Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Đi thăm biển Đầm Môn

Đây là vịnh biển nhỏ, kín. Có hai lối ra vào. Một lối để vào đất liền là lạch Cổ Cò, một lối để ra biển khơi là lạch Cửa Bé. Vịnh có nhiều vũng, hóc nhỏ và các đảo, lớn nhất là (đảo) hòn Ông.

Lấy hòn Ông làm trung tâm, hướng tây nam là hòn Lớn với dãy núi lớn, xanh rì và có đỉnh cao nhất vùng (đỉnh núi Bà Lớn 567 mét). Từ hòn Lớn, đi ngược chiều kim đồng hồ, có thể thấy quanh vịnh:

Lạch Cửa Bé

- Lạch dài khoảng 9km dẫn ra biển Đông, độ sâu là 31 mét, cá biệt ngay vị trí tiếp giáp giữa lạch với biển Đầm Môn, là nơi hẹp nhất của lạch (khoảng 650 mét) lại có độ sâu đến 41 mét. Hai bên lạch có nhiều vũng, hốc nhỏ với các bãi cát cùng những rạn sao hô tuyệt đẹp. Một số điểm nhấn :

* Bên phải là đuôi của hòn Lớn đưa ra biển, tận cùng có đỉnh cao nhất là Mũi Cỏ (394 mét); núi có tên Ba Múi (Ba Cạnh) vì từ lạch, ta có thể thấy 3 sườn núi chạy song song thành 3 đỉnh cao thấp; dưới chân núi là bãi Sứ, hiện nay thông dụng là tên bãi Nhàu. Nếu vòng tiếp xuống hướng nam, qua mũi Cỏ, hòn Tai là đến vịnh Vân Phong.

* Bên trái là phần nhánh nam của bán đảo Hòn Gốm mang một dãy núi cao chạy dài với nhiều đỉnh cao thấp, trong đó có 5 đỉnh liền kề nên có tên là núi Bàn Tay, đỉnh đầu tiên lớn nhất nhưng cao nhì (296 mét), đỉnh áp chót là cao nhất (309 mét); liền kề là một dãy núi thấp có ba đỉnh với đỉnh cuối cùng (hướng nam) là cao nhất (202 mét), dưới chân dãy này là vũng Thu với bãi cát trắng mịn và nhiều rạn san hô, kế vũng Thu là khu dân cư mang tên ấp Khải Lương. Đi tiếp, sát bãi Giếng là phần cuối cùng của dải đất, có núi Trọc (Hói) cao 291 mét, chân núi là mũi Gành.

- Dọc hai bên lạch có nhiều bãi cát nhỏ cùng những ran san hô, thuận tiện cho loại hình du lịch thám hiểm và lặn ngắm san nhô.

- Ra cửa bể, vòng lên phía bắc qua mũi Gành, ngoài khơi mũi, cách 500 mét hướng nam, có mỏm đá ngầm hình Sư Tử (sâu 1 mét); hướng đông xa ra biển khoảng 3km có hòn Trâu Nằm, cạnh đó còn có 3 hòn nữa nằm dưới làn nước như một bầy trâu đang lội biển. Xưa có ông Kiều, quê ở Bình Định, là chủ ghe bầu thường qua lại chổ này, đã làm một bài thơ :

Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng,

Lúc ngúc ra nằm giữa biển đông ?

Sóng trắng lô nhô xao trước mặt,

Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông.

Cán roi Nịnh Thích không sờn dạ,

Ngọn lửa Điền Đang chẳng cháy long

Phải có ông Y mà hỏi thử :

Nội sằn lúc trước có cày không ?



- Tiếp tục đi dọc bờ, qua nhiều rạn san hô cực đẹp, 2km đến hòn Đen, tiếp 2,5km nữa đến mũi Hòn Khô Trắng (hòn Khô Trắng cách đó khoảng 1km ngoài biển Đông); tiếp 2km qua một cái vịnh nhỏ là đến hòn Khô Đen cạnh mũi Cột Buồm.

- Từ Cột Buồm đi khoảng 2km nữa là đến mũi Hòn Chò. Nơi đây đặt dấu chấm hết của dãy núi nằm trên doi đất phía nam bán đảo Hòn Gốm (nếu đi ngược lại thì là điểm khởi đầu !), tiếp đó là những đụn cát trắng dài, cao đến gần 100 mét. Băng qua những đụn cát này theo hướng tây, gần 3km đường cát dốc (mất gần 2 giờ) là đến bãi tắm Sơn Đừng kỳ thú.

- Đi tiếp hướng bắc 2km, ngang qua đầm Bà Gia là đến núi Cỏ Ông, cái bao lơn của nước Việt Nam, ngay sát chân núi xưa có ngôi miếu nhỏ Bà Gia. Núi Cỏ Ông có hai đỉnh cao nhất, cao độ lần lượt 196 rồi 197 mét. Bờ biển sát chân núi toàn sỏi và đá cuội, không có chút cát nào. Núi là điểm tận cùng của doi đất hướng đông bán đảo Hòn Gốm, và điểm xa nhất của doi đất là mũi Đôi, tọa độ 109o27’ kinh đông, 12o38’ vĩ bắc – điểm cực đông của Tổ quốc phần đất liền. Cách mũi khoảng 650 mét là hòn Đôi, có tên như vậy là do trên bắc đảo có cái núi nhỏ với hai ngọn, trông như cặp nhũ hoa nhưng không đều, cái nhỏ - cái lớn với ngọn cao nhất 56 mét. Nhưng nếu nhìn tổng thể theo hướng bắc – nam thì người ta gọi là hòn Đồi Mồi.

- Qua mũi Đôi, núi Cỏ Ông lên hướng bắc gặp mũi Đá Chôn rồi vòng vào hướng tây. Nơi đây cũng có rạn san hô. Đi tiếp qua mũi đá không tên là hết núi Cỏ Ông, gặp lại những đụn cát trắng nằm sát một bãi biển dài trên 3km, đó là bãi Cát Thắm. Cuối bãi là hòn Ngang với đỉnh cao 98 mét, vòng qua mũi hòn Ngang là đến bãi cát đẹp tuyệt dài trên 12km, đến tận hòn Giôm tại rìa của núi Cổ Mã (Lâu rồi tôi không đến đây, không biết khu vực này đã bị mấy cái resort lấn mất hay chưa !); bãi cát có người gọi tên là bãi Vỏ, sau lưng là Truông Chàm.

Bãi Sơn Đừng

Trong tổng thể biển Đầm Môn có rất nhiều bãi : bãi cát, bãi đá, bãi rạn … có cái có tên gọi và cũng có cái chưa ai đặt tên. Bãi Sơn Đừng nổi tiếng hơn hết. Bãi nằm trong cái vụng nhỏ xíu trên bờ tây của doi đất phía nam bán đảo Hòn Gốm, nhìn thẳng (5km) là mũi Ba Kèn; sau lưng là đụn cát cao khoảng 40 mét; bắc là một doi cát cao 26 mét; nam là dãy núi Bàn Tay có đỉnh cao nhất 309 mét. Từ bãi đến núi phải qua một bãi cát nhỏ, gần đây dân địa phương gọi là bãi ông Hảo, tên của người chủ mới chăng ?

Không khác bất cứ bãi biển chung nào tại Việt Nam, cũng hàng quán xôn xao, phải thuê ghế ngồi, trả tiền tắm nước ngọt, muốn vào bãi phải thuê bè chống, v.v… Khác hẳn Sơn Đừng khi xưa, một bãi cát nhỏ với vài ba ngôi nhà nhỏ cùng những người dân thân thiện, chân chất. Tuy sống ở đất liền mà như ở giữa biển đảo, hoang sơ … Thuở ấy, từ thuyền du lịch muốn vào bãi chỉ có phương tiện duy nhất là “lội nước”. Biển ở đâu có màu xanh nhạt, khi thủy triều rút làm lộ ra hàng trăm mọi nước nước ngọt không biết từ đâu cứ chui lên lớp cát mà đổ hết ra biển. Khi nước lên che lấp mất các mọi nước, không lo gì, cứ đào giếng thì sẽ có nước ngay thôi, đào độ 10cm là đủ rồi, không cần máy khoan gì đâu ! Đây là nơi tiện nhất để “khai thác” và cung cấp nhiều nước ngọt nhất cho cư dân quanh vùng. Nhớ lúc xưa mơi đến đây, nghe tài công kể mà không ai tin. Đến khi mọi người đang vui đùa trong làn nước thì bổng dưng có một cái xuồng máy nhỏ đâm thẳng vào bờ. Một người nhảy xuống cát, ngay vị trí tiếp giáp nước biển, anh ta hai tay hối hả đào xới giống như tìm của quý. Chưa đầy 5 phút, anh ta lên thuyền ngồi hút thuốc, điếu thuốc chưa tàn hết là anh lại nhảy xuống, lấy ca múc nước ở dưới cái hố vừa đào vô máy cái can nhựa, rồi sau đó lên xuồng nổ máy đi mất. Cảnh diễn ra nhanh và làm mọi người ngạc nhiên như đang xem phim hành động của Mỹ vậy.

Hồi nhỏ nghe các chú vốn là Hải quân kể, giờ mới thấy sự thật là đây. Cũng vì vậy mà tại đây người ta kháo nhau về truyền thuyết vua Gia Long trong lúc bôn tẩu đã dừng chân nơi này … Tại đây người ta còn kể thêm một câu chuyện cổ tích thời hiện đại về dân tộc thứ … 55 của Việt Nam, có tên “người Đàng Hạ”. 

Đi lòng vòng trong biển Đầm Môn

- Đi từ Sơn Đừng về làng Đầm Môn hạ mất khoảng 45 phút đi bằng thuyền máy (loại tàu đánh cá).

* Bên trái mạn tàu, khi gần đến cái vũng nhỏ sau lưng của Hòn Ông, có một tảng đá khá độc đáo. Lúc thì trông giống như đầu con lạc đà, lúc thì như đầu con đà điểu, rồi con sư tử; tùy thuộc góc nhìn và cự ly xa hay gần.

* Bên phải mạn tàu có một loạt các bãi nuôi ốc hương, chổ đó có tên bãi Khô Cạn, rồi đến hòn Khô Nổi (hòn Gâm), toàn đá lởm chỏm. Phía sâu bên trong là đụn cát, có chổ cao đến hơn 80 mét, băng qua đó là đến đầm Bà Già ngó mặt ra biển Đông.

- Làng Đầm Môn không đông dân lắm nhưng do dựa lưng vào cái núi cát và bị ngăn cách nên chia thành hai bộ phận : Hạ và Thượng. Đầm Môn Hạ chổ cái ngách nhỏ, nhìn từ biển vào thấy nơi có nhiều cây dừa và nhà cửa đông đúc. Đầm Môn Thượng chổ khách sạn Đầm Môn với ít nóc gia hơn, kề cận là cái đống sắt phế liệu to lớn của băng chuyền chuyển cát lên tàu, đưa đi xuất khẩu (cái này do trường Bách Khoa TP.HCM thiết kế). Thuở trước, khi đi thuyền từ đây ngược ra, thích thú nhất là cảnh hàng vạn con cá suốt, cá cơm … trắng óng ánh phóng bay ào ào trên mặt nước như chào đón du khách. Rồi khi tàu neo nơi bãi Khô Cạn hay Sơn Đừng, biển nông, nước trong vắt nhìn thấu đáy, từng bầy từng bầy cá (loại cá da trơn, tôi không biết tên chính xác, giống như cá thu, mỗi con dài ít nhất 50cm) bơi dưới mạn tàu, nhìn … phát thèm ! Giờ khi đi trên biển, rác nổi lều phều như lời chào đón thay cho đàn cá năm xưa.

* Thời thuộc Pháp, đã có hương lộ 484 rẽ từ Quốc lộ 1 (ngã ba cách đường mới hiện nay khoảng 2km hướng về Tu Bông), đi qua làng Ninh Mã, Tuần Lễ, vượt Truông Chàm đến Vinh Giát. Từ Vinh Giát theo con đường mòn cặp men chân Bàn Sơn vào đến Đầm Môn. Tuy vậy, cho đến tận đầu thế kỷ XXI, ngoài nguồn điện lưới quốc gia đến tận nơi, làng Đầm Môn như vẫn còn tách biệt với thế giới bên ngoài do đường bộ không tốt, vả lại mấy ai có phương tiện tốt để đi; nếu đi thì ra đến Quốc lộ 1 còn phải lụy thêm chuyến xe đò hơn 20km nữa mới đến Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện lỵ Vạn Ninh bây giờ). Do đó, cư dân làng đều đi đò máy theo lạch Cổ Cò để vào Giã, mất hơn 4 tiếng, nhanh hơn đi bộ.

- Về gần đến làng Đầm Môn, biển có một màu xanh đậm, nhìn rờn rợn, vì nơi đây biển khá sâu, 18 – 19 mét. Bãi biển khu vực này tuy có nhiều cát, nhưng ra xa một chút là coi chừng bị hụt chân.

- Từ Đầm Môn Thượng, đi sâu vào trong (hướng bắc) là vũng Nai, một vụng biển nho nhỏ, kín đáo. Bên hướng đông vũng là dãy đồi cát cao đến 131 mét; hướng bắc là núi Bàn (Bàn Sơn) cao 369 mét; dãy núi này kéo dài vòng qua bọc luôn cạnh tây của vũng, với đỉnh cao đến 232 mét. Từ đây, nhìn xuống biển một màu xanh dương đậm, nhìn lên trên một màu xanh lá rậm của cây rừng, trên cao là trời xanh lồng lộng. Toàn những gam màu của sự sống.

Vài chục năm trước, khi mà con người còn sống hòa mình vào thiên nhiên, chưa dám “đào núi, lấp sông”, triệt để khai thác tài nguyên “rừng vàng, biển bạc”, thì nơi đây có rất nhiều nai rừng và sơn dương và chúng khá dạn dĩ. Sở dĩ vậy là vì dân vùng này bao đời sống bằng nghề chài lưới, họ tin rằng các đấng Thần Linh cho họ bắt cá dưới biển để ăn, còn những con vật trên đảo, trên rừng là của các ngài nuôi để làm cảnh, nên không ai được sát hại, nếu ai xúc phạm thì sẽ bị trừng phạt nặng nề.

- Đi tiếp về hướng tây, vòng qua mũi Đèn (mới có tên gần đây vì cái đèn ở đó cũng mới có mà thôi) thì đến rạn san hô Mũi Me, cách bờ khoảng vài trăm mét (nếu đi tàu từ khách sạn Đầm Môn ra đây mất khoảng 20 phút). Biển chung quanh thì sâu đến hơn 17 mét, nhưng tại đây thì san hô mọc ken dày, cách mặt biển chỉ hơn 1 mét. San hô chổ này chủ yếu là loại có tàn rộng như cái bàn đá, ít có cành nhỏ. Nơi này chơi vơi giữa biển nên lưu ý khi xuống ngắm san hô, đừng đi quá xa tàu và đứng đứng trên tán san hô, coi chừng san hô cắt chân. Tại đây tôi có hai kỷ niệm với du khách :

* Lần ấy trong đoàn có một gia đình nhỏ, trí thức và “chịu chơi” quá cỡ. Đứa bé gái mới 5 tuổi, lại không biết bơi; người mẹ cho bé gái đeo đầy đủ phụ tùng rồi quăng tòm xuống nước, cô bé khoái chí vùng vẫy trong làn nước, lại được ngắm san hô với hàng đàn cá biển đủ màu sắc. Bản thân tôi thì lo ngay ngáy, không dám xuống ngay, phải ở trên tàu “trực chiến”, tay lăm lăm khẩu súng, lộn, tay cầm cái phao với sợi dây trông chừng cô bé. Lúc ấy, lòng thì lo ngay ngáy nhưng tự thẳm đáy lòng, tôi thấy tự hãnh diện vì đã góp phần mang lại niềm vui cho du khách.

* Lần khác, thì khá nhiều đàn ông, toàn là gentleman, mãi ngắm san hô một hồi nên bị gió cuốn khá xa con tàu. Khi vừa phát hiện, họ la oai oải, kêu tên tôi. Cũng tại cái tính hay bốc phét của mấy tay ngoài Bắc, nên tôi tưởng họ đùa ! Khi quá xa, mới phát hiện là thật, tôi với tay thằng nhóc thủy thủ trẻ phải nhảy xuống thả người theo gió đến chổ họ. Nhóc thủy thủ thì nắm cổ áo phao một anh, còn tôi thì nắm lấy cái giường phao (loại phao chế biến của dân địa phương cho khách leo lên nằm chơi, lúc này thì có đến hai người) rồi kéo họ về tàu. Hú vía !

- Từ rạn Mũi Me, đi tiếp theo hướng tây – tây bắc là vào một cái vịnh nhỏ, sâu không quá 9 mét. Giờ nhiều người ra lập lồng nuôi hải sản, nói đúng hơn là khắp biển Đầm Môn, ở ven bờ chổ nào cũng có trại nuôi hải sản : ốc, cá, tôm, trai cấy ngọc, v.v… Vịnh nhỏ này xưa người Pháp gọi là “Baie Olivier” (vịnh mang tên ông Nguyễn Văn Tính); bên trong có khóm dân cư tên “Phuong Moi” dựa lưng vào núi Hòn Nhọn có đỉnh cao 436 mét. Quả núi này cũng được người Pháp phụ chú tên giống như tên của biển Đầm Môn là “Dayot” (tên ông Trí).

- Tiếp xuống hướng nam, gần đến mũi Nam Ba Kèn, nơi gần hòn Đỏ có rạn san hô mũi Nai. Hòn Đỏ được người Pháp ghi tên là “Chaigneau” (tên ông Nguyễn Văn Thắng), cả đảo là một hòn núi nhỏ với đỉnh 46 mét. Phía nam đảo có nhiều “lồng” nuôi ngọc trai, nghe nói là của một công ty liên doanh với Úc Đại Lợi.

Khác với san hô ở rạn Bãi Me là loại có tán rộng như cái bàn đá, hay khác với ở rạn bãi Nhàu là loại cành mềm dài, san hô tại rạn Mũi Nai là loại cành nhỏ, giống loại mà mọi người hay để làm cảnh trong nhà, trong hồ cá kiểng. Do vậy mà du khách đến đây ai cũng thích hái một ít. Khi lần đầu đến đâu, san hô ở đây thật nhiều và đẹp. Còn vào năm 2004, trong nơi này như một nghĩa địa san hô, thật buồn. Đáng buồn hơn, trong một chương trình quảng bá du lịch trên đài Truyền hình Việt Nam (tôi nhớ hình như vào đầu năm 2006 và trên kênh VTV1) quay cảnh một du khách trồi lên từ dưới biển mũi Nai, tay cầm một cành san hô với vẻ mặt đắc thắng ! Cơ quan truyền thông quốc gia mà còn vậy, thì biết trách ai nữa … Tầm cỡ như vậy, với toàn là những chuyên gia, chuyên viên, đầy các nhà khoa học (tôi gọi những người trên đại học là nhà khoa học) mà tầm nhìn chỉ mới tới đó thì thử hỏi, người dân bình thường như tôi sẽ phải ứng xử với thêin nhiên ra sao, hay ta cứ mặc sức khai thác, mặc sức tàn phá ?

- Vòng qua mũi Nai Ba Kèn là ta vào lạch Cổ Cò.

Lạch Cổ Cò
Lạch nối biển Đầm Môn, từ mũi Nai Ba Kèn, dài 4 km đến Cửa Lớn thông vào vịnh Bến Gôi. Lạch có độ sâu khoảng 22 mét, khi đến Cửa Lớn thông qua vịnh Bến Gọi thì cạn dần, chỉ còn 18 mét tại cửa và khoảng hơn 10 mét tại vịnh.

- Vừa qua khỏi mũi Nai Ba Kèn, bên phải là “Baie du Lutin” (nghĩa là :Tinh quái, Yêu quái), sát trong là vũng Ké và hòn Săng. Hòn Săng che chở cho vũng Ké thành một nơi kín đáo. Quanh hòn có nhiều lồng nuôi tôm hùm. Đối diện, phía bên hòn Lớn có bãi Tây, bãi Búa; xưa có tên Bãi Tranh, có suối nước ngọt trên núi đổ xuống. Từ bãi Tranh có đường mòn băng qua núi đến mặt nam của hòn Lớn, tại bãi Tre.

- Ra đến Cửa Lớn, hướng bắc đi qua mũi Cổ Cò khoảng 4,5 km là đến mũi Đá Son, 2km nữa đến hòn Trì nằm ở mạn tây bắc của Bàn Sơn trên nhánh tây nam bán đảo Hòn Gốm, nếu đi tiếp hướng bắc, cặp bán đảo qua khu bảo tồn rừng ngập mặn Tuần Lễ thì đến vụng Trâu Nằm. Nói là rừng chứ thực ra ở đây số cây đước cổ thì đếm trên đầu ngón tay, số cây con thì nhiều “như cây cỏ”, đa phần bị người ta đốn bỏ làm vuông nuôi tôm. Nhìn cảnh vài ba cây đước lèo tèo, dưới chân có tấm bảng ghi “Khu bảo tồn rừng ngập mặn, cấm xâm phạm” sao thấy tức cười mà lòng dạ xốn xang. Ở đoạn này, con đường nhựa mới mở đi ra Đầm Môn có lúc chạy cặp vụng biển, nhìn nước biển xanh trong, xâm xấp mặt cát, nước ngoài xa một màu xanh biếc nhẹ, lặn ngụp trong làn nước trong vắt là hòn Trâu, hòn Mao, hòn Một, hòn Bịp – hòn lớn nhất với cái núi đá phía trên (cao 54 mét) trông như lưng con voi – như điểm tô thêm sự êm ả, xinh xắn của vụng Trâu Nằm. Lúc ấy lòng ta không khỏi thán lên “Ôi đất nuớc mình ta sao đẹp lạ!”

- Hướng nam Cửa Lớn là đỉnh Bà Lớn cao nhất vùng (567 mét). Nếu vòng quanh hòn Lớn thì ta gặp các đảo nhỏ có núi đá : hòn Kê (48 mét), hòn Dung (76 mét), hòn Me (50 mét), hòn Ma (42 mét). Hướng đông bắc của hòn Lớn, nối dài các hòn này là có một loạt các bãi cạn, đá ngầm như sự kéo dài của mạch núi Bồ Đà ở Xuân Tự ra biển đến đây, như bãi đá Cùm Meo, Plateu du La Pérouse, Bac du Milieu.

* Mạn đông bắc hòn Lớn còn có một khu dân cư tên Xóm Gio. Vòng quanh hòn, tiếp xuống hướng Nam 3km gặp mũi Hòn Đen, cách mũi 1km là hòn Thâm (hòn Đen). Người Pháp gọi tên hòn này cùng với tên của đỉnh Bà Lớn là du Passage. Từ hòn Đen kẻ một đường thẳng hướng tây – nam đến mạn núi Cấm – đông bắc bán đảo Hòn Khói, là ranh giới giữa vịnh Vân Phong với vịnh Bến Gôi.

* Đi tiếp khoảng 2km ta gặp là bãi Tre, có khu dân cư Ninh Đảo, có đường mòn vuợt núi qua bãi Tranh trong lạch Cổ Cò; thêm 1km nữa đến mũi Gành Rồng.

* Từ Ninh Đảo, trên hòn Lớn là triền núi có các đỉnh thấp dần theo chiều dài của hòn xuôi ra biển (324 mét, 294 mét); bên trong triền núi đó là một lũng núi nhỏ, dốc, nguồn của con suối đổ suống bãi Tranh. Hết triền này lại gặp một lũng sâu, hiểm trở, cũng có suối đổ xuống một bãi cát trắng tuyệt đẹp không tên (bề ngang bãi chỉ độ 200 mét, cách mũi Gành Rồng hơn 2km). Tiếp lũng này lại một ngọn núi nữa cao đến 378 mét, hết núi đó là bãi Giầm (hiện nay người ta gọi là Dầm – cách Gành Rồng khoảng 5km5 ), nơi đổ ra biển của hai ngọn suối. Từ đây đi tiếp 3km đến hòn Tai (đảo nhỏ có núi đá cao 48 mét), bên trái là núi Mũi Cỏ (394 mét). Nếu tiếp tục vòng lên hướng bắc thì gặp lạch Cửa Bé.

Hòn Ông

Hòn đảo lớn nhất nằm giữa biển Đầm Môn. Nhiều người cho chữ “Ông” là chỉ ông cá voi rồi diễn giải là đảo có hình cá voi hoặc là nơi cá voi đến trú ngụ, có người còn bảo do trên đảo có nhiều “ong” (loại côn trùng hút mật hoa). Cũng vì vậy mà khu resort duy nhất trên đảo có tên “Whale Island resort”, khu này có cũng lâu rồi, khi chưa có con đường nhựa đưa tới Đầm Môn, lúc ấy du khách phải đón tàu ở Giã để ra đây. Qua thực tế, được biết chuyện kể về cá ông tại hòn đảo này chỉ là suy đoán từ cái tên mà ra chứ chưa thực sự có bằng chứng rõ rệt nào. Còn ong có trên đảo hay không cũng chỉ là lời khẳng định : hình như ngày xưa có !

Qua tra cứu tài liệu xưa, biết được người Pháp gọi là đảo d’Adran (Ông Lớn). Cùng việc tìm ra những cái tên Pháp của các địa danh quanh biển Đầm Môn, đều là tên những vị cận thần người Pháp đã theo phục vụ vua Gia Long từ trước khi lên ngôi Hoàng Đế. Trong số đó, nổi bật có Jean-Marie Dayot. Theo Wikipedia thì ông là một sĩ quan Hải quân, một nhà phiêu lưu mạo hiểm, hoạt động nhiều trong lĩnh thực thủy văn, làm ra rất nhiều bản đồ bờ biển Việt Nam (người vẽ là em trai của ông, Félix Dayot); rõ ràng có một mối dây liên kết khi lấy tên ông đặt cho biển Đầm Môn cùng tên những vị khác đặt cho các địa danh khác trong khu biển này. Từ đó góp phần làm sáng tỏ sự thật về những truyền thuyết kể về lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu tới đây.

Nên đối xử thế nào với Đầm Môn và Vân Phong

Với tầm nhìn và trình độ nhận thức cộng tiềm năng hiện có, có lẽ nên cho dừng ngay tất cả các dự án lớn nhỏ, mọi ngành nghề tại khu vực này.

Trung ương thì định hướng nơi đây cái chính là du lịch và công nghiệp là … cái thứ mười. Địa phương thì quyết tâm khai thác cho bằng được mọi khía cạnh mà có thể tạo ra tiền, họ hy sinh bằng mọi giá để đạt điều ấy.

Chuyện hy sinh một cái luồng hàng hải không quan trọng tại vịnh Nha Trang tặng cho khu du lịch 5 sao làm mất đi không ít nguồn khách quốc tế sang trọng chi xài xả láng đến với cái gọi là “một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới”[1]. Hay chuyện than vãn, đạt danh hiệu tiêu chuẩn mà chi để rồi hạn chế này nọ, không thể phát triển kinh tế tỉnh nhà cũng là chuyện nực cười trong kiểu cách quản lý Nhà nước của chính quyền kiểu "làng lũy tre". Người ta nói Tổ quốc đang bị “tư bản lạnh” chi phối, thiệt không sai ! Đúng như Mác đã nói : “bản chất của tư bản là bóc lột”, bóc lột tận xương tủy người lao động, bóc lột sạch sẽ mọi tài nguyên thiên nhiên.

Không những chính quyền, nhiều ngành chuyên môn nhìn Vân Phong – Đầm Môn với cái nhìn nhỏ nhãi : “Vân Phong là nơi duy nhất có thể biến ước mơ về một cảng nước sâu của Việt Nam thành hiện thực!” lời của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huệ - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Vâng, ước mơ ấy khi tỉnh giấc sẽ là bãi rác thải thơ mộng nhất thế giới !

Lên mạng mà xem, thật nhiều cư dân có học ở vùng này đều vung vít những lời bay bướm ca ngợi vẻ đẹp của quê mình. Họ còn tự hào kháo nhau rằng nơi đây không thua kém ai đâu nhé, rồi thì sẽ sánh vai cùng Singapore, Hồng Kông; chẳng những vậy mà còn bằng 2 nơi đó nhập lại nữa nghen ! Chuyện này giống như một đứa bé con nhà nghèo, khi phát hiện ra có người muốn mua nhà mình với giá rất cao để xây chung cư cao cấp. Cậu bé ấy vểnh mặt lên mà bảo với hàng xóm rằng : trước giờ mấy người chê tui nghèo, giờ tui bán hết đất, tui giàu hơn mấy người; tui còn được vô ở trong cái chung cư cao cấp đó nữa nghen, mấy người chờ coi tui … Vâng, chờ coi tui ở chung cư cao cấp, xài hết tiền rồi sau đó bán luôn cái căn hộ ấy để đi thuê nhà, và rồi mơ tưởng về một ngày xưa có ngôi nhà tranh nhỏ với vườn cây, hồ cá; hồi ấy dù nghèo nhưng sống ở nơi xinh đẹp, tài chánh đủ nuôi mình và con cháu suốt mấy đời; còn lúc đó thì chạy đong từng bữa ăn ! Phá tài nguyên thiên nhiên để có tiền, nhưng có tiền không mua được tài nguyên thiên nhiên.

Một bãi đất đẹp, dài vài chục ki-lô-mét từ Hòn Khói đến Cổ Mã sao không quy hoạch theo kiểu như hiện nay để chừa lại cái đơn sơ, mộc mạc nguyên thủy cho bán đảo Hòn Gốm, biển Đầm Môn. Lúc ấy, bãi biển - ngọn núi - dòng suối - khu rừng tại Hòn Gốm, Đầm Môn là điểm đến cho các tour du lịch xuất phát từ các resort, khách sạn tại dải đất Hòn Khói – Cổ Mã. Đó là xu hướng chung của du lịch bền vững, du lịch hiện đại trên thế giới. Đấy cũng là sản phẩm du lịch độc đáo nhất thế giới mà chúng ta, con cháu chúng ta sẽ ăn hoài mà không hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến