Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Tìm về nguồn cội qua hát Xẩm


Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trên lưu vực châu thổ sông Hồng thịnh hành một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc đó là hát Xẩm. Với sự lan truyền mạnh mẽ, môi trường diễn xướng rộng rãi và đối tượng khán giả đa dạng, từ một loại hình giải trí lúc nông nhàn, hát Xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác. Theo chân những nhà tiểu thương về đất kinh kỳ, Xẩm đã nhanh chóng thích nghi, và dần trở thành một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc ở Hà Nội.

Câu chuyện về nguồn gốc ra đời và ông tổ nghề của hát Xẩm gắn với Thánh tích được lưu truyền trong dân gian. Theo Thánh tích, đời nhà Trần, vua Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Trần Quốc Toán vì tranh giành quyền lực nên đã chọc mù hai mắt và đẩy Trần Quốc Đĩnh vào giữa rừng sâu. Lúc này, ông được Bụt dạy cho cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Kì lạ thay, tiếng đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn.  Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua vời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát Xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung.  
So với các loại hình âm nhạc dân gian khác như ca trù, chầu văn, chèo…, Xẩm có thể nói là loại hình âm nhạc bám sát văn học dân gian nhất. Lời ca trong hát xẩm không chỉ phong phú về mặt thể loại: từ ca dao, tục ngữ, truyện thơ dân gian, đến những bài thơ của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính, Phan Bội Châu… mà còn đa dạng về mặt nội dung. Nội dung của Xẩm đề cập đến những vấn đề của đời sống xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là những tự sự về thân phận, nỗi khổ của những người nghèo khó, với những cảnh đời ngang trái. Đó còn là những chuyện vui nhẹ nhàng, hóm hỉnh, mang tính chất châm biếm các thói hư tật xấu, lên án những hủ tục, tố cáo tội ác của kẻ áp bức, thống trị. Phần lớn lời của các bài Xẩm là do các nghệ sĩ Xẩm tự chế, có thể coi những người hát Xẩm là những người kể chuyện tài ba.  
Hát Xẩm thường tụ nhau thành những nhóm nhỏ từ 2 - 3 hoặc 4 người, gồm vợ chồng, con cái, hoặc anh em, bè bạn... Trong đó, bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ bị khiếm thị, các con sáng mắt đi theo, vừa để đỡ đần bố mẹ, vừa học nghề. Trong số này, trưởng nhóm thường là người cầm đàn bầu hoặc nhị, hồ - tự chơi, tự đệm và hát chính. Những người khác đều phải biết chơi tối thiểu một nhạc cụ.  
Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát Xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát Xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo. Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo và thanh la cũng có thể hiện diện trong hát Xẩm.  


Xẩm có hai làn điệu chính là Xẩm chợ và Xẩm cô đào. Hát Xẩm chợ là một điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát Xẩm cô đào thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát Xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị. Ngoài ra Xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo,...hoặc ngâm thơ.    
Sau này, khi người hát Xẩm ở thôn quê lên các thành thị hát kiếm sống mới sáng tạo thêm các làn điệu mới như Xẩm tàu điện, bến xe. Tàu điện là phương tiện giao thông chủ yếu thời bấy giờ. Xẩm tàu điện xuất hiện và đã khẳng định chỗ đứng như mội loại hình âm nhạc dân gian độc đáo của Hà Nội. Xẩm tàu điện đã tái hiện những địa danh, những làng nghề, nếp sinh hoạt và cả những gì đặc thù nhất trong đời sống xã hội của đất kinh kỳ ngàn năm tuổi.  
Các làn điệu dân ca khác khi được dùng trong hát Xẩm đã được "Xẩm hoá" theo phong cách đặc trưng của Xẩm. Trên thực tế, cách gọi tên các loại Xẩm không phải theo làn điệu mà theo một số tiêu thức khác. Chẳng hạn, Xẩm thập ân gọi theo tên bài xẩm ca ngợi công đức của cha mẹ, Xẩm anh Khoá gọi theo tên bài thơ được hát theo điệu xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải…  
Ngày nay, xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống dần dần bị mai một. Việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc được đặt ra một cách cấp thiết. Hát Xẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà ẩn chứa trong đó là đời sống, tư tưởng, tâm hồn của cha ông xưa.
Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến