Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

CÁC NGÔII CHÙA NỔI TIẾNG VIỆT NAM

THỪA THIÊN - HUẾ
Chùa THIÊN MỤ (LINH MỤ TỰ)
Câu ca dao từ bao đời đã để lại trong lòng người dân Huế và du khách đến Huế hình ảnh một cảnh chùa thơ mộng.
Chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê, thuộc xã Hương Long, thành phố Huế.
Trong Ô Châu cận lục viết đời Mạc, đã thấy ghi chép chùa Linh Mụ được Chúa Nguyễn Hoàng cho tái thiết vào đầu thế kỷ XVII. Theo truyền thuyết, năm Tân Sửu (1601), Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng nhân đi du ngoạn núi non sông biển, khi đặt chân đến đây, thấy phong cảnh tuyệt đẹp, địa thế thật tốt. Vua nghe kể có người trông thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi chơi ở đỉnh gò mà nói : "Rồi đây sẽ có chân Chúa đến dựng lại chùa ở nơi này để tụ linh khí mà làm bền cho long mạch". Nói xong, người đàn bà biến mất. Từ đó, dân chúng gọi tên núi là Thiên Mụ sơn, và Chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa, viết biển đề "Thiên Mụ Tự" (đến đời vua Tự Đức, chùa được đổi tên là Linh Mụ Tự).
Ban đầu chùa còn đơn sơ, chưa có những công trình kiến trúc và mỹ thuật nổi tiếng. Năm 1665, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa, qui mô kiến trúc còn nhỏ.
Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm tức Thích Đại Sán, người Chiết Tây, Trung Quốc, thuộc phái Tào Động, được Chúa Nguyễn mời sang Việt Nam lập đại giới đàn. Ngài là một danh nhân đời nhà Thanh, đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời làm trụ trì chùa Thiên Mụ. Tháng 7 năm 1696, trước khi trở về Trung Quốc, Ngài đã truyền giới Bồ-tát cho Chúa Nguyễn Phúc Chu, ban đạo hiệu là Thiên Túng Đạo nhân, nối pháp đời thứ 30 Tào Động chánh tông. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài có công truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.
Năm 1710, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung nặng 3285 cân, là một tác phẩm mỹ thuật quí giá. Tiếng chuông chùa từ đấy đã an nhiên trong lòng người dân xứ Huế, đã đi vào thơ ca.
Thiên Mụ chung thanh
Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên.
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.
(Thiệu Trị ngự đề)
Nghĩa là :
Tiếng chuông chùa Thiên Mụ
Gò cao chùa cổ bên sông,
An nhiên nguyệt tướng mặt vòng tròn gương.
Niệm tan phiền não sầu thương,
Ba ngàn thế giới tỉnh đường ba sinh.
Chuông rền cảm giới u minh,
Ban mai tiếng tụng hiển linh đạo huyền.
Thánh công Phật tích lưu truyền,
Nhân lành quả tốt khắp miền nước non.
(Nguyễn Quảng Tuân dịch)
Năm 1714, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình huy hoàng, tráng lệ. Đó là lần trùng tu qui mô nhất gồm : cổng tam quan, điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Thập Vương, nhà thuyết pháp, lầu Tàng kinh, lầu chuông, lầu trống, nhà Vân Thủy, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược sư, tăng phòng … Chúa lại cho mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt 3 tháng, và cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng kinh Luật, Luận Đại thừa hơn một ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa.
Vào đầu thế kỷ XIX, các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã cho trùng tu, sửa sang chùa. Giữa là điện Đại Hùng, phía sau là điện Di-lặc, điện Quan Âm và Tàng Kinh. Hai bên là điện Đại Hùng và điện Thập Vương.
Đến năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Từ Nhân (về sau đổi tên là tháp Phước Duyên), bảy tầng, cao 21m, bằng gạch, mỗi tầng thờ một pho tượng Phật. Đã 150 năm qua, tháp Phước Duyên ngày ngày soi bóng xuống dòng sông Hương , gây nhiều cảm xúc khó tả cho biết bao du khách đến với cố đô. Trước tháp, vua cho dựng đình Hương Nguyện ba gian, sườn bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Hai bên, dựng hai nhà bia ghi kiến trúc tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyên và nhiều bài thơ của vua Thiệu Trị.
Qua đầu thế kỷ XX, chùa bị hư hỏng nặng do cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Vua Thành Thái đã cho trùng tu chùa vào năm 1907 và cho đến ngày nay, qua công lao của Hòa thượng Thích Đôn Hậu cùng nhiều Tăng, Ni, Phật tử, du khách xa gần, ngồi chùa cổ Thiên Mụ được xây dựng lại, tuy không còn qui mô to lớn như trước, nhưng vẫn trang nghiêm, hùng tráng.
Du khách đến thăm chùa, sau khi bước lên 15 bậc tam cấp ở cổng tam quan sẽ gặp nền đá của đình Hương Nguyện xưa kia và tháp Phước Duyên. Hai bên đình Hương Nguyện cũ có hai nhà bia, và hai bên tháp Phước Duyên có một nhà bia và một nhà chuông thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau lưng tháp là một tấm bia nhỏ.
Sau khi tham quan các công trình có tính chất lưu niệm ở khu vực phía ngoài, du khách vào phía trong cửa Nghi Môn cũng được bao quanh bằng khuôn tường xây đá. Ở đây có các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, nhà trai, nhà khách, vườn hoa. Sau cùng là tháp mộ Hòa thượng Thích Đôn Hậu nằm giữa vườn thông.
Điện Đại Hùng ở chùa Thiên Mụ được bài trí đơn giản. Tượng đức Phật Di-lặc được tôn trí ở tiền điện, hai bên có chuông và khánh đá. Ở căn giữa, trong án thờ được chạm khắc công phu và sơn son thếp vàng lộng lẫy là tượng Tam Thân (Pháp thân, Ứng thân, Hóa thân), phía trước là tượng đức Phật Thích-ca. Ngoài cùng là bàn chuông, mõ. Gian hai bên thờ Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền.
Du khách đến chùa không quên đến bên trái tháp Phước Duyên, xem bài minh ở tấm bia được dựng vào năm 1715, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, ca ngợi ngôi danh lam cổ tự bậc nhất này.
… Phía Nam nước Việt chừ, núi sông đẹp đẽ,
Ngôi chùa hùng tráng chừ, cửa Thiền nắng chiếu,
Tánh vốn trong sạch chừ, nước chảy róc rách,
Đất nước an ổn chừ, bốn cảnh thanh nhàn.

 Chùa BÁO QUỐC (SẮC TỨ BÁO QUỐC TỰ)
Dừng chân ở giếng Hàm Long để tận hưởng những giây phút mát mẻ nhờ những gàu nước trong trẻo được kéo lên ở độ sâu hơn 4m, du khách sẽ thanh thản khi bước lên những bậc cấp vào chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long.
Tọa lạc ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1747, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Báo Quốc Tự" có ghi dòng chữ : "Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề".
Vào thời Nguyễn, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung, bảo khánh … và đổi tên là chùa Thiên Thọ. Thiền sư Phổ Tịnh được cử làm trụ trì trong thời gian này.
Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ Vạn thọ tứ tuần đại khánh vào năm 1830.
Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác. Chùa đã được liên tục trùng tu, mở rộng đến cuối thế kỷ XIX.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930, chùa đã có nhiều đóng góp về mặt đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Năm 1935, trường Sơ đẳng Phật giáo được mở tại chùa. Đến năm 1940, trường Cao đẳng Phật giáo cũng lại được mở tại đây. Chùa trở thành một trung tâm đào tạo Tăng Ni cho đến ngày nay.
Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi tổ đình trang nghiêm với những nét kiến trúc cổ kính nói riêng.
Chùa được xây dựng kiểu chữ "Khẩu" trong khuôn viên rộng khoảng 2 ha. Qua cổng tam quan cổ kính, đồ sộ, du khách đi qua một sân rộng, đến sân trong trồng nhiều cây tùng và các cây cảnh khác, có lan can bao bọc. Phía trái là khu tháp Tổ, cổ nhất là tháp Ngài Giác Phong, xây năm 1714, cao 3,30m. Ở tiền điện có 4 trụ đắp rồng nổi, ở thành bậc tam cấp cũng có đôi rồng, hai vách trang trí hoa văn bằng mảnh sành rất công phu.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Các tượng thờ đều đặt trong khung kính. Án thờ cao nhất ở gian giữa là tượng Phật Tam Thân và hai bộ kinh tạng Đại Thừa. Trước tượng Tam Thân là bảo tháp thờ xá-lợi Phật. Án thờ kế là tượng đức Phật Thích-ca, hai bên là tượng A-nan và Ca-diếp. Án ngoài cùng đặt một bộ kinh Pháp Hoa, hai bên là chuông, mõ. Án hai bên thờ đức Phật Dược Sư và Bồ-tát Quan Âm. Đây là cách thờ tự đã được sửa đổi từ khi Hòa thượng Phước Hậu được phong Tăng cang và trụ trì chùa Báo Quốc vào năm 1939. Còn trước phong trào Chấn hưng Phật giáo, chùa Báo Quốc cũng như đa số các chùa cổ ở Huế đều chịu ảnh hưởng thuyết "Tam giáo đồng nguyên".
Từ năm 1959, trong khuôn viên của chùa, trường tiểu học Hàm Long được thành lập do thầy Thiên Ân làm Hiệu trưởng. Đến năm học 1961 -1962, trường mở thêm bậc trung học do thầy Thân Trọng Hy làm Hiệu trưởng. Kế tiếp Hiệu trưởng là các thầy Trương Như Thung, Thích Phước Hải, Thích Thiện Hạnh, Thích Đức Thanh, Thích Hải Ấn. Ban đầu trường có tên là Trường trung tiểu học tư thục Hàm Long, sau đổi tên là Trường Bồ Đề Hàm Long, hoạt động đến năm 1975.
Ngày nay, tên trường Hàm Long chỉ là một kỷ niệm ngọt ngào như nước giếng Hàm Long, nhưng đóng góp của chùa Báo Quốc về mặt giáo dục thật đáng ghi nhận.

 Chùa QUỐC ÂN (SẮC TỨ QUỐC ÂN TỰ)
-- Bối điệp phiêu vân, lục thời thiền tụng kỳ phong nẫm ;
-- Ca sa thấp vũ, nhất vị thanh cơ kiến đạo xương
(Mây phất phơ trên kinh lá bối, sáu thời thiền tụng, cầu hoa lợi phong đăng.
Mưa thấm khắp nếp áo cà-sa, nhất vị thanh tu, gây cơ duyên phát đạt)
-- Bát bảo xán kim lương, biểu nhật lâm quan, tiện hữu nhân hữu cảnh ;
-- Ngũ vân sinh ngọc đống, xuân quan triển tọa, hỷ bất túc bất ly.
(Đồ bát bảo rực rỡ rường vàng, vừng nhật chiếu đến thiền quang, mến được có người có cảnh.
Mây ngũ sắc chói ngời cột ngọc, ánh xuân dồn về bảo tọa, vui thay không mất, không xa)
Đó là nội dung ca ngợi ngôi chùa Quốc Ân và vị Thiền sư khai sáng được khắc trên hai cặp liễn đối treo ở ngôi chánh điện do Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu ban.
Chùa Quốc Ân tọa lạc ở lưng chừng một quả đồi thấp thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Du khách qua cầu Phú Cam ở đường Nguyễn Trường Tộ, đi khoảng 2km thì đến chùa.
Chùa Quốc Ân do Thiền sư Nguyên Thiều khai sáng khoảng năm 1682 - 1685, đời vua Lê Huy Tông, lúc đầu mang tên chùa Vĩnh Ân.
Thiền sư Nguyên Thiều hay Thọ Tôn, húy là Siêu Bạch, hiệu là Hoán Bích (1648 - 1728), thọ giới với Hòa Thượng Khoáng Viên ở Quảng Đông. Năm 1677 Ngài theo thuyền buôn sang Việt Nam, lập chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định. Sau khi khai sơn chùa này, Thiền sư Nguyên Thiều đi khắp nơi truyền đạo, ra Huế dựng chùa Hà Trung ở Vinh Hà (Phú Vang) rồi lên khu vực núi Ngự Bình dựng chùa Vĩnh Ân. Đến năm 1689, Chúa Nguyễn Phúc Trân đã đổi tên chùa Vĩnh Ân là Quốc Ân, ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Quốc Ân Tự" và chuẩn phê miễn thuế ruộng đất cho chùa.
Chùa Quốc Ân là ngôi Tổ đình nổi tiếng của miền Trung. Thiền sư Nguyên Thiều là vị Tổ đời 33 Thiền phái Lâm Tế. Ngài đem vào Việt Nam hai dòng kệ :
Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hạnh siêu minh thiệt tế
Liễu đạt ngộ chơn không
Như nhật quang thường chiếu
Phổ châu lợi ích đồng
Tín hương sanh phước huệ
Tương kế chấn từ phong
Và :
Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ Tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Kế thế chân đăng vạn cổ huyền
Theo qui định, cứ mỗi đời lấy một chữ đặt pháp danh cho đệ tử. Ngày nay đa số Phật tử ở miền Trung và miền Nam đều bắt nguồn từ hai dòng kệ này.
Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch trong khi trụ trì tại chùa Hà Trung. Ngài để lại cho đệ tử bài kệ sau đây :
Tịch tịch cảnh vô ảnh,
Minh minh châu bất dung.
Đường đường vật phi vật,
Liê liêu không vật không.
Nghĩa là :
Lặng lẽ gương không chiếu bóng
Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình
Rõ ràng Vật không phải Vật
Mênh mông Không chẳng là Không.
(Trích Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, tr.189)
Sau khi Thiền sư Nguyên Thiều mất, Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu đã truy tặng Ngài thụy hiệu Hạnh Đoan Thiền sư.
Vào thời Nguyễn, chùa Quốc Ân được trùng tu nhiều lần. Năm 1805, bà Long Thành (chị ruột vua Gia Long) đã cúng dường tiền bạc để trùng tu chùa. Nhưng lúc bấy giờ đây cũng chỉ là một ngôi chùa tranh tre đơn giản. Năm 1822, Hòa thượng Hoằng (Tăng cang chùa Linh Mụ) được vua Minh Mạng giao nhiệm vụ trùng tu chùa Quốc Ân. Năm1825, Hòa thượng viên tịch, tháp mộ được xây dựng trong vườn chùa. Năm 1837 và năm 1842, chùa lại được tiếp tục trùng tu. Từ năm 1846 đến năm 1863, vị Hòa thượng kế nghiệp cho xây cổng tam quan, hai miếu thờ Ngũ hành và Thiên Y A Na.
Chùa kiến trúc theo dạng chữ "Khẩu". Phía trước là tiền đường và chánh điện, phía sau là nhà Tổ, hai bên là phương trượng và tăng xá.
Chùa Quốc Ân còn bảo lưu mô hình thờ tự truyền thống. Án giữa thờ tượng Tam Thân, tiếp theo là tượng Bổn sư, Thích-ca đản sinh, Quan Âm Chuẩn Đề. Án tả thờ Quan Công, Châu Xương và Quan Bình. Án hữu thờ Bồ-đề Đạt-ma. Hai bên tả hữu thờ Thiện Hữu, Ác Hữu và Thập điện Minh Vương.
Trong chùa có nhiều hoành phi và câu đối với nét bút điêu luyện, chạm trổ tinh xảo.
Ở sân trước chùa có dựng tấm bia khắc bài minh của Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu vào năm 1729, ca ngợi đạo đức của Thiền sư Nguyên Thiều :
Ưu ưu bát nhã
Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật
Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Thị thân bản không
Hoằng giáo lợi vật
Biến phú từ vân
Phổ chiếu huệ nhật
Chiêm chi, nghiêm chi
Tháo sơn ngật ngật.
Tạm dịch :
Bát nhã cao vời
Cửa Thiền tỏ rõ
Ung dung trăng nước
Ngiêm trì giới luật
Sáng lặng riêng vững
Đứng thẳng đã chắc
Quán thân vốn không
Hoằng pháp lợi vật
Mây lành che khắp
Trí tuệ sáng soi
Nhìn ngài kính Ngài
Núi Thái cao ngất
(Theo Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách. Danh lam xứ Huế, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1993, tr.163)
 Chùa TỪ ĐÀM
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung …
Ôi, uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn Đạo Vàng …
Tiếng nhạc nhẹ nhàng của bài hát Từ Đàm quê hương tôi của Nguyên Thông nhắc nhở biết bao du khách đã từng đến thăm Huế không bao giờ quên những phút thư thái, tĩnh lặng của tâm hồn ở ngôi chùa cổ danh tiếng này.
Chùa Từ Đàm tọa lạc ở đường Từ Đàm, thuộc phường Trường An, thành phố Huế.
Chùa do Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (đời thứ 34 dòng Lâm Tế) khai sơn vào cuối thế kỷ XVII, đời vua Lê Hy Tông, trên đồi Long Sơn.
Nguyên chùa có tên là chùa Ấn Tôn. Vào đầu thế kỷ XVIII, năm 1703, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho chùa tấm biển "Sắc Tứ Ấn Tôn Tự". Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được đổi tên là Từ Đàm để tránh tên húy của vua.
Hơn 150 năm qua, chùa Từ Đàm đã gắn bó thiết thân với đời sống tinh thần người dân xứ Huế nói riêng, với Phật tử miền Trung nói chung.
Nơi yêu thương phát nguồn Đạo Vàng,
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn …
Chùa đã được các vị trụ trì tiền bối cho trùng tu sửa chữa nhiều lần, đó là Hòa thượng Thiệt Vinh, Đại sư Tế Ngữ kế tục Ngài Minh Hoằng - Tử Dung. Đến thế kỷ XIX, Hòa thượng Đạo Trung và Đại sư Từ Vân đã tổ chức trùng kiến ngôi chùa, đúc đại hồng chung. Sang nửa thế kỷ XX. Sư bà Diệu Không đã có thời gian trùng tu, lập chùa sư nữ năm 1932. Sau một thời gian, Hội Phật học Trung Việt đặt trụ sở ở chùa, đã tổ chức xây ngôi chánh điện mới theo kiểu "chùa hội".
Năm 1939, bà Karpelès, Tổng thư ký Viện Phật học Phnom-Pênh (Campuchia) đã thỉnh một cây bồ-đề được chiết cành từ cây bồ-đề nơi đức Phật Thích-ca thành đạo ở Ấn Độ tặng cho chùa, đem trồng ở sân trước.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cây bồ-đề đã tạo bóng uy nghiêm cho ngôi chùa và che mát cho hàng triệu người Phật tử, khách tham quan.
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm,
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà …
Vào năm 1951, chùa là nơi họp 51 đại biểu Phật giáo toàn quốc chuẩn bị thống nhất Giáo hội Phật giáo. Tại đại hội này, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Hội chủ. Và cũng trong đại hội này, lá cờ Phật giáo thế giới lần đầu tiên đã được treo ở chùa.
Đến năm 1961, chùa được Hòa thượng Thích Thiện Siêu cùng với Hội Phật học tổ chức xây dựng các cơ sở phụ của chùa. Đây là ngôi chùa với những công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ đường nét truyền thống, theo kiểu kiến trúc "chùa hội" mẫu mực.
Quê hương tôi là đây,
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay,
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy …
Ôi, thân yêu bóng chùa Từ Đàm, Từ Đàm ơi !
Lời ca vang trong tận đáy lòng của những ai còn lưu giữ những kỷ niệm về mái chùa thân yêu này.

 Chùa THUYỀN TÔN (THIÊN THAI THUYỀN TÔN TỰ)
Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương
Hương thơm của hoa ưu đàm mãi mãi thơm ngát như đạo đức của Thiền sư Liễu Quán tỏa sáng muôn đời.
Ngài Liễu Quán húy Thiệt Diệu, quê ở Sông Cầu (Phú Yên) ra Thuận Hóa vào cuối thế kỷ XVII. Thiền sư khai sơn chùa Thuyền Tôn vào khoảng năm 1708, lúc bấy giờ chỉ là một am tranh, nơi xây ngôi bảo tháp của ngài hiện nay, và ở cổng tháp đã khắc ghi câu trên. Thiền sư đã biệt xuất một bài kệ truyền cho các đời kế tiếp đặt pháp danh:
Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong
Giới định phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công
Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.
Nghĩa là :
Đường lớn thực tại, biến thế tính trong,
Nguồn tâm thấm khắp, gốc đức vun trồng,
Giới định cùng tuệ, thể dụng viên thông,
Quả trí siêu việt, biểu thấu nên công,
Truyền giữ lý mầu, tuyên dương chính tông,
Hành giải song song, đạt ngộ chân không.
(Nguyễn Lang dịch)
Chùa Thuyền Tôn hiện nay tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Chùa được dựng bên trái núi Thiên Thai, nên còn có tên là Thiên Thai Thuyền Tôn Tự.
Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan đã vận động tiền của để xây dựng ngôi chùa quy mô, cách thảo am khoảng 1km. Đại hồng chung được đúc vào thời kỳ này, có khắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 (1747). Chùa đã được bà Lê Thị Tạ phát tâm trùng tu vào năm 1808.
Các vị kế tục trụ trì chùa trong buổi đầu là Tế Hiệp, Tế Mẫn. Sau đó là các vị Đại Huệ, Đại Nghĩa, Đạo Tâm. Theo dòng kệ truyền thừa, kế tiếp là các vị Đạo Tại, Tánh Thiện, Hải Nhuận, Thanh Liêm, Thanh Đức.
Đến năm 1937, Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng đã có nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở nửa đầu thế kỷ XX. Từ năm 1973, Hòa thượng đã đảm nhận trọng trách Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đến năm 1979 thì viên tịch, thọ 102 tuổi.
Chùa Thuyền Tôn bảo lưu được đường nét kiến trúc cổ và hệ thống thờ tự truyền thống. Ở chánh điện, án giữa thờ Phật Tam Thân, phía trước là tượng đức Phật Thích-ca. Tiền án thờ tượng Bồ-tát Chuẩn Đề hai bên là ảnh vẽ Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền. Tiếp đến là bàn chuông, mõ. Án tả thờ Bồ-tát Quan Âm, hai bên có ngài Xá Lợi Phất và ngài Ca-diếp. Án hữu thờ Bồ-tát Địa Tạng. Ngoài ra còn có hai án thờ Thập điện Minh Vương ở hai bên vách. Phía ngoài là hai bàn thờ Hộ Pháp và Quan Thánh.
Từ tam quan đi vào mé phải ngôi chùa, căn phòng của Hòa thượng Giác Nhiên ngày xưa vẫn còn đó. Bức chân dung của Ngài đã gây sự cảm nhận thanh thoát, gần gũi và niềm tin kính vô hạn. Từ cửa phòng của Ngài, nhìn ra ngôi bảo tháp, cảnh quan ngôi chùa và ngọn núi Thiên Thai, lòng khách lâng lâng khó tả.
Đến viếng chùa năm xưa, nhà thơ Nguyễn Du cũng mang nỗi lòng đó :
… Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiền triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Nghĩa là :
Chùa cổ lá vàng thu phủ kín
Triều xưa mây trắng sãi già rồi
Thương cho đầu bạc còn vướng lụy
Cùng với non xanh trót phụ lời.
(Phan Khắc Hoan và Lê Thước dịch)
Thật vậy, ngày nay du khách và Phật tử đến chùa, sẽ được tận hưởng một cảnh quan đầy thiền vị :
-- Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy,
-- Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn.
Nghĩa là :
-- Mõ báu dài kêu, chẳng dứt trước cửa dòng biếc chảy
-- Pháp thân lộ rõ, tự nhiên ngồi đó ngắm núi xanh.
(Trương Ngọc Tường dịch)


 QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

Chùa LINH ỨNG
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, vượt qua cầu sông Hàn đi khoảng 8km trên một quãng đồng bằng phẳng thuộc xã Hòa Hải, jhuyện Hòa Vang, du khách sẽ thấy Ngũ Hành Sơn hiện ra ở ven biển Đông. Thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng này gồm nhiều ngọn núi mọc lên giữa thiên nhiên kỳ tú : Thủy Sơn ở phía Đông Bắc ; Mộc Sơn ở phía Nam ; Kim Sơn, Thổ Sơn ở phía Tây và Dương Hỏa Sơn ở phía Tây Nam. Nơi đây gió lộng quanh năm, bốn bề sông biển bát ngát. Dân gian thường gọi chung Ngũ Hành Sơn là hòn Non Nước.
Quê em có dải sông Hàn
Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà
Còn người châu Âu thì đặt tên cho Ngũ Hành Sơn là núi "Cẩm Thạch" (Montagnes de Marbre) vì ở dây có loại đá cẩm thạch rất quý được dùng trong xây dựng cũng như sản xuất các đồ mỹ nghệ tinh xảo.
Nằm trong khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn này có hai ngôi chùa cổ danh tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Cả hai ngôi chùa này đều được xây ở lưng chừng núi Thủy Sơn trong vị trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Chùa Tam Thai ở sườn núi phía Nam, phải đi lên 156 bậc đá mới đến nơi. Còn chùa Linh Ứng nằm trên sườn núi phía Đông, đường đi lên phải qua 108 bậc đá. Gần chùa Tam Thai có Vọng Giang đài (Đài ngắm sông), từ đó nhìn thấy sông Hàn nước xanh uốn khúc giữa làng xóm, ruộng đồng ; xa xa là đèo Hải Vân và dãy Trường Sơn trùng điệp ở phía Tây. Cạnh chùa Linh Ứng lại có Vọng Hải đài (Đài ngắm biển) nhìn về phía biển Đông bao la có cù lao Chàm mờ mờ ẩn hiện.
Chùa Linh Ứng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, tương truyền là do một vị Tiên hiền khai sáng làng Khải Đông đến ẩn tu tại động Tàng Chơn lập ra. Lúc đầu nơi đây gọi là Dưỡng Chơn am, sau đổi thành Dưỡng Chơn đường. Đến đời Minh Mạng trở thành ngôi chùa có tên Ứng Chơn Tự do Hòa thượng Quang Chánh, hiệu là Bảo Đài trụ trì. Tên Linh Ứng Tự ngày nay chính thức được đổi từ đời vua Thành Thái. Hiện trong chùa Linh Ứng có bộ tượng Thập bát La-hán rất quý được tạc công phu bằng đá Ngũ Hành Sơn theo mẫu của chùa Phước Lâm ở thị xã Hội An. Tượng cao 0,34m, ngang gối 0,23m, đế 0,04m.
Từ động Tàng Chơn phía sau chùa Linh Ứng có đường dẫn đến động Tam Thanh, động Chiêm Thành và hang Gió. Gần đó là động Ngũ Cốc : thạch nhũ nơi đây tượng hình những trái phật thủ, củ khoai, bắp cải, hạt mè, hạt đậu. Dân gian còn gọi đây là hang Lồng Đèn vì có nhiều thạch nhũ hình lồng đèn. Trước cửa tam quan chùa Linh Ứng có giếng Tiên, trên đường xuống núi du khách đi qua hang Âm Phủ thông ra biển Đông.
Trải qua gần 4 thế kỷ tồn tại, chùa Linh Ứng bị hư hại và đã được trùng tu nhiều lần. Gần đây nhất, vào năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyên đã tổ chức trùng tu và xây dựng thêm một số công trình phía trước như tượng đức Phật Thích-ca cao 10m (phần tượng cao 7,50m), mười bức tranh minh họa cuộc đời đức Phật Thích-ca và Quan Âm Phật đài cao 5m.
Điều đáng tiếc là hiện nay, do việc khai thác vật liệu xây dựng một cách vô ý thức, cảnh quan Ngũ Hành Sơn đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Bảo vệ quần thể di tích này là một việc làm cần thiết để cho mai hậu cảnh đẹp này không chỉ là danh thắng được ghi lại trong những áng văn thơ mà thôi.

 Chùa CHÚC THÁNH
Từ lâu Hội An đã được biết đến như một trong những đô thị cổ hiếm hoi trên thế giới còn giữ được nguyên vẹn những đường nét kiến trúc của nó. Theo bản đồ thời Hồng Đức (thế kỷ XV) thị xã này vốn tên là Đại Chiêm hải - một cảng biển của Vương quốc Chămpa. Về sau nó đã được ghi nhận trên tấm bản đồ Đại Việt của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đác Lộ) được công bố năm 1653, như một thị trấn ven biển của người Việt có tên gọi là Hải Phố. Do cách phát âm của người phương Tây, Hải Phố đã biến thành Faifo.
Đô thị cổ Hội An nằm trên tả ngạn sông Thu Bồn cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Đông Nam, cách biển Đông chỉ 5km. Từ Đà Nẵng, ngoài đường số 1A, du khách có thể đến Hội An bằng con đường nhỏ chạy ven theo bờ biển qua khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và xã Điện Ngọc.
Chúc Thánh Tự là một trong hai mươi ngôi chùa và hội quán cổ của thị xã Hội An. Nằm trên địa phận phường Cẩm Phô, chùa này đã được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ ngày 19-11-1991.
Theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, chùa Chúc Thánh đã được Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn vào thế kỷ XVII. Vị Thiền sư này người tỉnh Phước Kiến, sang nước ta vào thời Chúa Nguyễn Phúc Trân (1687 - 1691). Ông đã tự giới đàn tại chùa Linh Mụ, sau đó vào Hội An dựng chùa Chúc Thánh. Dần dần ngôi chùa này trở nên một ngôi tổ đình lớn ở miền Trung và miền Nam.
Thiền sư Minh Hải có hai vị đệ tử nổi tiếng là Chánh Hiền và An Triêm. Ông có để lại một bài kệ truyền pháp như sau :
Minh thiệt pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cửu
Kỳ Quốc tộ địa trường
Đắc chính luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thô
Sung mãn nhân thiên trung.
Nghĩa là :
Hiểu thấu pháp chân thực
Ấn chân như hiện tiền
Cầu Thánh quân tuổi thô
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và Hạnh nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên
(Nguyễn Lang dịch)
 Chùa Chúc Thánh đã từng được trùng tu vào những năm 1845, 1849, 1892, 1894 … Đằng sau cổng tam quan là một kiến trúc giản dị, khiêm tốn, mái lợp ngói âm dương, trên đỉnh có đôi rồng chầu mặt nguyệt . Một trong những bảo vật được lưu giữ bên trong chùa là bộ tượng Thập bát La-hán bằng đất nung đặt trên tòa sen, mỗi pho tượng cao 0,45m, bề ngang gối 0,28m, đế 0,16m.
Trong khuôn viên chùa có tháp Tổ Minh Hải - Pháp Bảo. Chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Trí Nhãn trụ trì.

 QUẢNG NGÃI
Chùa THIÊN ẤN
Thiên Ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông) là thắng cảnh thứ nhất trong mười cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Nằm bên tả ngạn sông Trà Khúc, núi Thiên Ấn cùng với giòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này, như hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê:
Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc,
Một dải sông Trà chảy sậm xanh.
Từ chân cầu Trà Khúc hai mươi nhịp, đi theo con đường về phía Cổ Lũy khoảng 2km, du khách sẽ gặp lối đi lên chùa Thiên Ấn trên núi.
Núi Thiên Ấn xưa kia có tên là núi Hó, nay thuộc địa phận xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh. Núi cao khoảng 105m, đỉnh núi bằng phẳng, rộng độ 10 ha. Từ phương Đông nhìn lên thấy bốn phía núi đe5 có hình thang cân trông giống như cái ấn trên sông. ở phía Nam, dưới chân núi có gò nhỏ gọi là hòn Triện. phía Đông giáp núi Tam Thai, phía Bắc tiếp núi Lã Vọng. phía Tây có núi Long Đầu. Xưa kia núi Thiên Ấn có nhiều đá son dùng mài mực son chấm quyển chữ nho. Đường lên núi nay không còn là lối mòn mà được mở rộng, tuy chưa bằng phẳng, nhưng xe hơi có thể lên tới chùa được.
Do vị trí địa lý của nó, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) hình núi Thiên Ấn được chạm vào Di Đỉnh (một trong chín đỉnh đồng ở Huế được đúc dưới triều vua Minh Mạng). Đến năm Tự Đức thứ ba (1850), Thiên Ấn được liệt vào hàng danh thắng.
Chùa Thiên Ấn được Thiền sư Pháp Hóa khai sơn năm 1694. Ông tên là Lê Diệt, người Phúc Kiến, hiệu là Minh Hải - Phật Bảo, sinh năm 1670, viên tịch năm 1754, trụ trì tại chùa này suốt 60 năm. Bên cạnh chùa có giếng sâu 21m, nước mát ngọt, cũng là một công trình của Thiền sư Pháp Hóa. Núi cao, đá cứng, thiếu dụng cụ, nhưng Ngài vẫn kiên trì đào giếng suốt bốn năm ròng. Một hôm có vị tăng trẻ từ đâu không rõ phát nguyện cùng đào giếng với Thiền sư. Cùng làm việc suốt ba tháng ròng, họ mới chuyển được một tảng đá lớn chắn ngang, từ đó, mạch nước mới tuôn ra. Nhưng lúc giếng có nước cũng là lúc mà vị tăng trẻ ra đi biệt tích. Câu chuyện này còn được truyền tụng qua câu ca dao :
Ông thầy đào giếng trên non,
Đến khi có nước không còn tăm hơi
Gắn liền với chùa Thiên Ấn còn có sự tích quả đại hồng chung linh thiêng. Chuông này vốn được dân làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đúc cho chùa làng nhưng đánh không kêu. Vào năm 1845, Thiền sư Bảo Ấn, vị Tổ sư thứ ba của chùa đang tham thiền, thì thấy một vị Hộ Pháp tới bảo thỉnh quả chuông ấy về chùa. Xuất định, Thiền sư Bảo Ấn nhờ sư Diên Tọa đến làng Chí Tượng thỉnh chuông về. Trong ngày lễ khai chuông, sau khi chú nguyện, Thiền sư Bảo Ấn đã gióng lên tiếng chuông tròn ấm ngân vọng khắp vùng. Chuông này nay treo ở bên trái chính điện của chùa.
Tổ đình "Thiên Ấn Tự" được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn Tự" năm 1716. Ngày nay bên cạnh chùa, dưới bóng mát của tàn cây đa cổ thụ còn có tháp của Thiền sư Pháp Hóa và 5 vị trụ trì kế tiếp là Khánh Văn, Bảo Ấn, Giác Tịnh, Hoằng Phúc, Diệu Quang.
Ngoài ra, phía trước chùa, trên núi, còn có mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được nhân dân an táng tại đây năm 1947.
Cũng năm 1947, chùa Thiên Ấn bị giặc Pháp ném bom sụp đổ. Sau năm 1954, Giáo hội Tăng già tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, đã phác họa chương trình trùng kiến chùa Thiên Ấn. Dưới sự chỉ đạo của hai thầy Huyền Tân và Hồng Ân, chùa được khởi công xây dựng từ năm 1959 và khánh thành vào ngày mùng 8 tháng giêng năm Tân Sửu (1961).
Là một thắng tích của đất nước, chùa Thiên Ấn đã trở thành đề tài ngâm vịnh của nhiều văn nhân thi sĩ. Bài thơ nổi tiếng nhất viết về chùa là bài Vịnh Thiên Ấn niêm hà của Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) :
Phong cảnh nơi đây thật rất xinh
Niêm hà có ấn của trời sinh
Xem kia dấu tích còn vuông vức
Nhận lại non sông rõ dạng hình
Cách thức như in đồ Cổ Tự
Cỏ cây nào phụ tiếng chuông linh
Châu sa đổ dưới chân chờ mãi
Trấn chỉ sau lưng núi Cẩm Thành.

 BÌNH ĐỊNH
Chùa THẬP THÁP (THẬP THÁP DI-ĐÀ TỰ)
Chùa Thập Tháp Di-đà gắn liền với tên tuổi của người khai sơn là Tổ sư Nguyên Thiều hay Thọ Tôn, người họ Tạ, húy Siêu Bạch hiệu Hoán Bích, quê huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Theo thuyền buôn sang Việt Nam vào năm 1677, Ngài đến lưu trú tại phủ Qui Ninh nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 25km. Nơi đây, trên ngọn đồi Long Bích nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, nay thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, vốn có 10 ngôi tháp của người Chăm gọi là Thập Tháp. Thiền sư Nguyên Thiều đã dựng một thảo am trên ngọn đồi này để thờ Phật. Di-đà là danh hiệu Giáo chủ cõi Cực lạc, đồng thời cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình này được mệnh danh là Thập Tháp Di-đà Tự.
Từ thị trấn Đập Đá, theo quốc lộ 1A, đến cầu Vạn Thuận, có một con đường đất bên trái dẫn tới khuôn viên chùa Thập Tháp Di-đà với một ao sen ngay phía trước. Cổng chùa là hai cột cao, có đôi sấu ngồi trên đỉnh cột. Chùa kiến trúc theo hình chữ "Khẩu" ; gồm chánh điện, Đông đường, Tây dường và nhà phương trượng. Tất cả có 4 dãy nhà ba gian hai chái, lợp ngói âm dương, xây bằng gạch và đá ong. Cột lớn làm bằng danh mộc, kèo, trính, quyết đều bằng gỗ sao và muỗm.
Năm 1691, chùa Thập Tháp Di-đà được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch và câu đối . Năm 1749, Hòa thượng Liễu Triệt trùng tu chánh điện, xung quanh có một hành lang bao bọc, bên trong thờ Tam Thế Phật (Di-đà, Thích-ca và Di-lạc), Tôn giả A-nan và Ca-diếp. Hai bên thờ Thập bát La-hán và Thập điện Minh Vương. Phía sau chánh điện có một tấm bia ghi bài minh tựa đề "Sắc tứ Thập Tháp Di-đà Tự bi minh" lập năm 1876 và một tấm bia ghi bài chí chùa Thập Tháp của Thị giảng Học sĩ Võ Khắc Triển lập năm 1928.
Tổ đình Thập Tháp Di-đà được truyền cho dòng Lâm Tế chánh phái. Kể từ Tổ khai sơn đến nay, tổ đình truyền thừa được 15 đời trải qua 328 năm. Trong các vị Tổ, Hòa thượng Phước Huệ đã được suy tôn làm Quốc Sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại. Ngài còn giảng dạy Phật pháp cho chư tăng ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935. Ngày nay trong khuôn viên chùa còn mộ tháp của Ngài bên cạnh các mộ tháp của các vị Tổ khác.


 PHÚ YÊN
Chùa PHƯỚC SƠN
Phú Yên là tỉnh có nhiều ngôi tổ đình danh tiếng : chùa Bảo Tịnh, chùa Kim Cang, chùa Hồ Sơn … ở Tuy Hòa ; chùa Bát Nhã, chùa Từ Quang, chùa Viên Quang, chùa Bảo Sơn, chùa Châu Lâm, chùa Thiên Hưng … ở Tuy An ; chùa Triều Tôn ở Sông Cầu ; chùa Phước Sơn ở Đồng Xuân v.v …
Chùa Sắc tứ Phước Sơn tọa lạc tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, thường được người dân địa phương gọi là chùa Phước Sơn Đồng Tròn.
Có hai hướng đến chùa. Một là theo con đường vào chùa Triều Tôn ở xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu (gần cầu Lò Vôi), đi tiếp khoảng 6km. Hai là từ thị trấn Chí Thạnh, rẽ vào chùa Bảo Sơn ở xã An Định, huyện Tuy An, đi tiếp đến chùa Phước Sơn.
Chùa Phước Sơn do Tổ húy Thượng Liễu Hạ Năng, hiệu Đức Chất sáng lập vào năm Gia Long nguyên niên (năm 1802). Chùa Triều Tôn và chùa Bảo Sơn do hai vị sư đệ của Tổ Liễu Năng là Liễu Diệu và Liễu Căn khai sơn vào năm Gia Long nhị niên (1803). Đây là ba ngôi tam bảo danh tiếng của chi phái Chúc Thánh, dòng Lâm Tế chánh tông tại Phú Yên. Chùa Phước Sơn được xây trên núi Phú Mỹ, quay mặt về hướng Nam, nhìn ra đồng ruộng mênh mông. Con sông La Hai chảy xuống cầu Ngân Sơn tạo một cảnh sắc đẹp đẽ bội phần cho ngôi già lam cổ sát Phước Sơn.
Với lịch sử gần 200 năm, chùa đã trải qua 6 đời truyền thừa. Từ ngôi chùa lợp tranh vách đất ban đầu, các vị trụ trì kế tiếp liên tục trùng tu phát triển. Các Ngài đều là những danh tăng của Phật giáo : Ngài Liễu Năng, Ngài Quảng Thiện, Ngài Huệ Nhãn, Ngài Pháp Tạng, Ngài Thiền Phương và hiện nay là Hòa thượng Thích Phước Trí, trụ trì từ năm 1950.
Hòa thượng Thích Phước Trí đã xây dựng lại ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố (đá chẻ và bê-tông) vào năm 1960, nhưng chùa bị cháy vào năm 1965. Sau năm 1975, Hòa thượng đã tổ chức tái thiết và khánh thành ngôi chùa mới vào ngày 26 tháng 9 năm 1993.
Chánh điện rộng thoáng, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Nổi bật ở trung tâm là tượng đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni ngồi thiền định trên tòa sen. Phía trước là bộ tượng Di-đà Tam Tôn (Di-đà, Quan Âm, Thế Chí) và hai vị Hộ Pháp. Án thờ tả hữu tôn trí các tượng Bồ-tát Quan Âm, Chuẩn Đề và Địa Tạng. Sau điện Phật là nhà tổ thờ tổ sư Đạt-ma và long vị chư tổ của chùa.
Đứng trước cửa chùa lộng gió quanh năm, lòng du khách cảm thấy thư thái lạ lùng và bồi hồi nhớ đến ân đức của các vị tiền bối đã khai sơn và tô bồi cho ngôi chùa. Dọc theo triền núi, phía trái có hai ngôi tháp cổ, đó là bảo tháp của Tổ khai sơn Liễu Năng và Ngài Thiền Phương. Phía tay phải trên đường vào chùa, là bảo tháp của các Ngài Huệ Nhãn, Quảng Thiện và Pháp Tạng.
Ngoài 5 ngôi tháp cổ còn nguyên vẹn qua năm tháng là những bảo vật của chùa, ngôi tổ đình này còn có những bảo vật được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng 6 lần. Lần thứ nhất : cây gấm có tên Vạn Thọ Như Ý vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 34 (1881) ; lần thứ hai : 1 bộ y cà sa màu đỏ, 1 chiếc mão Quan Âm, 1 đồng kim tiền có khắc 2 chữ Tam Thọ vào niên hiệu Thành Thái thứ 8 (năm1896) ; lần thứ ba : một đại hồng chung, một cặp bảo cái, mộ y càsa và một chiếc mão Quan Âm vào niên hiệu Thành Thái thứ 9 (năm 1897) ; lần thứ tư : chiếc kim khánh có khắc chữ Khâm Tai, một đồng tiền có khắc chữ Triệu dân lại chi vào niên hiệu Thành Thái thứ 10 (năm 1898) ; lần thứ năm : một đồng ngân tiền vào niên hiệu Thành Thái thứ 13 (năm 1901) và lần thứ sáu : ban "Biểu ngạch Sắc Tứ" vào niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (năm 1939).
Đến Phú Yên, hành hương về chốn Tổ Liễu Quán, du khách và Phật tử xa gần đừng quên ghé chùa Sắc Tứ Phước Sơn, ngôi danh lam của miền Trung nước Việt.

KHÁNH HÒA

Chùa LONG SƠN
Chùa Long Sơn trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, dưới chân núi Trại Thủy, thành phố Nha Trang. Ở khu vực này có hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Long Sơn ở phía dưới và chùa Hải Đức ở phía trên.
Trước đây, chùa Long Sơn được dựng trên núi vào năm 1886 do Hòa thượng Thích Ngộ Chí (1856 - 1935) trụ trì. Hoà thượng là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, lúc nhỏ tham gia phong trào chống Pháp, sau xuất thế đi tu. Năm Canh Tý (1900), sau một trận bão lớn, chùa phải dời từ trên núi xuống vị trí hiện nay. Năm 1936, chùa được Hội Phật học chọn làm trụ sở Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Năm 1940, chùa được trùng tu do công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy. Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, chùa bị sạt mái ngói. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra lo trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo họa đồ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.
Từ khi được thành lập đến nay, chùa do các nhà sư sau đây trụ trì : Hòa thượng Thích Ngộ Chí (từ 1886 đến 1935), Thượng tọa Thích Chánh Hóa (từ 1936 đến 1957), Thượng tọa Thích Chí Tín (từ 1957 về sau).
Từ chùa Long Sơn có đường lớn dẫn lên chùa Hải Đức ở lưng đồi và lên pho tượng Kim thân Phật Tổ nơi đỉnh đồi. Tượng được xây dựng bằng bê-tông ngay trên nền cũ của chùa Long Sơn. Việc đúc tượng được khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1965, do Thượng tọa Thích Đức Minh, lúc đó là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa và điêu khắc gia Kim Điền thực hiện. Tượng có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m , phần tượng cao 14m, đài sen 7m, đường kính đài sen 10m. Xung quanh đài là hình bảy vị Thánh tử vì đạo. Trước Phật đài có cặp rồng, chiều dài 7,20m. Du khách từ Bắc vào hay từ Nam ra, đi trên đường ô tô hay đường xe lửa, đều có thể nhìn thấy tượng Kim thân Phật Tổ uy nghi với nụ cười vô vi trên khuôn mặt đầy vẻ bao dung.
Nhìn toàn cảnh, chùa Long Sơn có địa thế rất đẹp, lại thuận tiện cho khách tham quan. Chùa được dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc mà giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất hợp với ngôi chùa đồ sộ, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những cây ăn quả bao quanh.

 LÂM ĐỒNG
Chùa LINH SƠN
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi ở số 120, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 700m về phía Tây Bắc. Chùa được xây dựng từ năm 1938 và khánh thành năm 1940, do công đức của thập phương bá tánh, nhất là sự đóng góp của hai Phật tử Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến.
Trên đường vào chùa, du khách đi dưới những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Bồ-tát Quan Thế Âm đứng trên một đài sen. Bên trái tòa trang viện là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4m. Bên phải sân chùa, giữa đám cỏ xanh là hồ nước trong lúc nào cũng có hoa súng khoe màu và cá vàng bơi lội. Khu này còn có những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp. Hai bên 12 bậc thềm dẫn vào chánh điện là cặp rồng há miệng tượng trưng cho Long thần hộ trì Phật pháp.
Chùa xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa. Hai bên góc chùa có hai con rồng chầu mặt nguyệt ở giữa nóc. Trước tiền đường có treo nhiều cặp câu đối đượm ngát thiền vị như :
Sợn sắc đạm tùy nhân nhập viện
Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền
Dịch là :
Màu núi nhạt theo người vào viện
Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền.
Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Ở giữa chính điện là tượng Phật Thích-ca bằng đồng ngồi trên tòa sen, nặng 1250kg, được đúc vào năm 1952, và được khánh thành với sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, chư vị trụ trì chùa được biết đến như sau : Hòa thượng Thích Trí Thủ (năm 1940), Hòa thượng Thích Diệu Hoằng (từ 1940 đến 1947), Hòa thượng Thích Từ Mãn (từ 1947 đến 1952), Hòa thượng Thích Bích Nguyên (từ 1952 đến 1964), Hòa thượng Thích Từ Mãn (từ 1964 về sau).
Hiện nay, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đặt tại chùa. Tuy chỉ mới được xây dựng trong thế kỷ XX, chùa Linh Sơn đã trở thành một danh lam của Đà Lạt nhờ cảnh đẹp và đạo vị. Hằng năm, nhất là vào mùa xuân, chùa đón nhận rất nhiều du khách và Phật tử đến thăn chùa, lễ Phật.
 Thiền viện TRÚC LÂM
Từ khu vực Hòa Bình ở trung tâm thành phố Đà Lạt đi đến giữa đèo Prenn, có con đường bên tay phải dẫn vào hồ Tuyền Lăm và Thiền viện Trúc Lâm, lộ trình khoảng 10km.
Trên con đường vòng theo núi lên chùa, từ xa đã thấy lầu chuông và mái nóc ngói chánh điện lúc ẩn lúc hiện giữa những rừng thông ngút ngàn. Đến một ngã rẽ, du khách và Phật tử hoặc rẽ phải theo con đường nhựa vào cổng bên của chùa với 61 bậc, hoặc đi thẳng đến hồ Tuyền Lâm rồi theo 222 bậc cấp qua ba cổng tam quan để vào thẳng sân trước của điện.
Thiền viện tọa lạc trên núi Phượng Hoàng với diện tích 24 hecta. Diện tích xây dựng khoảng 2 hecta gồm hai khu ngoại viện và nội viện. Nội viện được chia hai khu vực Tăng, Ni. Mỗi khu vực có hai Tăng đường, một thiền đường, một nhà bếp, một nhà ăn và một nhà kho. Đây là khu vực giới hạn khách tham quan, hiện nay là nơi tu thiền của 50 Tăng và 50 Ni. Ngoại viện ở một khu đất rộng, bằng phẳng, độ cao 1300m (so với mặt biển), đối diện dãy núi Benhuit chập chùng và hồ nước Tuyền Lâm mênh mông, xanh biếc. Ở đây, một số công trình tiêu biểu của Thiền viện được xây cất do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phác thảo và kiến trúc sư Nguyễn Tín, thầy Trị sự Thích Thông Tạng cùng nhiều Tăng Ni, Phật tử góp công của thực hiện, đã khánh thành long trọng vào ngày 19-3-1994. Đó là ngôi chánh điện uy nghi ở vị trí trung tâm, bên phải là Tham vấn đường và lầu chuông, bên trái là nhà khách, nhà bếp, nhà kho. Trước nhà khách là một vườn hoa đẹp, và ở triền dốc xuống phía trước cổng là hồ nước nhân tạo của Thiền viện có sức chứa 15.000 mét khối nước cho Tăng, Ni sử dụng.
Tượng thờ trong chánh điện được bài trí đơn giản mà trang nghiêm. Ở điện Phật, tượng đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni uy nghi thiền định trên tòa sen, hai bên có hai bức tranh Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền tượng trưng cho Đại trí và Đại hạnh.
Tham vấn đường bên cạnh ngôi chánh điện là nơi mỗi tháng vào ngày 14 và 29 âm lịch, Hòa thượng Viện trưởng cùng thiền sinh tham vấn các vấn đề về Thiền học.
Mục đích của Thiền viện Trúc Lâm là làm sống lại tinh thần Thiền tông đời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Đây là đường lối tụ tập đặc biệt do vua Trần Nhân Tông tức Sơ Tổ Trúc Lâm sáng lập. Ngài đã kết hợp cả ba Thiền phái thời bấy giờ : Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một Thiền phái Việt Nam. Chính vị vua từng lãnh đạo quân dân hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông ấy đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và xuất gia tu hành tại núi Yên Tử với pháp hiệu Trúc Lâm Đầu Đà. Sau đó, Ngài lại cùng các môn đồ xuống núi đi du hóa khắp nơi. Ngài đã sống cuộc đời tích cực hành đạo của một Thiền sư nhập thế trong mọi lãnh vực đời sống. Đây là thời kỳ có nhiều Thiền sư Việt Nam tham gia việc nước, song các Ngài vẫn không tham luyến thế tục.
Thiền phái Trúc Lâm đặc biệt nhấn mạnh sự tụ tập nội tâm ở bất cứ hoàn cảnh nào ta sống, dù là tu sĩ hay người tại gia. Đường lối tụ tập hướng nội đưa đến thanh tịnh hóa bản thân, khiến lòng không còn vướng bận ngoại cảnh và tự tánh hiển lộ. Đây là tâm trạng thực sự an ổn trong chính mỗi người, không cần tìm kiếm cực lạc ở tận Tây phương. Đường lối này đã được Sơ Tổ Trúc Lâm diễn tả qua vần thơ Xuân vãn (Cuối xuân) thật thanh thoát.
Xuân vãn
Niên thiếu hà tằng liễu sắc, không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Nghĩa là :
Thuở bé chưa từng rõ sắc, không
Xuân về hoa nở tại trong lòng,
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
(Thích Thanh Từ dịch)
Phương pháp tu tập trở về với nội tâm ấy được thể hiện rõ nhất qua câu kệ kết thúc bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm :
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cư tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là :
Ở trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm, chớ bói thiền.
(Thích Thanh Từ dịch)
Sơ tở Trúc Lâm quả thật là tấm gương sáng ngời đạo hạnh của bậc hiền nhân. Sau khi hoàn thành sứ mạng của một vị anh quân, Ngài đã trở thành vị Thiền sư thanh tịnh, đồng thời là một bậc cao tăng uyên thâm giáo lý. Với châm ngôn"Thiền Giáo song hành", Ngài truyền đệ tử là Pháp Loa, Nhị Tổ Trúc Lâm, tiến hành việc khắc ấn bản Đại Tạng kinh kéo dài suốt 24 năm ròng (1295 - 1319) dưới sự bảo trợ của vua Trần Anh Tông và sự ủng hộ nhiệt tình của mọi tầng lớp Tăng sĩ, Phật tử. Đây là công tác vĩ đại nhất được chư Tổ Thiền tông đời Trần thực hiện với hơn 5000 ấn bản Đại Tạng được lưu giữ tại chùa Quỳnh Lâm.
Kế tiếp Nhị Tổ Pháp Loa là Thiền sư Huyền Quang, hợp thành Trúc Lâm Tam Tổ, biểu tượng của thời Phật giáo cực thịnh trên đất Việt. Thiền sư Huyền Quang là một bậc cao tăng, cũng là bậc thi hào đã lui về ẩn dật tại núi Côn Sơn sau hơn 20 năm vừa phụng sự triều đình vừa phụ tá Sơ Tổ Trúc Lâm trên đường hành đạo và soạn kinh sách dạy học về Thiền tông Việt Nam. Sồng giữa dòng thiên nhiên, Ngài cảm nhận tâm trạng thanh thản của một người thực sự hòa mình vào vạn vật làm một, đi đứng nằm ngồi, giờ phút nào cũng an nhiên tự tại, nên đã sáng tác những vần thơ tuyệt diệu như trong bài Vịnh cúc hoa:
Vịnh cúc hoa
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hương quần phương xuất nhất đầu
Nghĩa là:
Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô tư ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vừa mới nở tung
(Nguyễn Lang dịch)
Đời sống hằng ngày của một hành giả hướng đến thanh tịnh bản tâm theo Thiền phái Trúc Lâm đã được qui định điều hòa bằng nghi thức "Lục thời sám hối" do vua Trần Thái Tông biên soạn. Đây là nghi thức sám hối đặc biệt Việt Nam gồm sáu phần sám hối trong ngày với mục đích thanh lọc nội tâm, khác với nghi thức sám hối của Phật giáo Trung Hoa nhằm cầu xin xá tội cho bản thân cùng người khác. Từ sáng tinh sương, vị hành giả Thiền tông bắt đầu một ngày an lành bằng các bài kệ tụng đơn giản hỗ trợ cho việc tinh cần tụ tập thân tâm như sau:
Bài kệ dâng hương
Ngào ngạt trầm hương rừng Chánh Định
Chiên đàn vườn Tuệ đã vun trồng
Giới đao đẽo gọt nên hình núi
Đốt tại lò tâm để hiến dâng.
Bài kệ dâng hoa
Hoa nở sáng ngời trên đất Tâm
Hoa tiên rải xuống chẳng thơm bằng
Hái dâng từng đóa lên chư Phật
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rung.
Đây là phương pháp thực tiễn tu tập Tam Học Pháp : Giới - Định - Tuệ, rất phù hợp giáo lý nguyên thủy thời đức Phật, đã được Thiền tông thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam triều Trần ứng dụng hàng ngày, nay lại được Thiền phái Trúc Lâm do Hòa thượng Viện chủ Thích Thanh Từ khởi xướng khôi phục và duy trì những đặc điểm của Thiền tông Việt Nam, đem lại niềm tự hào dân tộc cho người Phật tử Việt Nam.
Để phương pháp tu học trên đạt được nhiều hiệu quả, Hòa thượng Viện chủ thường khích lệ các thiền sinh ứng dụng nguyên tắc "lục hòa " trong cuộc sống phạm hạnh : thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân. Theo tinh thần Trúc Lâm Đầu Đà, các thiền sinh phải nỗ lực rèn luyện ba đức tính : tinh cần tu tập hường đến giác ngộ giải thoát, kiên quyết vượt mọi khó khăn chướng ngại, và thiển dục tri túc sống đời đạm bạc không thụ hưởng mọi xa hoa.
Về mặt tổ chức, ban lãnh đạo Viện gồm có: Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Thủ bổn (Thủ quỹ), Thư ký và Ban chức sự gồm Quản chúng, Tri sự, Tri khách, Tri khố, Hương đăng, Trưởng ban vườn, trưởng ban rẫy và Ban khám bệnh.
Ni chúng cũng có một Ban chức sự như tăng chúng.
Viện trưởng hiện nay : Hòa thượng Thích Thanh Từ; Phó Viện trưởng: Thương tọa Thích Nhật Quang ; Quản chúng Tăng : Thượng tọa Thích Thông Phương ; Quản chúng Ni : Ni sư Thích nữ Như Tâm.
Bước chân vào Thiền viện Trúc Lâm, Phật tử cũng như du khách dường như quên hẳn cái lạnh cố hữu cửa xứ Đà Lạt hoa đào để tận hưởng cái khoáng đạt của phong cảnh thiên nhiên, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp sáng tạo của các công trình kiến trúc mới mẻ nhưng mang đậm tính dân tộc. Đặc biệt những giờ phút tĩnh lặng, thư thái trong tâm hồn sẽ khiến du khách tưởng chừng như đang trở về với thế giới quá khứ cũa Thiền phái Trúc Lâm thời chư tổ Trúc Lâm trên non cao yên tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến