Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Bãi Chồng, Hội An: Điểm du lịch lý tưởng

Bãi Chồng bây giờ đã là điểm du lịch sinh thái lý tưởng đối với nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam). Thế nhưng, ít ai biết rằng 11 năm trước nơi đây chỉ là một vùng biển đảo hoang sơ, vắng lặng.


Vẻ đẹp hoang sơ

Với diện tích 34.800m2, Bãi Chồng có bãi cát biển mịn vào loại bậc nhất trên Hòn Lao (1 trong 8 hòn đảo của Cù Lao Chàm), có thảm thực vật xanh mượt với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ núi cao và những hình đá kỳ thú gợi trí tưởng tượng phong phú.



Ẩn hiện bên những bãi tắm uốn lượn, cát trắng nước trong tuyệt đẹp là “những hòn đá được thời gian mài tròn, xếp chồng lên nhau” như biểu tượng âm-dương, chồng-vợ, làm cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây vô cùng thơ mộng, quyến rũ những người ham thú du ngoạn thưởng lãm cùng thiên nhiên…

Ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hội An, phụ trách khu du lịch Bãi Chồng nhớ lại: “Được lãnh đạo thị xã lúc bấy giờ khuyến khích và giao nhiệm vụ làm thử nghiệm mô hình “du lịch hoang dã” tại đây, chúng tôi rất lo lắng. Bãi Chồng hồi ấy vắng vẻ đến lạ lùng, chỉ có 3 hộ dân ở Bãi Làng lâu lâu ghé qua thăm rẫy chuối, vườn hoa màu theo mùa vụ mà họ khai phá trồng trọt.

Lần đầu đổ quân xuống phát quang, tổ chức bữa cơm trưa dã ngoại là một ngày trung tuần tháng 7/1999. Đó là ngày chúng tôi không thể nào quên…”.

Theo các nhân viên ở đây, những ngày đầu đón khách, do không có cầu cảng nên công việc này hết sức khó khăn; nhiều khi phải trung chuyển khách bằng thuyền nhỏ, thúng chai, thậm chí ban quản lý phải dự phòng bằng đường bộ nếu điều kiện thời tiết xấu. Cơ sở vật chất thì hầu như chẳng có gì, thiếu chỗ lưu trú, khu vệ sinh, nước sạch, điện thắp sáng, phương tiện, vật dụng cho du khách… đã vậy còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Có đêm trời mưa, cả khách lẫn nhân viên phải chuyển lên ngủ trên “thuyền văn hoá”.


Song, chính vẻ đẹp hoang dã với cảnh trời mây, biển núi, không gian thoáng đãng, kỳ vĩ của nơi này cùng những thú vui tắm mát, thưởng thức hải sản, lặn ngắm san hô… đã níu giữ bước chân du khách.

Lộ trình thích hợp

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Trung tâm VH-TT Hội An đã có những bước đi thích hợp, đánh thức được tiềm năng và thế mạnh của vùng du lịch hoang dã nơi biển đảo này. Hiện tại ở Bãi Chồng đã có 1 nhà nghỉ tập thể, 1 nhà đón tiếp, 2 khu nhà hàng, 3 khu nhà tắm-vệ sinh, nhiều nhà dù, nhà lều, võng… đủ năng lực đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 200 khách… Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong hơn 11 năm đạt trên 2 tỷ đồng.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, cho biết: “Công tác đầu tư được tính toán cẩn trọng trong điều kiện nguồn vốn có hạn, đặc biệt phải đáp ứng những vấn đề nan giải về giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng sinh học… mà vẫn đảm bảo những tiện ích cho du khách”.

Lộ trình đầu tư, theo giám đốc Võ Phùng, vì vậy cũng khá bài bản, công phu: đột phá là công tác vệ sinh nên khu nhà vệ sinh đầu tiên (xây năm 2000) được lợp, che bằng tranh tre và dừa để tham khảo các ý kiến đóng góp. Từ đó, các công trình xây sau được làm theo kiểu nhà sàn, bằng vật liệu gỗ, lợp lá gần gũi với môi trường tự nhiên. Hệ thống đường, điện, nước nội bộ… cũng được thiết kế phù hợp cảnh quan thiên nhiên kết hợp với cải tạo hồ nước, đường leo núi, điều chỉnh dòng suối, cầu qua kênh.

Hơn 11 năm “khởi đầu nan”, Khu du lịch sinh thái Bãi Chồng đã đón trên 60.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngoài ra còn có hơn 10.000 lượt khách đối ngoại các cấp đến tham quan, nghỉ mát. Đặc biệt, sau khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, từ tháng 6/2009 đến nay (trong thời điểm thuận lợi về thời tiết) lượng khách đến Cù Lao Chàm và tham quan Bãi Chồng tăng gấp đôi.

Tiềm năng khu du lịch hoang dã Bãi Chồng đã được đánh thức, nhưng để trở thành một điểm du lịch sinh thái biển-đảo lý tưởng ngay giữa lòng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An cần phải có sự vươn mình mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Theo Tamnhin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến