Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Áo dài – trang phục truyền thống Việt Nam

Chiếc áo dài Việt Nam mang nét đẹp truyền thống, chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, làm tôn vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt Namvà được nhiều người nước ngoài ưa thích. Áo dài đã đi sâu vào trong lòng con người Việt Nam. Áo dài là một biểu tượng văn hóa dân tộc của người ViệtNam.


Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu,
dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa,
thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi
”.

Áo dài, chiếc áo cổ truyền thướt tha mang đậm nét dân tộc của con người Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, chiếc áo dài truyền thống luôn là niềm tự hào của người Việt Nam.

Áo dài Việt Nam có từ rất lâu. Vào thế kỷ 18, phụ nữ Việt Nam vẫn mặc váy. Nhưng vào năm 1744 dưới triều đại nhà Nguyễn, Vũ Vương, một viên quan cai trị phía Bắc miền Trung Việt Nam đã có ý yêu cầu thay đổi trang phục cho đàn ông lẫn đàn bà theo kiểu áo buộc giây hoặc cài nút xẻ phía trước với quần dài phủ giầy. Những năm sau đó vào thời Pháp thuộc, từ chiếc áo tứ thân buộc giây đã được cải biến thành chiếc áo dài hai tà và được mặc với quần ống rộng dài.

Hình ảnh chiếc áo dài, khăn đóng đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ nông thôn cho đến thành thị. Theo lệ thường, mỗi khi làng nước có việc hệ trọng, gái trai ra đình đều vận khăn đóng áo dài. Gái thì áo dài hoa, đầu đội khăn gấm; trai thì áo dài nhiễu đen, đầu quấn khăn đóng đen (có nơi gọi là khăn xếp), bậc cao niên trưởng thượng thì áo và khăn đỏ có in hình chữ “Thọ”, còn lũ trẻ nhỏ thì áo dài xanh, đỏ, vàng trông rất ngộ nghĩnh và đẹp mắt… Nói chung, áo dài không phân biệt hèn sang, già trẻ, ai ai cũng đều có thể mặc được, đặc biệt là trong các dịp lễ tiết quan trọng, nhất là dịp Tết đến xuân về. Bộ áo dài khăn đóng, gái mặc thì thướt tha, thùy mị; trai mặc thì nền nã, trang nghiêm. Chính vì vậy mà trong các việc lớn như giỗ chạp, ma chay, cưới xin, hội làng, ngày Tết… người ta đều dùng đến nó.


Có lẽ vì sự phổ biến này nên áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam. Bộ trang phục này càng thú vị hơn khi đó là trang phục cho cả nam và nữ. Áo dài may cho nữ thường bó sát người, có tà xẻ cao; còn cho nam giới bao giờ cũng rộng rãi.

Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, áo dài vẫn mang nét riêng của mình để không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác. Chiếc áo dài ngày càng được cải tiến theo nhiều kiểu lạ và đẹp với nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà.

Trải qua thời gian và năm tháng, bộ trang phục truyền thống áo dài vẫn tồn tại và phát huy được thế mạnh của mình trong đời sống văn hóa và được coi như là “quốc phục” của Việt Nam.

Không chỉ trong các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp Việt Nam không thể thiếu áo dài, chiếc áo dài Việt Nam đã có mặt ở các sự kiện lớn, cuộc thi sắc đẹp quốc tế và nó được đón nhận với sự trân trọng và ưa thích. Áo dài đã được chọn làm bộ trang phục cho các nguyên thủ mặc khi đến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội. Năm 2007, Hoa hậu Trái đất đến từ các nước đã bị hấp dẫn bởi trang phục dân tộc đặc sắc này và các Hoa hậu đã có dịp rạng rỡ khoe sắc với tà áo dài và nón lá tại TP.Hồ Chí Minh.


Trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà 2009 (Mrs. World Peagant 2009) tại Việt Nam khác biệt duy nhất so với những cuộc thi đã diễn ra từ nhiều năm nay chính là ở phần thi trình diễn áo dài Việt Nam, trong phần mở đầu của đêm chung kết tất cả các thí sinh xuất hiện trong trang phục áo dài của nước chủ nhà. Theo ông David Z.Marmel, Chủ tịch Tổ chức Mrs. World Peagant, tà áo dài Việt Nam từ lâu đã nhận được sự mến mộ của nhiều du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp tha thướt, dịu dàng và tôn vinh vóc dáng đẹp của người phụ nữ. Không chỉ Hoa hậu của các nước mà ngay cả bản thân ông cũng đã rất háo hức chờ đợi màn trình diễn áo dài của các thí sinh.

Vừa qua trong "Ngày Việt Nam tại Tây Ban Nha" vào trung tuần tháng 12/2009, 30 mẫu thiết kế của nhà thiết kế David Minh Đức đã được khoe sắc tại châu Âu. Áo dài Việt Nam đã được biểu diễn tại kinh đô thời trang Milan (Italy) vàMadrid (Tây Ban Nha). Bộ sưu tập đã cung cấp cho bạn bè quốc tế cái nhìn bao quát về quá trình hình thành, phát triển của trang phục dân tộc Việt, từ áo dài cổ xưa cho đến hiện nay, từ hình ảnh cô thôn nữ đến các nữ sinh đến trường, hay những buổi dạ tiệc và đặc biệt, hình ảnh chiếc áo dài cách tân để mặc trong các nghi lễ cưới hỏi. 30 bộ áo dài được chọn giới thiệu lần này nằm trong dự án 1.000 mẫu áo chuẩn bị cho đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Hình ảnh những sinh viên duyên dáng thướt tha trong bộ áo dài đồng phục đang đạp xe hoặc bước bộ trên đường đến trường, trông thật quyến rũ. Và đây cũng là điều gây ấn tượng đặc sắc cho du khách đến Việt Nam. Người nước ngoài đến Việt Namkhông chỉ thích ngắm mà còn rất thích mặc áo dài. Ở các lễ hội, nhiều du khách và các nghệ sĩ nước ngoài khi đến dự và biểu diễn cũng đã chọn mặc áo dài và thấy rất thích thú. Áo dài là món quà kỉ niệm mà nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là các thiếu nữ, đã chọn khi ở Việt Nam. Tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là phố cổ Hội An (Quảng Nam) nổi tiếng với những hiệu chuyên may áo dài phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch. Khách hàng còn có thể chỉ cần tìm hiểu qua website, gửi thư điện tử cho một hiệu may bất kỳ sẽ có được một bộ áo dài ưng ý.

Ngày nay ở Việt Nam, chiếc áo dài truyền thống không chỉ xuất hiện trong những dịp trọng đại như Tết cổ truyền dân tộc, các lễ hội, các hội nghị, tiếp khách nước ngoài, trình diễn nghệ thuật, sinh nhật, đám cưới, lên chùa… mà cả trong ngày thường, nhất là ở các cơ quan ngoại giao, giáo dục, hàng không, bưu điện, du lịch, dịch vụ…

Phương Anh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến