Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Thăm nơi học tập xưa của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn

Cùng hòa nhịp với Hà Nội ngàn năm, sáng 6/10/2010, tại khu Đại Nội (Huế), công trình di tích Lầu Tứ Phương Vô Sự - nơi học tập xưa kia của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn đã được khánh thành và được gắn biển công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lầu Tứ Phương Vô Sự  (mang ý nghĩa mọi sự bình yên) là một công trình kiến trúc hai tầng nằm trên Bắc khuyết đài của Hoàng thành Huế, do vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1923, với những đường nét kiến trúc hài hòa, giao thoa giữa phong cáchphương Đông pha lẫn phương Tây. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời bấy giờ. Di tích lầu Tứ phương Vô sự được ghi nhận là nơi nhà vua và hoàng gia lên hóng mát và ngắm cảnh, và là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối của triều Nguyễn.


Lầu Tứ Phương Vô Sự có nền, tường, cửa và kỹ thuật làm mang phong cách châu Âu, còn mái và họa tiết trang trí lại đậm đặc kiến trúc Á Đông với hình mặt trời ở giữa, hai con rồng chầu hai bên theo kiểu hồi long trên nóc, bốn bờ quyết đắp nổi hình rồng.

Dãy hành lang có mô tip phương Tây
Trải qua thời gian chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh tàn phá, đã làm cho công trình kiến trúc Lầu Tứ Phương Vô Sự nói riêng và Bắc Khuyết Đài nói chung bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường thành của Bắc Khuyết Đài bị mất ổn định, nguyên nhân chủ yếu do áp lực đất bão hòa nước cùng với tải trọng tăng cường của Lầu Tứ Phương Vô Sự làm cho tường bị đẩy trượt ra ngoài, làm gãy nứt nhiều đoạn. Toàn bộ hệ khung gỗ bị mất hoàn toàn, tường nhà tầng một bị sụp đổ một mảng nghiêm trọng ở phía Bắc, tường nhà tầng hai bị sụp đổ gần hết chỉ còn lại một mảng ở góc Tây Nam, nền nhà bị sụt lún, hư hỏng trầm trọng.
Kết hợp với diềm mái có
 rồng phượng phương Đông

Nhằm phục hồi nguyên trạng một công trình có giá trị, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử kiến trúc Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định đầu tư 9,3 tỉ đồng nhằm trùng tu, bảo tồn Lầu Tứ Phương Vô Sự. Dự án tập trung vào công việc bảo tồn, tu bổ và phục hồi với các hạng mục, như: tu bổ tường thành Bắc khuyết đài; tu bổ phục hồi hệ thống lan can; phục hồi Lầu Tứ phương Vô sự; tôn tạo sân vườn, không gian cảnh quan môi trường đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống chống sét và phòng cháy theo tiêu chuẩn, đáp ứng công năng tái sử dụng thích nghi của công trình. Trong quá trình trùng tu, Phân viện Khoa học Xây dựng miền Trung đã sử dụng kỹ thuật kích nâng, kích đẩy một số bức tường Bắc khuyết đài bị đẩy ra xa vào nguyên trạng vị trí ban đầu, điều này đã giúp công trình giữ nguyên được những giá trị vốn có của nó.

Lầu 1
Hiện, công trình gồm có hai lầu - được dựng lại đúng theo nguyên bản xưa. Gồm diềm mái có rồng phượng phương Đông.  Kết hợp với sàn lát gạch, trần làm bằng gỗ, có nhiều đèn mang phong cách Tây. Dãy hành lang cũng có mô tip phương Tây. Tầng dưới để các đồ sứ kiểu trưng bày. Cầu thang bằng gỗ quý dẫn lên tầng 2. Tầng 2 hiện đang để trống. Ngoài sân có nhiều hòn giả sơn, cây cổ thụ xanh mát và thảm cỏ êm ái tạo cảnh quan thoáng mát làm cho tâm hồn thư thái. Lầu được kết cấu bởi hai tầng, nằm ở phía trên Thành nên rất cao. Lên đây, có thể quan sát được nhiều phía của Kinh thành Huế.

Sân xung quanh với nhiều hòn giả sơn, cây cổ thụ xanh mát và thảm cỏ êm ái









Dự án bảo tồn tu bổ di tích lầu Tứ Phương Vô Sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm góp phần bảo tồn, từng bước làm sống lại một cách hoàn chỉnh hệ thống các giá trị di tích kiến trúc Hoàng thành Huế, đồng thời tạo thêm điểm hấp dẫn phục vụ cho du khách tham quan và nghiên cứu giá trị di sản Huế.

Cũng trong dịp này, tại lầu Tứ Phương Vô Sự đã tổ chức triển lãm “Hình ảnh Hà Nội xưa”, với nhiều bức ảnh phố phường Hà Nội ngày xưa và trưng bày “Dấu ấn lịch sử qua cổ vật” thông qua hàng trăm cổ vật thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn (từ thế kỷ 12 đến 19) của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
  
Phương Anh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến