Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Vượt đèo Chuối (Lâm Đồng): Thăm trạm Hươu và Lan

 

Nhắc đến Lâm Đồng, người ta thường nhắc đến hai con đèo lớn là đèo Bảo Lộc và đèo Preen. Nhưng nếu đi dọc cao nguyên này, bạn sẽ phát hiện vùng đất nhiều huyền thoại về tình yêu còn sở hữu nhiều ngọn đèo khác với những đặc trưng riêng biệt. Đèo Chuối là một trong số đó.

Nơi đây có tên đèo Chuối vì khi người dân kinh tế mới đến đây, ngọn đèo toàn chuối rừng - Con đèo quanh co chạy bên rừng núi xanh mát, cũng có những khúc cua gấp, nhưng lại đẹp như một sợi dây mềm mại. Còn loại chuối rừng này đã giúp người dân cải thiện bữa ăn trong những ngày đầu lập nghiệp.

Nói đèo Chuối khác với những ngọn đèo khác không sai, bởi nếu đèo Bảo Lộc nổi tiếng với 108 khúc cua gấp khúc, nguy hiểm, nổi tiếng với những vực sâu thăm thẳm, với những dẫy núi chập chùng nối tiếp nhau hay những vách đá mọc đầy hoa thạch thảo hút hồn du khách vào mùa mưa thì đèo Chuối lại mang một vẻ đẹp khác. Đèo Chuối vừa hao hao giống đèo Ngoạn Mục ở những khúc cua gấp như cùi chỏ, vừa lạ lẫm ở những đoạn đường tưởng như chạy thẳng vào núi đá rừng xanh, nhưng khi đến gần lại uốn cong như một chiếc dây mềm mại.

Nhưng cái lạnh của đèo Chuối cùng không khí tinh khiết đến không ngờ mới là điểm khác biệt của nơi đây. Cái lạnh không đủ khiến du khách khoác thêm tấm áo mỏng. mà chỉ hơi se se lạnh như ngầm báo đã đến cao nguyên. Cũng có khi cái lạnh như mời gọi du khách mở toang lồng ngực, hít đầy phổi không khí rất riêng của nơi đây để gột sách cái bụi bặm của thành phố, của chuyến đi cùng những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.

Địa hình heo hút, trắc trở, nên có một thời gian đèo Chuối khá nguy hiểm đối với người đi đường, nhất là đi xe máy. Nhưng gần đây, chính địa hình và không khí se lạnh của ngọn đèo này lại trở thành điểm hấp dẫn du khách. Sự ra đời và thành công của trạm dừng chân Hươu và Lan là một minh chứng.

Trạm Hươu và Lan sở hữu một vị trí khá đắc địa, là nơi du khách đặt những bước chân đầu tiên khi đến cao nguyên huyền thoại này. Đây cũng là nơi để những người khách ấy nán lại đôi phút trước khi tạm biệt vùng cao nguyên đầy gió, lên xe về lại thành phố với bề bộn công việc và cuộc sống.
Dù ghé khi lúc vừa đặt chân đến hay lưu luyến trước khi chia tay thì sau khi nhấp nháp ly cà phê Lâm Đồng, bạn sẽ đươc thoả sức lang thang trong khu trồng và trưng bày hàng trăm loại hoa phong lan, bất ngờ đến ngạc nhiên với những con đường hoa phong lan đẹp như tranh vẽ. Trạm dừng chân cũng là nơi trồng và bán hoa nên bạn có thể mua chậu ấy với giá khá rẻ, từ 70.000 đồng tới 170.000 đồng một chậu.
Rời khu vực trồng hoa lan, bạn sẽ đến với con thác đang ầm ầm đổ xuống từ thuợng nguồn, rồi trải dài mênh mang với những đường cong uốn lượn của dòng chảy.

Nước suối không sâu, ngọn thác cũng không cao lắm nhưng để đảm bảo an toàn cho khách, trạm không cho khách bơi lội trong dòng suối ấy. Tiến vào sâu hơn trong cái màu xanh của ngọn núi thấp thoáng phía sau, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà rông ẩn hiện trong sương, trong tán cây mang đậm hương sắc tây nguyên.
Sẽ là một sai sót lớn nếu cứ khám phá những nét độc đáo, đặc trưng của trạm dừng chân này mà không nhắc đến “nhân vật” thứ hai trên thương hiệu của trạm - những chú hươu lững thững đi dạo trong khu vực nuôi. Nếu đến nơi đây vào mùa xuân, khi những chiếc nhung hươu bắt đầu nhú thì bạn sẽ có cơ hội thưởng thước món rượu nhung hươu đại bổ. Giá 100 cc nhung hươu nguyên chất lên tới hơn 10 triệu đồng.
Trạm dừng chân Hươu và Lan nằm ở cuối đèo Chuối. Muốn đến đây, bạn có thể bắt tuyến xe đi Bảo Lộc hay Đà Lạt, hoặc du lịch bụi với xe máy. Bạn có thể ở lại đây vài ngày. Trạm dừng chân có nhà nghỉ khá tiện nghi, giá phòng từ 300.000 đồng tới 500.000.

Theo Denthan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến