Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Du lịch biển miền Trung: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức

 
Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với hơn 1.000km bờ biển. Đây là địa bàn giàu tài nguyên du lịch và có tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo rất lớn, song hiện nay, việc phát triển du lịch tại các địa phương này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Tiềm năng lớn
Dọc theo bờ biển các tỉnh, thành trong khu vực duyên hải miền Trung có rất nhiều vũng, vịnh, đảo với những bãi tắm đẹp như Sầm Sơn, Nghi Sơn, Hải Hòa (Thanh Hóa); Cửa Lò, Diễn Thành, Quỳnh (Nghệ An); Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải (Hà Tĩnh); Nhật Lệ, Hải Ninh (Quảng Bình); Cửa Việt, Cửa Tùng (Quảng Trị); Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế); Mỹ Khê, Xuân Thiều (Đà Nẵng); Cửa Đại, Tam Thanh (Quảng Nam); Mỹ Khê, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Quy Nhơn, Hoàng Hậu (Bình Định); Tuy Hòa, bãi Môn-mũi Điện (Phú Yên); Nha Trang (Khánh Hòa); Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên (Ninh Thuận), Mũi Né-Hòn Rơm, mũi Kê Gà (Bình Thuận)... Đó không chỉ là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ mát tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch thể thao giải trí với các loại hình như lặn biển, câu cá, lướt ván, du thuyền... mà còn cho phép các tỉnh miền Trung phát triển du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch tàu biển, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái kết hợp khám phá đời sống địa phương, du lịch cộng đồng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, cho rằng: Du lịch biển, đảo đã trở thành chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Nếu như những năm 2000-2010, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam không có phát triển du lịch biển, đảo mà chỉ có du lịch sinh thái và du lịch văn hóa thì từ năm 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2030, du lịch biển, đảo sẽ là mũi nhọn trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam. Và để miền Trung phát huy hết tiềm năng vốn có, cần kết hợp chặt giữa du lịch biển, đảo và phát huy các yếu tố văn hóa vùng miền, văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt Nam để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao tính cạnh tranh không chỉ ở miền Trung mà còn ở Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển du lịch biển, đảo là hướng đi cần đẩy mạnh, song theo đánh giá của các công ty du lịch, lữ hành và đại diện các sở, ban, ngành của các địa phương thì việc phát triển du lịch biển, đảo các tỉnh duyên hải miền Trung vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, nổi bật là việc các tỉnh duyên hải miền Trung chưa thực sự liên kết để cùng nhau bắt tay phát triển du lịch. Vì vậy, du lịch miền Trung vẫn trong tình trạng phát triển manh mún, chưa có các sản phẩm độc đáo, đặc trưng.
Nhiều rào cản
Một trong những khó khăn hiện nay là mặc dù tiềm năng du lịch của các tỉnh rất lớn, một số tỉnh có nhiều điểm hấp dẫn nhưng chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Một số tỉnh khác lại cho rằng, tỉnh không có cảng biển riêng để đón tàu du lịch, vận tải hàng không hoặc có điểm đến, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, thiếu tính hấp dẫn. Một điểm chung là hầu hết các sản phẩm du lịch của các tỉnh na ná nhau nên chưa tạo được sự kích cầu mạnh mẽ cho du lịch.
Từ thực trạng đó, những năm qua, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung đã nỗ lực tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh tổ chức các tour, tuyến nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo, hội nghị cho các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp hoặc các tổ chức, trường học. Từng bước phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, khảo sát nhiều điểm đến tạo sự đặc trưng cho vùng miền để nâng cao tính cạnh tranh… Song, để liên kết được các địa phương cùng làm du lịch cần phải có vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương chuyên ngành nhằm tạo sự đồng nhất để hoạt động du lịch đạt hiệu quả, tránh sự chồng chéo sản phẩm du lịch, khó tạo được tính đặc trưng cho từng địa phương.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: Các tỉnh miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo. Tuy nhiên, khó khăn của du lịch miền Trung ở tính liên kết chưa tốt, có những sản phẩm vẫn trùng lặp nhau, không tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo. Đà Nẵng cũng đã từng liên kết với các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế để phát triển du lịch nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vì vậy, cái cần nhất ở đây là các tỉnh nên có cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn trong việc liên kết phát triển du lịch toàn vùng để đi đến sự phát triển mang tính bền vững.
Phát triển du lịch biển, đảo là hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhằm góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, nếu các tỉnh có sự liên kết chặt chẽ và khai thác hợp lý các tiềm năng, tin rằng vùng duyên hải miền Trung sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến