Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Khu lăng mộ “vua săn voi” và ngôi nhà cổ

Khu lang mo vua san voi va ngoi nha co
Mộ Khunjunob (hình vuông) và mộ R"Leo (hình chóp) - Ảnh: H.Đ.N
Nói đến Bản Đôn (Đắk Lắk), người ta thường nghĩ đến những cuộc đua voi hoành tráng, những du khách ngồi nhấp nhô trên bành voi ngoạn cảnh, rồi bài hát Chú voi con ở Bản Đôn (của nhạc sĩ Phạm Tuyên) và cả những cuộc săn bắt voi rừng trong quá khứ. Thế thôi, chỉ voi và voi! Chưa hết, ở Bản Đôn còn có những chuyện kỳ thú khác liên quan đến... voi.
Huyền thoại "Vua săn voi"...
Khu lăng mộ nằm trong một khu rừng thưa ven con đường đất đỏ thuộc xã K"rông Na, huyện Buôn Đôn. Không phải ai muốn "nằm" ở đây cũng được mà phải có "tiêu chuẩn" đàng hoàng. Đó là khi còn sống, nhân vật này phải đạt tới đẳng cấp "Gru" (kiện tướng săn voi, phải săn được cỡ vài chục con voi rừng trở lên). Bởi thế nên khu lăng mộ này chỉ chôn cất khoảng vài chục "Gru" mà nổi bật (và nằm ở trung tâm) chính là mộ của "Vua săn voi" - Khunjunob.
Khunjunob tên thật là T"thu K"nul, sinh năm 1828 và mất năm 1938 (thọ 110 tuổi). Ông chính là người khai phá và sáng lập Buôn Đôn (Buôn Đôn hiện có đến 45 dân tộc sống cộng cư, trong đó có 3 dân tộc chính là Lào, Êđê và M"nông. Bản Đôn là cách gọi của người Lào còn người Êđê và M"nông thì gọi là Buôn Đôn). T"thu K"nul đã săn bắt được hơn 400 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng. Ông tặng con voi trắng này cho vua Xiêm (Thái Lan ngày nay) và được vua này phong là "Khunjunob" (vua săn voi). Từ đó dân Buôn Đôn gọi ông là "vua". Tuy "vua" thọ đến 110 tuổi nhưng khi "băng hà" lại chẳng có ai nối dõi. Một người cháu gọi ông bằng cậu tên là R"Leo (cũng là một "Gru") đã xây cho ông một ngôi mộ hình vuông rất bề thế. R"Leo cũng từng săn được một con bạch tượng và đem tặng vua Bảo Đại. Mộ của R"Leo hình tháp chóp (kiểu Campuchia) nằm bên cạnh mộ Khanjunob.
Một điều lạ, hai ngôi mộ này dáng vẻ bề thế, uy nghi nhưng lại để "mộc", không có những họa tiết trang trí rườm rà, sặc sỡ như những ngôi mộ chung quanh (đắp xi măng hình rồng trên nóc mộ, đắp tượng voi ở thân mộ, tạc tượng gỗ hình chim công phía trước mộ. Phía sau mộ là bia, nhiều mộ có cả ảnh, ghi tên tuổi chủ nhân ngôi mộ cộng với thành tích săn bắt được bao nhiêu voi rừng).
Ngôi nhà 124 năm
Đó là một ngôi nhà sàn nằm bên dòng sông Sérépok.
Thoạt nhìn nó cũng giống bao căn nhà khác của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nếu không được giới thiệu nó có đến 124 năm tuổi và là ngôi nhà độc đáo nhất Việt Nam.
Khu lang mo vua san voi va ngoi nha co
Căn nhà 124 tuổi - Ảnh: H.Đ.N
Trèo lên cầu thang, cởi giày dép bỏ bên ngoài rồi bước vào nhà. Việc đầu tiên bạn hãy đọc những thông tin về ngôi nhà từ những trang giấy dán rải rác trên vách. Xin chép nguyên văn tiêu đề:
VÀI NÉT VỀ CĂN NHÀ CỔ BẢN ĐÔN (Dịch từ Tư liệu gia phả nguyên bản tiếng Pali-Căm Pu Chia. Có tham khảo, đối chiếu bản dịch tiếng Thái Lan của Ahan Djong Chayjutt).
Người dịch là Khămg Puôn Keo mi ni - sinh viên Trường Kỹ thuật Hàng không Nha Trang (không ghi ngày tháng dịch). Theo bản dịch thì nhà được thiết kế theo kiến trúc chùa tháp của phong tục Lào-Thái. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là được làm hoàn toàn bằng gỗ (kể cả mái, mộng, đinh vít...). Nhà có 3 gian, 3 mái chóp nhọn. Được khởi công vào ngày 7.10.1883, hoàn thành ngày 19.2.1885 và cúng "tân gia" vào ngày 19.3.1885. Để hoàn thành ngôi nhà này cần đến 18 con voi đực được huy động vào việc khai thác và kéo gỗ. 14 thợ mộc lành nghề do ông Tha Vi Vông Khăm Sao (một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào) chịu trách nhiệm thiết kế và làm thợ cả.
Khu lang mo vua san voi va ngoi nha co
Ama Kông, cháu ngoại của Khunjunob - Ảnh: Tam Thái
Để lợp mái, người ta phải đẽo 8.726 miếng gỗ cà chít (2 cm x 12 cm x 35 cm) để làm ngói lợp, tốn khoảng 7,5 m3 gỗ. Giá trị của căn nhà tính vào thời điểm đó ngang với 12 con voi "có cặp ngà dài", quy đổi giá trị hiện nay mỗi con voi đực lớn giá khoảng 60-70 triệu đồng (chưa tính giá trị cặp ngà). Riêng cúng "tân gia" đã có 22 con trâu bị mổ thịt. Năm 1929 do nhà chung quanh bị cháy,
căn nhà được chuyển đến cách địa điểm cũ 1.000 mét. Năm 1954, cây me già đổ sập mất một gian nhưng do chiến tranh và nhiều lý do khác mà đến nay không thể khôi phục nguyên trạng. Hiện ngôi nhà vẫn chỉ còn 2 gian do Me Lĩnh (con gái của Ama Kông) trông coi.
Không biết chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ai nhưng Khunjunob đã mua (bằng voi) lại nhà này từ một bà dì. Khunjunob mất, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của Ama Kông (cháu ngoại của Khunjunob). Trên vách tường ngôi nhà này có treo nhiều ảnh Ama Kông trong những chuyến săn bắt voi. Ở giữa nhà treo một mâm đồng lớn, chạm trổ rất tinh xảo, đính kèm mảnh giấy: "Kỷ vật còn lại duy nhất của ông tổ săn voi, người đã khai sinh ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn. Mâm được dùng để cúng voi nhà trước khi xuất quân đi bắt voi rừng và cúng những chú voi con mới bắt được về (thủ tục nhập Buôn). Mâm được đưa từ Lào qua Việt Nam năm 1959". Bên cạnh mâm đồng là thanh kiếm do vua Bảo Đại tặng Ama Kông.
Bản thân Ama Kông cũng là một huyền thoại (năm nay ông 92 tuổi, hiện còn sống). Ông cũng từng được xưng tụng là "vua săn voi". Tên ông còn là thương hiệu của một loại rượu chế xuất từ dược thảo. Rượu Ama Công (Việt hóa chữ Kông) trị nhức mỏi, tăng lực cường dương được bày bán khắp Buôn Mê Thuột. Khách vào tham quan ngôi nhà cổ, Me Lĩnh bán thuốc ngâm rượu mỏi tay vì mua ở đây không lo... hàng giả ! Nghe nói nhờ thứ rượu này mà năm 82 tuổi Ama Kông còn đủ sức cưới một bà vợ 30 tuổi và vừa có thêm một đứa con đáng tuổi... chắt, chít của mình!
H.Đ.N
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến