Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Bảo tàng Đồng Đình: “Khẩu vị” mới của không gian văn hóa Đà Nẵng


Sau 8 năm vừa tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vừa sưu tập bổ sung các hiện vật, ngày 28/1/2011, Bảo tàng Đồng Đình chính thức khai trương tại Rừng quốc gia Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.

Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng của miền Trung với kiến trúc như một khu nhà vườn trung du truyền thống xứ Quảng, mang dáng dấp đặc trưng không thể trộn lẫn bằng sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với không gian văn hóa nghệ thuật.
Khu vực thượng lưu suối Bụt, trên diện tích rộng gần 10 nghìn héc-ta có một loại cây họ cau có tên Đồng Đình (tên khoa học caryota mitislour) sống rất thịnh. Những cây này, vừa là nguyên thủy vừa được trồng thêm sẽ là điểm nhấn đầu tiên cho cảnh quan sinh thái chung. Cái tên Đồng Đình vô hình trung gợi lên một cảm giác có chiều sâu văn hóa, được lấy để đặt tên cho Bảo tàng.

Chủ dự án, NSƯT Đoàn Huy Giao cho hay, đây là công trình sử dụng tối đa lợi thế của địa hình tự nhiên, giới hạn tối thiểu sự phá vỡ hoặc làm biến dạng cảnh quan chung vốn là giá trị tự thân của quần thể địa lý khu vực Bán đảo Sơn Trà.

Vì nằm trên địa thế dốc đứng nên chủ đầu tư phải mở một con đường lát đá kiên cố, vừa chống sạt lở vừa làm chính đạo lên khu vực Bảo tàng. Cảnh quan được bảo lưu nhưng bố trí lại theo nghệ thuật sắp đặt để hài hòa với các công trình chức năng.
Xung quanh, các loại cây tạp được cải tạo để trồng thêm cây bản địa và cỏ tóc tiên tạo thành một lớp thảm xanh chủ đạo, 3 hồ nước tự tạo sẽ kết hợp với âm thanh của dòng suối Bụt róc rách tạo hiệu ứng sơn thủy hài hòa.

“Hai ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được sử dụng để trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến 2.500 năm.
Những hiện vật này đã được giám định, thuộc các nền văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chămpa, Trung Hoa và nhiều nền văn hóa khác trong khu vực”- NSƯT Đoàn Huy Giao cho biết.

Bộ sưu tập gốm cổ này được các chuyên gia đầu ngành đánh giá là có một số tiêu bản quý, lần đầu được tìm thấy ở Việt Nam. Điển hình là chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ XVI triều nhà Mạc.
Cạnh đó là Linga - Kosa bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu, các hiện vật trang sức bằng đá của văn hóa Sa Huỳnh cùng nhiều cổ vật gốm thuộc nền văn hóa Đại Việt và Trung Hoa từng được ngư dân tìm thấy giữa lòng biển Đông. Giá trị của các hiện vật này đã được đoàn chuyên gia khảo cổ học, đứng đầu là GS-TS Lưu Đình Tiêu (nguyên THứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin) đánh giá cao trong một chuyến tham quan mới đây.
Một nét độc đáo khác của Bảo tàng Đồng Đình được các chuyên gia kiến trúc và môi trường đánh giá, đó là ngôi nhà kiến trúc hiện đại theo phong cách nhà vườn đồi, có nền cao thấp khác nhau dựa vào địa thế nguyên thủy của khu đất.

Điều đặc biệt trong kết cấu kiến trúc công trình này là sử dụng các khối đá tự nhiên tại chỗ xâm nhập vào nội thất tạo hiệu ứng thẩm mỹ rất lạ trong phong cách kiến trúc hiện đại.
Tại đây sẽ được dùng để trưng bày bộ sưu tập về các tác phẩm tranh tượng nghệ thuật hiện đại. Trước mắt là tranh bột màu đen trắng của Đinh Ý Nhi, một trong những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Tiếp đó là tranh màu mặt nạ của họa sĩ Đặng Việt Triều -  một thể nghiệm độc đáo với sự kết hợp giữa hội họa và điêu khắc.
Một điểm nhấn khác để thay đổi “khẩu vị” của người xem là bộ sưu tập dân tộc học được sưu tầm từ các buôn làng dân tộc thiểu số khu vực miền Trung – Tây Nguyên trưng bày xen kẽ vào các công trình chức năng khác, tạo nên hiệu ứng tương thích với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Bộ sưu tập này là kết quả của những năm tháng mà chủ nhân của Bảo tàng đã lang thang làm phim tài liệu trên những vùng sơn nguyên bao la, dọc những buôn làng của Tây Nguyên rộng lớn.

Đó là chiếc trống bằng da voi của một thủ lĩnh Mơ Nông, là con thuyền độc mộc cùng chiếc cà ràng được tìm thấy từ dưới lòng sông Đồng Nai Thượng. Cả những công cụ và linh khí thuộc không gian văn hóa buôn làng của Tây Nguyên còn nhiều bí ẩn.

Trên diện tích rộng gần 10.000m2 còn có 1 lò nung gốm và nhà lưu trú dành cho các nghệ sĩ đến sáng tác, nhà sàn dùng cho việc bảo quản sách vở, tài liệu nghiên cứu và không gian riêng cho việc tổ chức trại sáng tác mỹ thuật, luân phiên trưng bày các tác phẩm trong và ngoài nước.
Có thể nói, sự thay đổi không gian đô thị rất nhanh như ở Đà Nẵng rõ ràng là rất cần có thêm các thiết chế văn hóa đa dạng và phong phú cho xứng tầm.

Mấy năm gần đây, chính quyền thành phố cũng dần có sự quan tâm đặc biệt đến đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ của người dân. Bên cạnh việc trùng tu, bảo tồn các đình làng, phục dựng lễ hội truyền thống..., sự xuất hiện của Bảo tàng Đồng Đình trên Bán đảo Sơn Trà như là một “khẩu vị” mới cho thị hiếu của người bản địa cũng như khách du lịch gần xa.

Theo CAĐN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến