Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Cá lăng trên dòng sêrêpôk

Dòng Sêrêpôk hoang dã, bí ẩn và mãnh liệt đã được thiên nhiên ban tặng cho một loại cá quý gắn với nhiều câu chuyện đầy chất huyền thoại và những món ngon nổi tiếng: cá Lăng


Săn cá lăng
Cá Lăng chỉ thích sống ở các khúc sông nhiều cuộn sóng, nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trước đây, trên sông Sêrêpôk, loại cá này nhiều vô kể, có con to bằng cả con bê, tuy nhiên để bắt được là cả một cuộc vật lộn khắc nghiệt và đầy rủi ro. Thợ săn phải chấp nhận mạo hiểm đi theo các trận lũ rừng, tìm đến những quãng sông hiểm trở và tuân thủ nghịch lý của dòng sông chảy ngược. Hàng chục năm trước, đồng bào Êđê dùng cây lao bịt đầu sắt để đâm cá. Khi nước lũ dâng cao, những người săn cá lên thuyền mang theo nhiều dụng cụ xuống sông đâm những con cá to đùng bơi lội như cây gỗ trôi sông. Thợ săn cá đứng trên thuyền kiên nhẫn mai phục và chờ có cá đến gần là phóng lao. Cây lao dài gần ngang đầu người đâm xuyên sâu vào mình cá. Thợ săn phải để cá mặc sức vùng vẫy, đồng thời chèo thuyền theo, chờ đến khi nó đuối sức nổi lên mặt nước mới dùng dây kéo lên thuyền.


Thời trai tráng, già Y Tal Niê, ở Ea Wer, huyện Buôn Đôn, là một thợ săn cá Lăng có tiếng. Già thuộc lòng từng khúc sông và đặc tính từng con cá, đã từng bắt được cá lăng to bằng con bê. Đến giờ già vẫn còn cảm thấy “sướng trong người” khi kể lại chuyện bắt con cá khổng lồ gần 50 năm trước. Lần ấy, già phải phóng hai lao vì con cá khỏe quá, quần thảo cả buổi theo dấu lao mới bắt được. Không đưa được nó lên thuyền, già phải nương theo dòng nước, kéo nó dạt vào bờ. Sau khi làm thịt cá tế Giàng, già cắt con cá thành mấy chục miếng chia cho mọi người trong buôn cùng ăn. Già cho biết, để săn được những con cá lớn phải sử dụng dây câu to gần bằng ngón tay út được kết bằng 3 — 4 sợi dây dù rất bền; còn lưỡi câu to bằng bàn tay, làm bằng loại thép tự chế. Nhiều con cá lăng lớn khỏe đến mức có thể kéo tuột cần câu, thậm chí kéo thợ săn ngã dúi dụi. Vì thế, những tay săn cá Lăng phải có sức khỏe, kinh nghiệm và mưu mẹo chứ không phải chiến đấu “tay đôi” với cá.


Bây giờ, cá Lăng lớn trên sông Sêrêpôk không nhiều như trước đây. Những con cá nặng khoảng 5 kg trở lên rất hiếm, cho nên phương pháp bắt cá Lăng chủ yếu là dùng câu chứ không phải dùng lao hay thuốc bằng lá rừng. Các thợ câu thường chèo thuyền đến những đoạn sông hiểm trở, nước chảy mạnh và có nhiều đá ghềnh ở Krông Na, Ea Wer (huyện Buôn Đôn), gần cầu 14, ngược về Dak Nông để thả câu, nhưng cá bắt được to lắm cũng chỉ khoảng 3 - 4 kg. Gia đình anh Y Thu ở thôn 5, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) bao đời sống nhờ con cá trên sông Sêrêpôk. Anh biết chèo thuyền quăng lưới, thả câu khi mới 1 tuổi. Tuy nhiên, bây giờ dù thường xuyên đuổi theo con nước về đến Buôn Đôn, ngã sáu Buôn Trấp (huyện Krông Ana), nhưng nhiều khi không câu được cá Lăng. Anh cho biết, nhiều người dùng bình điện và cả thuốc nổ để đánh cá nhưng anh chỉ dùng câu và lưới, thỉnh thoảng gặp cá lăng nhỏ anh cũng không nỡ bắt. Bởi vì, anh Y Thu đã được cha dạy “Phải làm sao vừa đánh được cá vừa bảo vệ dòng sông đã bao đời gắn bó với đồng bào”.

Tuyệt phẩm ẩm thực của dòng sông 
Dòng Sêrêpôk đi qua đã ban tặng cho đồng bào Êđê nguồn thực phẩm dồi dào từ hàng nghìn năm nay. Trong quá trình sinh tồn trên dòng sông làm cho cá Lăng rắn chắc, thịt thơm và là món ngon nổi tiếng. Ngày xuân thưởng thức đặc sản trên dòng Sêrêpôk và chúc nhau năm mới thì không còn gì thú vị bằng.


Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Để có nồi lẩu thơm ngon, phải chọn những con cá Lăng khỏe, chắc thịt, ít xương và ngọt. Việc chế biến cá Lăng rất cầu kỳ, đòi hỏi tài nghệ và sự điêu luyện của người chế biến, bởi chỉ một sự thêm thắt tùy tiện cũng làm mất đi hương vị hấp dẫn của loài cá quý ấy. Cá lăng chỉ có một rẽ xương sống chạy dọc theo thân. Bởi vậy, chỉ cần dùng một con dao sắc, khía dọc theo hai bên thân sẽ những miếng thịt cá núc ních, dày cơm, tươi roi rói. Sau đó tẩm ướp gia vị gồm nước cốt của riềng, nghệ quyện với mẻ, mắm tôm, nước mắm trong khoảng 1 giờ. Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.

Đồng bào bên dòng Sêrêpôk còn nấu cá lăng với măng rừng, um cà đắng (chủ yếu là lòng cá), hoặc nướng ăn với lá păk cum chấm muối tiêu trộn ớt xanh giã nát là đặc sản của đồng bào Êđê. Vị chua của măng le, chút đắng của quả cà hay lá păk cum, vị cay nồng của ớt cộng thêm với cái ngọt của cá kết hợp lại tạo nên hương vị đậm đà, nồng nàn và thật khó quên.

Dòng Sêrêpôk như người bạn tâm tình, đã chảy qua bao thế hệ người Êđê, M’nông, ban tặng cho họ những sản vật quý giá của vùng sông nước. Nhấp ly rượu xuân, nhấm nháp món cá Lăng, nói chuyện dòng sông, đời người để rồi hiểu thêm về dòng sông, hiểu thêm cuộc sống trên cao nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến