Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Tùy bút Nhất Tự Sơn

 

Nhất Tự Sơn là một hòn đảo nằm trong vịnh Xuân Đài, thuộc xã Xuân Thọ, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Có người cho rằng: Núi đảo hình chữ “nhất”, người địa phương thì bảo: Trên núi có một ngôi chùa, có mộ bà Vãi. Hình chữ nhất thì đúng rồi – thiên nhiên dùng bút lông vạch ngang một đường trên nền biển xanh.

Diện tích đảo chừng năm hét ta, đỉnh núi chạy thẳng từ Bắc sang Nam , hai đầu vách núi hiểm trở, thẳng đứng. Trên lưng chừng núi có một ngôi mộ, không biết đã có từ bao giờ. Những ngày lễ tết, đôi khi rằm, dân cư trong vùng vẫn ra thắp hương, và đồn rằng ”còn có vết tích một ngôi chùa” – người dù có trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng khó hình dung đó là vết tích – Một tảng đá tương đối bằng phẳng, mỗi bề chừng 3m, một số đá nhỏ “giựt tam cấp”, nằm trên đỉnh phía Bắc - là ngôi chùa nên phải có Sư hoặc Vãi, và thế, hiển nhiên ngôi mộ của bà Vãi là hợp lý hơn.

Điểm đặc biệt của Nhất Tự Sơn mà không một nơi nào có được: Đường thiên nhiên… vượt biển ra đảo! Thật ra, Nhất Tự Sơn như một tấm bình phong nằm ngoài biển, cách bờ chừng 300m, che chắn sóng gió cho làng Mỹ Hải và Mỹ Thành. Tấm bình phong đảo tạo nên hai luồng sóng bên Bắc, bên Nam xô vào. Hai con sóng hai phương ập xéo đến thành “sóng chọi rồng”.

Từ tháng chín trở đi “sóng chọi rồng” trở nên kỳ vĩ, khởi đầu từ trong đất liền một cột sóng “ùn” lên, càng lúc càng lớn và cao, có thể tưởng đó như chiếc đầu rồng – con rồng sóng uốn éo trườn ra đảo, va vào gành đá hóa thân thành bụi nước tung mù trắng xóa.

Những “con rồng” ấy mang đá, cát đắp thành đường nối liền từ bờ ra đảo. Khi nước triều xuống, ẩn hiện một con đường, người dân có thể qua lại dễ dàng thậm chí có lúc đường đi hoàn toàn khô ráo.

Đảo như một khu vườn nguyên sinh. Sườn phía Tây bờ dốc thoai thoải, Bằng lăng, Trắc…mọc nhiều. Sườn bên Nam vách đá hiểm trở có vô số mai vàng, có những cội mai cổ thụ, thân sần sùi, khúc khủy, gân guốc, tháng năm chống chọi với gió bão.

Người dân trong vùng từ ngàn xưa luôn xem đảo như vị thần trấn giữ biển Đông, nên giữ gìn, bảo vệ dù một tảng đá, cành cây. Chỉ một cơn “áp thấp” ngoài khơi xa, sóng biển đã xô vào gành đá tung bụi nước trắng mù cao trên 3m. Mặt đảo hướng đông phong cảnh cực kỳ ngoạn mục. sự xâm thực của sóng, của bảo tố, gió biển mài mòn, khoét sâu vào lòng núi những hang động hun hút sâu, nhiều ngóc ngách, có thể chứa hàng trăm người. Thời chống Mỹ, hang Dơi là nơi trú ẩn của bộ đội và du kích địa phương. Muốn vào hang Dơi phải trầm mình xuống nước, lặn một hơi dài như ống “cổ cò”. Bên trong hang, ánh sáng nhờ nhờ từ những lỗ thông trên vách núi.

Mùng năm, ngày tết hoặc những ngày lễ lớn, khách từ Tuy Hòa, Quy Nhơn về đây rất đông để chiêm ngưỡng một cảnh quan thiên nhiên còn đang sơ khai.

Đứng từ xa nhìn về Nhất Tự Sơn, hai bên ghe, thuyền, lồng tôm hùm ken nhau san sát – du khách “đi” qua đảo trên con đường mấp mem sóng nước cứ ngỡ như đoàn người đang đi trên mặt biển...

Theo Yume

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến