Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

NGŨ HÀNH SƠN

Danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng 7km. Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng ở Đà Nẵng mà còn trên cả nước. Ngũ Hành Sơn có sức hấp dẫn và được ngưỡng mộ từ những năm đấu thế kỷ 18. Thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt này một cảnh quan vô giá, vừa có hang, động trong núi và những ngôi chùa cổ, vừa kề liền biển Đông quanh năm sóng vỗ. 

Từ trước đến nay, người ta đặt cho nhóm núi này nhiều tên. Người Việt đặt tên nó là Ngũ Chỉ là năm ngón tay vì từ trên không nhìn xuống thì thấy như năm ngón tay ấn xuống đất, người dân Quảng Nam thì gọi nó là Núi Non Nước, và người Pháp ghi trên bản đồ địa dư và đặt tên nó là Núi Cẩm Thạch, và danh từ Ngũ Hành Sơn là do Vua Minh Mạng đặt cho nó.

Người Chàm lúc còn cai trị phần đất Quảng Nam đã giải thích 5 hòn núi này là do vỏ trứng của Thần Kim Quy (rùa vàng) sinh ra do một ẩn sĩ sống giữa bãi cát mênh mông thuật lại. Một hôm thấy Nữ Thần Naga mang cho một cái trứng, để thần Kim Quy cất giữ từ phía sông Ðà Nẵng để trừ khử sự quấy nhiễu của ma quái rồi Thần Kim Quy cho ẩn sĩ một cái móng rùa thì trứng này trở thành to lớn một cách kỳ dị.

Thế rồi một hôm, sau giấc ngủ say, ông lão tỉnh mộng bỗng thấy một thiếu nữ từ trong trứng bước ra, các vỏ trứng nứt ra trở thành 5 trái núi tức là Ngũ Hành Sơn. Vua Chàm nghe câu chuyện ấy cưới thiếu nữ làm vợ, còn ân sĩ kia cưỡi Kim Quy biến lên trời 

Theo địa chất học, thì người ta cho là các hòn đảo ở gần bờ biển do tác dụng của thủy triều phù sa bồi đắp, nối liền với lục địa va` mài dũa mãi vào những núi này bị nước mưa và khí hậu tác dụng xói mòn tạo ra những hang động và hình thù kỳ dị làm cho những hòn núi có những sắc thái đặc thù của nó khiến ta liên tưởng đến bàn tay sắp đặt huyền diệu của Tạo Hóa. Trong thời kỳ người Chàm còn ngự trị ở vùng đất này, họ đã dùng nơi đây làm một trung tâm sùng bái theo tín ngưỡng của họ mà ngày nay còn lưu lại một di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá trên các vách của Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không.

Sau cuộc Nam tiến dưới thời Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15, người Chàm bị đẩy lui vào phía Nam, Ngũ Hành Sơn từ đó được tu bổ và xây dựng thành một thắng cảnh của nước Việt. Dưới thời Tây Sơn, Ngũ Hành Sơn bị tàn phá nhiều, vì quân Tây Sơn nghi là người Chàm đem vàng và của qúy cất dấu trong kho tàng ở Ngũ Hành Sơn. Tin truyền Chúa Nguyễn Ánh có lần bị thất trận với Tây Sơn ở Quảng Nam, Ngài đã chạy ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên chỉ đường thoát nạn và cứu quân sĩ khỏi đói, vì thế sau khi lên ngôi Hoàng Ðế, Ngài phong tước cho núi này nhất là hòn Thủy Sơn. Ðến đời Vua Minh Mạng, thì Nhà Vua đã nhiều lần viếng Ngũ Hành Sơn, và cho xây dựng thêm chùa Tam Thai và điện Hoa Nghiêm, đúc chuông và đúc nhiều tượng Phật và tu sửa các chùa đền bị hư hại. Trong thời gian dưới triều Gia Long, người ngoại quốc được phép viếng Ngũ Hành Sơn một cách dễ dàng, nhưng qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức việc thăm viếng Ngũ Hành Sơn rất khó khăn vì chính sách bài Pháp. Qua thời Pháp đổ quân lên cửa biển Ðà Nẵng năm 1859, việc đi lại bị khó khăn hơn, nên những kẻ hành hương viếng cảnh ngày một thưa dần, và Ngũ Hành Sơn trở lại tình trạng điêu tàn đổ nát.

Gọi là Ngũ Hành Sơn bởi đây là quần thể gồm năm quả núi tương ứng theo ngũ hành của trời đất:Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn. Hoả sơn có 2 ngọn núi là Dương Hoả Sơn và Âm Hoả Sơn.Đây là năm hòn núi đá cẩm thạch hiếm trên dải đất thuộc dãy Trường Sơn nam kéo dài từ đèo Hải Vân trở vào. Đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn độc đáo bởi màu ngũ sắc theo từng hòn núi: Thủy Sơn đá màu hồng, Mộc Sơn đã màu trắng, Hỏa Sơn đá màu đỏ, Kim Sơn đá màu thủy mặc và Thổ Sơn đá màu nâu. Từ thời vua Minh Mạng, năm hòn núi này được đặt tên theo phương vị bát quái của Kinh dịch: hòn núi phía Bắc tượng trưng hành thủy, gọi là Thủy Sơn; hòn núi phía nam ứng với hành hỏa, gọi là Hỏa sơn; phía đông hành mộc, gọi là Mộc Sơn và hòn núi chính giữa hành thổ, gọi là Thổ Sơn. Năm hòn núi này không cao, chót vót như núi thuộc bán đảo Sơn Trà. Bao quanh Ngũ hành Sơn về phía đông có biển Đông, với bãi tắm thoai thoải cát mịn trắng trong làn nước xanh biếc nhìn tận đáy bên hàng dương dài chạy dọc ven biển. Ở phía Tây và Nam là sông Cổ Cò chảy qua rồi hòa vào nhánh sông Cẩm Lệ. Trước đây, nhánh sông này được coi là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với phố cổ Hội An. 

Ngũ Hành Sơn hay Núi Non Nước, tỉnh Quảng Nam có 5 hòn núi mang tính chất đặc sắc tạo thành một thắng cảnh đặc biệt của đất nước Việt Nam. Núi tuy không cao đến tuyệt vời nhưng danh tiếng Ngũ Hành Sơn tỏa ra khắp nơi đều biết. Về mặt thiên nhiên, Ngũ Hành Sơn đã cung ứng các nguồn mỹ cảm và siêu cảm đưa những người du ngoạn, hay mặc khách tao nhân nhiều thích thú vui say, đầy cảnh non xanh nước biếc. Về mặt tâm linh, cảnh Ngũ Hành Sơn làm cho khách viếng cảnh thấm nhuần các phong thái trầm tư mặc tưởng, tự nhiên thấy mình rũ sạch bụi trần, để đi đến cảnh thoát khỏi vòng tục lụy, nên có câu: 

Vọng Hãi Ðài vui hứng gió nhơn
Thân cuộc trần ai rũ sạch
Vân Thông động mặc dù nhẹ tách
Lạch Ðào Nguyên thắng cảnh nào hơn

Nét độc đáo của danh thắng Ngũ Hành Sơn thể hiện qua chùa chiền và hang động lộ thiên, cho nên còn gọi là "hang động mở". Không ngẫu nhiên mà ngọn núi Thủy Sơn có tên là núi Chùa. Hòn núi Thủy Sơn rộng chừng 15 ha có ba ngọn núi. Ở đây có nhiều chùa chiền, hang động như Tam Thai, Từ Tâm, Linh Ứng; hang Hoa Nghiêm, Huyền Không, Vân Nguyệt; động Vân Thông, Nguyệt Quật, Âm Phủ. Phần lần chùa chùa tại Thủy Sơn xây dựng khá sớm không kể hai ngôi chùa Thái Bình và Vân Long được xây từ đời Hồng Đức (thế kỷ 15), chùa Tam Thai xây năm 1630 hiện còn tấm biển bằng đồng ghi bút tích của Vua Minh Mạng, chùa Bình An trùng tu vào năm 1640 là một trong những chùa cổ nhất ở khu vực Đà Nẵng. Chùa ở Ngũ Hành Sơn có nhiều chuông đồng, tượng Phật bằng đồng và đá minh chứng cho nghề đẽo đá ở Ngũ Hành Sơn xuất hiện từ ba trăm năm trước. Chùa ở đây được đặt cạnh hang động trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình và hang động đã làm cho chùa thêm thâm nghiêm. Ngũ hành Sơn có đường lên trời ngắm cảnh Biển Đông và hang xuống "Âm phủ" với ngóc ngách nhũ đá xuyên xuống lòng đất ăn thông ra biển. 

Động Tàng Hơn, động Hoa Nghiêm và nhất là Huyền Không Ðộng. Ðộng Hoa Nghiêm đượm vẻ thanh u, trầm lặng, gạn lọc tất cả những vọng động lăng xăng nhộn nhịp dừng ngay trước cửa động để bước vào trong nhìn lên một tượng Phật cao lớn hiện ra với cặp mắt lim dim từ, bi, hỷ, xả của Ðức Ðại Bi Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát. Ðộng Huyền Không với danh xưng bao hàm ý nghĩa huyền diệu của cái Không, một cái Không đầy thanh tịch trang nghiêm, truyền thông bao cảm xúc "Thường, Lạc, Ngã, Tịnh", cái Không để đạt đến Ðạo Quả Viên Thành. Xem như vậy, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn không những đã dành cho du khách bốn phương một nơi thưởng ngoạn thiên nhiên giải trí thanh tao, mà còn là nơi phước địa chung linh thường xuất hiện các vị tiên nhân, thần thánh để cứu nhân độ thế. Nơi đây được dành cho các bậc xuất thế chơn tu, tham thiền nhập định, một địa điểm lý tưởng để tu tập, chứng cao diệu quả, và cũng tại nơi đây, chí sĩ Trần Cao Vân một nhà cách mạng uyên bác, kiên cường, trụ cột của cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đã được một tiên nhân xuất hiện điểm đạo, và truyền trao một thiên thư kỳ bí, thuyết giảng Trung Thiên Dịch nhắm hình thành thuyết Trung Thiên Dịch là triết thuyết chủ trương trung hòa tứ giai, nhất quán chơn truyền khai minh điểm hóa một nền đại đạo tại Việt Nam, tổng hợp một nền văn hóa hàm chứa tinh hoa của Tam Giáo Ðồng Nguyên.

Theo sự giải thích của các nghiên cứu sư về địa lý phong thủy Việt Nam, thì Ngũ Hành Sơn tuy mọc gần bờ biển song được xem như một chi nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ có nhiệm vụ quân bình giữa hai miền Nam Bắc của đất nước, quy tụ các long mạch phát huy một nền văn hóa trên 4000 năm lịch sử. Bản đồ Việt Nam hình chữ S, phía Bắc xòe ra như một thúng lúa, phía Nam tỏa ra như một thúng gạo, và miền Trung cong như một đòn gánh để gánh hai thúng hai đầu. Về sơn thủy, miền Bắc có núi Tam Ðảo (núi Ba Vì, số 3) thuộc tỉnh Vĩnh Yên, miền Nam thì có núi Thất Sơn (7 núi, số 7) tại tỉnh Châu Ðốc, còn Ngũ Hành Sơn (5 cụm Ngũ hành, số 5) ở tỉnh Quảng Nam thuộc vị trí trung tâm của đất nước, với con số 5 là con số có tính chất "trung hòa" giữa số 3 và số 7, theo phân số 3+7=10 chia 2=5, bởi thế, qua bao biến chuyển của đất nước, qua bao nhiêu chế độ chính trị, các nhân vật lãnh đạo đất nước đều sinh trưởng và xuất phát từ miền Trung, từ Vua, Chúa, Tổng thống, Chủ Tịch Nhà nước, kể cả các lãnh tụ cách mạng danh tiếng của Dân Tộc. Với vị trí trung hòa nói trên, Ngũ Hành Sơn là nơi hội tụ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, một phước địa chung linh, động thiên thắng thưởng, danh lam thắng cảnh, thủy tú sơn kỳ, nhất quán chơn truyền, đoàn kết được các lực lượng dân tộc Việt Nam thành một khối duy nhất, không phân biệt xu hướng, tín ngưỡng, địa phương, để đúc kết thành một nền văn hóa nhân bản toàn diện làm phương hướng phát triển vẻ vang cho đất nước.

Như vậy, Ngũ Hành Sơn không còn là một thắng cảnh riêng của tỉnh Quảng Nam, của miền Trung mà còn là một thắng cảnh lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước Việt Nam, ảnh hưởng xâu xa và trực tiếp đến vận mệnh của Quốc Gia Dân Tộc Việt.. 

Di tích đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích quốc gia 7-1980. Từ đó đến nay, thành phố Đà Nẵng đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc tôn tạo, trùng tu danh thắng này. Danh thắng Ngũ Hành Sơn được nhân dân Đà Nẵng giữ gìn và tôn tạo nên vẫn được giữ vẽ huyền ảo vốn có. Đến với Ngũ Hành Sơn bạn còn có thể mua được những món quà lưu niệm bằng đá, được chạm khắc bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng đá Non nước.

Hàng năm có hàng chục ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến đây tăng từ 25 đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tay nghề tài hoa của hàng nghìn thợ đục đẽo đá. Gần đây, nghề đá mỹ nghệ ở đây đặc biệt phát triển, các sản phảm từ đá đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu từ đá ở Ngũ Hành Sơn đạt gần 20 triệu USD. 

Sắp tới, một con đường du lịch ven biển chạy từ núi Ngũ Hành Sơn đến khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam) sẽ được xây dựng tạo nên bãi tắm biển đẹp nhất, nhì miền Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến