Đúng điệu cao lầu
Mới nghe tưởng như món cao lầu có nguồn cội từ bên Tàu bởi đọc trại từ ''''cao lâu'''', muốn ăn phải lên lầu mới có được. Thế nhưng cao lầu không phải là món ăn cao sang và món này có gốc gác từ xứ Nhật Bản xa xôi. Bởi nếu là món ăn Tàu, tại sao Sài Gòn Chợ Lớn đông Hoa kiều mà không hề có món ăn này? Thêm nữa, khách du lịch Nhật Bản rất ngạc nhiên đặt câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam lại có món ăn Nhật Bản? Có thể lý giải là cách đây ba, bốn thế kỷ các doanh nhân Nhật đã đến Hội An làm ăn và đem theo món cao lầu này.
Cao lầu ngon ngon
Sự khó tính của cao lầu còn thể hiện qua cách chế biến sợi mì. Người ta làm bột gạo chín và sống trộn vào nhau rồi qua bốn lửa để tiếp tục nhào trộn theo kỹ thuật riêng. Sản phẩm cuối cùng là những sợi mì có màu hơi sậm (màu của nước tro), cứng và dai hơn mì Quảng. Việc làm ra sợi mì cao lầu hao tốn công sức nên đa số các tiệm bán cao lầu ở Sài Gòn đều phải đặt mua trực tiếp từ Hội An. Cao lầu tươi từ Hội An gửi vào bằng máy bay còn đi xe đò thì có cao lầu khô. Có người nói rằng chỉ có Hội An mới làm được sợi mì cao lầu do có nước giống Bá Lễ trong và ngọt. Thực ra, ngay ở Sài Gòn cũng có thể làm được sợi mì cao lầu nhưng rất mất thời gian và không kinh tế.
Chưa hết, ăn cao lầu chỉ dùng ba loại rau cơ bản là cải non, tần ô và rau đắng. Nếu có được rau ở vùng Trà Quế (Hội An) thì quá tốt. Ở đây, rau ăn mới đậm đà vì rất thơm. Nếu dùng không đúng rau, không thể gọi là cao lầu. Quán Đo Đo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thêm vào cao lầu rau húng lủi là chưa đúng. Bởi húng lủi chỉ có ở mì Quảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét