Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

ĐÔ THỊ CỔ HỘI AN (DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI)



Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.



Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…


Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ 19, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn nhiều. Kiến trúc cổ thể hiện rõ nhất ở khu phố cổ. Nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, Khu phố cổ có diện tích khoảng 2km², tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Địa hình khu phố cổ có dạng nghiêng dần từ bắc xuống nam. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Du khách dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ... Nơi đây hẳn đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... cho nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hoá khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc.


Trong nhiều thế kỷ, Hội An đã từng là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Bên cạnh những phong tục tập quán bản địa của người Việt còn có thêm những tập tục của cộng đồng cư dân nước ngoài đến định cư như tục thờ đá; thờ Cá Ông của cư dân ven biển Trung bộ; thờ các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, sét hay vật thiêng (cây cổ thụ),...
Cộng đồng người Hoa ở Hội An có tục thờ các vị thần bảo trợ như Thiên Hậu, Quan Công, Bảo Sinh Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát. Họ thường xuyên tổ chức các kỳ lễ hội hay sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng khác trong các ngày vía thần như tết Nguyên Tiêu (16/1 âm lịch), Thanh Minh (tháng 3 âm lịch), Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), Trung Thu (15/8), Trùng Cửu (9/9 âm lịch), Hạ Nguyên (15/10 âm lịch).
Những yếu tố về mặt xã hội cũng như văn hoá đa dạng này tạo nên nét riêng cho cộng đồng cư dân ở Hội An.
Người Hội An vốn giàu truyền thống văn hoá lại sớm giao lưu với thế giới bên ngoài, không biết tự bao giờ đã hình thành một bản sắc văn hoá độc đáo riêng và được giữ gìn, bảo tồn qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Cuộc sống của con người nơi đây thiên về nội tâm, phảng phất nét trầm lắng. Với họ đô thị Hội An như một mái nhà lớn cổ kính mà trong đó đang chung sống một đại gia đình đông đúc con cháu với những người thị dân hiền hoà gần gũi và hiếu khách; những chủ gia đình ân cần, thân thiện; những phụ nữ dịu dàng, khéo tay, nhân hậu; những trẻ em lễ độ, ngoan ngoãn... tạo nên một cộng đồng cư dân hoà thuận sống bình dị, êm đềm bên nhau qua bao thế hệ và cứ như vậy tiếp nối.


Sự phong phú, đa dạng về tâm hồn giàu bản sắc văn hoá của người Hội An còn được biểu hiện ở các món ăn truyền thống như cao lầu, hoành thánh, bánh tổ, bánh ít gai... từ bao đời nay vẫn được lưu truyền để hôm nay thực khách bốn phương vẫn có cơ may được thưởng thức. Cuộc sống đã bao đổi thay qua năm tháng nhưng người Hội An không bị mất đi những điệu hò quen thuộc, những lễ hội văn hoá đã có từ ngàn xưa, tất thảy vốn cổ ở đây đều được trân trọng giữ gìn... Một đêm hội được tổ chức hằng tháng vào tối 14 âm lịch và đây cũng là dịp du khách khắp nơi được sống trong bầu không khí mang đậm bản sắc truyền thống của Hội An.

Tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc), Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hoá Thế giới.

ĐIỂM THAM QUAN:
Tại khu phố cổ: 

Chùa Cầu Nhật Bản - được xây dựng vào đầu TK 17 bởi một thương gia người Nhật có thế lực lớn ở Hội An. Gọi là Chùa Cầu bởi trên cầu có ngôi miếu nhỏ thờ Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần bảo hộ xứ sở.

Nhà cổ:
+ Nhà cổ 77 Trần Phú, một kiến trúc cổ điển hình
+ Nhà cổ 80 Nguyễn Thái Học là tiệm thuốc Bắc Diệp Đồng Nguyên, chủ nhà còn sở hữu bộ sưu tập gốm rất có giá trị.
+ Nhà cổ 101 Nguyễn Thái Học có phòng khách là một công trình chạm trổ tinh vi. Trần nhà được trang trí hình hai bao kiếm vắt chéo rất lạ mắt.
+ Nhà thờ tộc Trần, 21 Lê Lợi

Hội quán:
+ Hội quán Quảng Đông thờ Quan Công nằm trên đường Trần Phú.
+ Hội quán Trung Hoa thờ bà Thiên Hậu.Hội quán Phúc Kiến xây dựng năm 1857 cũng thờ Thiên Hậu.
+ Hội quán Hải Nam,
+ Hội quán Triều Châu ở đường Nguyễn Duy Hiệu được xây dựng từ 1845 với vật liệu đưa từ Trung Quốc sang,
+ Miếu thờ Phục Ba tướng quân.

Bảo tàng:
+ Bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An nằm trên đường Trần Phú. Nơi đây trưng bày các hiện vật gốm cổ Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam được trục vớt lên từ chiếc tàu buôn bị đắm từ 400 năm trước ngoài biển Hội An.
+ Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh trưng bày những hiện vật cổ như chum gốm chôn tro người chết, nữ trang, vũ khí,…
+ Bảo tàng Lịch sử văn hoá Hội An trong khuôn viên chùa Ông thờ Quan Công và chùa Bà thờ Quan Âm được xây dựng từ TK 17 đã qua nhiều lần trùng tu.
+ Bảo tàng văn hóa dân gian

Các điểm du lịch lân cận:
+ Bãi tắm Cửa Đại chỉ cách đô thị cổ Hội An 5km về hướng Đông, một bãi tắm rất đẹp và lý tưởng bởi nước trong xanh, sóng nhỏ, bãi cát trắng mịn.
+ Ngoài ra bạn có thể mua tour thăm các điểm lân cận như Thánh địa Mỹ Sơn, đã được  UNESCO công nhận di sản văn hóa, đi thuyền thăm các làng nghề ven sông Thu Bồn, thăm làng gốm Thanh Hà .. giá tour khoảng từ 5 đến 10 USD.
 

THÔNG TIN CẦN THIẾT:

Giá vé tham quan đô thị cổ Hội An

- Khách nội địa: 40 000 đồng/người/lượt.; khách nước ngoài : 90 000 đồng/người/lượt.
Miễn lệ phí hướng dẫn cho đoàn từ 8 khách trở lên, liên hệ thuyết minh viên tại nơi bán vé.
Vé có thời hạn trong 03 ngày, được thăm quan 5 điểm, tuỳ chọn.

Đi đến Hội An 

Từ Thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai hướng. Một là đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km. Vào Hội An theo đường Huỳnh Thúc Kháng có thể ghé thăm Tháp Chàm Bằng Anh ở Vĩnh Điện.

Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng - Hội An, ghé thăm Ngũ Hành Sơn, đến Hội An khoảng 30km.

Hội An có đầy đủ các dịch vụ giao thông phục vụ du khách như xe bus, taxi, xe ôm, xích lô, du khách cũng có thể thuê xe máy, xe đạp để tự do dạo quanh Hội An thăm khu phố cổ. Nhưng thú vị nhất với du khách đến thăm Hội An vẫn là đi bộ vòng quanh khu phố để cảm nhận nét đặc biệt của nơi này.

Đặc sản phố cổ Hội An:

Cao lầu là món mì đơn giản như mì Quảng, ít nước lèo, mì trộn cùng rau, thịt, tôm, sợi cao lầu làm bằng bột gạo Hội An, ngâm nước tro từ củi tràm ở cù lao Chàm, nhất là phải dùng nước từ giếng Bá Lễ, sợi mì mới dai đúng điệu, và mới đúng là món cao lầu đặc sản tại Hội An.

Đặc sản bánh tráng đập ăn cùng hến trộn. Do nhiều người Hoa tập trung sinh sống nên Hội An còn nổi tiếng với bánh bao và bánh vạc. Hai loại bánh này đều có nhân tôm thịt, nhưng ngon đặc biệt hơn là nhờ ngâm bột bằng nước giếng Bá Lễ và chấm bằng nước chấm chính hiệu do người bán bánh làm ra.

Mua làm quà: Bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai. Tương ớt Hội An.

  • Hội An rất thú vị vào sáng sớm, đường phố vắng lặng, những người dân Hội An chuẩn bị bắt đầu ngày mới, không có ánh đèn điện, người bán người mua tấp nập thân tình
  • Cũng có thể đi dạo Hội An ban đêm trong những ngõ ngách thanh tịnh của phố cổ
  • Nên đến Hội An vào ngày rằm, 14 âm lịch, lúc này có Đêm phố cổ, cấm xe máy, đèn điện, nhà nhà đốt đèn lồng, có phố đi bộ, hát dân ca, hò xứ Quảng…
  • Hàng đêm ngay Bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.
    Theo vietnamtourism.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến