Cao Bằng - Lạng Sơn – Hà Nội

Hà Nội – Hà Giang – Đồng Văn – Lũng Cú
Ba B- Cao Bằng - Lạng Sơn – Hà Nội
(Thời gian: 5 ngày / 4 đêm – Đi bằng Ôtô, Khởi hành 26/09)

Ngày 1: Hà Nội – Hà Giang – Yên Minh
Sáng: Xe và hướng dẫn viên đón đoàn tại Nhà hát lớn Tp Hà Nội, khởi hành đi Hà Giang theo quốc lộ 2. Tới Hà Giang, đoàn dừng chân dùng cơm trưa tại nhà hàng trên đường
Chiều: Tiếp tục hành trình đi Thị trấn Yên Minh, trên đường đi Quý khách thư giãn ngắm nhìn
phong cảnh hùng vĩ của núi rừng biên cương Hà Giang, đoàn dừng chân chụp ảnh lưu niệm tại Cổng Trời Quản Bạ, ngắm Núi Đôi Quản Bạ kỳ vĩ. Tới Thị trấn Yên Minh, Quý khách làm thủ tục nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi. Ăn tối tại Nhà hàng.

Ngày 2: Yên Minh – Lũng Cú - Đồng Văn – Mèo Vạc – Hà Giang
Sáng: Ăn sáng, trả phòng khách sạn. Đoàn lên xe khởi hành đi thăm Cao nguyên Đá Đồng Văn, xã Lũng Cú Điểm cực bắc xa xôi, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Trên đường đi, đoàn dừng chân thăm quan Di tích nhà Vương - Nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình. Tiếp tục hành trình tới Lũng Cú, đoàn ghé thăm và giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, chụp hình lưu niệm trước cột cờ Lũng Cú. Đoàn dùng bữa trưa tại Nhà hàng.
Chiều: Khởi hành về Thị xã Hà Giang qua Huyện lị Mèo Vạc. Trên đường đi, đoàn dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng hùng vỹ.
Tối: Đến Thị xã Hà Giang. Ăn tối, nhận phòng khách sạn.

Ngày 3: Hà Giang - Hồ Ba Bể
Sáng: Ăn sáng, trả phòng khách sạn. Đoàn khởi hành đi Hồ Ba Bể. Đến nhà nghỉ Vườn Quốc gia Ba Bể nhận phòng nghỉ ngơi. Ăn trưa tại nhà hàng thưởng thức đặc sản Cá lòng hồ Ba Bể
Chiều: Xuống thuyền tới thăm Động Puông, Vườn quốc gia Ba Bể. Dạo chơi ngắm nhìn Hồ Ba Bể, lên bờ ghé thăm đảo An Mã, Ao Tiên, đảo Bà Goá... dùng cơm chiều tại Nhà hàng. Nghỉ đêm tại Ba Bể

Ngày 4: Ba B- Cao Bằng – Pác Bó
Sáng: Sau bữa điểm tâm, Quý khách trả phòng khách sạn. Xe khởi hành đưa đoàn đến với Non nước Cao Bằng. Ăn trưa tại thị xã Cao Bằng.
Chiều: Xe đưa khách đi thăm Khu Di tích Lịch sử Pắc Bó Nơi Bác Hồ từng sống, làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm Người bôn ba nước ngoài trở về Tổ quốc. Quay trở lại Thị xã Cao Bằng. Ăn tối, nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi

Ngày 5: Cao Bằng – Thác Bản Giốc - Lạng Sơn – Hà Nội
Sáng: Ăn sáng, trả phòng khách sạn. Đoàn khởi hành đi thăm thác Bản Giốc - Ngọn thác đẹp và lớn nhất Việt Nam nằm giữa biên giới Việt Trung. Trên đường đi, đoàn dừng chân ghé thăm động Ngườm Ngao - một danh thắng nổi tiếng của Cao Bằng.
Chiều: Xe khởi hành đưa Quý khách về thăm Xứ Lạng (Lạng Sơn).
Ăn trưa trên đường. Tới Lạng Sơn, Quý khách tự do mua sắm đặc sản địa phương và hàng Trung Quốc tại chợ Tân Thanh hoặc chợ Đông Kinh Khu Thương mại sầm uất và lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn.
16h00: Khởi hành về Hà nội. Về đến Hà Nội chia tay đoàn và kết thúc chuyến đi./.

GIÁ TOUR TRỌN GÓI: 4,500,000 VNĐ/KHÁCH
( Áp dụng cho tour ghép đoàn 10 khách trở lên)
* Báo tour bao gồm:
- Xe vận chuyển xe đời mới theo chương trình.
- Du thuyền thăm hồ Ba Bể.
- Khách sạn trung tâm, tiêu chuẩn 2 - 3 người/phòng.
- Ăn các bữa chính và bữa sáng theo chương trình.
- Vé tham quan thắng cảnh tại các điểm tham quan có trong chương trình.
- Hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình phục vụ đoàn suốt tuyến.
- Bảo hiểm Du lịch suốt tuyến .
- Nước uống + khăn lạnh trên xe.

* Không bao gồm:
- Ngủ phòng đơn, đồ uống, điện thọai, giặt là, chi tiêu cá nhân, thủ tục nhập cảnh Trung
quốc, chi phí phát sinh ngoài chương trình,…
- Thuế VAT…
- Quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, tiền típ (Lái xe, hướng dẫn, diễn viên…).

Ghi chú: Trẻ em dưới 05 tuổi được hoàn toàn miễn phí, từ 05 - 09 tuổi tính bằng 50% giá
của người lớn và ngủ chung với bố mẹ, từ 10 tuổi trở lên tính bằng người lớn)
Chúc Quý khách một chuyến đi vui vẻ và đầy thú vị!

MỌI CHI TIẾT XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ
NGUYỄN QUỐC TOÀN (Quách Tuấn Kha)
Mobill: 0906 942 665
Y!M: quachtuankha
Skype: quoctoantourist

Bài đăng Phổ biến