Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Về Tuyên Quang thăm thác Bản Ba

Thác Bản Ba nằm ở giữa dãy núi Phiêng Khàng thuộc thôn Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá.

Khu vực danh thắng Bản Ba đa dạng về các kiểu hệ sinh thái rừng mà hệ động thực vật ở đây còn phong phú, đa dạng về thành phần loài và được phân bố trên 2 nền vật chất chính: Hệ động thực vật trên núi đá vôi và trên núi đất. Đến nơi đây, du khách không chỉ được khám phá hệ sinh thái phong phú của khu rừng nguyên sinh mà còn được tắm mình trong dòng thác Bản Ba đầy thơ mộng.

Thác Bản Ba được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa của vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất Feranit phát triển trên nền đá phiến sét. Thác được bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Khau Nhoi thuộc địa phận xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang với độ cao gần 1000m (so với mực nước biển) được đổ về cánh đồng Bản Ba phì nhiêu màu mỡ.

Dòng thác Bản Ba có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, tầng thứ hai gọi là Tát Cao và tầng thứ ba gọi là Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao khoảng 5m đến 7m và có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong xanh có tác dụng điều hoà và phân phối nước.

Hai bên dòng thác Bản Ba là những cánh rừng xanh đại ngàn trải dài như vô tận, với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, những thân dây leo cùng một thảm thực vật phong phú. Tất cả đã tạo cho cảnh quan của dòng thác Bản Ba một vẻ đẹp nguyên sơ và đầy thơ mộng.

Dưới chân thác là cánh đồng Bản Ba phì nhiêu màu mỡ, nơi có những nếp nhà sàn xinh xắn của đồng bào người Tày nằm ẩn mình dưới tán cọ. Đó là sự kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước, tất cả toát lên vẻ đẹp đầy chất thơ mộng. Nhìn từ xa, dòng thác Bản Ba trông giống như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa không gian của núi rừng đại ngàn.

Đến Bản Ba, du khách có thể tắm mình trong những vực nước trong xanh có độ sâu khoảng 3m, rộng khoảng 15m ngay dưới chân của các tầng thác, nghe tiếng chim rừng thánh thót ngân vang trong buổi chiều tà và mơ màng nghe chuyện kể về huyền thoại của dòng thác bạc với bao điều kỳ thú, hấp dẫn.

Tên thác Bản Ba gắn liền với tên địa danh làng xã, không biết có từ bao giờ chỉ biết từ khi có tên làng, tên xã là có tên thác Bản Ba. Thác Bản Ba được gắn với huyền thoại về một đôi trai gái từ nơi xa đến lập ra làng Lạc Bạn.
Truyền thuyết kể lại rằng: "Ngày xưa, có một đôi trai gái từ nơi xa đến đây sinh sống và lập ra làng Lạc Bạn. Ngày tháng trôi qua, làng Lạc Bạn ngày càng trở nên đông vui nhộn nhịp. Tại làng Lạc Bạn có một phong tục được duy trì và tổ chức hàng năm là cuộc thi thả bè nứa (lướt sóng bằng bè nứa) ở dòng nước nhỏ đổ từ trên núi cao xuống chân núi để thể hiện sự dũng mãnh của các chàng trai miền sơn cước.

Các gia đình trong làng đã cử người ra đứng dưới chân núi gõ mõ, sau 3 hồi gõ thì từng đôi thả bè nứa. Trong khi thả bè có rất nhiều người lao xuống vực sâu bị chết. Vì quá thương xót cho những người xấu số, những người còn sống đã than khóc suốt đêm ngày, nước mắt của họ đã hòa vào dòng nước tạo thành dòng thác lớn như ngày nay. Dòng thác lớn chảy suốt ngày đêm từ Lạc Bạn (nơi đầu ngọn thác) xuôi về tới Bản Ba thì đổ thành 3 tầng thác hùng vĩ, tiếng thác đổ nghe như tiếng khóc than của những người dân làng Lạc Bạn. Cũng từ đó, tục thi thả bè nứa ở làng Lạc Bạn bị mai một.

Bên cạnh truyền thuyết về đôi trai gái đến lập ra làng Lạc Bạn trong nhân gian còn lưu truyền về sự tích "cây dong Lá đỏ", câu chuyện kể rằng: Xưa kia, trong vùng chúa Cả Lượng người Tày có tài ba tướng mạo, cai quản dân làng, mang lại sự no ấm, hạnh phúc cho muôn dân. Chúa Cả Lượng thường đi tắm ở vực rồng (tiếng Tày là vằng Tạng), phía chân thác Bản Ba. Một hôm, đi tắm thấy có đám mây hồng và rồng thiêng xuất hiện, chúa Cả Lượng liền cưỡi lên mình rồng bay ngược dòng thác nước lên đến tầng thác trên cùng rồi rồng lặn xuống vực sâu (có tên là vực Linh), để lại Cả Lượng với các tiên nữ, các nàng tiên đang đánh cờ, chúa Cả Lượng liền ngồi xuống cùng đánh cờ với các tiên nữ; hai bên giao ước với nhau, nếu tiên thua sẽ ban cho Cả Lượng đôi hài ngàn dặm.

Đánh ván đầu tiên Cả Lượng thắng, chàng được tiên nữ ban cho một đôi hài ngàn dặm. Có đôi hài ngàn dặm, chúa Cả Lượng đã đi học ở kinh đô. Trong thời gian đi học, cứ đêm đến chúa Cả Lượng trốn về nhà ngủ với vợ, sáng sớm hôm sau lại có mặt tại kinh đô, nhiều lần như thế nhưng mẹ chúa Cả Lượng không hề hay biết. Một thời gian, vợ chúa Cả Lượng mang thai, mẹ chồng nghi ngờ con dâu không chung thuỷ. Để làm chứng cho sự thuỷ chung của mình, vợ chúa Cả Lượng đã giấu một chiếc hài ngàn dặm của chồng lén đưa cho mẹ. Sáng sớm, chúa Cả Lượng dậy không có hài đi học nên đã đắp giả một chiếc hài bằng đất sét.

Trên đường lên kinh đô phải lội qua con suối, khi lội qua suối chiếc hài làm bằng đất sét gặp nước vỡ tan ra. Vì tới trường muộn, chúa Cả Lượng bị nhà vua đuổi học. Cả Lượng tức giận chót nói lời bất nhã với nhà vua, bị vua sai quân thần đuổi theo chém giết, nhưng Cả Lượng vốn là người tài ba, có sức khoẻ phi thường, khi về đến bản làng nơi mình sinh ra, Cả Lượng bước lên nhà sàn hoá thân thành cây cột nhà, thấy vậy quân thần của nhà vua bèn đo tầm thước cây cột nhà ở vị trí ngang vai chúa Cả Lượng, lấy cưa cắt cây cột nhà; khi hoá thân lại thành người, Cả Lượng thấy mình bị cắt ngang cổ, máu chảy đầm đìa.

Cả Lượng tìm gặp mẹ liền hỏi: Nếu đầu lìa khỏi cổ có còn nối lại được nữa không? (Hua khát nhằng tó đảy bâu?), mẹ chúa Cả Lượng liền trả lời: Cây gẫy còn mọc mầm, đầu người đã lìa khỏi cổ thì không thể nối lại được (Mạy tắc nhằng óc nó; hua tó bấu pên cần). Chúa Cả Lượng hoá thân, máu chúa Cả Lượng hoá thành cây dong lá đỏ mọc khắp núi rừng (Khu vực xã Trung Hà và xã Hà Lang ngày nay, là địa phương duy nhất có loại cây dong lá đỏ). Cả Lượng là người có những phép lạ, cứu độ dân thế tiêu biểu trong vùng, được nhân dân tôn thờ làm Thành Hoàng làng và lập đình thờ phụng cho đến ngày nay.

Có thể nói, mỗi cảnh sắc, mỗi địa danh nơi đây, đều được gắn với một huyền thoại mang đậm sắc thái của cư dân miền núi. Mỗi tên sông, tên núi nơi đây đều mang trên mình tấm áo huyền thoại. Những truyền thuyết, sự tích đó được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đời nối tiếp đời đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống ở nơi đây.

Theo Hanhchinh.com, ảnh Otofun

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến