Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Cơm Gà Phan Rang

Quả thật khi lần đầu tiên gọi đĩa cơm gà tại quán cơm Hải Nam trên đường Lê Hồng Phong, Phan Rang, tôi bổng giật mình khi bà chủ đưa ra đĩa gà luộc có 7 miếng, mà miếng nào miếng nấy to ơi là to.
Có anh bạn kể là khi anh ghé ăn cơm gà Phan Rang, tưởng đĩa gà luộc đem ra cho mình là "phải" ăn hết, tiếc tiền anh cứ cắn mổi miếng gà một miếng- nào ngờ thời giá lúc đó là 7000 đồng/miếng, anh phải trả tiền đĩa gà là 49.000 đồng.
Còn tôi, nhìn thấy đĩa gà luộc ngon thì ngon thật, nhưng chắc chắn mình thiếu khả năng ăn hết, bèn hỏi bà chủ: "Chị ơi, cho đĩa gà nhỏ thôi." Bà chủ trả lời rất tỉnh: "Ăn nhiêu tính nhiêu".
Ngẫm nghĩ tiếng Việt mình đâu thiếu từ để hiểu biết, nhưng cách nói của bà chủ cực kỳ dân dã có nghĩa là: "Ăn bao nhiêu tính bao nhiêu." Diễn giải ra có nghĩa là đĩa thịt gà có 7 miếng,trong đó có đủ cơ cấu đùi, cánh, ức, bụng... khách thích ăn miếng nào thì cứ lấy miếng đó, miếng ăn mới tính tiền.
Có lẽ chỉ có ở Phan Rang mới có cách ăn cơm gà ăn nhiêu tính nhiêu như thế, vì khắp mọi miền đất nước đều có cách bán cơm gà khác nhau.
Ở Nha Trang chẳng hạn, cơm gà là ¼ con gà đã được chiên để trong đĩa cơm, ở Đắc Lắc thì là gà luộc, nhiều nơi khác gà được xé ra từng sợi để trên đĩa cơm. Nhưng chính vì sự độc đáo của cách ăn như thế mà cơm gà Phan Rang đã thành "đặc sản" của vùng đất này.
Cũng có nhiều người nói ăn cơm gà kiểu này kém vệ sinh quá, và người ăn sau đâu còn miếng ngon để lựa, nhưng ẩm thực mỗi nơi mỗi tính cách, muốn ăn cái ngon phải "nhập gia tùy tục", còn kỵ càng hơn để bảo đảm vệ sinh, bạn có thể chỉ định con gà và yêu cầu bà chủ chặt cho mình mấy miếng.
Hiện tại Phan Rang đã có nhiều nơi mở tiệm bán cơm gà, bởi khách rong ruổi Bắc Nam dừng lại nơi này giữa trưa hoặc chiều tối ai cũng đều muốn ăn một đĩa cơm gà.
Theo tìm hiểu thì cơm gà Phan Rang có nguồn gốc tận đảo Hải Nam, Trung Quốc. Cách đây 50 năm, quán cơm gà Hải Nam bắt đầu có mặt tại Phan Rang với phong cách bán ăn nhiêu tính nhiêu lưu truyền đến nay, sau đó là quán Đức nằm trên đường Nguyễn Thái Học. Giá một đĩa cơm hiện tại là năm ngàn, một miếng gà là 15.000 đồng.
Vào quán, ấn tượng đầu tiên là những con gà luộc vàng trưng trong tủ kính, cơm còn nóng bốc khói trong nồi.
Cách ăn cơm gà ở đây tưong đối phức tạp hơn nơi khác. Bởi ra ăn là dưa leo và rau răm. Nước chấm thì tùy theo sở thích của khách để dùng bày luôn trên bàn.
Loại nước chấm thứ nhất đơn giản chính là muối tiêu, bạn có thể nặn thêm chanh vào mà dùng. Loại nước chấm thứ hai có màu đỏ là ớt đỏ giã nhuyễn với đường, tỏi pha đặc lại. Loại thứ ba thuộc loại nước chấm độc đáo có màu trắng đục hơi xanh, đó chính là hèm rượu với ớt xanh cũng giã nhuyễn pha nước mắm và đường.
Miếng thịt gà thơm ngon bởi loài gà dùng để chế biến có tên là gà chạy bộ. Đất trời Phan Rang bốn mùa nắng gắt, loài gà thả vườn thịt gà dai, thơm, không bở như gà công nghiệp.
Con gà để dùng nấu cơm là gà mái chỉ vừa đẻ một lứa. Khi đi mua gà, chủ nhân chỉ liếc nhìn qua là biết con gà thịt ngon hay dở.
Cái hay ở chổ là khi cắt đôi con gà luộc ra, chỉ chặt từng nhát một mà bà chủ đã "cân đong đo đếm" cho mỗi miếng thịt gà đều có giá trị ngang nhau.
Cái khó cho quán là nhiều khi đến cuối buổi, khách chỉ lựa mổi một phần trên thân con gà để ăn. Cách giải quyết cho những miếng thịt gà không bán được là làm gỏi gà hoặc nấu cháo gà.
Đĩa cơm gà tại đây không pha màu, chẳng thêm bát cứ một lọai gia vị nào để khách tận huởng cái ngon của hạt cơm, đĩa cơm chỉ vừa đủ một chén để khách còn ăn... thịt gà.
Theo chủ quán thì nước luộc gà không tham nhiều nước vì sẽ làm cho cơm mất ngon. Sau đó thêm vào tí gừng, tỏi và muối. Gạo để nấu cơm là loại gạo dẻo, nhưng không nở bung hạt và phải nấu bằng than chứ không nấu bằng nồi cơm điện thì cơm mới ngon.
Lúc đầu, dừng chân ở Phan Rang, ăn cơm gà ăn nhiêu tính nhiêu ngại vì sợ miếng thịt gà dọn lên cho mình chắc đã bị thực khách trước đó chê bỏ ra.
Nhưng ăn uống phải quen phong tục vùng miền, và ăn cơm gà Phan Rang một lần, trên nẻo đường rong ruổi ghé qua thế nào cũng dừng lại, để ăn nhiêu tính nhiêu.


Bài viết của tác giả Khuê Việt Trường


 (Theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến