Nhớ hoài hủ tiếu Mỹ Tho
Về miền Tây Nam Bộ mà không ghé lại Tiền Giang để tham quan ngắm cảnh và ăn những món ăn dân dã miệt vườn là điều thiệt thòi lớn. Một trong các món ăn ngon của miền sông nước được nhiều người ưa chuộng là món hủ tiếu Mỹ Tho.
Hủ tiếu Mỹ Tho khác với hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò xứ Huế… ở chỗ không ăn với xà lách, dấm, rau ghém mà dùng giá sống, chanh, ớt, nước tương…
Điều làm nên hương vị riêng cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng và nhiều người "bén mùi" kể từ thập niên sáu mươi nhờ sự hoàn thiện từ khâu chọn bột gạo làm ra cọng bánh đến nồi nước lèo cùng tuyệt kỹ pha chế của các đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho.
Nhiều người cho biết, hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm chợ Đào). Đây là vùng trồng lúa thơm địa phương thuộc xã Mỹ Phong, ngoại thành Mỹ Tho. Nhưng hủ tiếu ngon phải là bánh khô, khi nấu trụng sơ qua nước sôi, thơm mỡ hành phi, cọng trong trông bóng mắt.
Nồi nước lèo trong veo thơm lừng mùi tôm khô, mùi mực nướng, mùi hành phi... xương ống, giò heo và sườn non được hầm mềm rụi, những sợi hủ tiếu nhỏ như sợi bún, độ dai vừa phải không như hủ tiếu bột lọc quá dai, hủ tiếu mềm quá bở.
Hủ tiếu trụng nước sôi vừa mềm thì trút ngay vào chiếc tô, người bán hàng bỏ thêm giá, hẹ, sườn hoặc giò heo, bao tử, gan, mực non nướng, củ cải trắng, củ cải đỏ, hành phi, hành lá xắt nhỏ, củ hành tươi, cải bắc thảo, tiêu và sau cùng thì tưới lên một muôi nước lèo.
Hủ tiếu ăn nóng mới ngon. Giá trắng, hẹ xanh hoà với màu đỏ của củ cải, sườn và gan béo ngậy, mực và bao tử giòn giòn, sợi hủ tiếu dai dai, mát mịn, người ăn có thể bỏ thêm gia vị như xì dầu, chanh, tiêu, ớt... có khi xin thêm nước lèo, giá, rau thì người bán vui vẻ "bổ sung" mà không tính thêm tiền.
Hồi trước, hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày lên mặt tô trông rất bắt mắt. Bây giờ thay con tôm bằng miếng sườn hay cặp trứng cút.
Ngón gia truyền không ai chịu hé răng. Hơn kém nhau còn tuỳ thuộc vào nồi nước lèo. Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng cùng một số nguyên liệu và gia vị đặc trưng được các đầu bếp gia giảm theo khẩu vị của khách hàng.
Mỗi lần mở nắp nồi hầm chan bánh, hương thơm toả ra ngào ngạt mời gọi khách khiến người qua đường cầm lòng không đậu. Vì vậy mà, dù cho hàng quán vùng Cầu Quay đến vườn hoa Lạc Hồng tuy tuềnh toàng nhưng khách vẫn cứ nườm nượp.
Theo dulich.tuoitre.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét