Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Bồng bềnh vui tết cơm đe

Xứ Mường bồng bềnh men rượu ngày tết và bát cơm đe nồng nàn nếp nương cùng Đỗ Hữu Lực chia sẻ nụ cười dí dỏm của một cán bộ ở Mường Rậm, nhiều người dân ở vùng này có ngày sinh tháng đẻ sau tết cơm đe chín tháng mười ngày.

Có anh bạn làm báo tỉnh hay ưa thích lang thang, bật mí cho tôi rằng nơi ấy người Mường không chỉ ăn tết Độc Lập (2.9), tết Nguyên đán và tết Khai hạ Mường Bi rầm rộ lôi cuốn cả các tỉnh Tây Bắc vào hội. Rồi anh cười khinh khích: “Chưa ăn tết cơm đe thì chưa hiểu hết tính cách Mường”. Tết ấy còn to hơn tết Nguyên đán và có cái tên khá lạ lùng, “tết cơm đe” của Mường Rậm nay là xã Lạc Thịnh (huyện Yên Thuỷ).
Đúng hẹn với anh, nhằm ngày 26.10 âm lịch, từ Hà Nội, tôi theo đại lộ Thăng Long trực chỉ thị trấn Xuân Mai, rồi từ đây bắt xe ôtô khách xuôi theo đường Hồ Chí Minh, hoá ra xứ Mường Rậm này nằm ngay cạnh con đường thiên lý này, đoạn giáp ranh với huyện Cẩm Thuỷ của xứ Thanh.

Cả làng nồng hơi men

Cụ Bùi Văn Piềng, 81 tuổi, ngụ ở thôn Sáu, xã Lạc Thịnh bảo mấy đứa cháu kéo bằng được hai chúng tôi về nhà chơi để ăn tết cơm đe. “Ngày tết này ở đây còn được gọi là cơm đoàn kết, bất cứ khách lạ vào làng, ai cũng được mời đánh chén tuốt, vào đây, vào đây các cháu”.

Cơm đe thực ra là cơm được làm từ gạo nếp hấp (đồ) lên sau đó trộn ủ với lá cây rừng gần giống như rượu nếp ở miền xuôi. Để có cơm đe, người dân ở đây phải làm trước đó từ sáu đến bảy ngày. Nét độc đáo của tết cơm đe là dùng nhiều đồ chay. Trên mâm cúng bao giờ cũng phải có quả đu đủ, quả mướp đồ lên, măng giang lấy ở rừng về đồ hoặc luộc chín cùng với món vừng rang, giã mịn nhưng không cho muối và bất kỳ gia vị nào khác.

Cụ Piềng cho hay, để có ngày tết cơm đe thật vui vẻ và rôm rả, ngay từ lúc canh tư gà gáy, cả làng đã rậm rịch trở dậy chuẩn bị đồ cúng và bày biện mâm cỗ cúng. Theo quan niệm của người Mường Rậm từ xa xưa, cúng cơm đe phải trước khi mặt trời mọc vì thời gian này là trong sạch, thanh thoát và linh thiêng nhất trong ngày. Mâm cúng được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn. Tuỳ áng chừng theo lượng khách sẽ qua lại nhà mình chúc tết mà gia chủ làm bao nhiêu mâm. Các thức ăn đều được bày trên một tàu lá chuối xanh. Khi mâm cúng đã được bày biện ngay ngắn, tất cả già trẻ, con cháu trong nhà phải mặc áo quần tề chỉnh ngồi nghe và xem một ông thầy mo có uy tín trong làng đến làm lễ với thời gian nhiều hay ít phụ thuộc vào việc gieo quẻ của ông thầy. Khi bài cúng kết thúc cũng là lúc các mâm cỗ được bưng ra và cả gia đình đều bắt đầu nhập tiệc.

Vì cơm đe… là cơm rượu nên cả làng từ đứa trẻ biết… ăn cơm đến cụ già răng rụng gần hết cũng đều được thưởng thức. Có hơi men nên cả làng cứ lâng lâng, bồng bềnh cảm giác. Gặp ai trên đường cũng thấy họ long lanh đôi mắt, nói cười râm ran vui vẻ.

Tết hoan lạc

Chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh Quách Hữu Mưu cười hồ hởi cho hay, đối với dân Mường Rậm thì tết cơm đe là to nhất, to hơn cả tết Nguyên đán bởi lẽ ngoài sự vui vẻ, đầm ấm thì tết này còn gắn đến nhiều điều linh thiêng mà những người dân tộc Mường đều công nhận, đó là trận mưa ngày 26.10 hàng năm.

Ông Mưu bảo: bây giờ là 11 giờ, chắc khoảng hơn một tiếng nữa, qua giờ ngọ chắc chắn vùng Mường Rậm này có mưa. Thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin, ông Mưu tủm tỉm: các chú cứ cạn thêm vài chung rượu nữa rồi xem, nếu không có mưa, tôi xin từ chức!”

Ngồi bên nhà sàn lộng gió, nhâm nhi chén rượu và… bát cơm đe cũng nồng nàn hương thơm của gạo nếp nương. Tự nhiên, chúng tôi thấy những làn gió lạnh khang khác rồi tiếp đến làn mưa bay như tiết mưa xuân. Thoáng cái, cả bầu trời Mường Rậm bao phủ một màu bàng bạc của nước.

Cụ Piềng cho biết, tích xưa ở Mường Rậm kể lại rằng từ xa xưa, có một vị tướng quân đi đánh giặc, trong lúc loạn lạc, vị tướng này bị lạc vào vùng Mường Rậm thì trời đã gần sáng ngày 26.10 âm lịch. Người mỏi, ngựa mệt do chạy nhiều ngày vì chưa ăn gì. Vị tướng vào một gia đình người Mường họ Bùi xin nghỉ lại. Trời lúc này chưa sáng, vả lại nhà họ Bùi nghèo nên chỉ đãi một bữa đạm bạc. Trong lúc đang ăn, chủ nhà mới nhớ là gia đình mấy hôm vừa rồi có ủ cơm đe để chuẩn bị nấu rượu cho tết Nguyên đán. Chủ nhà vội lấy ra cho tướng quân dùng tạm để lấy hơi men. Sáng hôm sau, trước khi tìm về triều đình, xúc động trước tấm lòng của gia đình người nông dân nghèo vùng Mường Rậm, được biết vùng này nghèo do bị hạn hán nhiều ngày. Tướng quân bảo gia đình lập đàn cầu mưa. Thật linh thiêng, sau khi tướng quân cúng xong thì trời đổ mưa khiến người dân vui mừng khôn xiết. Thế là từ đó cứ ngày 26.10, vùng đất Mường Rậm trời lại đổ mưa.

Chung vui tết cơm đe, vợ chồng, anh em bỏ hết tị hiềm, tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm và đồng cảm. Tết cơm đe cũng là nơi khởi đầu cho tình yêu đôi lứa, gặp nhau trên đường làng, các nam thanh nữ tú má đỏ hây hây vì cơm rượu đe.

Trước khi rời Mường Rậm, chúng tôi được anh Bùi Minh, cựu cán bộ tư pháp xã Lạc Thịnh bật mí tôi hay một chi tiết thú vị về tết cơm đe. Anh bảo, trong những năm anh làm cán bộ tư pháp, anh phát hiện ra một chi tiết khá thú vị là rất nhiều người dân ở vùng này có ngày, tháng sinh khá trùng nhau sau tết cơm đe khoảng chín tháng mười ngày. “Thì anh bảo, bồng bềnh trong men rượu như thế, niềm hoan lạc sẽ tăng lên gấp bội chưa từng thấy…”, anh Minh cười dí dỏm.

Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến