Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

“Đạp gió cưỡi mây” ở “nóc nhà” miền Tây

Cứ vào độ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, ngọn núi Cấm ở An Giang – được mệnh danh là “nóc nhà” miền Tây - lại xuất hiện sương mù rải rác khắp triền núi. Sương mù nhiều nhất phải kể đến vồ Bò Hong với đỉnh cao 716m. Đường lên đỉnh núi Cấm bị sương mù bao phủ. dù ban ngày người đi xe máy phải bật đèn.




Núi Cấm là ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 90km. Núi Cấm có độ cao 705m, đường lên đỉnh núi có nhiều khúc cua.

Theo truyền thuyết, trước kia, nơi đây rất âm u, hiểm trở và có nhiều thú dữ ăn thịt, do vậy mà người dân trong vùng không dám lên núi săn bắn, hái lượm. Một truyền thuyết khác cho rằng, Nguyễn Ánh đã từng trú ẩn ở đây và truyền lệnh cấm dân chúng không được đi lại trong khu vực này. Hai lý do này lý giải tại sao ngọn núi này lại có tên là núi Cấm. Ngày nay, núi Cấm đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng nhờ có địa thế và các điểm du lịch đẹp.

Đầu tháng 9 âm lịch năm nay, đỉnh núi Cấm xuất hiện những đợt sương mù dày đặc hiếm thấy. Không chỉ quấn quít trên cao, sương mù còn lan tỏa và bao phủ khắp các đỉnh đồi, đường đi… Phóng tầm mắt ra xa, các ngọn đồi, triền núi cứ trập trùng miên man trong sương trắng.


Đường lên đỉnh núi Cấm bị sương mù bao phủ.
Dù ban ngày người đi xe máy phải bật đèn



Vồ Bồ Hong ( Vồ - có nghĩ là ngọn đồi nhỏ) là một ngọn đồi nhỏ cao 716m, cao nhất trong các ngọn đồi ở núi Cấm. Nhờ độ cao này mà núi Cấm được xem là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long. Tương truyền, trước đây có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống nên gọi là Vồ Bồ Hong. Trên Vồ này có tượng thờ Ngọc Hoàng, hàng năm, rất đông người đến tham quan và chiêm bái.

Ngay bên dưới Vồ Bồ Hong là hang Ông Hổ. Theo người dân nơi đây cho biết, cái hang này trước kia có hổ trú ngụ nên có tên như vậy. Hiện nay rất ít người xuống hang vì đường đi khá hiểm trở.
Hồ cảnh quan Thủy Liêm trên đỉnh núi Cấm chìm trong sương sớm

Đến vồ Bò Hong thời điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “đạp gió cưỡi mây” vì gió luôn luôn rít mạnh, còn sương và mây bay là đà ngay dưới chân. Nhiều người khách du lịch còn thích thú bảo quang cảnh “nóc nhà” miền Tây trở nên hữu tình, lãng mạn không khác gì “thành phố ngàn thông” Đà Lạt hay “thị trấn trong sương” Sapa.


Chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm lờ mờ trong sương sớm

Những điểm tham quan tại Núi Cấm:
Vồ Thiên Tuế: Đây là một ngọn đồi nhỏ cao 541m. Trước kia, khu vực này có rất nhiều cây thiên tuế sinh sống, chúng mọc thành rừng. Tương truyền, Nguyễn Ánh, niên hiệu Gia Long (1802 -1819) đã từng đặt doanh trại ở đây để trốn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn, vì để đảm bảo an toàn cho nhà vua, lúc đó người ta gọi “trại” là Vồ, tức Vồ Thiên Tuế.

Vồ Đầu: Ngọn đồi nhỏ này cao 584m và là đỉnh cao đầu tiên ở núi Cấm tính từ phía bắc.

Vồ Bà: Ngọn đồi này cao 579m, có điện thờ Bà Chúa Xứ.

Vồ Ông Bướm: Ngọn đồi này cao 480m. Tương truyền trước kia có hai người Khmer tên Ông Bướm và Ông Vôi lưu lạc đến đây nên mới có tên là Vồ Ông Bướm. Vồ Bạch Tượng: Đây là một tảng đá lớn có hình giống con voi đứng uy nghi bên sườn núi.

Suối Thanh Long: Đây là con suối nước khoáng bắt nguồn từ lưng chừng núi.

Chùa Vạn Linh: Chùa tọa lạc trên một sườn núi, ở độ cao 550m, phía trước là hồ Thủy Liêm rộng lớn có sức chứa 60.000m3 nước, bao quanh cả khu vực này là rừng cây trái.

Vạn Linh cổ tự ban đầu chỉ là một cái am nhỏ trên diện tích 1ha. Quần thể chùa gồm một ngôi chánh điện thờ Phật Thích Ca, một ngọn tháp hình lục giác 7 tầng cao 30m, thờ nhiều vị Phật, một tháp có chiếc đại hồng chung và một tháp thờ Xá lợi Phật. Chùa được xây dựng lại vào năm 1995.

Tượng Phật Di Lặc: Ấn tượng nhất có lẽ là bức tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm cao 36m, nặng 600 tấn, có kinh phí xây dựng 3,5 tỉ đồng. Tại cuộc hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 8, vào dịp lễ Phật Đản tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), tượng đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) công nhận là pho tượng lớn nhất Việt Nam. Trong những ngày trời quang đãng, đứng từ xa, du khách đã có thể thấy tượng Phật Di Lặc uy nghiêm, sừng sững này.


Khu du lịch Lâm Viên - Núi Cấm: Khu du lịch này nằm dưới chân núi về phía đông, có diện tích khoảng 100ha. Nơi đây có các dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí đa dạng như: nhà hàng Kaolin - phục vụ các món ăn đặc sản vùng Tây Nam Bộ, đờn ca tài tử, sân chơi cho trẻ em...
Theo thongtindulichvietnam 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến