Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Thăm đất Bến Tre

Đất Bến Tre không chỉ được biết đến qua những quán ngữ “Quê hương Đồng khởi”, “Quê hương xứ dừa”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Ông già Ba Tri”…, mà có thể nói, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không nơi nào như đất Bến Tre lại có “duyên may” là nơi sinh ra của các danh nhân và là nơi được các hào kiệt chọn làm mảnh đất yên nghỉ cuối đời mình.

Như ai vẫn thường nói về một vùng đất có nhiều người tài là vùng “địa linh nhân kiệt”, thì Bến Tre của vùng đồng bằng Nam Bộ, xứng đáng được gọi như vậy. Ở Ba Tri có nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ Sương Nguyệt Anh – chủ bút tờ “Nữ Giới Chung”, thầy Võ Trường Toản – kẻ sĩ tiêu biểu của đất Nam Bộ, tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ Phan Thanh Giản, nghệ sĩ cải lương Lê Long Vân (Ba Vân) …; đất Chợ Lách lại là quê hương của nhà văn hoá lỗi lạc bác học Trương Vĩnh Ký; ở Giồng Trôm là quê hương của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, nhà thơ Phan Văn Trị, Anh hùng nữ tướng Nguyễn Thị Định…; ở thị xã Bến Tre có kĩ sư Nguyễn Ngọc Nhựt; đất Mỏ Cày có nhà thơ Lê Anh Xuân; huyện Bình Đại có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà Nước, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, đất Bến Tre không chỉ có chừng ấy nhân kiệt. Còn có những tên tuổi khác, như: thiếu tướng Dương Văn Dương (Ba Dương) – thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên (từng là “anh Hai” của giới giang hồ Nam Bộ, một hảo hớn theo kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc), Liệt sĩ đại tá Phạm Ngọc Thảo (từng giữ chức vụ tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) với cấp bậc Trung tá của chính quyền Sài Gòn, nhân vật tình báo được xây dựng trong phim “Ván bài lật ngửa”), trung tướng Đồng Văn Cống (từng là tư lệnh phó Bộ tư lệnh miền Nam), Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn (người thanh niên tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, mà ngày anh hi sinh, 9/ 1 được lấy làm ngày học sinh, sinh viên Việt Nam) và những người đang sống nổi tiếng khác như, điêu khắc gia Diệp Minh Châu (người nghệ sĩ được giới thiệu trong “Bách khoa toàn thư” của châu Âu), Anh hùng phi công đại tá Nguyễn Thành Trung (Phi công lái F. 5 ném bom dinh Độc Lập), Anh hùng lao động, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc (giám đốc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh)…

Đến xã An Đức, cách thị trấn Ba Tri không xa, bạn sẽ thăm chặng dừng chân cuối đời của gia đình nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), lá cờ đầu của phong trào nghĩa binh kháng Pháp. Ai cũng biết cuộc đời và sự nghiệp thơ ca chói sáng của nhà thơ, nhà giáo, đồng thời là người thầy thuốc tiêu biểu này. Nhưng có thể một số người không hiểu, sao cuối đời thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu lại chọn mảnh đất An Đức – Ba Tri “xa xôi” làm nơi định cư? Có phải vì một lí do sâu xa là sự căm thù giặc ngoại xâm đến tột cùng của ông, mà khi Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông đã quyết định “tị địa” về Ba Tri để tránh “không đội trời chung” với giặc. Sự chọn lựa này làm chúng ta nhớ lại câu nói nổi tiếng của cụ khi trả lời một tên quan Pháp “Đất vua còn không giữ được thì đất tôi nào có sá gì”, khi tên quan này có ý định mua chuộc ông bằng cách gợi ý trả đất và in thơ cho ông. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu có số lượng lớn, nhưng tiêu biểu cho những sáng tác của ông là “Lục Vân tiên”, “Thơ kháng Pháp” và “Văn tế”. Đặc biệt ở thể loại văn tế, bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” được xem là đỉnh cao của thể loại văn tế Việt Nam. Lần đầu tiên, trong “Văn tế”, tượng đài người nông dân Nam Bộ được khắc họa hết sức chân thật và là hình ảnh tiêu biểu cho tầng lớp nông dân Việt Nam cần cù lao động, anh hùng bất khuất: “Mười năm công vỡ ruộng, ở đất vua sống chẳng quên ơn; một trận nghĩa đánh Tây, đền nợ nước thác coi như ngủ.”. Ngày nay, nơi yên nghỉ của nhà thơ được Nhà nước Việt Nam tôn tạo, trùng tu thành khu lăng Nguyễn Đình Chiểu. Công trình có tính chất Quốc gia hết sức bề thế, khang trang và uy nghiêm này thật xứng với tầm vóc và sự nghiệp của ông.

Con gái thứ năm của Đồ Chiểu, nhà thơ Sương Nguyệt Anh, tên thật Nguyễn (Thị) Ngọc Khuê, cũng yên nghỉ ngay bên cạnh cha mình. Sinh thời, bà cũng là một người phụ nữ xứng danh anh hào, rạng danh gia đình cụ Đồ. Bà làm nhiều thơ nôm Đường luật – bát cú, hoặc tứ tuyệt; bà còn là chủ bút tờ Nữ Giới Chung (tiếng chuông nữ giới), tờ báo phụ nữ đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn, 1918. Để nói về tài năng lãnh đạo tờ báo Nữ Giới Chung của bà, trong dân gian còn truyền tụng câu; “Đem chuông lên đánh Sài Gòn, Để cho nữ giới biết con ông Đồ.”. Câu thơ của bà được nhiều người biết đến và được ghi trên bia mộ của bà: “Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng. Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô. “ đủ để nói lên phẩm chất và khí tiết của bà: Thà cam chịu làm chiếc lọng dù trơ sườn, vẫn còn được kêu “Lọng” (lộng lẫy: đẹp rực rỡ), quyết không chịu làm ô, dù được vàng ròng tô điểm, để phải mang tiếng “Ô” (ô danh: phải chịu mang tiếng xấu). Những năm cuối đời, bà về lại đất Ba Tri, cũng nối nghiệp cha làm nghề dạy học, làm thuốc chữa bệnh.

Đi xa thị trấn Ba Tri về làng Bảo Thạnh, nay cũng là xã Bảo Thạnh, một khu mộ khác cũng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hoá, khu mộ nhà giáo Võ Trường Toản, một nhà giáo nổi tiếng thanh bần, khẳng khái, người đã góp công đào tạo nhiều bậc hiền tài cho đất nước trong thời buổi chữ Quốc ngữ còn ít người theo học. Nổi bật là nhóm “Gia Định tam gia thi”: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định. Thơ Võ Trường Toản còn lưu truyền một bài “Hoài cổ phú” với hai câu đủ nói lên sự “tri thiên mệnh’ của cụ: “Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo; Hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cùng rã rơi.”. Và cũng ít ai hiểu, vì sao Võ Trường Toản tuy vốn là người Nam Bộ, không phải dân Bến Tre, nhưng cuối đời cũng đến nằm ở vùng đất này. Đến thăm mộ và nhà thờ người thầy giáo nổi tiếng của đất Gia Định, người ta mới hiểu ra thêm một điều về một con người khác: một trong những người có công đưa ông về nằm ở vùng đất này, không ai khác hơn lại là Phan Thanh Giản. Sở dĩ, Phan Thanh Giản muốn đưa ông về khu mộ của tổ tiên mình ở làng Bảo Thạnh này, vì Phan Thanh Giản không muốn để một người thầy chính trực như Võ Trường Toản lại có thể yên nằm trên đất mà giặc đang chiếm đóng.

Cách khu mộ thầy Võ Trường Toản không xa là nơi yên nghỉ của vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ, Phan Thanh Giản (1796 – 1867). Không ai ngờ nổi, một vùng quê bước vào đầu thế kỷ 21 vẫn còn những nét hoang sơ, mộc mạc của một “miệt đồng”, vẫn còn mang đậm dấu ấn ngày nào, với cái tên gọi “Gành Mù U”, mà từ những năm 1826, năm Minh Mạng thứ 7, đã có người đỗ đạt tiến sĩ. Vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ này cũng chính là niềm tự hào chung khởi đầu cho một truyền thống “hiếu học” của mọi người dân Nam Bộ sau này. Ông cũng là một trong những đại thần của triều đình phong kiến thời ấy, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, nhưng lịch sử “oái oăm” thay lại đặt trên vai ông một trách nhiệm mà cả triều đình nhà Nguyễn không gánh nổi, không giải quyết được, để rồi ông phải chịu tiếng “bán nước”, mà cho tới giờ này, không phải ai cũng thông cảm hết cho ông. Là thế hệ đến sau, chúng tôi vẫn tin rằng, một con người đã tự xử mình bằng cái chết thương tâm, và với lời lẽ cuối cùng trối lại cho con cháu, khi người con trai cả hỏi cha mình trước lúc lâm chung, vì sao không để chức sắc vào bia mộ, ông đã rành rẽ trả lời: “Những hạng thường nhơn hay cần chức khoe danh. Ta xem sự ấy là một việc hổ thẹn.” (Hoàng Lại Giang), thì không thể “bán nước” được, không thể phải một mình chịu mãi “nỗi đau trăm năm” này. Lần về gần đây, chúng tôi rất vui mừng khi thấy khu nhà thờ khiêm tốn của Thượng thư Phan Thanh Giản đã được tổ chức và cá nhân đóng góp tiền sửa chữa, để kịp vào xuân “hương khói” cho ông. Vững tin một ngày không xa, nỗi đau của ông được lớp con cháu thấu hiểu, và giải oan.

Quê hương Ba Tri còn đóng góp cho nền Ca cổ, Cải Lương Nam Bộ một con người ưu tú khác là nghệ sĩ Lê Long Vân (Ba Vân) (1908-1988). Ông bắt đầu theo nghề ca hát từ năm 14 tuổi. Tài nghệ của ông được biết đến vào những năm 1937, 1939, khi gánh cải lương “Đại Phước Cương” ra mắt công chúng tại Hà Nội. Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”. Nhiều người mến mộ ông đến chúc mừng vinh dự của người nghệ sĩ lão thành này, đã ngạc nhiên và hết sức cảm động khi nghe ông phát biểu một cách hết sức “khiêm nhường”: “Tôi chỉ có “lão” mà chưa có “thành”.”.

Một vùng quê khác, Vĩnh Thành – Chợ Lách nổi tiếng trù phú với những trái cây đặc sản: sầu riêng, măng cục, bòn bon, chôm chôm và cây kiểng. Vùng quê này với tên gọi Cái Mơn, nghe dân dã hơn, còn là một xứ Đạo hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây đã sinh ra một người con hết sức nổi tiếng khác là nhà bác học, nhà văn hóa lỗi lạc Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) (1837- 1898). Trong lĩnh vực văn hóa, TrươngVĩnh Ký là con người uyên bác về nhiều mặt. Ông không chỉ giỏi về khoa học xã hội, mà còn am hiểu cả khoa học tự nhiên, đặc biệt về hoạt động sưu tầm, biên khảo, phiên dịch, phiên âm… Ông có một năng lực phi thường. Với khoảng thời gian 40 năm (1858 – 1898), ông đã để lại cho đời 118 tác phẩm bao gồm nhiều lĩnh vực. Trương Vĩnh Ký có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu cuối thế kỉ XIX. Trương Vĩnh Ký được giới học thuật châu Âu bình chọn là một trong “Thập bát anh hào” (18 nhà bác học trên thế giới) thời bấy giờ. Một học giả Pháp J. Bouchot, gọi ông là “nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho chí ở nước Trung Hoa hiện đại nữa.”. Trương Vĩnh Ký thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, ông là người đọc và nói giỏi 15 sinh ngữ và tử ngữ phương Tây, biết vững vàng 11 ngôn ngữ phương Đông. Ông là người Việt đầu tiên làm chủ bút tờ công báo Gia Định Báo (1868), Vương Hồng Sển gọi ông là ông Tổ của làng báo Việt Nam. Theo Cao Xuân Hạo,  ở lĩnh vực ngôn ngữ học, có lẽ ông là người đạt được nhiều danh xưng “đầu tiên” hơn ai hết, và đã không ngần ngại nhận định về ông như sau: “Điều đáng ngạc nhiên hơn nhiều là trong hoàn cảnh đó (thời bấy giờ) mà ông vẫn có được những nhận định đúng đắn và tinh tế đến như vậy về ngữ pháp tiếng Việt. Trong lịch sử của ngành Việt ngữ học, ông là một trong những tác giả ít bị những định kiến “dĩ Âu vi trung” chi phối nhất.”. Ông theo làm việc cho Tây, nhưng không nhập quốc tịch, điều mà một số người Việt Nam làm việc cho Pháp thời đó rất mong muốn. Ông vẫn giữ cốt cách của một người Việt Nam khi đi làm việc là “áo dài, khăn đóng”, trong khi nhiều người đã chuyển sang Âu phục. Điều này, cho thấy một điểm nhân cách ở con người ông. Về cuối đời, ông để lại bài thơ “Tuyệt mệnh” với những gửi gắm tâm sự cho người đời sau, khi bình phẩm về ông: “Cuốn sổ bình sanh công với tội, Tìm nơi thẩm phán để thừa sai.”. Ở phần mộ của ông tại khu vực Chợ Lớn, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn đọc được câu tâm sự rất thương tâm: “Xin hãy thương tôi, ít ra là các bạn hữu.”.

Tại đình làng Nhơn Hòa, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, và đình làng Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, quê hương của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798 – 1866) hàng năm vào dịp lễ Kỳ Yên đều có lễ tế trọng thể để tưởng niệm người anh hùng chống Pháp buổi đầu này. Sau khi chủ tướng Trương Định hy sinh, Nguyễn Ngọc Thăng tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở vùng Gia Thuận, Tân Phước, Gò Công. Ông đã hy sinh trong một trận giao chiến với Pháp vào ngày 27/ 6/ 1866 và được nghĩa binh đưa về an táng tại quê nhà. Cuộc đời của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đã để lại tấm gương sáng trong nhân dân về tinh thần yêu nước chống giặc. Ông được nhân dân địa phương tôn thờ như một vị thần có công trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và bài vị của ông được thờ ở đình làng quê hương.

Giồng Trôm của Bến Tre cũng là vùng đất sinh ra rất nhiều con người ưu tú. Cử nhân Phan Văn Trị (1830 – 1910) sinh ra ở vùng quê nghèo Thạnh Phú Đông – Giồng Trôm, cuối đời ông về sống ở làng Phong Điền – Cần Thơ. Hiện này, khu nhà thờ và phần mộ ông nằm tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Sinh thời, Cử Trị đã có được một nhận thức sáng suốt và quyết liệt với kẻ thù: “Chưa trả thù nhà đền nợ nước, Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ.”.  Ngoài phần thơ vịnh, cảm tác yêu nước, ông đã họa thơ Tôn Thọ Tường để phê phán thái độ theo giặc và đầu hàng giặc của lớp người này. Tuy không trực tiếp đánh giặc, nhưng lời thơ ông cũng là thứ vũ khí đánh giặc có hiệu quả: Với cuộc bút chiến này, Phan Văn Trị rất xứng đáng đứng vào hàng ngũ các nhà thơ yêu nước chống Pháp thời cận đại bên cạnh Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân…

Trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Nguyễn Thị Định (1920 – 1992) là một nữ tướng mà ai cũng đã nghe danh. Có lẽ, bà cũng là vị nữ tướng đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam? Nhưng để làm tướng bà cũng có lần bị làm tù nhân của căng Bà Rá (1939). Trong một cuộc “nắn gân” nữ tù chính trị, tên chủ ngục đã chọn bà ra cầm chai đưa lên đầu cho hắn biểu diễn tài thiện xạ có thể gây “chết người” này, bà đã không sợ và nhờ thông ngôn nói thẳng với hắn: “Theo đúng luật, ông không có quyền bắt tù chính trị làm trò chơi nguy hiểm này. Nhưng để chứng tỏ là chúng tôi không sợ chết, tôi vui lòng cầm chai cho ông bắn, nhưng chỉ một lần này mà thôi!” (Nguyên Hùng). Bà là người con của xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Lớn lên sớm giác ngộ Cách mạng, bà Ba đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước chống thực dân. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người ta yêu quý bà không vì cái chức cao, quyền trọng (Bà đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) mà vì tấm lòng nhân ái và trong sáng của bà. Trần Văn Giàu đã viết về bà như sau: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là “sống làm tướng, chết thành thần”.”. Thực tế cũng đã chứng minh cho điều này: nhân dân huyện Mê Linh đã làm lễ rước ảnh bà về thờ cùng với hai nữ anh hùng thời kì lập quốc – Hai Bà Trưng.

Tại làng An Hội, nay là phường 5, thị xã Bến Tre, có một gia đình điền chủ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến vì có công lao đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp là gia đình của Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nhựt (1918 – 1952). Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang Pháp năm 1946, ông tự nguyện xin về Tổ quốc. Ở tuổi 30, ông là một ủy viên Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ trẻ, xứng đáng với tài năng và nhân cách của ông. Nhưng sự nghiệp của ông sớm kết thúc, khi bị sa vào tay giặc. Khi bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, vốn là đại tá trong quân đội Pháp đã lớn tiếng chất vấn ông: “Việt Minh làm chính phủ ma, sao ông theo?”. Kĩ sư Nhựt chỉ cười mỉa mai, đáp lại: “Rờ tôi xem? Ma sao làm đổ bao nhiêu nội các Pháp? Sao các anh mê muội quá vậy?” (Nguyên Hùng). Được tin ông mất, Hồ Chủ tịch và Chính phủ truy phong Liệt sĩ và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông. Tên tuổi ông là niềm tự hào chung của đội ngũ trí thức yêu nước và giàu nhiệt tình Cách mạng.

Lớp thanh niên thế hệ chống Mỹ và hiện nay, ai cũng đã có lần đọc qua bài thơ tiêu biểu “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân (1940 – 1968), và chắc cũng thuộc vài câu thơ trong bài “Dáng đứng Việt Nam” của anh: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt. Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng. Và anh chết trong khi đang ngắm bắn…”. Quê nội anh ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Là con của giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo và là nhà nghiên cứu văn học có uy tín. Theo gia đình tập kết ra Bắc, anh tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, rồi được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng anh đã từ chối, chọn con đường trở về Nam chiến đấu. Anh hi sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Trong thơ anh, hình ảnh quê hương Bến Tre, xứ dừa, đã chiếm một vị trí quan trọng và có sức lay động tâm hồn người đọc.

Vùng đất Bình Đại xa xôi thuộc tỉnh Bến Tre cũng có một trí thức và nghệ sĩ lớn là Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989), từng giữ những cương vị quan trọng của Nhà nước và Chính phủ. Người ta kính trọng ông không phải vì quyền trọng mà vì ông là một trí thức lớn dám từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý đã và đang có để lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân. Đánh giá về ông, Thép Mới nhận xét sau khi ông mất như sau: “Anh đã là anh rồi, nên không nghĩ đến cá nhân nhiều… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với Cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “than hồng nhen thành lửa ngọn”.” (Báo Nhân Dân, 14/ 10/ 1989).

Còn rất nhiều vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động,  các vị tướng lãnh lực lượng vũ trang nhân dân, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà khoa học, trí thức, và nhiều nhà giáo, thầy thuốc, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ nổi danh khác…, người còn người mất, tất cả như những con rạch nhỏ, lớp trước lớp sau đang hòa vào dòng sông Cái Lớn của truyền thống lịch sử tỉnh nhà. Trong những năm tới đây, chiếc cầu “lịch sử” dài nhất đồng bằng sông Cửu Long bắc qua sông Tiền sẽ hoàn thành, nối liền cả nước với Bến Tre và Bến Tre sẽ có bước phát triển tốt cơ sở hạ tầng, để vùng đất “xứ dừa thơ mộng” với nhiều di tích lịch sử, văn hoá và vùng địa linh nhân kiệt này sẽ không còn là vùng đất nghèo bị chia cắt bởi những sông, rạch nữa, mà sẽ là nơi đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặt quan hệ mua bán, làm ăn kinh tế.

Hùynh Công Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến