Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam

Xác định thị trường trọng điểm và dự báo tiềm năng phát triển đúng sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách du lịch định ra chiến lược phát triển cũng như mục tiêu, kế hoạch phấn đấu của du lịch Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể một cách khoa học và sát với thực tế; đồng thời có biện pháp giữ vững và phát triển thị trường truyền thống, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam.
Thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được xác định chủ yếu là từ các nước và vùng lãnh thổ ở Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); khu vực Tây Âu (Pháp, Anh, Đức) và từ các châu lục khác như Mỹ, Úc. Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore trong khoảng 2-3 năm trở lại đây cũng làm phong phú thêm thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo nhận định của ngành du lịch: các thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng đều và vẫn là các thị trường quan trọng hàng đầu trong yêu cầu thu hút khách. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các thị trường mới trong khu vực cũng là xu thế quan trọng. Đáp ứng các sản phẩm du lịch cho thị trường truyền thống cũng như nhu cầu của thị trường mới nổi đang là nhiệm vụ của ngành Du lịch Việt Nam .
Theo thống kê của Phòng thị trường và sản phẩm du lịch thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy: nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á. Năm 2004, có sự tham gia của thị trường mới nổi là thị trường Hàn Quốc; thị trường này nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 trong nhóm 10 thị trường trọng điểm giai đoạn từ năm 2006-2008 và năm 2009 bị thị trường khách Mỹ soán ngôi vị. Đối với hiện tượng thị trường khách Hàn Quốc, sự tăng trưởng của thị trường này trong các năm 2006-2007 là 30%/năm. Tuy vậy, Việt Nam cũng chỉ đón được 3,75% trong tổng số 8 triệu người dân Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài.
Bên cạnh đó, với chính sách miễn VISA cho khách quốc tế đến Việt Nam đã tạo sự “xâm nhập” của 2 thị trường khách du lịch trong khu vực đến Việt Nam là Thái Lan và Campuchia; tiếp theo là lượng du khách hàng năm đến Việt Nam từ Malaysia, Singapore. Các thị trường khách nói trên luôn giữ được sự tăng trưởng và chiếm tỷ trọng đáng kể, giữ vị trí trong danh sách 10 thị trường dẫn đầu cho đến nay.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008 đã tác động không nhỏ đến ngành du lịch thế giới cũng như với du lịch Việt Nam. Năm 2008, du lịch Việt Nam chỉ đạt ở con số 4.253.740 lượt khách quốc tế (tăng gần 1% so với năm 2007). Năm 2009, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn trong tình trạng sụt giảm và nguồn chủ yếu vẫn là các thị trường trọng điểm. Năm 2010, Việt Nam đạt con số hơn 5 triệu khách du lịch quốc tế.
Thị trường khách du lịch truyền thống từ Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan) luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, khách du lịch Trung Quốc tuy có lúc tăng giảm về số lượng nhưng luôn đứng đầu bảng trong các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường khách du lịch Nhật Bản vẫn tăng trưởng đều. Thị trường mới nổi là Hàn Quốc cũng nằm trong danh sách các thị trường hàng đầu đến Việt Nam. Thị trường Bắc Mỹ có tốc độ tăng trưởng và mức thu hút khá lớn với Việt Nam. Khách Mỹ chủ yếu là các cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa, khách Việt kiều mang Quốc tịch Mỹ về thăm quê hương. Đây được coi là thị trường nguồn quan trọng đối với thị trường du lịch Việt Nam. 
Nguồn: Cinet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến