Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Làng Quan Họ cổ Viêm Xá - Tỉnh Bắc Ninh

Làng quan họ Viêm Xá (hay còn gọi là Diềm Xá) nay thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Làng có con sông Ngũ Huyện chảy vòng như dải lụa rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn đầu làng tạo nên một thế đất sơn thuỷ hữu tình.

Viêm Xá là làng quan họ gốc và thuỷ tổ của làn điệu dân ca ấy là đức vua Bà hiện đang được nhân dân thờ phụng tại ngôi đền cũng trên đất Viêm Xá. Ở đây, từ lòng đất đã tìm ra những di chỉ quý như lười rìu xén tinh xảo, lưỡi dao găm sắc ngọt, đốc cầm bình củ cầu kỳ, chuỗi hạt ngọc lưu ly huyền ảo.

Tại núi Quả Cảm còn tìm thấy các đồ dùng sinh hoạt của con người thời xưa như bát ăn, những khuyên tai màu xanh ngà, những chuỗi lưu ly màu xanh ngọc đã chứng tỏ tài thủ công và trình độ sống một thời của các cư dân từng ở đây.

Từ những dấu tích và huyền thoại, các nhà khoa học đã khẳng định nơi đây quần thể di tích có hệ thống khá dày đặc. Các di chỉ do kết quả khảo cổ đem lại càng khẳng định độ tuổi đến hơn 2000 năm của làng Viêm Xá cổ kính.

Nổi bật là khu đền Cùng (gồm điện thờ và Giếng Tiên) nằm ngay đầu làng dưới chân núi Kim Sơn, di tích đình làng Viêm Xá nằm ngay ở mặt tiền của làng có câu đối: "Thần linh dựng lên làng Diềm, trải qua các thời đại đều phong tặng ngang trời đất". Phía trước là hồ nước nay được xây kè, cống cẩn thận, được dùng làm nơi bơi thuyền hát quan họ trong ngày hội.

Đặc biệt là di tích đền vua Bà nằm cách đình làng vài trăm mét tuy không phải là kiến trúc đồ sộ nhưng lại là trung tâm của sự sùng kính, trân trọng không chỉ của nhân dân Viêm Xá mà cả vùng quan họ. Đền vua Bà là công trình kiến trúc cổ thời Lê có trang trí kiến trúc đắp nổi và chạm khắc đơn giản, song lưu giữ nhiều hiện vạt quý như tượng vua Bà, bài vị sắc phong, hoành phi câu đối, đồ tế khí vẫn còn khá đủ.

Hàng năm cứ đến ngày 7-12 âm lịch truyền rằng ngày vua Bà hạ giáng xuống Viêm Xá, dân làng mở hội để tưởng niệm vị thánh mẫu, mời bạn quan họ của làng về ca hát, đối đáp mở nhiều trò vui truyền thống trong đó đặc biệt có trò vui cướp cầu vốn tồn tại như một nghi lễ tín ngưỡng có liên quan trực tiếp tới sự may rủi của dân làng trong một năm sinh sống, làm ăn.

Khách thập phương đến đây đều có thể cảm nhận không khí linh thiêng, huyền thoại cổ xưa xen lẫn sự mộc mạc êm đềm, rất giàu tình cảm của những áng thư quan họ vùng Kinh Bắc. Hiếm có làng quan họ nào trong 49 làng quan họ trong vùng lại có tới 4 hội làng như ở Viêm Xá mà đặc biệt là hội vua Bà thu hút đông đảo nhất và dài ngày nhất.

Trong lễ hội, ngoài phần nghi lễ thì chủ yếu là hát quan họ với các hình thức ca hát bài bản nhất, lề lối nhất và vai trò của các nghệ nhân quan họ cũng chiếm phần đáng kể trong hát thời, hát cầu đảo.

Và có lẽ vì không khí quan họ thiêng liêng như vậy mà mặc dù không có những thuận lợi về giao thông, địa thế như Hội Lim nhưng hội hát quan họ Viêm Xá hàng năm vẫn duy trì sức thu hút tự nhiên đối vối phần lớn các làng quan họ trong vùng đến vui hát, thi hát như một nhu cầu tự thân đầy hứng khởi.

Người làng Viêm Xá tự hào về đất quê mình là cái nôi quan họ, qua bao mưa nắng, dãi dầu làng vẫn cố công gìn giữ ngôi đền Bà chúa quan họ giản dị nhưng quanh năm tấp nập. Chuyện kể rằng cô gái làng đẹp người, đẹp nết, đảm đang nghề canh cửi tên là Nhữ Nương. Một bữa ra ruộng hái dâu, gặp vua vi hành về chốn dân dã. Cô gái lấp ló trong bờ dâu, trên trời có đám mây vàng kết tụ, hát ghẹo :

"Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Bao nhiêu thảo mộc lại hàng chị đây"

Vua vì say câu hát, thương mến mời vào cung. Nhân dân trong làng tưởng nhớ người con gái đức hạnh có tài ca hát đã rủ học thuộc những bài ca của Bà và sau này chính là dân ca quan họ. Những bài hát mà Bà sáng tác khi ca lên không chỉ làm say mê lòng người, giúp trai gái yêu thương nhau mà còn làm mùa màng tốt tươi, cây cối đơm hoa kết trái. Ở Viêm Xá còn giữ bền những làn điệu quan họ cổ trong mỗi nếp nhà, trong nhiều nghệ nhân và trong lớp trẻ hôm nay. Làng còn là một trung tâm hội hát quan họ tiêu biểu của vùng quan họ Bắc Ninh.

Các thế hệ nghệ nhân quan họ của làng Viêm Xá luôn ý thức trong tâm khảm vốn mộc mạc, đằm thắm của mình cái sứ mạng tự nhiên là sống hết mình với dân ca quê hương, làm tất cả những gì có thể để bảo tồn và phát triển di sản quý báu đã trở thành tài sản chung của dân tộc.

Theo Dulichachau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến