Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Tháp Chăm - những viên ngọc lung linh tỏa sáng trên đất Võ

Tháp Chăm Bình Định là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chămpa..Bình Định là địa phương thứ hai, sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta, với 8 cụm di tích tháp với 14 tháp rải ra trên địa giới ba huyện và một thành phố: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn. Niên đại của các tháp Chăm được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12,
tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót 1.000 năm.

Tháp Chăm được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn, Siva - tượng trưng cho sự hủy diệt. Người Chăm thờ thần Siva là chính. Tín ngưỡng này của người Chăm kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên tạo thành bản sắc trong đời sống tinh thần của họ.

Trong tổng thể của kiến trúc Chăm dàn trải trên các địa bàn miền trung, phong cách kiến trúc Chăm Bình Định luôn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Từ năm 1942, Ph. Stern đã xếp phong cách kiến trúc Bình Định nằm vào hàng thứ sáu trong bảy phong cách và là một trong những phong cách lớn kéo dài từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14.


Kiến trúc Tháp Chăm độc đáo
Tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và dung hòa được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Các tháp xây dựng từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 12 dưới thời vương quốc Chămpa trên các ngọn đồi thoáng gió. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm.


Trang trí nơi chân Tháp

Những đền tháp Chăm này được đặt trong sự gắn kết với cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm chính trị, kinh tế quân sự và tôn giáo cổ (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại). Trải qua hàng nghìn năm với chất liệu đất vẫn còn trường tồn là một bí ẩn và độc đáo mà chỉ có ở tháp Chăm.


Các nét kiến trúc khác lạ

Quần thể tháp Chăm ở Bình Định gần như còn nguyên vẹn, đa dạng và đạt những "kỷ lục" khu vực Đông Nam Á: tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn là tháp gạch cao nhất Đông Nam Á với tháp giữa cao 39 m (hai tháp hai bên cao 36 m). Và gần đây, năm 1997, mới phát hiện tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát. Đây là tháp gạch được xây ở vị trí cao nhất so với mực nước biển ở khu vực Đông Nam Á: 600 m.
Từ thành phố Quy Nhơn đi trong vòng bán kính 40 km, du khách có thể thăm hầu hết tháp Chăm nơi đây. Tháp đầu tiên trong hành trình khám phá là Tháp Đôi. Tọa lạc ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tháp được xây vào khoảng cuối thế kỷ 12, một lớn một nhỏ, đứng kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít. Đây là một cụm tháp vào loại độc đáo nhất của kiến trúc cổ Chăm bởi không giống với bất cứ một ngôi tháp Chăm nào khác. Tháp Đôi đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1980.

Tháp đôi "quấn quýt" như cặp vợ chồng
Khu tháp Bánh Ít nổi bật trên đỉnh đồi hướng đông, cách đường lộ 300 m. Bố cục các tháp ở đây khá độc đáo và điển hình trong kiến trúc Chămpa, đứng ở cửa mỗi tháp ta có thể quan sát tháp kia. Gọi là tháp Bánh Ít bởi vì khi đứng từ xa nhìn lại, cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai, một sản vật thường thấy trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp ở miền Trung.


Tháp Cánh Tiên nằm đơn độc cách quốc lộ 1A 500 m thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc ở vị trí theo truyền thống là trung tâm thành Đồ Bàn xưa, cách tháp 300 m là thành Hoàng Đế vang danh một thời. Nằm trên ngọn đồi lộng gió, quanh tháp mát mẻ nhờ những tán bạch đàn rủ bóng. Tháp Cánh Tiên mang phong cách Bình Định với vòm cửa hình mũi giáo nhọn, vách tháp đơn giản, khỏe khoắn, ít trang trí.



Cách ngôi cổ tự Thập Tháp Di Đà (An Nhơn, Bình Định) không xa, Tháp Phú Lốc nằm lẻ loi trên ngọn đồi cao 76 m so với mực nước biển ở xã Nhơn Thành. Bù cho nét kiến trúc bị thời gian phá hoại nhiều, cảnh quan chung quanh tháp rất đẹp và nên thơ.



Tháp Dương Long (Tây Sơn). Tháp Dương Long, niên đại thế kỷ XII, gồm ba tòa tháp cổ với chiều cao từ 29-36 m. Đây là cụm di tích được Bộ Văn hoá xếp hạng cùng lúc với tháp Đôi.


Tháp Bình Lâm (ở huyện Tuy Phước), một kiến trúc được cho là xưa nhất ở Bình Định. Bình Lâm mang vẻ đẹp phảng phất tinh thần cổ điển: hoàn thiện và trọn vẹn trong toàn thể cũng như trong từng chi tiết nhỏ. Năm 1995, ngọn tháp này cũng được xếp hạng di tích quốc gia.


Tháp Thủ Thiện (đầu thế kỷ XII, nay thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) tuy là một kiến trúc quy mô nhỏ, nhưng gây ấn tượng bằng các mảng khối lớn.

...........
Tháp Chăm Bình Định là nguồn cảm hứng của nhiều du khách đến thăm bởi sự hùng vĩ và trải qua hàng nghìn năm nó tồn tại một cách ngạo nghễ với thời gian. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong một lần đến thăm tháp Chăm Bình Định, suy nghĩ về sự đổi thay dâu bể của lịch sử và số phận của những người Chăm đã có cảm hứng:
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy!

Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần về thăm tháp Chăm Bình Định cũng đã lưu lại mấy câu thơ bất hủ:
Từ trời xanh
Rơi
Vài giọt tháp Chăm
Quanh Quy Nhơn
Tôi
Như đứa trẻ yêu huyền thoại .

Bình Định ngày nay, Vijaya xưa là vùng định đô của vương quốc Chămpa cổ từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Đây là giai đoạn phát triển văn hóa rực rỡ của Chămpa. Trên vùng đất này, văn hóa Chămpa đã để lại di tích khá đậm đặc với nhiều loại hình và số lượng phong phú, tiêu biểu trong số này là hệ thống các tháp Chăm ở Bình Định.

Tháp Chăm, những viên ngọc quý lung linh tỏa sáng trên vùng đất Bình Định đang trở thành di sản trong kiến trúc cổ Việt Nam, văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.
                                                                                                 Theo thongtindulichvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến